Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 30/01/2023 13:54:00 4314

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

30/01/2023 13:54:00

Nguyễn Thị Thúy - Hoàng Như Quỳnh

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

 

Phát triển bền vững (PTBV) là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia. Tại Hội nghị thượng đỉnh về PTBV năm 2015, Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về PTBV với mục tiêu chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên. Nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV1, trong đó đã đề ra 17 mục tiêu PTBV với 115 mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV Việt Nam đến năm 20302. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, cùng với những yếu tố mới trong đời sống xã hội đặt ra những thách thức lớn đối với mục tiêu PTBV của các nước trên toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng. Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước (NSNN) là yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động nhanh, khó dự báo của kinh tế thế giới, cũng như trước sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn.

Từ khóa: Huy động, sử dụng, nguồn lực tài chính công, bảo vệ môi trường (BVMT).

Sustainable development is an inevitable trend in the development process of all countries. At the Sustainable Development Summit 2015, the United Nations adopted the 2030 Agenda for Sustainable Development, which aims to end poverty, protect the planet and ensure that all people enjoy peace and prosperity by 2030 in each member country. In order to concretize the 2030 Agenda in Vietnam, the Prime Minister has issued the National Action Plan for the implementation of the 2030 Agenda for Sustainable Development, which has set out 17 sustainable development goals with 115 specific goals and roadmap for the implementation of such goals by 2030. In the context of large fluctuations in the world economy and new features of the society, there are considerable challenges to the sustainable development goals of countries around the world in general and of Vietnam in particular. Improving the efficiency of mobilizing and using financial resources from the state budget is an urgent requirement for strengthening the resilience of the economy when facing rapid and unpredictable fluctuations of the world economy, as well as changes in policies of major economies.

Keywords: Mobilization, use, public financial resources, environmental protection.

1. Cơ sở lý luận về huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Năm 2015, để thúc đẩy PTBV trên toàn cầu, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV, hướng đến việc chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, vì lợi ích chung của mọi người dân, cho thế hệ hôm nay và ngày mai. Chương trình nghị sự 2030 đề xuất phương pháp tiếp cận toàn diện, cân bằng và tích hợp các khía cạnh PTBV đối với các chiến lược phát triển. Trong đó, tập trung vào kết hợp và phát triển cân bằng ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Để thực hiện các mục tiêu PTBV, việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực có tầm quan trọng hàng đầu, nhất là nguồn lực tài chính. Theo Victor Gaspar và các cộng sự (2019), để thực hiện Chương trình nghị sự 2030 đòi hỏi phải chi thêm khoảng 0,5 nghìn tỷ USD đối với các nước đang phát triển và 2,1 nghìn tỷ đô la Mỹ đối với các nước mới nổi. Đây là những thách thức rất lớn đối với nhiều quốc gia trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030.

Trên thực tế, để thúc đẩy PTBV, việc khơi thông các nguồn lực trọng xã hội, hướng các nguồn lực tới các định hướng phát triển ưu tiên một cách hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng. Theo nghiên cứu của Junquera-Varela, Raul Felix và các cộng sự (2017), để đạt được các mục tiêu về PTBV cần hướng tới đồng thời các trụ cột: Trưởng kinh tế, phát triển xã hội (xóa đói giảm nghèo toàn cầu) và BVMT và để đạt được mục tiêu này cần phải có các phương thức tiếp cận nguồn lực phù hợp, trong đó huy động nguồn lực trong nước có vai trò rất quan trọng. Tương tự, nghiên cứu của các tác giả Gregory De Paepe, Tom Hart and Cathal Long (2017) trên cơ sở tổng hợp các phát hiện từ một số nước điển hình ở châu Á (các nước có thu nhập trung bình đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia) cũng đã xác định tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực trong nước thông qua cải cách hệ thống thuế để thực hiện các mục tiêu PTBV. Tiếp cận trên một phương diện khác, nghiên cứu của Koji Yamada (2016) cũng đã chỉ ra những thách thức mà thế giới đang phải đối diện trong giai đoạn từ sau năm 2015 và khẳng định với sự thay đổi và phát triển của tài chính toàn cầu hiện nay, nguồn thu nội địa đang dần trở thành nguồn tài chính quan trọng của mỗi quốc gia. Tiếp cận trên một phạm vi rộng hơn, nghiên cứu của Liên Hợp quốc (UN) thực hiện năm 2013 đã chỉ ra một số yêu cầu trong huy động các nguồn lực, đó là phải thực hiện mở rộng cơ sở thuế, tăng cường vai trò của thuế bảo vệ môi trường, áp dụng các chính sách ưu đãi thuế để thúc đẩy đầu tư phát triển và khơi thông nguồn tài chính tư nhân cho các mục tiêu về PTBV.

Ngoài ra, cũng có một số nghiên cứu về nguồn lực cho PTBV ở Việt Nam, như nghiên cứu của UNDP (2018), Chính phủ Việt Nam (2018) và Nguyễn Viết Lợi (2017). Trong đó, nghiên cứu của UNDP (2018) về “Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” đã cung cấp một đánh giá tổng quan về những thay đổi trong bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam. Nghiên cứu này cũng cho rằng để bảo đảm các nguồn tài chính công đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện thành công các mục tiêu PTBV, Việt Nam cần mở rộng diện thu thuế, tăng nguồn thu NSNN từ việc quản lý tốt hơn các tài sản nhà nước, đồng thời, cần nâng cao hiệu quả chi tiêu chính phủ và đầu tư công, quản lý hiệu quả nợ công. Báo cáo cũng chỉ ra mặc dù tổng nguồn lực tài chính cho phát triển ở Việt Nam (nguồn lực công và tư nhân, nguồn vốn quốc tế và vốn trong nước) đã gia tăng về số lượng, nguồn lực tài chính cho phát triển bình quân đầu người tăng từ 511 USD năm 2002 lên 1.226 USD năm 2015, nhưng vẫn còn thấp hơn mức bình quân của các nước ASEAN (1.937 USD/người). Bên cạnh đó, mặc dù nguồn thu NSNN được củng cố gần đây nhưng không ổn định và khó đáp ứng một cách bền vững các nghĩa vụ chi tiêu NSNN ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh của Việt Nam, việc khai thác có hiệu quả các loại hình nguồn lực này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Mọi nguồn lực là hữu hạn, do đó, cần đồng thời phải có các cơ chế, chính sách để đảm bảo phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động được. Theo đó, cần phải có những chính sách để định hướng, chuyển tải các nguồn lực của xã hội (đặc biệt là nguồn lực tài chính nhà nước) vào các ưu tiên về PTBV, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng, cung ứng các loại hình dịch vụ công cơ bản cho người dân, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, qua chính sách tài chính cần hình thành được các “động cơ”, “đòn bẩy” đối với các hoạt động tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế thông qua các chính sách về thu, chi NSNN…) để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế theo các định hướng ưu tiên gắn với PTBV. Đây là những thách thức chính sách không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn đối với rất nhiều các quốc gia đang phát triển khác. Trong đó, hoàn thiện các giải pháp về huy động, phân bổ và sử dụng các loại hình nguồn lực tài chính từ NSNN cho PTBV ở Việt Nam giai đoạn tới đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

2. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

2.1. Huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Việt Nam đã thực hiện cải cách mạnh mẽ khung pháp luật về tài chính công để khơi thông nguồn lực cho PTBV

Việc hoàn thiện hệ thống chính sách thu thời gian qua nhìn chung đều hướng đến việc thực hiện các mục tiêu trực tiếp hoặc gián tiếp về PTBV, điều này được thể hiện qua một số thước đo như: (i) Thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; (ii) Điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên và BVMT; (iii) Bảo đảm nguồn thu quan trọng và ổn định cho NSNN theo hướng bền vững hơn, nguồn thu thuế từ sản xuất - kinh doanh trong nước tăng dần và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN; (iv) Nâng cao hiệu quả quản lý thu NSNN. Hệ thống các luật về thuế, phí và lệ phí liên tục được rà soát, hoàn thiện và thực hiện theo lộ trình đề ra, đảm bảo minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên đã trở thành nguồn thu quan trọng của nhiều địa phương; trong đó, số thu NSNN từ đất tạo nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Các chính sách liên quan đến động viên nguồn lực từ tài nguyên, khoáng sản cũng được bổ sung và hoàn thiện, góp phần đảm bảo mục tiêu xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, thống nhất với các văn bản khác có liên quan, góp phần tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng, góp phần nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội và tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường.

Công tác huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước cho công cuộc phát triển kinh tế theo hướng bền vững

Phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) là một trong những kênh huy động nguồn vốn trong nước hiệu quả, đặc biệt là nguồn vốn trong trung và dài hạn cho NSNN. Công tác phát hành TPCP được gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành ở các kỳ hạn dài và đa dạng hóa nhà đầu tư, góp phần đảm bảo cân đối, tăng hiệu quả quản lý NSNN và quản lý nợ công.

Huy động nguồn vốn ODA: Chủ trương, chính sách về thu hút vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thay đổi của tình hình mới, yêu cầu phát triển và việc Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Vốn ODA đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội của các ngành và lĩnh vực; thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo; BVMT, chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ tăng trưởng xanh; tăng cường năng lực con người; phát triển công nghệ; nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển, cải cách hành chính...

Các nguồn lực khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực tài chính cho PTBV. Một số quỹ ngoài ngân sách như quỹ bảo vệ và phát triển rừng, quỹ dịch vụ viễn thông công ích, các quỹ tín dụng... góp phần BVMT và đảm bảo công bằng xã hội. Nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân sách chính sách xã hội đã đóng góp quan trọng cho xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, Việt Nam cũng đã ban hành quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon3, tạo khung pháp lý cho cơ chế thí điểm mua bán tín chỉ carbon, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

2.2. Sử dụng các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

[1] Các chính sách chi NSNN bám sát chủ trương, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tăng chi cho con người, chi phát triển hệ thống an sinh xã hội, chi phát triển lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ (KHCN), y tế... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế. Nguồn lực NSNN kết hợp với thu hút các nguồn vốn khác đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội.

Nguồn vốn đầu tư phát triển cũng đưa ra các ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực xã hội liên quan đến PTBV như kế hoạch đầu tư công trung hạn đã ưu tiên vốn đầu tư NSNN cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời, các ưu tiên đầu tư cho một số chương trình mục tiêu cũng đã được gắn với tiêu chí tăng trưởng xanh, PTBV4. Một số chương trình, dự án đã có sự phối hợp giữa các nguồn vốn NSNN, TPCP và các nguồn hỗ trợ nước ngoài khác để tăng cường hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh và tận dụng nguồn lực vốn hỗ trợ, đặc biệt là hoạt động kỹ thuật cho các chương trình dự án về BVMT, tiết kiệm năng lượng và năng lượng sạch.

Đối với một số nhiệm vụ chi cụ thể như chi NSNN cho sự nghiệp môi trường, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với định hướng “NSNN cần có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm đến năm 2006 đạt mức chi không dưới 1% tổng chi NSNN và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”. Theo đó, mức bố trí chi sự nghiệp môi trường hằng năm không thấp hơn 1% tổng chi NSNN (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương). Khoản kinh phí này nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ BVMT theo dự án, thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về BVMT; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về BVMT.

Về chi NSNN cho KHCN, với chủ trương phát triển KHCN và giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, các chính sách phát triển của Nhà nước luôn dành các chính sách ưu tiên cho phát triển KHCN, trong đó có các chính sách chi NSNN. Theo Luật NSNN năm 2015, một trong những nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương là chi sự nghiệp KHCN. Ở góc độ KHCN, Nhà nước bảo đảm chi cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hằng năm và ngân sách cho KHCN phải được ghi thành một mục chi riêng trong mục lục NSNN hằng năm của bộ, ngành, địa phương5.

[2] Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách chi NSNN nhằm hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp, ưu tiên nguồn lực cho việc phòng, chống Covid-19. NSNN tiếp tục được quản lý và điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên phân bổ cho phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) thông qua các chính sách hỗ trợ cơ sở y tế và các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ mua trang thiết bị y tế và vắc-xin phòng Covid-19. Chính phủ cũng đã thực hiện gói tín dụng ưu đãi với lãi suất ưu đãi 0% thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội6, giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 01/10 - 31/12/20217. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 với gói kích cầu nền kinh tế là 347 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng chi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế; đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ lãi suất cho vay 2% từ NSNN 40 nghìn tỷ đồng8 cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

3. Kết quả huy động và sử dụng nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

3.1. Huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước

Nguồn lực tài chính công ngày càng được tăng cường

Trong giai đoạn vừa qua, quy mô thu NSNN ngày càng được mở rộng, cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, góp phần đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV. Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 25,2% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW (20 - 21% GDP) và Nghị quyết số 25/2016/QH14 (23,5% GDP).

Mặc dù dưới tác động của dịch Covid-19, hoạt động kinh tế gặp nhiều khó khăn, cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đã nêu trên, nhưng kết quả thực hiện thu NSNN khá tích cực. Tổng thu NSNN năm 2021 đạt 1.568,4 nghìn tỷ đồng, vượt 16,8% (225,1 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,8% so với thực hiện năm 2020. Năm 2022, thu NSNN ước đạt 1.614,1 nghìn tỷ tăng 14,3% so với dự toán; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,2% GDP ước thực hiện, thu từ thuế, phí đạt 13,9% GDP.

Cơ cấu thu NSNN giai đoạn vừa qua cũng ngày càng bền vững hơn. Thu nội địa ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN9. Thu ngân sách được cơ cấu lại theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế là tăng dần tỷ trọng từ nguồn thu trong nước để bù đắp nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế và nguồn thu từ dầu do sự biến động của giá dầu thế giới. Cơ cấu thu theo sắc thuế có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với hệ thống thuế hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Theo phân cấp thu NSNN, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng, số địa phương tự cân đối được thu - chi ngân sách tăng lên.

Quy mô thu NSNN từ các khoản thu liên quan đến nhà, đất ở Việt Nam trong tổng thu NSNN có xu hướng tăng trong những năm qua. Với các nguồn thu này, ngân sách địa phương đã có điều kiện tốt hơn cho việc thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cung ứng cho người dân.

Số thu từ thuế tài nguyên trong giai đoạn 2016 - 2021 chiếm khoảng 2 - 2,7% tổng thu NSNN, đã góp phần ổn định nguồn thu thuế nội địa. Biểu thuế suất thuế tài nguyên hiện hành của Việt Nam đã thể hiện quan điểm khai thác tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế khai thác tài nguyên trong nước để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất trong nước và thực hiện dự trữ quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu PTBV.

Công tác huy động nguồn lực từ TPCP và ODA chủ động, hiệu quả, đạt nhiều điểm tích cực

Công tác phát hành TPCP đã khẳng định được vai trò là công cụ tái cơ cấu nợ công, giúp giảm tỷ trọng vay nước ngoài trong tổng nợ Chính phủ, lãi suất bình quân huy động giảm và kéo dài kỳ hạn phát hành bình quân, thông qua đó góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Trong năm 2022, thị trường TPCP vẫn duy trì phát triển ổn định, tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho NSNN.

Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp do tăng trưởng chưa phục hồi, nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài là cần thiết để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, then chốt của nền kinh tế, có tính lan tỏa và liên kết vùng, các chương trình và dự án đầu tư công được thực hiện trên nhiều địa bàn, đã tập trung ưu tiên ODA cho dự án đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, quy mô tương đối lớn, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghiệp, thông tin liên lạc, phát triển hạ tầng đô thị (giao thông đô thị, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường...).

3.2. Sử dụng nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước

Chi NSNN được kiểm soát trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần mức bội chi NSNN. Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.880,4 nghìn tỷ đồng, bằng 111,47% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ASXH và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn. Năm 2022, ước thực hiện chi NSNN đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với dự toán10.

Cơ cấu chi NSNN có nhiều điểm tích cực, ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư: Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trung bình giai đoạn 2016 - 2021 đạt khoảng 28,65% tổng chi NSNN (mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 là 25- 26%). Đây là nỗ lực lớn và kết quả quan trọng của công tác cơ cấu lại NSNN, đặc biệt là ngân sách trung ương còn khó khăn và các nhiệm vụ chi cải cách tiền lương và ASXH hằng năm vẫn tăng lớn. Hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng giáo dục và đào tạo, KHCN... tiếp tục được củng cố và phát triển, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Tỷ trọng chi thường xuyên giai đoạn 2016 - 2021 đạt khoảng 62,5% tổng chi theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14; bảo đảm kinh phí để thực hiện các chế độ, chính sách chi cho cán bộ, công chức, các chính sách ASXH... Chi NSNN kết hợp với các nguồn lực xã hội huy động được đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số... là nền tảng cho phát triển kinh tế và giải quyết đói nghèo, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ sự nghiệp công có nhiều cải thiện.

Thời gian qua, lãi suất phát hành bình quân giảm từ khoảng 6,7% trong năm 2016 xuống khoảng 2,3% vào năm 2021, kỳ hạn phát hành bình quân kéo dài từ 8,7 năm trong năm 2016 lên 13,9 năm vào năm 2021. Đến cuối năm 2021, nợ công giảm xuống khoảng 43,1% GDP, nợ chính phủ khoảng 39,1% GDP, trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn. Trong năm 2022, tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2022 đạt khoảng 619.492 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn vay trong nước lên tới 92%), thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Cơ cấu nợ chính phủ từ nợ trong nước tăng mạnh, chiếm 70%, chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm); nợ nước ngoài vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ước tính tỷ lệ nợ công/GDP đến cuối 2022 dự kiến ở mức 43 - 44%.

Trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn, cân đối chi NSNN cho sự nghiệp BVMT giai đoạn 2016 - 2021 luôn được bố trí ưu tiên hơn so với các lĩnh vực chi khác và đã đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối (Bảng 1); đảm bảo bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp BVMT theo Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22/02/2005 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bảng 1. Chi cho sự nghiệp BVMT, 2016 - 2020

Đơn vị: Tỷ đồng

 

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Chi sự nghiệp BVMT

12.407

13.533

14.781

16.234

16.733

Nguồn: Số liệu quyết toán Bộ Tài chính

Cùng với nhiệm vụ chi cho BVMT, chi cho KHCN cũng là một trong những nhiệm vụ chi quan trọng nhằm tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp, khuyến khích sáng chế phát minh; tăng đầu tư cho nghiên cứu và triển khai... Năm 2021, tổng chi sự nghiệp KHCN thực hiện các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 lần lượt là 9.440 tỷ đồng; 9.256 tỷ đồng; 11.111 tỷ đồng; 12.427 tỷ đồng; 11.886 tỷ đồng; năm 2021 ước thực hiện 10.763 tỷ đồng.

3.3. Một số thách thức đặt ra

Mặc dù việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính từ NSNN đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV. Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn tồn tại một số thách thức:

[1] Dư địa điều chỉnh chính sách để tăng thu NSNN ngày càng hạn chế. Cơ cấu thu chưa được cải thiện mạnh mẽ. Tỷ trọng huy động NSNN so với GDP có dấu hiệu giảm. Tỷ trọng thu ngân sách trung ương trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm nhanh. Số vượt thu NSNN những năm gần đây chủ yếu là các khoản thu thuộc nguồn thu ngân sách địa phương, các khoản thu không thường xuyên như các khoản thu nhà, đất, trong khi ngân sách trung ương gặp khó khăn.

[2] Kết quả cơ cấu lại đầu tư công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW còn hạn chế; phân bổ vốn đầu tư công còn dàn trải, giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Ước giải ngân 11 tháng năm 2022 vẫn chậm so yêu cầu; tỷ lệ giải ngân mới đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 63,86%).

[3] Chi phí huy động vốn vay có xu hướng tăng cùng với xu hướng tăng lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới (trong đó có Việt Nam) để đối phó với áp lực lạm phát. Bên cạnh đó, khi Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình, khả năng tiếp cận với vốn vay ODA có điều kiện ưu đãi giảm dần. Tỷ lệ cam kết vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giảm mạnh đặt ra thách thức lớn trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế cho vốn ODA trong thời gian tới.

[4] Mặc dù NSNN đã ưu tiên kinh phí để BVMT, tuy nhiên chưa thể bảo đảm đủ kinh phí giải quyết các vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, chi cho KHCN còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Chưa có quy định về khung số lượng và mức trần cho các nhiệm vụ nghiên cứu dẫn tới tình trạng bị vượt quá khả năng cân đối NSNN khi thực hiện; nguồn lực của các quỹ về KHCN làm nhiệm vụ vốn mồi chưa hiệu quả để thu hút đầu tư từ khu vực xã hội; còn chậm trong việc rà soát, đánh giá và cơ cấu lại về tổ chức KHCN và các Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia theo chỉ đạo, định hướng của Ban Bí thư tại Kết luận số 50-KL/TW.

4. Định hướng, giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững

Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV đã nêu rõ quan điểm: “PTBV là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia”. Về nguồn lực để thực hiện, Quyết định số 622/QĐ-TTg cũng đã nêu rõ: “Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động”.

Trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và đến năm 2030, Đảng đã đặt ra các định hướng về tài chính - NSNN cùng với các chủ trương, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, một số cân đối lớn về tài chính - NSNN như sau: (1) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; (2) Tỷ lệ huy động nguồn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15 - 16% GDP; đến năm 2025, nợ công không quá 60% GDP; (3) Bội chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP”; cùng với các định hướng lớn: “Đổi mới, xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý NSNN nhằm tăng cường hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính - NSNN gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Nghiên cứu, đổi mới phân cấp NSNN theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Xây dựng cơ chế quản lý tài chính cho các đô thị lớn. Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, đồng thời góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN”.  

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cụ thể: (1) Tổng thu NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85 - 86% tổng thu NSNN; (2) Tổng chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoàng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi NSNN; trong thực hiện phấn đấu đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; (3) Tỷ lệ bội chi NSNN giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP; (4) Bảo đảm an toàn nợ công: Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo: “Huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả tổng thể các nguồn lực, trong đó nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề ASXH”.

Cùng với đó, Chiến lược Tài chính đến năm 2030 khẳng định mục tiêu: “Xây dựng nền tài chính quốc gia PTBV, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và ASXH gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”.

Như vậy, việc thực hiện các mục tiêu PTBV đã được lồng ghép cùng với các giải pháp về huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính từ NSNN. Trong thời gian tới, với phương châm nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài là quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy PTBV, một số giải pháp tài chính đặt ra là:

(1) Hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN, góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. Hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn, các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế tốt. Nghiên cứu xây dựng mức thuế suất hợp lý, bảo đảm tính công bằng, trung lập của hệ thống chính sách thuế. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu. Rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế, loại bỏ các ưu đãi thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế, khoản thu. Thực hiện các giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo cân đối tài chính - NSNN.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thuế khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ mới, các công nghệ ưu tiên phát triển, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện các quy định về đất đai theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII và các chính sách thu ngân sách đối với tài sản, tài nguyên; có cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng.

(2) Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và PTBV. Nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, ưu tiên nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của Nhà nước phục vụ các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện vai trò dẫn dắt, vốn mồi của nguồn lực NSNN, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài NSNN để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại, xanh và thân thiện với môi trường. Tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển con người nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo nguồn lực tiếp tục thực hiện tốt chính sách ASXH, tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế và khả năng cân đối của NSNN. Nâng cao hiệu quả và nguồn lực chi NSNN cho BVMT và nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế cho phát triển KHCN, đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng NSNN cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Rà soát, lồng ghép nội dung các Chương trình KHCN cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng chỉ đạo, định hướng của Ban Bí thư tại Kết luận số 50-KL/TW. Thúc đẩy việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa; đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của các Quỹ KHCN quốc gia cho phát triển KHCN...

(3) Quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi NSNN, nợ công; cải thiện dư địa tài khóa, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia. Gắn kết chặt chẽ quản lý NSNN và nợ công với quản lý ngân quỹ nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Quản lý chặt chẽ bội chi, thực hiện nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN, chi được sử dụng cho đầu tư phát triển; chỉ vay trong khả năng trả nợ.

(4) Tổ chức huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển với chi phí - rủi ro hợp lý. Đổi mới nâng cao chất lượng huy động vốn vay; đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và nước ngoài với các kỳ hạn phù hợp, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của Chính phủ trong trung và dài hạn trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Đa dạng hóa các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, phát triển sản phẩm trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án BVMT phục vụ phát triển kinh tế bền vững.

Đổi mới cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm, có tính lan tỏa nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước. Ưu tiên huy động các nguồn vốn có thời gian vay dài, lãi suất thấp và có thành tố viện trợ không hoàn lại cao.

(5) Khơi thông nguồn lực, tiềm lực phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước gắn với việc thực hiện các mục tiêu về PTBV. Theo đó, cần tạo sự thuận lợi, tiết giảm chi phí cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo sự bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và đảm bảo tính minh bạch và ổn định. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí kinh doanh, nhất là các chi phí không chính thức, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, thực chất giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhà nước tập trung thực hiện có hiệu quả vai trò kiến tạo, xây dựng hệ thống động lực để hỗ trợ cho thị trường trong huy động nguồn lực.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2022), Huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính từ NSNN cho thực hiện các mục tiêu PTBV, Phiên họp toàn thể của Ủy ban về khoa học công nghệ.

2. Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (2022), Tài chính Việt Nam 2021 - 2022: Hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, Nhà xuất bản Tài chính.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 6 tháng 12/2022

 

 

  

 

*1 Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017.

*2 Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019.

*3 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

*4 Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch; chương trình mục tiêu xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích.

*5 Điều 49, Luật KHCN năm 2013 và các văn băn hướng dẫn cũng đã cụ thể hóa tỷ lệ chi NSNN, nội dung chi NSNN cho phát triển KHCN.

*6 Theo các nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020, 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và 126/NQ-CP ngày 08/10/2021.

*7 Theo Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 26/10/2021.

*8 Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022.

*9 Tỷ trọng trong cả giai đoạn 2011 - 2020 là 76,7% và năm 2021 đạt khoảng 83%.

*10 Bản ngân sách dành cho công dân 2023: Dự toán NSNN năm 2023 trình Quốc hội.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%