Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới

Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới 25/11/2022 16:58:00 655

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới

25/11/2022 16:58:00

Ngày 25/11/2022, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022 với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng. Diễn đàn có sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) - theo ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức và Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) trong Chiến lược Tài chính (CLTC) đến năm 2030 và các giải pháp tài chính - NSNN cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\Thứ trưởng VÕ thành hưng.jpg

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có sự tham gia của nguyên Thứ trưởng Thường trực Trần Xuân Hà; nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Ngoài ra, Diễn đàn đón nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học với sự hiện diện của khoảng 300 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; trường đại học khối kinh tế - tài chính; tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và thành phần khác liên quan; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế (IMF, WB, GIZ, ADB, UNICEF…); cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Bộ Tài chính đã xây dựng CLTC đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022. Mục tiêu tổng quát của CLTC đến năm 2030 là: “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”. Theo đó, Bộ Tài chính luôn quan tâm, chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN nhằm huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, góp phần củng cố các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\Ban Chu tri phien 1 OK.JPG

Ban Chủ trì phiên 1 (TS. Vũ Nhữ Thăng - Điều hành phiên)

Tuy nhiên, trong năm đầu thực hiện Chiến lược, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây sức ép lớn về y tế, kinh tế và trật tự xã hội làm nhu cầu chi NSNN nói chung, chi NSNN cho y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh tăng cao. Do đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội nhiều giải pháp chính sách về tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như: (i) Thực hiện miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN với tổng số tiền hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh khoảng 123,4 nghìn tỷ đồng (năm 2021) và thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khác với tổng số tiền hỗ trợ năm năm 2021 khoảng 123,4 nghìn tỷ đồng và 10 tháng đầu năm 2022 miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 43,3 nghìn tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu là 18,0 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế là 104,2 nghìn tỷ đồng để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh; (ii) Ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân; (iii) Tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước; (iv) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp.

Các giải pháp chính sách tài chính - NSNN được áp dụng trong năm 2021 và đặc biệt trong các năm 2022 - 2023 theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới hiện nay, tình hình thế giới và trong nước thay đổi nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Kinh tế Việt Nam tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng vẫn chịu áp lực lớn từ bên ngoài, có thể tác động xấu đến tăng trưởng, làm giảm nguồn thu và tăng chi NSNN. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; ứng phó biến đổi khí hậu và việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết trung ương, đặc biệt là Trung ương 5, 6 về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy các thế mạnh, huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\Ban Chu tri Phien 2 OK.jpg

Ban Chủ trì phiên 2 (TS. Cấn Văn Lực điều hành phiên)

TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau 2 năm đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó ngành Tài chính đã đạt được một số kết quả tích cực, như: Thể chế chính sách tài chính - NSNN được rà soát, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân; NSNN tiếp tục được quản lý và điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; NSNN tiếp tục được quản lý và điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên nguồn lực cho phòng chống dịch, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; Hình thành đồng bộ các loại thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Chủ động hội nhập quốc tế; đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế về tài chính; Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với một số rủi ro, thách thức như: Dư địa thực hiện chính sách tài khóa vẫn còn nhưng không còn lớn trong bối cảnh nhu cầu tăng chi ngân sách nhằm phục hồi kinh tế, đảm an sinh xã hội, phòng dịch và xóa đói giảm nghèo; Phân bổ vốn đầu tư công còn chậm; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm và không đạt tiến độ đề ra, số doanh nghiệp thua lỗ lớn, có nguy cơ mất vốn còn cao...

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\Nguyễn Như Quỳnh.jpg

TS. Nguyễn Như Quỳnh phát biểu tại Diễn đàn

Dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tiếp tục có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Do đó, để hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2030 cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm: Tập trung triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường sự bền vững nguồn lực cho NSNN cả về quy mô và cơ cấu thông qua tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, phí theo lộ trình đề ra; đấy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Chinh - Phó vụ trưởng, Phó trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, hệ thống chính sách thuế và quản lý thuế của Việt Nam hiện nay đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển, nhiều hoạt động kinh tế mới xuất hiện đòi hỏi hệ thống chính sách và quản lý thuế phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính sách thuế. Theo đó, Việt Nam cần có giải pháp cải cách quản lý thuế theo từng lĩnh vực cụ thể về thể chế quản lý thuế; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế và chế độ kế toán thuế; công tác thanh tra, kiểm tra thuế; giải quyết khiếu nại, tố cáo và tố tụng về thuế; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; phát triển công nghệ thông tin; cơ sở vật chất, hành chính và tài chính.

Nhấn mạnh về chính sách thuế hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp - trụ cột quan trọng cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam (Năm 2020: GDP tăng 2,12%; năm 2021: GDP tăng 1,42%, bình quân giai đoạn 2011 - 2019 là 6,01%). Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều giải pháp về tài khóa, trong đó có các giải pháp về thuế, để vừa ổn định nền kinh tế, vừa tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế đã được triển khai. Tuy nhiên, sự phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu còn chứa đựng nhiều rủi ro, bất ổn về kinh tế vĩ mô có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặt ra những thách thức mới trong việc động viên nguồn lực cho NSNN. Yêu cầu tăng cường hợp tác thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng được chú trọng và Việt Nam không thể ở ngoài xu thế này. Do đó, các giải pháp điều chỉnh về chính sách thuế trong thời gian tới đây cần tập trung vào cả những vấn đề ngắn hạn cũng như trung và dài hạn như: Xử lý được những vấn đề đặt ra trong ngắn hạn gắn với yêu cầu phục hồi kinh tế giai đoạn sau dịch Covid-19 và ứng phó với sự gia tăng của áp lực lạm phát, tình trạng bất ổn của kinh tế toàn cầu; đáp ứng yêu cầu có tính chất dài hạn gắn với việc củng cố, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững; chủ động tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách thuế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả việc triển khai hóa đơn điện tử.

Bàn về chính sách tài khóa phục vụ tăng trưởng kinh tế bền vững, bà DorsatI Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp (WB) cho biết, hầu hết các quốc gia phát triển đều có khung chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ. Việc huy động nguồn lực của Việt Nam thời gian qua đã tập trung vào cải cách nguồn thu. Bên cạnh đó, bà DorsatI Madani cũng gợi mở một số nguồn thu mới như thuế xanh, thuế bất động sản, cùng với đó việc cải cách chi (chi cho con người, tăng hiệu quả đầu tư…) nhằm hướng tới xanh hóa chính sách tài khóa, từ đó nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\Ảnh toàn cảnh.jpg

Toàn cảnh Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022

Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào cho biết, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2022 nhưng sẽ giảm trong 2023. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với một số rủi ro thách thức đến từ lạm phát kéo dài và tiếp tục tăng, đòi hỏi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt; dự phòng rủi ro tài sản xấu của ngân hàng giảm. Do đó, trong thời gian tới, CSTT tại Việt Nam cần tập trung ổn định giá, loại bỏ đánh đổi chính sách (tăng trưởng - lạm phát), ổn định tài chính, tăng cường khung chính sách tài khóa. Đồng thời, tăng cường cải cách trong trung hạn, cùng các nỗ lực trong hành động, đảm bảo tăng trưởng bao trùm, phát triển vốn con người, cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài những thách thức mà đại diện IMF nêu trên, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Việt Nam cần chú trọng nhận diện rủi ro và thách thức bên ngoài như rủi ro an ninh lương thực, năng lượng; rủi ro chuỗi cung ứng. Cùng với đó, các xu hướng tài chính xanh, tài chính số, biến đổi khí hậu… cũng là các vấn đề Việt Nam cần chú trọng, để từ đó giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý việc Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn thu; cơ cấu thu cần được đổi mới, việc phân bổ nguồn lực cần được tính toán phù hợp.

C:\Users\vuongnguyetminh\Desktop\a Luu niem 2 OK.jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Bàn về giải pháp đa dạng hóa nguồn thu, ông Nguyễn Xuân Thành - Trường Chính sách công và quản lý đại học Fulbright khuyến nghị, Việt Nam nên đẩy mạnh nguồn thu ngoài thuế thông qua thu từ cơ sở hạ tầng và tài sản công mà các địa phương đang quản lý. Do đó, việc số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài sản công ở địa phương sẽ tạo động lực để minh bạch hóa. Số hóa sẽ là cú hích để tạo sự minh bạch, mang lại nguồn thu bền vững cho các địa phương, từ đó cũng góp phần củng cố nguồn thu bền vững cho NSNN trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đánh giá cao và trân trọng các ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn, nhiều đề xuất giải pháp của các đại biểu tham dự có tính khả thi, có giá trị thực tiễn cao. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ những ý kiến, đề xuất của quý vị đại biểu tại Diễn đàn để có những đề xuất, tham mưu chính sách và điều hành trong thời gian tới với Chính phủ kịp thời, hiệu quả.

Chinh Nguyễn

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%