Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2022

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2022 30/09/2022 09:42:00 442

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2022

30/09/2022 09:42:00

(Mof.gov.vn) Chiều ngày 29/9/2022, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2022 để thông tin đến các cơ quan thông tấn báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác trong 9 tháng đầu năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo, tham dự họp báo còn có đại diện một số đơn vị và đông đảo các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo thường kỳ Quý III/2022

Ước thu ngân sách vượt dự toán

Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2022, ông Dương Tiến Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN cho biết, tổng thu NSNN 9 tháng ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, thì số thu thuế, phí nội địa đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ), riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 83% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 83,3% dự toán, tăng 14,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,7% dự toán, tăng 5,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 87,2% dự toán, tăng 18,9%; thu từ dầu thô đạt 213% dự toán, tăng 103,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1%. Tuy nhiên, vẫn còn 02 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 62,1%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 59%).

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hiện có 61/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 75% dự toán trở lên; 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 11 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân tăng thu NSNN trong thời gian qua là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là Bộ Tài chính đã chủ động bám sát tình hình, tham mưu hoặc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành kịp thời, đồng bộ các giải pháp chính sách tài khóa (miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí,...) hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu; đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; cải cách hành chính và hiện đại hóa tăng cường ứng dụng điện tử, triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, tăng cường số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, tạo điều kiện thuận lợi giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế,...

Do thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, đã góp phần tăng thu về NSNN. Tính đến hết tháng 9, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 157,9 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 97,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở tình hình thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm, dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7-7,5%, xuất khẩu tăng 9,46%, nhập khẩu tăng 10,5% so với năm 2021, giá dầu tiếp tục giữ mức cao (giá dầu bình quân 9 tháng là 107,05 USD/thùng), đánh giá cả năm thu NSNN ước thực hiện vượt dự toán, trong đó các lĩnh vực tăng khá như thu từ dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh và thu từ tiền sử dụng đất…

Thu thuế qua cổng trực tuyến đạt hiệu quả

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về kết quả triển khai Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết: Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các NCCNN thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… Sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN từ ngày đến nay đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng. Trong đó có 06 NCCNN lớn (Meta, Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR tương đương hàng trăm tỷ VNĐ. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ VND,…

Qua 06 tháng triển khai cổng TTĐT của Tổng cục Thuế dành cho NCCNN, cho thấy sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các NCCNN. Các NCCNN lớn (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple) đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế. Điều này cũng cho thấy, chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.

CPI có khả năng đạt mục tiêu 4%

Tại cuộc họp báo, nội dung mà nhiều phóng viên quan tâm chính là công tác điều hành của Bộ Tài chính trong việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Trả lời về nội dung này, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, vẫn còn dư địa trong điều hành để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ.

Với các kết quả nêu trên, vị đại diện Cục Quản lý giá nhận định, chỉ tiêu lạm phát Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm 2022 không quá 4%. “Bình quân 9 tháng mới đạt 2,73%, nghĩa là dư địa còn tương đối lớn”, ông Truyền nhận định.

Phát biểu làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mục tiêu của Chính phủ vẫn là nhất quán để thực thi các giải pháp nhằm hướng tới hoàn thành nhiệm vụ về chỉ tiêu lạm phát đề ra hàng năm. 9 tháng vừa qua, chúng ta đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên nhiệm vụ và các giải pháp để kiểm soát lạm phát luôn nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Trong đó, các bộ ngành tập trung nguồn lực, trí lực để đề ra các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng...

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nhắc đến các giải pháp chính sách tài khóa, thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế cho người tiêu dùng, giảm thuế xăng dầu hỗ trợ sản xuất và người tiêu dùng.

“Bộ Tài chính luôn chủ động xây dựng sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế VAT, thuế TTĐB, để ứng phó kịp thời, giữ giá các mặt hàng chiến lược”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý, thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức, do đó chúng ta không thể chủ quan, điều hành nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Kim Chung

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%