Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và giải pháp đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”

Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và giải pháp đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập” 21/10/2022 16:12:00 381

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và giải pháp đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”

21/10/2022 16:12:00

Sáng ngày 21/10/2022, tại Hà Nội, Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh nghiệm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giải pháp đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL)”. Hội thảo với sự tham dự của gần 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý đại diện các đơn vị thuộc các bộ, ngành (Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động và Thương binh xã hội); đại diện Lãnh đạo Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Tài chính; các Lãnh đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Bình, Tuyên Quang, An Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ngãi)...

Ban Chủ trì Hội thảo (TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính; ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ; bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp)

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính) cho biết, việc xây dựng đổi mới, sắp xếp bộ máy của Đảng và tổ chức trong hệ thống chính trị được Đảng ta rất quan tâm, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL. Thực hiện các Nghị quyết trên, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước đối với các đơn vị SNCL, đồng thời tổ chức rà soát các đơn vị hành chính, đơn vị SNCL thuộc ngành Tài chính đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy các đơn vị trong thời gian qua đều được sự đồng thuận từ các tổ chức, cá nhân tại các đơn vị được sắp xếp. Các đơn vị sau khi sắp xếp lại hoạt động có hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đã giải thể sau khi chuyển giao sang đơn vị khác vẫn đảm bảo được tiếp tục thực hiện, không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chung cũng như việc thực hiện dịch vụ sự nghiệp công của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính)

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Liên (Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính) nhấn mạnh, đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Tài chính đã bám sát mục tiêu cụ thể được đề ra. Theo đó, từ tháng 6/2017 - 30/6/2022, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm hơn 4.400 đầu mối đơn vị hành chính. Đồng thời, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ nhằm khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, đảm bảo mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một đầu mối đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện mục tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Trên cơ sở biên chế được giao, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giao biên chế cho các đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc không cào bằng với tỷ lệ giảm như nhau tại các đơn vị thuộc Bộ mà thực hiện trên cơ sở thực tế chức năng, nhiệm vụ, quy mô khối lượng công việc được giao, xác định vị trí việc làm và quá trình sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy của từng đơn vị gắn với thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị.

Đối với triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, qua quá trình sắp xếp, tổ chức lại, số các đơn vị SNCL thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính đã giảm 11 đơn vị, từ 37 đơn vị (năm 2015) xuống còn 26 đơn vị (chưa tính 4 ban quản lý dự án chuyên ngành) so với hiện nay (tương đương giảm 29% số lượng đơn vị SNCL) do đã tổ chức lại, giải thể. Bộ Tài chính cũng thực hiện giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) tại các đơn vị SNCL. Theo đó, đối với các đơn vị SNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị SNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, Bộ Tài chính đã cắt giảm theo lộ trình đảm bảo năm 2021 giảm 10% so với biên chế sự nghiệp giao cho các đơn vị SNCL nêu trên trong năm 2015. Đồng thời, tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN trong giai đoạn tới theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (năm 2022 giảm 2,07% so với năm 2021).

Bà Nguyễn Thị Mai Liên

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thùy Linh (Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua, các đơn vị SNCL đã chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính cho các hoạt động chuyên môn, bố trí hợp lý các khoản chi trong dự toán ngân sách được giao, áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, thu hút nhân tài, lao động giỏi đến nghiên cứu và làm việc, trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, phát triển đơn vị, tăng nguồn thu của đơn vị so với giai đoạn trước khi tự chủ, từ đó giảm gánh nặng cho NSNN. Bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị SNCL còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc thực hiện tự chủ tài chính nhìn chung còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, đặc biệt ở các địa phương; nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là NSNN cấp phát; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá; chưa thực sự đồng bộ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế với tự chủ về tài chính. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa chưa đủ mạnh; còn chạy theo số lượng mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Việc chuyển đổi đơn vị SNCL thành công ty cổ phần còn nhiều bất cập, lúng túng...

Nguyễn Thùy Linh cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trên là do: Số lượng đơn vị SNCL hiện nay là quá lớn (hơn 50 nghìn đơn vị; danh mục dịch vụ sự nghiệp công rất rộng); thu nhập của phần lớn người dân còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng chi trả; trong khi đó các hoạt động xã hội hóa dịch vụ công còn khó khăn do số cơ sở ngoài nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực này còn hạn chế, đặc biệt là ở những địa phương có điều kiện khó khăn... Ngoài ra, nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý còn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị SNCL. Công tác quy hoạch, sắp xếp lại đơn vị SNCL và làm rõ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN chưa được thực hiện tốt. Công tác thông tin, báo cáo chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc tổng kết, đánh giá thực hiện chưa kịp thời, đầy đủ và toàn diện.

Bà Nguyễn Thùy Linh

Bàn về giải pháp đối mới cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị SNCL và đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc để đảm bảo phù hợp với thực tế kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị và tiêu chí thành lập đơn vị theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hiện đại hóa ngành gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức về số lượng, chất lượng; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút, tuyển dụng nhân tài, tuyển dụng lãnh đạo; thực hiện luân phiên, luân chuyển gắn với bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quy hoạch lãnh đạo. Đặc biệt là cần đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ tài chính theo hướng tăng cường mức độ tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đối với các đơn vị SNCL.

Toàn cảnh Hội thảo

Tiếp thu các ý kiến, ông Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh, những vấn đề Hội thảo luận bàn hết sức cấp thiết và quan trọng, bổ sung thêm nhiều luận cứ khoa học, các ý kiến tham mưu, phản biện chính sách đối với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL. Hội thảo mở ra nhiều vấn đề, đồng thời cũng làm cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp và có những định hướng trong quá trình tiếp tục triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW trong thời gian tới.

Nguyễn Chinh

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%