Nhận diện toàn cầu hóa và những cơ hội, thách thức đặt ra với Việt Nam

Nhận diện toàn cầu hóa và những cơ hội, thách thức đặt ra với Việt Nam 30/01/2023 10:17:00 107916

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nhận diện toàn cầu hóa và những cơ hội, thách thức đặt ra với Việt Nam

30/01/2023 10:17:00

TS. Nguyễn Quốc Trường

Viện Chiến lược phát triển

 

Thế giới vừa trải qua năm 2022 nhiều biến động và bước vào năm mới 2023 với một loạt thách thức, khó khăn. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra gay gắt, xu hướng quan hệ quốc tế thay đổi mạnh, kinh tế thế giới suy yếu, Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tác động sâu sắc đến mọi quốc gia và lĩnh vực đời sống, xã hội…, tiến trình toàn cầu hóa đang chững lại và có bước điều chỉnh đáng kể. Với Việt Nam, việc tham gia tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa tiếp tục đặt nước ta trước cơ hội phát triển và cả những thách thức kinh tế, đối ngoại, văn hóa, an ninh ngày càng gay gắt hơn. Do đó, nhận diện xu thế toàn cầu hóa có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển đất nước.

TOÀN CẦU HÓA VÀ SỰ THAM GIA CỦA VIỆT NAM

Theo nghĩa rộng, toàn cầu hóa là một hiện tượng, một quá trình, một xu thế liên kết trong quan hệ quốc tế làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về nhiều mặt của đời sống xã hội (từ kinh tế, chính trị, an ninh, văn hóa đến môi trường…) giữa các quốc gia. Theo nghĩa hẹp, toàn cầu hóa chỉ quá trình hình thành thị trường toàn cầu làm tăng sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế quốc gia. Có hai động lực chính thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, đó là: (i) việc dỡ bỏ các rào cản trong các hoạt động thương mại và đầu tư ở các lĩnh vực; (ii) sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ. Trong khi đó, khu vực hóa là sự liên kết giữa các quốc gia có những nét tương đồng về địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, có chung mục tiêu phát triển, nhằm cạnh tranh hiệu quả với các khu vực khác.

Đối với các quốc gia, toàn cầu hóa và khu vực hóa có tác động tích cực là tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy mở cửa thị trường; thúc đẩy tự do hóa thương mại đầu tư dịch vụ… Tuy nhiên, mặt tiêu cực là toàn cầu hóa, khu vực hóa khiến các quốc gia có nguy cơ suy giảm độc lập, tự chủ về kinh tế, suy giảm về quyền lực quốc gia; các ngành kinh tế trong nước bị cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa thị trường nội địa.

Những năm qua, cùng với nhận thức về toàn cầu hóa, khu vực hóa, Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế. Đại hội IX của Đảng đã đề ra chủ trương: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Tại Đại hội XII, một trong những nhiệm vụ tổng quát mà Đảng đề ra là: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”. Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương nêu trên và nhấn mạnh yêu cầu “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác”…

Từ Đại hội IX của Đảng đến nay, quan điểm của Đảng về “toàn cầu hóa” và “hội nhập quốc tế” ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng hoạch định chính sách hội nhập, phát triển đất nước. Trong tiến trình tham gia toàn cầu hóa, khu vực hóa, hội nhập quốc tế thời kỳ đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã từng bước lớn mạnh; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, độ mở nền kinh tế gia tăng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước…

NHẬN DIỆN BỐI CẢNH MỚI VÀ XU HƯỚNG TOÀN CẦU HÓA

Toàn cầu hóa, khu vực hóa đã diễn ra mạnh mẽ trong những thập kỷ vừa qua, đặc biệt kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Tiến trình này đang có sự điều chỉnh trong những năm gần đây và là xu thế không đảo ngược, còn tiếp diễn trong tương lai. Trong khoảng hai thập kỷ tới, toàn cầu hóa, khu vực hóa sẽ diễn ra trong bối cảnh mới với những nét đáng chú ý dưới đây:

- Hoà bình, hợp tác phát triển là xu thế lớn, nhưng các điểm nóng cạnh tranh, xung đột vẫn rất phức tạp, gay gắt. Tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, do tác động của đại dịch Covid-19 và các điểm nóng cạnh tranh, xung đột trên thế giới. Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ xung đột, bất ổn do một số nước đẩy mạnh thực hiện các yêu sách biển không phù hợp với luật pháp quốc tế. Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia trên toàn cầu. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.

- Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc diễn ra gay gắt, đặc biệt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, xu thế quan hệ quốc tế đang thay đổi theo hướng thế giới đa cực. Quan sát từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay có thể thấy, xu hướng quan hệ quốc tế đã chuyển từ “nhất siêu đa cường” (siêu cường Mỹ và các cường quốc chi phối quan hệ quốc tế) sang “đa cường nhất siêu” (các cường quốc cùng siêu cường Mỹ chi phối quan hệ quốc tế) và trong thập kỷ tới có khả năng phân tách thành “hai cực, một nhóm”. Theo đó, Mỹ, Trung Quốc có thể đứng đầu hai cực đối lập, hoặc có quan điểm khác nhau nhau trong một số lĩnh vực (công nghệ, tiền tệ, an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu…). Trong khi đó, một số nước, nhất là các cường quốc tầm trung, không muốn bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp, nên chọn lập trường không liên kết để tránh phải “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nước này sẽ tập hợp thành một “nhóm nước thứ 3” tương đối trung lập với Mỹ và Trung Quốc. Xu hướng quan hệ quốc tế nêu trên tác động sâu sắc đến tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, nhưng thế giới cũng không một lần nữa lâm vào Chiến tranh lạnh, do các quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, hiện đã phụ thuộc lẫn nhau quá lớn về kinh tế.

- Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0 tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội; làm thay đổi hoàn toàn cách con người tương tác lẫn nhau và tương tác với thế giới. Một số chuyên gia gọi thời kỳ CMCN 4.0 là thời đại “thế giới phẳng”, hay “ngôi làng toàn cầu”. Toàn bộ mạng sản xuất toàn cầu sẽ thay đổi theo hướng chuyển dịch dần từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang các nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ hơn. Đồng thời, một lượng lớn lao động sẽ bị thay thế bởi những robot và dây chuyền sản xuất tự động, chi phí lao động rẻ của mô hình gia công, lắp ráp ở các nước đang phát triển sẽ bị mất lợi thế, chuỗi giá trị toàn cầu được rút ngắn lại, các công đoạn ở tầng thấp nhất có thể sẽ biến mất. Theo đó, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức các quốc gia, doanh nghiệp và người dân trên toàn cầu hợp tác, kết nối với nhau và làm thay đổi các dòng chảy vốn đầu tư, thương mại trên quy mô toàn cầu.

Trước tình hình trên, tác giả dự báo một số nét đáng chú ý của toàn cầu hóa trong khoảng hai thập kỷ tới như sau:

Một là, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, vai trò, vị trí của các tổ chức quốc tế có sự điều chỉnh; thêm nhiều tổ chức khu vực, quốc tế mới sẽ ra đời. Từ diễn biến cạnh tranh nước lớn hiện nay, có thể dự báo, trong giai đoạn 2025-2045, các lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bao gồm: gia tăng ảnh hưởng tại một số khu vực, địa bàn chiến lược (Đông Nam Á, Nam Á…); hệ thống tài chính quốc tế; hệ thống thương mại quốc tế; lĩnh vực sản xuất; lĩnh vực công nghệ; lĩnh vực thông tin – truyền thông... Theo đó, toàn cầu hóa và khu vực hóa sẽ được điều chỉnh mạnh mẽ với sự ra đời của các hiệp định thương mại tự do (FTA), tổ chức quốc tế mới; hệ thống tiêu chuẩn mới; các sáng kiến hợp tác mới… mang tính loại trừ nhau giữa Mỹ và Trung Quốc (có Mỹ sẽ không có Trung Quốc và ngược lại). Trên thực tế, trong thời gian gần đây, xu hướng nêu trên đã xuất hiện. Chẳng hạn, quy định về xuất xứ hàng hóa trong một số FTA thế hệ mới đã ngầm loại bỏ ưu tiên đối với các hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước xu hướng nêu trên, các tổ chức, định chế tài chính do phương Tây thành lập và dẫn dắt, như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… sẽ đối mặt thách thức cạnh tranh mạnh mẽ từ các tổ chức, định chế tài chính mới do Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác thành lập để làm đối trọng. Bản thân một số tổ chức quốc tế từng có vai trò cực kỳ quan trọng dẫn dắt và thúc đẩy toàn cầu hóa (như WTO) cũng có nguy cơ đánh mất vai trò của mình, nếu không tái cơ cấu và thay đổi để thích nghi kịp với bối cảnh mới.

Hai là, tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa về kinh tế đã phát triển song hành với các cuộc cách mạng công nghệ trong nhiều thế kỷ và trong những năm tới vẫn luôn là một xu hướng không thể đảo ngược. CMCN 4.0 đã thay đổi toàn cầu hóa và dẫn tới sự ra đời của “Toàn cầu hóa 4.0”, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Những loại công nghệ mới vượt trội này đang giúp thu hẹp khoảng cách, xóa bỏ các rào cản về biên giới và tư tưởng, đồng thời đưa con người trên toàn thế giới đến gần nhau hơn. Tuy nhiên, toàn cầu hóa 4.0 cũng song hành với một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu về khoa học và công nghệ. Cũng trong bối cảnh mới nêu trên, các tập đoàn xuyên quốc gia, các cá nhân có ảnh hưởng khu vực và toàn cầu (các tỷ phú công nghệ; ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thể thao...) có khả năng chi phối mạnh mẽ hơn đến các vấn đề toàn cầu; thậm chí thách thức quyền lực của các chính phủ. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ sẽ buộc các chủ thể tham gia toàn cầu hóa, khu vực hóa, bao gồm: chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn xuyên quốc gia, doanh nghiệp phải thay đổi, điều chỉnh chính sách để thích ứng và không tụt hậu.

Ba là, toàn cầu hóa đang có dấu hiệu chững lại và sẽ có bước điều chỉnh đáng kể trong khoảng hai thập kỷ tới. Thậm chí, trong thời kỳ 2025-2045, toàn cầu hóa có thể sẽ có những “bước lùi” tại một số khu vực, lĩnh vực, do tác động từ cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn làm chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, đặc biệt là cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc. Thậm chí, một số chuyên gia còn bi quan cho rằng, quá trình toàn cầu hóa đã dừng lại trong thời gian gần đây, thay vào đó phi toàn cầu hóa đang diễn ra. Một biểu hiện cho thấy toàn cầu hóa kinh tế đang chững lại là trao đổi hàng hóa thương mại tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, nhu cầu sản xuất gần gũi hơn với người tiêu dùng; mức lương tăng ở các nước mới nổi và sự tập trung của các nhà sản xuất Trung Quốc, Mỹ nhiều hơn vào thị trường nội địa của họ; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở nhiều nước… cũng là những biểu hiện cho thấy toàn cầu hóa đang chững lại trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tiến trình toàn cầu hóa bị đảo ngược, mà nó sẽ trải qua giai đoạn điều chỉnh để tiếp tục phát triển trong những thập kỷ tới.

Bốn là, khu vực hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trái với xu thế toàn cầu hóa đang và tiếp sẽ chững lại trong tương lai gần, xu thế khu vực hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, ít nhất trong thời kỳ đến năm 2030. Các nguyên nhân của xu hướng này là: cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung bắt đầu bằng chiến tranh thương mại, diễn ra gay gắt kể từ năm 2018; đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhận thức của các nước về yêu cầu tự chủ kinh tế ngày càng cao; cuộc chiến giữa Nga - Ukraine với các lệnh trừng phạt gay gắt đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng các rủi ro về địa - chính trị trên phạm vi toàn cầu. Trước tình hình trên, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc cân bằng giữa hiệu quả đầu tư và các rủi ro đến từ an ninh khu vực. Do đó, các xu hướng “nearshoring” (chuyển sản xuất về gần) hay “reshoring” (thu về sản xuất trong nước) trong lĩnh vực đầu tư, sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ, đối lập với xu hướng “offshoring" (di chuyển dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp sang các quốc gia khác để tìm kiếm những điều kiện kinh doanh, sản xuất ưu đãi hơn).

CƠ HỘI, THÁCH THỨC ĐẶT RA VỚI VIỆT NAM

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang và sẽ thay đổi đáng kể như trên, tham gia tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, Việt Nam đứng trước một số cơ hội, thách thức chủ yếu đó là:

Những cơ hội phát triển

- Tham gia toàn cầu hóa, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực, phát triển kinh tế đất nước, nâng cao vị thế quốc gia. Chẳng hạn, tham gia các FTA giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu, gia tăng thu hút FDI, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế… Việc tham gia các sáng kiến hợp tác khu vực, toàn cầu như: Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Mê Công - Lan Thương (MLC), Vành đai và Con đường (BRI), Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)… giúp Việt Nam có cơ hội thuận lợi phát triển và kết nối các tuyến hành lang kinh tế xuyên biên giới, đối phó với thách thức biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tham gia toàn cầu hóa, Việt Nam có cơ hội tăng cường quan hệ với các nước lớn, nhất là các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong ASEAN; tham gia xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực...

- Tham gia tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa một cách tích cực, chủ động cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh quảng bá lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam ra thế giới; bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản thiên nhiên, công viên địa chất, công viên sinh thái, di sản văn hóa thế giới cả vật thể lẫn phi vật thể; khẳng định các giá trị xã hội và truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, bản sắc Việt Nam; tích cực tham gia sáng tạo các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, khoa học... Đồng thời, Việt Nam cũng có cơ hội tham gia xử lý các vấn đề nhân đạo trên trường quốc tế; tham gia đấu tranh với các hiện tượng, hoạt động phi văn hóa, phản văn hóa, chống lại nhân loại... Nói cách khác, ta có cơ hội phát huy “sức mạnh mềm” của đất nước và gia tăng sức cạnh tranh về “sức mạnh mềm” trên trường quốc tế.

- Cơ hội tiến nhanh, bắt kịp nhờ tận dụng động lực phát triển từ CMCN 4.0, và lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia để đạt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 đã được Đảng ta xác định là: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện thành công kế hoạch nêu trên giúp Việt Nam tham gia hiệu quả vào toàn cầu hóa 4.0, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trong các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới. Các FTA, sáng kiến hợp tác khu vực và toàn cầu mà Việt Nam tham gia, như: CPTPP, EVFTA, Kết nối ASEAN đến 2025 (MPAC)… sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, bao gồm: Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada… Đồng thời, FTA giúp thu hút mạnh mẽ FDI và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường của các nước đối tác. Ngoài ra, sức ép độc lập, tự chủ và sức ép cạnh tranh trong bối cảnh mới cũng buộc Việt Nam phải tăng tốc hơn trong số hóa nền kinh tế, phát triển công nghệ 5G, 6G; công nghiệp bán dẫn…

- Việc tích cực, chủ động tham gia toàn cầu hóa, khu vực hóa, hội nhập quốc tế, nhất là tham gia các FTA thế hệ mới còn tạo ra cơ hội quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình phát triển. Các FTA nói riêng, tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa nói chung, buộc Việt Nam phải điều chỉnh những luật lệ hiện tại để chúng hiệu quả hơn, minh bạch hơn và tiến bộ hơn, phù hợp hơn với các “sân chơi” chung của khu vực, toàn cầu. Những thay đổi nêu trên cũng sẽ tác động sâu sắc và buộc doanh nghiệp, người dân cũng như toàn nền kinh tế phải vận động, thay đổi, thích ứng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn.

Một số thách thức

- Thách thức “chọn bên” sẽ gia tăng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung diễn ra gay gắt, xu hướng tách rời giữa hai nền kinh tế đang dần hình thành. Các biểu hiện cụ thể như việc Trung Quốc đã triển khai Chiến lược tuần hoàn kép, trong đó coi trọng hơn thị trường trong nước; thúc đẩy các sáng kiến đối trọng với Mỹ trên toàn cầu như: BRI, An ninh toàn cầu, Phát triển toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ đã và đang nỗ lực hình thành các tổ chức, liên minh mang tính loại trừ, ngăn chặn Trung Quốc, nhất là về công nghệ… Xu hướng cạnh tranh nước lớn và các động thái như trên tác động sâu sắc đến toàn cầu hóa, khu vực hóa trong những thập kỷ tới. Điều này đặt ra thách thức “chọn bên” ngày càng lớn đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong tiến trình tham gia toàn cầu hóa, khu vực hóa.

- Nguy cơ phân hóa nội bộ và suy giảm vai trò của ASEAN tác động tiêu cực đến Việt Nam. Kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, ASEAN không ngừng lớn mạnh và được xem như trung tâm của hợp tác khu vực. Tuy nhiên, toàn cầu hóa, khu vực hóa trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ - Trung ngày càng nghiêm trọng và Đông Nam Á là một địa bàn cạnh tranh chiến lược của hai cường quốc này, nội bộ ASEAN có nguy cơ phân hóa thành hai nhóm nước “thân Trung Quốc” hoặc “thân Mỹ”. Một số diễn đàn của ASEAN có nguy cơ trở thành “sàn đấu” của Mỹ, Nhật Bản, Australia với Trung Quốc, Nga; vai trò “trung tâm” của ASEAN bị suy giảm nghiêm trọng và nội bộ bị phân hóa. Trong những năm qua, ASEAN luôn là điểm tựa quan trọng của Việt Nam trong đối ngoại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp, bất đồng khác. Bởi vậy, một khi ASEAN suy yếu và đánh mất vai trò trung tâm của hợp tác khu vực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam.

- Thách thức về độc lập, tự chủ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Trong tiến trình tham gia toàn cầu hóa, khu vực hóa, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế (với 17 FTA đã ký kết và đang đàm phán), hội nhập mạnh mẽ. Toàn cầu hóa, khu vực hóa đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới từ năm 2021, song đang và sẽ đặt ra những thách thức lớn về độc lập, tự chủ. Những năm tới, khi quy mô nền kinh tế gia tăng, nền kinh tế mở hơn khi các FTA có hiệu lực đầy đủ, Việt Nam sẽ kết nối và phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường thế giới, nhất là Mỹ, Trung Quốc. Các tác động tiêu cực từ bên ngoài gồm khủng hoảng kinh tế; giá dầu, lạm phát cao; dịch chuyển dòng vốn đầu tư… đối với kinh tế Việt Nam cũng sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Trong các thách thức độc lập, tự chủ những năm tới, thách thức tự chủ về công nghệ đặc biệt nghiêm trọng với Việt Nam và đây cũng là thách thức chung của các nước đang phát triển.

- Gia tăng các thách thức về văn hóa. Toàn cầu hóa, khu vực hóa những thập kỷ tới diễn ra trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng có vai trò lớn trong quảng bá văn hóa và cả trong “xâm lăng” văn hóa, lan tỏa các giá trị xã hội nhưng cũng làm xói mòn các giá trị xã hội. Truyền thông có thể phát huy “sức mạnh mềm”, nhưng cũng có thể dùng để hạn chế “sức mạnh mềm” của các quốc gia; phát triển ổn định xã hội và cả gây bất ổn xã hội... Với Việt Nam, các thách thức về đấu tranh quan điểm trên mặt trận truyền thông; thách thức bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng sẽ gia tăng.

Việt Nam cũng đối mặt nguy cơ tụt hậu và các thách thức phát triển khi tiến trình hội nhập, tham gia toàn cầu hóa, khu vực hóa của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế được dự báo không thuận lợi. Như đã phân tích ở trên, sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ là một trong hai động lực chính thúc đẩy toàn cầu hóa, khu vực hóa và trong những năm tới, quốc gia nào nắm lợi thế về công nghệ sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trong cạnh tranh phát triển. Việt Nam hiện là nước đang phát triển có trình độ công nghệ vào loại thấp so với khu vực và toàn cầu, nếu không có bước phát triển đột phá về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, thì sẽ tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những thập kỷ tới.

KẾT LUẬN

Từ bối cảnh và các nhận định, dự báo như trên, có thể thấy, tham gia toàn cầu hóa, khu vực hóa trong thời kỳ đến năm 2045, Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung đứng trước nhiều cơ hội phát triển, song cũng phải đối mặt không ít thách thức trên các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh, văn hóa. Để tận dụng được cơ hội, ứng phó hiệu quả với các thách thức, chúng ta cần tích cực, chủ động tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, khu vực hóa đang thay đổi cùng với những diễn biến khó lường của bối cảnh quốc tế. Bất luận tình hình diễn biến ra sao, cần kiên trì chủ trương “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”; đồng thời trong tiến trình hội nhập, cần thực hiện phương châm đối ngoại linh hoạt hơn và quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế./.

Theo https://kinhtevadubao.vn

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 10 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%