Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng thủ đô Hà Nội

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng thủ đô Hà Nội 21/09/2022 14:23:00 11941

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng thủ đô Hà Nội

21/09/2022 14:23:00

Ngô Thắng Lợi1, Bùi Huy Cường2

 

Chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phản ánh cấu trúc bên trong của dòng vốn, hiệu quả và tác động của nó đến phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc địa phương tiếp nhận. Theo cách tiếp cận này, nhiều nghiên cứu đã đánh giá cao tác động tích cực của FDI đến phát triển vùng thủ đô Hà Nội, đồng thời cũng nêu ra những bất cập trên góc độ cấu trúc dòng vốn theo ngành và theo trình độ công nghệ. Để xác định được nguyên nhân của tình trạng trên, bài viết đã tiếp cận theo phương pháp nghiên cứu định lượng, kiểm định qua mô hình về các nhân tố tác động đến chất lượng dòng vốn FDI và đánh giá một cách đầy đủ tại vùng thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra một số khuyến nghị định hướng “mở” để thu hút được dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.

Từ khóa: FDI, chất lượng dòng vốn, vùng thủ đô Hà Nội.

 

The quality of foreign direct investment (FDI) flows reflects the internal structure of capital flows, its efficiency and impacts on the socio-economic development of the receiving country or locality. According to this approach, many studies have highly appreciated the positive impact of FDI on the development of Hanoi Capital Region, as well as pointed out the shortcomings in terms of capital flow structure by industry and by technological level. In order to determine the cause of the above situation, the paper has approached the quantitative research method, using the model on the factors affecting the quality of FDI inflows in Hanoi Capital Region in the period of 2011 - 2020. At the same time, the paper also proposes some recommendations to attract and enhance the quality of FDI inflows in the coming time.

Keywords: FDI, capital flow quality, Hanoi Capital Region.

 

1. Tổng quát về chất lượng dòng vốn FDI vào vùng thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2011 - 2020

Vùng thủ đô Hà Nội3 là vùng phát triển kinh tế tổng hợp; cũng là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia, có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng; là vùng phát triển kinh tế động lực của quốc gia, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước và thu hút lượng lớn dòng vốn FDI vào Việt Nam. Trong thời gian qua, vùng Thủ đô Hà Nội vẫn là khu vực thu hút được dòng vốn FDI khá lớn so với cả nước. Theo thống kê tình hình thu hút FDI từ các tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô Hà Nội, đã có 8.521 dự án FDI được cấp phép đầu tư vào vùng với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 85,3 tỷ USD, chiếm khoảng 38% về số dự án và 29% về số vốn đầu tư đăng ký so với cả nước (trong đó, thủ đô Hà Nội vẫn là địa phương dẫn đầu về số dự án FDI và vốn đầu tư đăng ký, Hòa Bình là địa phương có số dự án FDI và vốn đầu tư đăng ký thấp nhất vùng).

Trên khía cạnh chất lượng, dòng vốn FDI vào vùng thủ đô trong giai đoạn 2011 - 2020 đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng thủ đô như: (i) Tạo ra giá trị đóng góp vào GRDP, giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu cho tỉnh; (ii) Góp phần nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế các tỉnh vùng thủ đô; (iii) Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương; (iv) Đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương ngày càng lớn; (v) Có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác.

Tuy vậy, chất lượng dòng vốn FDI vào các tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô Hà Nội còn nhiều bất cập, nhất là về cấu trúc dòng vốn. Xét cấu trúc theo ngành, dòng vốn FDI chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm khoảng 67% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tỷ trọng vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp hay lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ còn hạn chế. Xét cấu trúc theo trình độ công nghệ, dòng vốn FDI trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng thủ đô chủ yếu là các dự án gia công, lắp ráp, có trình độ công nghệ thấp và chủ yếu đến từ các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN..., trong khi đó dòng vốn đến từ các nước G7 chỉ chiếm gần 16% tổng vốn đăng ký. Xét cấu trúc theo địa phương, dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào các tỉnh, thành phố có cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện, gần cảng biển, sân bay và đường quốc lộ chính như thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, trong khi đó các tỉnh còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, thu hút dòng vốn FDI còn thấp như Hòa Bình, Phú Thọ. Từ những hạn chế này có thể thấy cần có sự điều chỉnh về chính sách nhằm thu hút dòng vốn FDI có chất lượng với mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI trên cở sở đánh giá được các nhân tố tác động đến chất lượng dòng vốn FDI vào các tỉnh, thành phố vùng thủ đô Hà Nội trong thời gian qua.

2. Đánh giá các nhân tố tác động đến chất lượng dòng vốn FDI vào các tỉnh, thành phố vùng thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 2011 - 2020

Để nghiên cứu đánh giá các nhân tố tác động đến chất lượng dòng vốn FDI vào các tỉnh vùng thủ đô, bài viết sử dụng phương pháp định lượng.

2.1. Thiết kế phiếu khảo sát

Nghiên cứu thiết kế 2 mẫu phiếu khảo sát. Mục đích sử dụng 2 mẫu phiếu cho 2 nhóm đối tượng khảo sát là: Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố vùng thủ đô; các chuyên gia trong việc quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI. Điểm chung của 2 loại phiếu được xây dựng gồm 3 phần:

(i) Phần 1 là thông tin chung liên quan đến doanh nghiệp FDI phục vụ cho công tác thống kê mô tả (tên doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, địa bàn hoạt động, quốc gia đầu tư, ngành nghề đầu tư).

(ii) Phần 2 được thiết kế nhằm thu thập ý kiến đánh giá của doanh nghiệp FDI về chất lượng dòng vốn FDI (bao gồm cấu trúc dòng vốn và đóng góp của dòng vốn FDI như mức tăng vốn đầu tư, năng suất lao động, trình độ công nghệ, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước…).

(iii) Phần 3 được thiết kế nhằm thu thập ý kiến đánh giá của doanh nghiệp FDI về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn FDI (bao gồm vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông, trình độ lao động, các ngành dịch vụ hỗ trợ, chiến lược thu hút đầu tư của địa phương, mức độ cạnh tranh, cơ chế chính sách…).

Ba loại thang đo được sử dụng trong nghiên cứu này là thang đo định danh, thang đo thứ tự và thang đo quãng. Theo đó, dạng thang đo định danh nhằm mô tả đặc điểm mẫu (loại hình, địa bàn, ngành nghề kinh doanh…), dạng thang đo thứ tự nhằm sắp xếp đặc điểm mẫu (thời gian hoạt động, quy mô doanh nghiệp, vốn đầu tư…), dạng thang đo quãng Likert năm điểm dùng để đo lường mức độ đồng ý của đối tượng nghiên cứu, biến thiên từ hoàn toàn không đồng ý đến hoàn toàn đồng ý4.

Xác định khoảng đo bằng cách xác định giá trị khoảng như sau:

Giá trị khoảng cách = (Maximum - Minimum)/n = (5 - 1)/5 = 0,866

Bảng 1. Kết quả xác định khoảng đo

 

STT

Khoảng đo

Mức đánh giá

1

1,00 - 1,80

Rất kém

2

1,81 - 2,60

Kém

3

2,61 - 3,40

Trung bình

4

3,41 - 4,20

Tốt

5

4,21 - 5,00

Rất tốt

2.2. Phương pháp và thời gian khảo sát

Để đảm bảo tỷ lệ hồi đáp cao, quá trình điều tra được tiến hành kết hợp phỏng vấn trực tiếp và phỏng vấn online. Tất cả buổi phỏng vấn đều liên hệ trước với đối tượng điều tra nhằm gửi phiếu điều tra trước khi tới trao đổi và thu hồi phiếu. Thời gian tiến hành điều tra chính thức từ ngày 01/3/2022 đến 30/4/2022.

2.3. Phương pháp xử lý, tổng hợp và phân tích thông tin

Các nguồn thông tin sau khi được thu thập sẽ được phân tích, tổng hợp trên phần mềm SPSS 26.0. Các phương pháp khác nhau được sử dụng để phân tích thông tin thu thập được.

Phương pháp thống kê mô tả

Thống kê mô tả là phương pháp liên quan đến việc thu thập số liệu, tóm tắt, trình bày, tính toán và mô tả các đặc trưng khác nhau để phản ánh một cách tổng quát đối tượng nghiên cứu. Phương pháp này được sử dụng để mô tả các thuộc tính của mẫu điều tra như: Đối tượng trả lời phỏng vấn, đặc điểm của doanh nghiệp (ngành nghề kinh doanh, quy mô, vốn, lao động...), thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn FDI. Các kỹ thuật cơ bản được tác giả sử dụng như biểu diễn dữ liệu bằng các đồ thị mô tả dữ liệu hoặc giúp so sánh dữ liệu, biểu diễn dữ liệu thành các bảng số liệu tóm tắt.

Phương pháp so sánh

Phương pháp này được dùng để so sánh quy mô dòng vốn, các quốc gia đầu tư, ngành lĩnh vực đầu tư, trình độ công nghệ cũng như so sánh về mức độ đồng ý đối với các câu hỏi trong điều tra sơ cấp...

Phương pháp phân tích nhân tố khám phá

Vấn đề nghiên cứu được xác định là các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn FDI. Mô hình được kiểm định gồm có 6 biến độc lập như đã đề cập tại chương 2. Sau khi thu thập số liệu, dữ liệu sẽ được mã hóa và xử lý thông qua phần mềm xử lý thống kê SPSS 26.0.

Độ tin cậy của các thang đo được đánh giá thông qua hệ số Cronbach Alpha và hệ số tương quan biến tổng. Tiêu chuẩn chọn thang đo khi hệ số Cronbach’s Alpha từ 0,6 trở lên (Nunnally & Burnstein, 1994). Do đó, hệ số này càng cao, sự tương quan của biến với các biến khác trong nhóm càng cao. Theo Nunally & Burnstein (1994) thì các biến có hệ số tương quan biến tổng < 0,3 sẽ bị loại ra khỏi thang đo.

Sau khi loại các biến không phù hợp thì phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) với phương pháp Principal Component với phép xoay vuông góc Varimax được sử dụng đối với các biến còn lại. Theo Hair và các cộng sự (1998), Factor loading là chỉ tiêu để đảm bảo mức ý nghĩa thiết thực của EFA (ensuring practical significance). Factor loading ≥ 0,5 được xem là có ý nghĩa thực tiễn. KMO là một chỉ tiêu dùng để xem xét sự thích hợp của EFA. Nếu 0,5 ≤ KMO ≤ 1 thì phân tích nhân tố là thích hợp. Nếu kiểm định KMO và Bartlett có ý nghĩa thống kê (Sig < 0,05) thì các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Tổng phương sai trích cho mô hình đạt yêu cầu có giá trị tối thiểu là 50% (Gerbing và Anderson, 1988).

Phân tích hồi quy

Quá trình phân tích hồi quy được thực hiện qua nhiều bước.

(i) Bước 1: Kiểm tra tương quan giữa các biến độc lập với nhau thông qua ma trận hệ số tương quan. Theo đó, điều kiện để phân tích hồi quy là các biến độc lập phải không có tương quan cao hay đa cộng tuyến. Theo John và Benet - Martinez (2000), khi hệ số tương quan giữa các biến độc lập < 0,85 thì có khả năng đảm bảo giá trị phân biệt giữa các biến. Nghĩa là, nếu hệ số tương quan > 0,85 thì cần xem xét vai trò của các biến độc lập, vì có thể xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến (một biến độc lập này có được giải thích bằng một biến khác).

(ii) Bước 2: Phân tích hồi quy. Nghiên cứu thực hiện hồi quy đa biến và hồi quy Binary Logistic theo phương pháp Enter, với mức ý nghĩa 5%, theo đó, tất cả các biến được đưa vào một lần và xem xét các kết quả thống kê liên quan.

Như vậy, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn FDI có 6 nhân tố gồm: Vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng giao thông; trình độ công nghệ, máy móc thiết bị và trình độ lao động; các ngành dịch vụ hỗ trợ (ngân hàng, điện, nước, viễn thông); chiến lược thu hút FDI của các địa phương; mức độ cạnh tranh; Cơ chế chính sách và cơ hội kinh doanh. Để lựa chọn các yếu tố đưa vào mô hình nghiên cứu hồi quy tuyến tính đa biến để kiểm định sự ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng dòng vốn FDI, những biến có thang đo định danh và thang đo thứ bậc sẽ không đưa vào mô hình như biến độc lập. Các biến thuộc yếu tố bên trong như loại hình doanh nghiệp, địa bàn hoạt động, ngành nghề kinh doanh, quốc gia đầu tư sẽ là những biến kiểm soát và mục đích để kiểm định sự khác biệt trong chất lượng dòng vốn FDI.

Trên cơ sở kế thừa các dòng lịch sử nghiên cứu trước đây (thang đo của Nguyễn Đức Nhuận, 2017 và Cao Tấn Huy, 2019) và kết quả của thảo luận nhóm có trọng tâm, hệ thống thang đo lường các biến độc lập và biến phụ thuộc được xây dựng theo phụ lục 1.

2.4. Chọn mẫu nghiên cứu

Địa điểm nghiên cứucác tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô. Với 10 địa bàn được lựa chọn nghiên cứu và biết được chính xác số lượng phần tử của tổng thể được thỏa mãn, do đó, mẫu khảo sát được lựa chọn theo công thức Slovin (1960). Công thức cụ thể như sau: =(1+N.e2). Trong đó: n là số mẫu cần điều tra, e là giới hạn sai số chọn mẫu (0,05), N là Số đơn vị tổng thể.

Kích thước mẫu áp dụng trong nghiên cứu được dựa theo yêu cầu của phân tích nhân tố khám phá EFA và hồi quy đa biến:

(i) Đối với phân tích nhân tố khám phá EFA, nghiên cứu của Hair, Anderson, Tatham và Black (1998) cho tham khảo về kích thước mẫu dự kiến. Theo đó kích thước mẫu tối thiểu gấp 5 lần tổng số biến quan sát. Tổng số biến quan sát trong mô hình bao gồm 30 quan sát. Vì vậy, tối thiểu số mẫu cần là: 30 x 5 = 150 đơn vị mẫu.

(ii) Đối với phân tích hồi quy đa biến, cỡ mẫu tối thiểu cần đạt được tính theo công thức là 50 + 8*m (m: số biến độc lập) (Tabachnick và Fidell, 1996). Mô hình hồi quy dự kiến có 6 biến độc lập. Vì vậy, số đơn vị mẫu cần chọn là: 50 + 8*6 = 98 đơn vị mẫu. Ngoài ra, căn cứ vào nghiên cứu của Roger (2006) cho thấy cỡ mẫu tối thiểu cho các nghiên cứu thực hành nên là 150 - 220 đơn vị mẫu.

Xuất phát từ những căn cứ trên, số mẫu doanh nghiệp FDI cần được điều tra là 220 doanh nghiệp. Để đảm bảo được thông tin yêu cầu cho nghiên cứu, không trùng lặp hoặc mâu thuẫn trong cách trả lời. Khảo sát tiến hành đối với đại diện lãnh đạo, quản lý (tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc…), những người này có phụ trách đầu tư của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp được phát 01 phiếu.

2.5. Kết quả nghiên cứu

Kiểm định độ tin cậy của thang đo các biến bằng hệ số Cronbach’s Alpha (Reliability Statistics)

Từ dữ liệu thu thập thu về từ các phiếu khảo sát, nhóm tác giả tiến hành đánh giá độ tin cậy của thang đo các biến bằng hệ số Cronbach’s Alpha. Kết quả phân tích được cho thấy Hệ số Cronbach’s Alpha của các nhân tố chỉ ra rằng thang đo lường rất tốt và hệ số tương quan của các biến thành phần với biến tổng đều lớn hơn 0,3. Qua đó, các thang đo của các biến đều đóng góp sự tin cậy rất tốt cho thang đo.

Phân tích mô hình hồi quy

Để nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn FDI, mô hình tương quan tổng thể được xây dựng có dạng:

FDI = f(F1,F2,F3)

Trong đó: ND: Chất lượng FDI, F1, F2, F3 là các nhân tố được xác định sau khi chạy kiểm định EFA. Việc xem xét trong các nhân tố F1, F2 và F3, yếu tố nào thật sự tác động và mức độ tác động như thế nào sẽ được thực hiện bằng phương trình hồi quy tuyến tính cụ thể:

FDI = b0 + b1F1+b2F2+b3F3

Phân tích các kiểm định

Các hệ số hồi quy và các ý nghĩa kiểm định được thể hiện ở bảng sau:

Bảng 2. Hệ số hồi quy

 

Biến số

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

t

Sig.

B

Sai số chuẩn

Beta

Hằng số

7.762E-17

0,018

 

0,000

1.000

Vị trí hạ tầng

0,735

0,018

0,735

41.147

0,000

Lao động

0,482

0,018

0,482

27.003

0,000

Hỗ trợ doanh nghiệp

0,364

0,018

0,364

20.384

0,000

Nguồn: Phân tích SPSS 26

Nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm định mức độ phù hợp của mô hình, kết quả chỉ ra được R2 đạt giá trị 0,337 và hệ số kiểm định có ý nghĩa thống kê. Mô hình được khẳng định là phù hợp và các biến có ý nghĩa qua kiểm định phương sai phần dư không đổi (kiểm định Spearman).

Thảo luận kết quả hồi quy:

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa:

ND = b0 + 0,735F1+0,482F2+0,364F3

Các biến có tác động thuận chiều đến chất lượng dòng vốn FDI, tuy nhiên sẽ có những sự khác biệt về mức độ tác động. Trong 3 nhân tố được đề xuất từ mô hình nghiên cứu, thì nhân tố 1 (F1) - vị trí hạ tầng có tác động mạnh nhất đến chất lượng FDI, tiếp đến là nhân tố nhân tố 2 (F2) - lao động và cuối cùng là nhân tố 3 (F3) - hỗ trợ doanh nghiệp.

Hệ số hồi quy chuẩn hóa cho thấy mức độ đóng góp của từng yếu tố vào chất lượng FDI được thể hiện ở bảng sau:

Bảng 3. Tỷ lệ đóng góp của từng nhân tố đến chất lượng FDI

 

Biến độc lập

Giá trị tuyệt đối

%

Vị trí hạ tầng

0,735

46,49%

Lao động

0,482

30,49%

Hỗ trợ doanh nghiệp

0,364

23,02%

Tổng số

1,581

100%

Nguồn: Tác giả tính toán

Như vậy, tầm quan trọng của các nhân tố được xếp theo thứ tự từ ưu tiên nhất và giảm dần là: Vị trí hạ tầng, lao động và hỗ trợ doanh nghiệp.

Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình

Mức độ giải thích của mô hình cụ thể như sau:

Bảng 5. Tóm tắt mô hình

 

Tóm tắt mô hình

Model

R

R Square

Adjusted R Square

Std. Error of the Estimate

Change Statistics

Durbin-Watson

R Square Change

F Change

df1

df2

Sig. F Change

1

.951a

.904

.903

.31075075

.904

945.916

3

300

.000

1.816

Nguồn: Tác giả tính toán

Trong bảng trên, hệ số R2 điều chỉnh đạt 0,903, như vậy, 90,3% chất lượng FDI được giải thích bởi các biến độc lập của mô hình.

Bảng 6. Phân tích phương sai

 

Phân tích phương sai

Model

Sum of Squares

df

Mean Square

F

Sig.

1

Regression

274.030

3

91.343

945.916

.000b

Residual

28.970

300

.097

   

Total

303.000

303

     

Nguồn: Tác giả tính toán

Bảng trên cho thấy, với Sig. < 0,01, có thể kết luận rằng mô hình đưa ra phù hợp với dữ liệu thực tế. Hay nói cách khác, các biến độc lập có tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc và mức độ tin cậy 99%.

3. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào vùng thủ đô trong giai đoạn 2021 - 2030

Với việc sử dụng mô hình hồi quy, kết quả cho thấy các biến F1, F2, F3 đều có tác động thuận chiều đến chất lượng dòng vốn FDI, tuy nhiên sẽ có những sự khác biệt về mức độ tác động. Theo đó, nhân tố 1 (F1) - vị trí hạ tầng có tác động mạnh nhất đến chất lượng dòng vốn FDI, tiếp đến là nhân tố nhân tố 2 (F2) - lao động và cuối cùng là nhân tố 3 (F3) - hỗ trợ doanh nghiệp với độ tin cậy 99%.

Dựa trên các kết quả trên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, việc đảm bảo phát triển bền vững, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với phát triển xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng, tiến bộ xã hội, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, các tỉnh, thành phố vùng thủ đô Hà Nội cần có những định hướng “mở” để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.

Thu hút dòng vốn FDI cần được tập trung vào các địa bàn trọng điểm có vị trí hạ tầng thuận lợi. Trong thời gian tới, biện pháp tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào các tỉnh còn khó khăn trong vùng như Hòa Bình, Phú Thọ… cần được triển khai để đảm bảo cân đối hài hòa phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng. Các dự án đầu tư FDI vào các tỉnh, thành phố trong vùng đều phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển không gian vùng và chức năng vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 về quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chất lượng nguồn nhân lực cần được nâng cao nhằm đáp ứng được yêu cầu hấp thụ dòng vốn FDI có chất lượng đối với các địa bàn vùng thủ đô. Thu hút các dự án công nghệ cao vào địa bàn vùng thủ đô thì cần có lượng lớn lao động có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Thời kỳ của lợi thế “lao động dồi dào và giá rẻ” đang qua đi, nên cần một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản cả về tri thức lẫn tay nghề và tác phong lao động công nghiệp hiện đại. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Đây sẽ là lợi thế so sánh mang tính quyết định trong thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp FDI cần được tăng cường hỗ trợ một cách đồng bộ và hiệu quả: Các tỉnh, thành phố vùng thủ đô cần có một chính sách liên kết vùng để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI như: Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất - kinh doanh, phối hợp với các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cung cấp mặt bằng sạch để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng; hỗ trợ kết nối đào tạo nghề giữa doanh nghiệp FDI với các trường đại học, cao đẳng nghề trong vùng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án như hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông; hỗ trợ doanh nghiệp FDI về các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp FDI giải quyết nhanh chóng và thuận lợi các thủ tục hành chính về đầu tư và kinh doanh; các tranh chấp pháp lý (nếu có)...

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Bộ Kế hoạch và đầu tư (2018), Kỷ yếu Hội nghị 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.

2. Cao Tấn Huy (2019), Các yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu vùng kinh tế Đông Nam bộ, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

3. Nguyễn Đức Nhuận (2017), Các yếu tố tác động đến thu hút FDI ở vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng, Tạp chí Công Thương.

4. Lyroudiet et al. (2004), Tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chuyển đổi (các nước Đông Âu giai đoạn 1995 - 1998).

5. Ngân hàng Thế giới (2018), Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, giai đoạn 2018 - 2030, Hà Nội.

Tiếng Anh

6. Boateng, A., Hua, X., Nisar, S, Wu. J., (2015), Examining the Determinants of Inward FDI: Evidence from Norway, Economic Modelling.

7. Kojima K. (1973), A Macroeconomic Approach to Foreign Direct Investment, Hitotsubas Journal of Econometrics.

 

Phụ lục 1. Hệ thống thang đo các nhân tố ảnh hưởng chất lượng dòng vốn FDI

 

STT

Nhân t

ảnh hưởng

Thang đo

Mã hóa

1

Vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng giao thông

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do vị trí địa lý thuận lợi?

VTHT1

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do kết nối thuận tiện với sân bay và cảng biển?

VTHT2

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do có giao thông đường bộ tốt và kết nối với các địa phương trong vùng?

VTHT3

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do có đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa?

VTHT4

2

Trình độ công nghệ, máy móc thiết bị và trình độ lao động

Máy móc thiết bị mà doanh nghiệp nhập khẩu vào địa phương đến từ quốc gia nào?

NL1

Doanh nghiệp đánh giá trình độ công nghệ, máy móc thiết bị có ảnh hưởng đến chất lượng dòng vốn FDI?

NL2

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do nguồn lao động phổ thông dồi dào?

NL3

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do có các trường đào tạo nghề của tỉnh?

NL4

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do lao động có kỷ luật và tiếp thu công nghệ trong dây chuyền sản xuất nhanh?

NL5

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do dễ dàng tuyển dụng lao động quản lý giỏi?

NL6

3

Các ngành dịch vụ hỗ trợ (ngân hàng, điện, nước, viễn thông)

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do hệ thống cấp nước, thoát nước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp?

DVHT1

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do hệ thống cấp điện đáp ứng được yêu cầu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp?

DVHT2

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do hệ thống thông tin liên lạc (điện thoại, internet..) đáp ứng được yêu cầu?

DVHT3

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do hệ thống các ngân hàng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp?

DVHT4

4

Chiến lược thu hút FDI của các địa phương

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do chính quyền địa phương có thủ tục hành chính đơn giản?

CL1

Doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương thường xuyên đối thoại, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp?

CL2

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng mặt bằng?

CL3

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình hoạt động?

CL4

5

Mức độ cạnh tranh

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do đã có nhiều doanh nghiệp cùng quốc gia hoặc lĩnh vực đầu tư vào địa bàn này?

CT1

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do chưa có nhiều doanh nghiệp nào đầu tư cùng lĩnh vực của mình?

CT2

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do có các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ cho mình tại địa phương?

CT3

6

Cơ chế chính sách và cơ hội kinh doanh

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do chính quyền địa phương có chiến lược thu hút đầu tư bài bản?

CS1

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do địa phương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể?

CS2

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương do được ưu đãi về thuế (tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất - nhập khẩu…)?

CS3

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương có nghĩ rằng có nhiều cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh khi đầu tư vào địa phương hiện nay?

CS4

Doanh nghiệp đầu tư vào địa phương sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới tại địa phương?

CS5

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp

 

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4/2022

 

*1 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

*2 Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên.

*3 Gồm thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang với quy mô diện tích toàn vùng là 24.314,7 km2, quy mô dân số khoảng 18,2 triệu người.

*4 1 - Hoàn toàn không đồng ý, 2 - Không đồng ý, 3 - Bình thường, 4 - Đồng ý, 5 - Hoàn toàn đồng ý.

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%