Tăng trưởng GDP đang nhanh và bền vững hơn

Tăng trưởng GDP đang nhanh và bền vững hơn 12/09/2022 08:50:00 1058

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tăng trưởng GDP đang nhanh và bền vững hơn

12/09/2022 08:50:00

(HQ Online) Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đang tăng tốc hơn trong hơn 7 tháng đầu năm, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm 2022.

Mặc dù tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế chưa quay về mức tiềm năng đầy đủ năm 2022. Ảnh: T.D

Phục hồi mạnh mẽ

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động về dịch bệnh, chính sách ngày càng nhanh. Tình hình các nước lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam chuyển dịch rất nhanh giữa các xu hướng đối nghịch.

Đi cùng với đó là việc điều chỉnh chính sách nhanh nhưng rất khác nhau giữa các quốc gia và trong cùng một quốc gia nhưng giữa các thời điểm khác nhau, như: Việc điều chỉnh từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2020, 2021 sang thắt chặt với tần suất, mức độ khác nhau trong năm 2022 và chưa có điểm dừng; các quốc gia áp dụng chính sách tiền tệ khác nhau. Việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với Việt Nam, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Trong nước, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng trong 2 năm 2020 - 2021, kinh tế Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới vẫn tăng trưởng dương. Kết quả khích lệ của năm 2021 đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi những tháng đầu năm 2022.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam, theo đó, tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”. Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam liên tục được nâng mức dự báo, trong khi thế giới và nhiều quốc gia khác liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng. Việt Nam được đánh giá cao trong xếp hạng Chính phủ tốt, đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số bình đẳng thu nhập và thu hút đầu tư (lần lượt tăng 33 bậc và 18 bậc so với năm 2021).

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhận định, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng, đúng nhu cầu và các ngành sản xuất trong nước đang có sự tăng trưởng đáng kể. Thách thức của Việt Nam hiện nay là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, linh hoạt điều phối giữa chính sách tài chính và tiền tệ. Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, trong đó việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế là rất phù hợp với phát triển kinh tế số, phát triển mới bền vững và trở thành nước phát triển trong tương lai.

Trong bối cảnh quá trình phục hồi trong nước mới chỉ bắt đầu, triển vọng về nhu cầu trên toàn cầu đang yếu đi, rủi ro lạm phát gia tăng. Do tác động xuất phát điểm thấp, WB dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, khi tốc độ tăng trưởng quay về như trước đại dịch ở mức 6,5 - 7%. Mặc dù tăng trưởng cao, nhưng nền kinh tế chưa quay về mức tiềm năng đầy đủ năm 2022.

Theo WB, lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố, chi phí giao thông và đầu vào trung gian nhập khẩu chuyển tải vào giá thành sản phẩm cuối cùng.

Dự báo tăng trưởng đạt 7%, lạm phát dưới 4%

Bên cạnh những đánh giá tích cực về những kết quả đạt được, một số tổ chức quốc tế đã chỉ ra một số điểm hạn chế của nội tại nền kinh tế nước ta như: nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng ở mức cao; cơ cấu tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng. Tình trạng chậm giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, các dự án lớn, hạ tầng quan trọng, việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân, có nguy cơ “đội vốn” gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, độ mở của nền kinh tế đang ở mức cao khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP cũng khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài. Bên cạnh đó, khu vực đầu tư nước ngoài đang chi phối độ mở của nền kinh tế, trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước lại thiên về hướng nội, kết nối kém với khu vực đầu tư nước ngoài nói riêng và các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung. Dòng vốn đầu tư vào Việt Nam chất lượng chưa cao, chưa thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ được như kỳ vọng…

Dự báo tình hình trong nước trong những tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Cần phải có thêm các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ kịp thời, tránh suy giảm sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu điều hành trong thời gian tới đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%.

Bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP, tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 16% GDP, tỷ lệ bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP… Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%, tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.

Xuân Thảo

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%