Phát triển thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế số

Phát triển thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế số 31/08/2022 16:56:00 1124

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát triển thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế số

31/08/2022 16:56:00

Lê Thị Thùy Vân

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

 

Trong bối cảnh nền kinh tế số, các công nghệ đặc trưng như internet vạn vật kết nối (IoTs), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối, điện toán đám mây... đã trở thành những động lực lớn cho việc cải thiện và thúc đẩy năng suất lao động trong khu vực dịch vụ nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Bài viết tập trung phân tích xu hướng ứng dụng các công nghệ nhằm phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) trong bối cảnh kinh tế số, đồng thời đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ nhằm phát triển lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam, từ đó nhận diện những vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế số.

Từ khóa: Kinh tế số, lĩnh vực chứng khoán, công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo.

In the context of the digital economy, specific technologies such as the Internet of Things (IoTs), big data, artificial intelligence (AI), blockchain, cloud computing... have become driving force for enhancing labor productivity in the service sector in general and in the securities sector in particular. The article analyzes the trend of applying technologies to develop the stock market in the context of the digital economy. At the same time, the current situation of technology application to develop the securities sector in Vietnam is also evaluated. Then the challenges to the securities sector in the digital economy is identified.

Keywords: Digital economy, securities sector, blockchain, big data, artificial intelligence.

1. Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm phát triển thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế số

Kinh tế số là một bộ phận của nền kinh tế, giá trị của nền kinh tế số đo lường phần sản lượng bắt nguồn hoặc chủ yếu bắt nguồn từ các công nghệ số với mô hình kinh doanh dựa vào hàng hóa hoặc dịch vụ số. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD)1, kinh tế số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu với tốc độ nhanh ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Nền kinh tế số thế giới hiện có trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD và sử dụng khoảng 10% năng lượng điện của toàn thế giới. Tại Việt Nam, nền kinh tế số cũng đang phát triển mạnh. Năm 2016, Tạp chí PCMag (Hoa Kỳ) mô tả Việt Nam là thung lũng Silicon của Đông Nam Á và có nhiều tiền đề quan trọng để phát triển nền kinh tế số như hạ tầng kỹ thuật, hệ thống chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống giáo dục và đào tạo… Các ngành mới nổi và ngành công nghiệp phát triển nhanh ở Việt Nam bao gồm công nghệ tài chính, viễn thông, điện tử và sản xuất máy tính và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT).

Trong bối cảnh nền kinh tế số, cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc ưu tiên phát triển, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là các công nghệ hiện đại, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định trong số các yếu tố tạo động lực cho sản xuất, bởi việc áp dụng các công nghệ mới nổi là mấu chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (2019)2, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bao gồm 2 trụ cột là năng động trong kinh doanh3 và năng lực đổi mới sáng tạo (gồm phạm vi và khung pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, mức độ quốc gia sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đón nhận những ý tưởng đột phá). Quá trình chuyển đổi cơ cấu sang xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ “công nghệ cao”, phức tạp hơn và có hàm lượng tri thức cao hơn vẫn diễn ra khá chậm. Đầu tư cho khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển thấp cũng là một yếu tố quan trọng làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, làm chậm tiến trình thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam nói chung và trong khu vực dịch vụ (đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán) nói riêng.

Việc sử dụng các công nghệ của nền kinh tế số có thể giúp cải thiện năng suất lao động trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Công nghệ chuỗi khối có thể giúp kiểm soát các giao dịch, việc sử dụng AI có thể giúp giao tiếp với các nhà đầu tư, thành viên thị trường và phát triển sản phẩm mới; trong khi công nghệ IoTs và dữ liệu lớn có thể giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, công khai minh bạch thông tin. Trong bối cảnh nền kinh tế số, các nền tảng kỹ thuật số giúp các nhà đầu tư tài chính kết nối mạnh và linh hoạt hơn với các công ty chứng khoán hoặc các bên có nhu cầu về vốn thông qua TTCK, mà không cần qua các trung gian truyền thống như trước đây.

Công nghệ chuỗi khối

Trên thị trường vốn, công nghệ chuỗi khối có thể biến đổi hoàn toàn thị trường này. Trong mô hình giao dịch hiện tại, mỗi thành viên tham gia thị trường có một bộ dữ liệu riêng và không có khả năng nắm bắt toàn bộ vòng đời của giao dịch. Cách lưu trữ phân mảng như vậy sẽ dẫn đến việc sao chép dữ liệu, dữ liệu dễ bị thay đổi. Trong mô hình chuỗi khối, mỗi thành viên tham gia hoạt động như một “mắt xích” trong mạng, duy trì sổ kế toán giống nhau để lưu trữ cùng một tập dữ liệu. Hơn nữa, việc lưu trữ trên chuỗi khối không thể thay đổi được, điều này làm giảm bớt quá trình đối chiếu giữa những người tham gia, giúp giải quyết nhanh hơn trong bối cảnh mọi giao dịch được thực hiện trong thời gian thực.

Trong mô hình giao dịch truyền thống, việc kiểm soát các giao dịch được thực hiện bởi một đơn vị trung gian và được xác minh bởi một cơ quan trung ương, nhưng khi áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, mô hình giao dịch mới có thể hình thành, trong đó mỗi nút hoặc mỗi thành viên tham gia giao dịch sẽ có một bản sao của sổ kế toán và tham gia xác thực các giao dịch trước khi được thêm vào cơ sở dữ liệu (CSDL) chuối khối. Theo đó, trong khi mô hình giao dịch chuỗi khối sẽ không có trung gian và các bên tham gia trao đổi trên cơ sở ngang hàng và chủ yếu thực hiện trên thời gian thực. Do đó, các giao dịch được thực hiện nhanh và tiết kiệm chi phí hơn.

Tại Úc, Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Úc cho phép cả người mua, người bán, người dẫn dắt thị trường tham gia vào mạng ngang hàng (P2P) để thực hiện giao dịch. Các nhà môi giới đã đăng ký vào mạng sẽ ghi nhận vào sổ kế toán của họ các bên liên quan đến giao dịch, lượng chứng khoán đã bán, giá và thời gian trao đổi tiền và chứng khoán. Mục tiêu là đẩy phần xử lý giao dịch vào chuối khối, mặc dù việc định giá chứng khoán vẫn thực hiện trên sở tập trung hiện tại. Việc giao dịch ngang hàng như vậy sẽ giảm các trung gian, thời gian xử lý và các bất cập liên quan đến hoạt động này. Điều này có nghĩa là không cần một trung tâm thanh toán bù trừ, kiểm toán viên, giám sát viên để xác định các giao dịch và giảm số lượng các văn bản, giấy tờ, do đó sẽ tiết kiệm chi phí hành chính. Việc giao dịch ngang hàng cũng đồng nghĩa với việc thanh toán có thể thực hiện tức thời thay vì chu kỳ T+3 như hiện tại.

Tại Anh, SGDCK Luân Đôn (LSE) đang hoạt động tích cực trên nền tảng chuỗi khối. Năm 2015, LSE cũng đã hình thành một nhóm làm việc vào để phân tích công nghệ chuỗi khối để sử dụng trong thanh toán các giao dịch và thực hiện báo cáo cho thị trường châu Âu. Nhóm công tác có tên là Nhóm công tác Sổ kế toán phân phối hậu giao dịch, trong đó các thành viên chính là các tổ chức tài chính như UBS, CME Group, Societe Generale, LCH.Clearnet và Euroclear.

Tại Hàn Quốc, công nghệ chuỗi khối được đánh giá là cung cấp các giao dịch an toàn hơn và chống giả mạo khi so sánh với các hệ thống giao dịch hiện có. Công nghệ chuỗi khối sẽ khắc phục các nhược điểm của hệ thống thông thường như chậm và có thể giữ sổ kế toán kỹ thuật số, chia sẻ dữ liệu giao dịch trên mạng máy tính để đảm bảo an ninh, các bản ghi giao dịch chính xác hơn, đồng thời xử lý giao dịch nhanh hơn. Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đã thiết lập một thị trường dựa trên công nghệ chuỗi khối, nơi vốn chủ sở hữu trong các công ty khởi nghiệp có thể được giao dịch, được gọi là thị trường khởi nghiệp Hàn Quốc (KSM). Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại Hàn quốc vẫn đang trong giai đoạn đầu nghiên cứu, cần huy động nhiều nguồn lực từ xã hội để tiếp tục phát triển công nghệ này. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến đầu tư trên 200 triệu USD cho sự phát triển công nghệ dựa trên chuỗi khối, tiếp tục hình thành gây quỹ vào năm 2022 và ươm tạo hơn 10 nghìn chuyên gia trong ngành cùng 100 công ty trong lĩnh vực này để thúc đẩy sự ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào quản lý TTCK.

Ngoài ra, Deutsche Bundesbank kết hợp với Deutsche Börse, SGDCK Nhật Bản và Tập đoàn công nghệ đa quốc gia (IBM) cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ chuỗi khối trong giao dịch chứng khoán. Theo SGDCK Nhật Bản, sau quá trình thử nghiệm với những giao dịch khối lượng nhỏ, sổ kế toán số có khả năng biến đổi cơ cấu thị trường vốn.

Bảng 1. SGDCK: Thử nghiệm với công nghệ chuỗi khối

 

SGDCK

Thử nghiệm với công nghệ chuỗi khối

NASDAQ

Năm 2015, NASDAQ đã đưa ra thông tin về việc sử dụng thành công công nghệ sổ kế toán chuỗi khối NASDAQ Linq và đã ghi nhận giao dịch chứng khoán co chain.com - khách hàng đầu tiên NASDAQ Linq. Tháng 5/2017, NASDAQ và Citi Treasury and Trade Solutions đã thông báo về một giải pháp thanh toán tích hợp mới cho hoạt động thanh toán, hòa giải tự động thông qua công nghệ chuỗi khối để ghi nhận và hướng dẫn thanh toán. Sự tích hợp này có thể cho phép Nasdaq Private Market giải quyết những thách thức về thanh khoản trong chứng khoán tư nhân bằng cách hợp lý hóa các giao dịch thanh toán giữa nhiều bên.

SGDCK Úc

Năm 2017, SGDCK Úc đã chọn Công ty Digital Asset Holdings, LLC có trụ sở tại Hoa Kỳ để phát triển các giải pháp dựa trên sổ kế toán phân phối để thanh toán bù trừ các giao dịch. SGDCK Úc đã đầu tư 14,9 triệu USD để có được 5% cổ phần tại Digital Asset, sau đó tăng lên 8,5% thông qua khoản đầu tư bổ sung. Dự án của SGDCK Úc kết thúc vào năm 2017, đây là thời điểm quan trọng để quyết định áp dụng công nghệ chuỗi khối thay thế cho Hệ thống đăng ký phụ thanh toán bù trừ.

SGDCK Nhật Bản

Năm 2016, IBM và Nhật Bản công bố thỏa thuận để kiểm tra tiềm năng của công nghệ blockchain trong giao dịch với các thị tường có khối lượng giao dịch thấp.

Deutsche Borse

Tại Đức, Deutsche Borse và Deutsche Bundesbank đã trình diễn chức năng của Blockchain trong thanh toán vào tháng 11/2016. Việc phát triển thêm trong thời gian tới sẽ giúp đơn vị này phân tích hiệu suất kỹ thuật và khả nang mở rộng của các ứng dụng dựa trên công nghệ chuỗi khối.

LSE

LSE đã tham gia cải thiện không gian hậu giao dịch sử dụng công nghệ chuỗi khối.

SGDCK Ấn Độ (NSE)

Bắt đầu từ tháng 9/2016, NSE đã tiến hành một chương trình liên quan đến các ngân hàng đầu tư quốc gia như IDFC, Kotak Mahindra, ICIC, Induslnd và RBL, HDFC Securities. Chương trình này liên quan đến dữ liệu định danh khách hàng KYC được thực hiện bởi một doanh nghiệp khởi nghiệp Blockchain Elemential.

SGDCK Moscow (MOEX)

MOEX đã tiến hành thành công một cuộc bỏ phiếu điện tử thực hiện thông qua chuỗi khối ở Trung tâm Lưu ký quốc gia. Phiên bản thử nghiệm cũng được ra mắt vào năm 2017.

Nguồn: Bhattacharyya (2017)

Công nghệ trí tuệ nhân tạo

Theo FSB (2017), AI là lý thuyết và sự phát triển của hệ thống máy tính để có thể thực hiện được các nhiệm vụ truyền thống, có yêu cầu trí thông minh của con người. AI có thể tác động đối với thị trường dịch vụ tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng trên các khía cạnh: (i) Các tổ chức tài chính có thể sử dụng AI để đánh giá hợp đồng, giá cả và tự động tương tác với khách hàng; (ii) Các quỹ đầu tư, đại lý môi giới có thể sử dụng AI để tìm tín hiệu lợi nhuận cao hơn và tối ưu hóa việc thực hiện giao dịch.

Các công ty dịch vụ tài chính trên thế giới đã bắt đầu triển khai AI để giảm chi phí và cải thiện dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, qua đó thúc đẩy năng suất lao động. Việc ứng dụng công nghệ AI cũng sẽ cải thiện chất lượng giao dịch, TTCK có thể thực hiện các giao dịch lớn với tần suất cao, nâng cao năng suất lao động. Theo đó, thuật toán là một phần của AI, với một bộ các bước được lập trình trong chương trình máy tính để thực hiện một nhiệm vụ trong điều kiện nhất định. Các thuật toán phổ biến đang được sử dụng bao gồm hệ thống định vị tuyến đường, trò chơi cờ vua trên máy tính. Trong lĩnh vực tài chính, giao dịch thuật toán như giao dịch tần suất cao được áp dụng rộng rãi, với các lệnh được lập trình sẵn để thực hiện các giao dịch lớn.

Tại Nhật Bản, Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản đã cho phép Tập đoàn Japan Exchange Group, nơi điều hành sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, sử dụng công nghệ blockchain làm cơ sở hạ tầng giao dịch cốt lõi của mình. Công nghệ chuỗi khối sẽ hoạt động như một hệ thống giám sát trực tuyến cho mỗi giao dịch. Công nghệ chuỗi khối sẽ theo dõi, chặn và báo cáo những hành động có dấu hiệu bất hợp pháp trong hoạt động giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, đầu năm 2018, Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo cũng bắt đầu tiến hành đưa công nghệ AI với mục tiêu giám sát thị trường cũng như phát hiện những vụ thao túng giá chứng khoán. AI sẽ giúp các nhân viên chứng khoán tại sàn giao dịch xử lý công việc nhanh hơn khoảng 20 lần so với hiện nay.

Công nghệ dữ liệu lớn

Công nghệ dữ liệu lớn có thể tác động đến thị trường tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng trên các khía cạnh: (i) Góp phần tiết kiệm chi phí, việc tận dụng các giá trị của công nghệ dữ liệu lớn trong việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới và sáng tạo như thanh toán trực tuyến, chuyển tiền cho phép người dùng thực hiện các giao dịch nhất định với chi phí thấp hơn; (ii) Tăng cường an ninh và minh bạch, với lượng lớn dữ liệu được lưu trữ, giao dịch tài chính có thể trở nên công khai và minh bạch hơn; (iii) Chu kỳ đổi mới nhanh: Sử dụng công nghệ dữ liệu lớn giúp người cung cấp các dịch vụ tài chính có thể phản ứng với những thay đổi trên thị trường, mang đến những sản phẩm mới mà người tiêu dùng cần nhanh hơn; (iv) Về tư vấn tài chính, hướng dẫn và quản lý tài chính, việc phân tích thời gian thực dữ liệu người tiêu dùng có thể mang đến tiềm năng cho hoạt động tư vấn tài chính về đầu tư tài chính và quản lý tiền; (v) Tăng cường cạnh tranh, các quốc gia có mức cạnh tranh thấp thông qua số hóa dịch vụ tài chính để tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia mình và buộc phải đề xuất các dịch vụ tốt hơn phù hợp với sự cạnh tranh từ các sản phẩm tài chính mới hơn (FSUG-European Commission, 2016).

Bên cạnh đó, theo Reuter (2014), các thành viên trên thị trường vốn đều cho rằng, việc sử dụng công nghệ dữ liệu lớn với nhiều ứng dụng có thể giúp quản lý rủi ro cho thị trường. 6/13 thành viên thị trường vốn được khảo sát cho rằng, công nghệ dữ liệu lớn có thể ứng dụng để quản lý rủi ro và 64% các thành viên được khảo sát cho rằng loại dữ liệu có thể ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn là dữ liệu rủi ro.

Hình 1. Ứng dụng của công nghệ dữ liệu lớn trong quản lý rủi ro thị trường

image

Nguồn: Aite Group (2014)

 

Công nghệ dữ liệu lớn với việc thu thập, xử lý, phân loại các loại dữ liệu thị trường, rủi ro có thể hỗ trợ các thành viên trên thị trường báo cáo theo quy định. Có 5/13 thành viên thị trường vốn được phỏng vấn năm 2014 cho rằng, công nghệ dữ liệu lớn có thể hỗ trợ báo cáo theo quy định (Reuters, 2014), đồng thời có 59% các đơn vị được khảo sát cho rằng dữ liệu tuân thủ có thể ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn.

2. Thực trạng ứng dụng công nghệ nhằm phát triển thị trường chứng khoán ở Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế số

Trong những năm qua, các công ty chứng khoán, cơ quan quản lý chứng khoán đã tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động vận hành và quản lý nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động thị trường, thúc đẩy tăng năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số. Cụ thể:

Về phía cơ quan quản lý

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ưu tiên xây dựng các ứng dụng CNTT cốt lõi, bao gồm: Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng CNTT với kỹ thuật và công nghệ hiện đại, xây dựng các hệ thống CSDL tập trung phục vụ cho công tác quản lý và giám sát của UBCKNN đối với TTCK, xây dựng hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS), hệ thống công bố thông tin trên TTCK (IDS). Ngoài ra, UBCKNN cũng xây dựng hệ thống CSDL quản lý các đối tượng tham gia TTCK như: Hệ thống CSDL quản lý công ty chứng khoán (SCMS), hệ thống CSDL quản lý công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư (FMS), hệ thống CSDL quản lý người hành nghề chứng khoán, hệ thống CSDL quản lý nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3...

Đối với công nghệ dữ liệu lớn: Mặc dù UBCKNN chưa hình thành dữ liệu lớn, nhưng đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống CSDL cốt lõi, đây là cơ sở để UBCKNN hình thành được kho dữ liệu cho phép tập trung tất cả dữ liệu từ các ứng dụng tác nghiệp hiện có, chuẩn hóa, chuyển đổi và được lưu tập trung làm đầu vào cho các bài toán về phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định dựa trên các công nghệ về phân tích dữ liệu lớn hay thông qua các công cụ phân tích dữ liệu trong tương lai để có thể đưa ra các quyết định hiệu quả hơn trong hoạt động quản lý, điều hành, giám sát TTCK. Bên cạnh đó, UBCKNN cũng áp dụng chuẩn báo cáo quốc tế (XBRL) trong việc chuẩn hóa dữ liệu, báo cáo, thông tin công bố của các định chế tài chính, công ty đại chúng... nhằm nâng cao chất lượng dữ liệu, việc tiếp nhận và xử lý báo cáo nhanh và thuận tiện hơn, tăng khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống của UBCKNN và hướng đến hội nhập với TTCK khu vực và thế giới.

Đối với công nghệ di động: Mặc dù chưa phát triển được ứng dụng trên điện thoại di động, nhưng các dịch vụ công và ứng dụng nghiệp vụ của UBCKNN có thể được tiếp cận mọi lúc, mọi nơi bằng máy tính, các thiết bị di động (máy tính bảng, điện thoại thông minh) thông qua mạng internet, với việc xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 1 đến mức độ 3 trên Cổng thông tin điện tử UBCKNN.

Đối với công nghệ mạng xã hội, công nghệ AI: UBCKNN đã ứng dụng công nghệ mạng xã hội trong thu thập thông tin, dữ liệu về tin đồn liên quan đến chứng khoán và giao dịch chứng khoán từ các phương tiện thông tin đại chúng (báo mạng, mạng xã hội, diễn đàn xã hội...). Đồng thời áp dụng công nghệ AI để thu thập thông tin trên từ các nguồn khác nhau, hỗ trợ tự động phân loại thông tin, xử lý và lưu trữ theo các tiêu chí và yêu cầu của UBCKNN, giúp bổ sung thông tin thu thập được vào hệ thống; hỗ trợ tra cứu, đánh giá phân tích và dự báo tin đồn từ nguồn thu thập, lưu trữ, qua đó chuyên viên giám sát có thể nhận diện các giao dịch, hoạt động bất thường của TTCK.

Công nghệ chuỗi khối: Với những đặc điểm ưu việt của công nghệ chuối khối, trong giao dịch chứng khoán, trong việc kết nối, trao đổi dữ liệu giữa UBCKNN, các SGDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán để quản lý và lưu trữ dữ liệu các thành viên tham gia thị trường, UBCKNN cũng đã triển khai nghiên cứu, tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của các nước về việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối trên TTCK.

Về phía thị trường, các công ty chứng khoán

Các công ty chứng khoán đã tăng cường ứng dụng CNTT trong đầu tư, giao dịch chứng khoán. Các ứng dụng giao dịch trực tuyến được triển khai thông qua Internet, Mobile trading; ví điện tử giao dịch... không ngừng được triển khai tại các công ty chứng khoán nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả giao dịch, thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Bảng 2. Ứng dụng công nghệ của một số công ty chứng khoán

 

Công ty

chứng khoán

Thời gian

Ứng dụng

Tính năng vượt trội

 Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

9/2018

Ứng dụng giao dịch trên nền tảng di động (SVS)

Đăng nhập dễ dàng, bảo mật bằng vân tay; cập nhật thông tin nhanh chóng, liên tục cho nhà đầu tư; tốc độ đặt lệnh nhanh; tab đặt lệnh linh hoạt, hiển thị trên các trình làm việc khác nhau; chuyển tiền nhanh chóng

Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS)

4/2018

Ứng dụng giao dịch trên nền tảng di động (ACBS Trade)

Đặt lệnh giao dịch chứng khoán với tốc độ nhanh, chuyển tiền online, theo dõi sổ lệnh, số dư chứng khoán, số dư tiền, bảng giá tùy chỉnh theo mã chứng khoán, thay đổi và cấp lại mật khẩu.

Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC)

2017

Ứng dụng giao dịch trên nền tảng di động

(HSC Trade)

Đặt lệnh tốc độ cao; ứng dụng giao dịch trên nền tảng di động.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect

2016

Ứng dụng giao dịch trên nền tảng di động

(VNDIRECT Stock Trading)

Đặt lệnh mua bán; cập nhật tin tức thị trường; tích hợp bảng giá chứng khoán cơ sở và phái sinh.

Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS)

2015

Ứng dụng giao dịch, phân tích đầu tư đa nền tảng di động (TCInvest)

Mở tài khoản và giao dịch online; hiển thị và báo cáo chi tiết các danh mục đầu tư và giao dịch của khách hàng; chuyển khoản điện tử tức thời với cơ chế bảo mật hàng đầu của ngân hàng; các công cụ nghiên cứu và phân tích chuyên nghiệp về thị trường và doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng hợp

3. Một số vấn đề đặt ra

Trong bối cảnh nền kinh tế số, các công nghệ nổi bật như công nghệ chuỗi khối, công nghệ dữ liệu lớn, AI, công nghệ di động… có thể mang đến nhiều cơ hội cho TTCK Việt Nam trong việc giảm trung gian giao dịch, chi phí giao dịch và quản lý rủi ro. Đồng thời, giảm gian lận trong giao dịch, cải thiện tốc độ thanh toán, hỗ trợ báo cáo tuân thủ theo quy định hay hỗ trợ quản lý giám sát, từ đó thúc đẩy tăng năng suất lao động trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế số cũng đặt ra nhiều thách thức.

Nghiên cứu và hoàn thiện khung pháp lý trong bối cảnh nền kinh tế số

Việc ứng dụng các công nghệ mới, hình thành các mô hình giao dịch, dịch vụ tài chính mới đòi hỏi phải có hệ thống khung pháp lý được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các mô hình, dịch vụ mới này. Công nghệ chuỗi khối với mô hình giao dịch giảm bớt trung gian giao dịch, giao dịch theo thời gian thực thay vì T+3 như hiện nay, hỗ trợ thanh toán bù trừ, thanh toán không dùng tiền mặt, đây là những điểm mới so với mô hình giao dịch chứng khoán hiện tại. Do đó, để ứng dụng các công nghệ này, khung pháp lý liên quan đến giao dịch, thanh toán cũng cần được xem xét và hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các công nghệ AI trong xây dựng các thuật toán cũng phát sinh các giao dịch tần suất cao, đồng thời công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ di động cũng phát sinh dịch vụ tài chính mới như phân tích đầu tư, giao dịch qua thiết bị di động, thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, hỗ trợ báo cáo tuân thủ. Do đó, khung pháp lý liên quan đến quản lý, giám sát giao dịch tần suất cao, bảo mật dữ liệu cũng là vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Hiểu biết về công nghệ và trình độ phát triển của hệ thống CNTT

Theo Reuter (2014), thách thức lớn nhất đối với TTCK là sự thiếu hiểu biết về công nghệ. Để ứng dụng các công nghệ trên TTCK, cần tìm kiếm các chuyên gia am hiểu về thị trường và công nghệ. Có đến 9/22 thành viên thị trường vốn tham gia khảo sát trong nghiên cứu của Reuters cho rằng, đây là vấn đề lớn nhất và cũng là thách thức đối với TTCK Việt Nam trong giai đoạn đầu tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hình 2. Vấn đề đặt ra khi ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn

image

Nguồn: Aite Group (2014), khảo sát 22 thành viên thị trường vốn

Bên cạnh đó, trình độ phát triển của hệ thống CNTT cũng là một vấn đề đặt ra. Hệ thống CNTT luôn có những điểm yếu, khả năng dễ bị tổn thương nhất định dẫn đến các vụ tấn công, làm hại, phá hoại, thay đổi thông tin, lộ thông tin, ngừng cung cấp dịch vụ, từ chối dịch vụ, đánh cắp, sao chụp trái phép thông tin... Trong những năm gần đây, UBCKNN đã xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng CNTT với kỹ thuật và công nghệ tương đối hiện đại, CSDL đồng bộ. Nhờ đó, các hệ thống CNTT và các CSDL của UBCKNN đã phát huy hiệu quả, là công cụ quan trọng để hỗ trợ UBCKNN thực hiện quản lý, giám sát điều hành TTCK và các đối tượng tham gia TTCK. Tuy nhiên, hệ thống CNTT của TTCK vẫn tồn tại những vấn đề nhất định. Sự cố ngừng giao dịch 2 ngày làm việc của SGDCK thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 01/2018 là một trong những cảnh báo về sự hạn chế của hệ thống CNTT trên TTCK Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, trong trình độ phát triển của công nghệ thì một yếu tố cũng đóng vai trò quan trọng là nguồn lực cho phát triên hệ thống công nghệ. Riêng trong việc ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, vấn đề nguồn lực cho phát triển công nghệ là một trong những thách thức lớn nhất. Việc áp dụng công nghệ đòi hỏi phải có nguồn lực cho nghiên cứu công nghệ, đầu tư hạ tầng áp dụng công nghệ và vận hành, chạy thử công nghệ.

Bảo mật thông tin

Việc ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn mang lại nhiều cơ hội cho TTCK khi các giao dịch, các thông tin được sắp xếp và kết nối nhanh. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ này cũng phát sinh những vấn đề về bảo mật. Công nghệ chuỗi khối cho phép mỗi nút/thành viên trong mạng được lưu một bản sao sổ kế toán ghi chép lại lịch sử giao dịch, do đó vấn đề đặt ra trong mô hình này là vấn đề bảo mật, quyền riêng tư của các bên tham giao dịch có thể bị xâm phạm. Trong khi đó, công nghệ dữ liệu lớn cũng cho phép thu thập, lưu trữ, sắp xếp, phân tích các loại dữ liệu như thị trường, khách hàng, giao dịch, rủi ro… thì bảo mật thông tin cũng là vấn đề đặt ra khi áp dụng công nghệ này cho thị trường tài chính với các thông tin, dữ liệu nhạy cảm về giao dịch.

Vấn đề xuất phát từ bản thân công nghệ

Mặc dù tạo ra nhiều cơ hội cho TTCK phát triển, nhưng những đặc điểm được xem là tính năng nổi bật của công nghệ cũng chính là điểm yếu của công nghệ. Như công nghệ chuỗi khối, việc áp dụng công nghệ này đối với TTCK có thể đặt ra một số thách thức: (i) Thách thức từ đặc điểm không thể thay đổi thông tin giao dịch, bất kỳ giao dịch nào được ghi trong chuỗi khối không thể được sửa đổi khi có thay đổi các tham số trong hợp đồng hoặc các trường hợp ngoại lệ. Cách duy nhất để sửa các giao dịch là thực hiện một giao dịch đảo ngược. Tuy nhiên cũng không thể chỉnh sửa thông tin lịch sử trong CSDL chuỗi khối, điều này có thể ảnh hưởng đến việc xác thực giao dịch sau đó; (ii) Thách thức trong giao dịch tiền mặt. Theo đó, mặc dù công nghệ chuỗi khối cho phép một giao dịch bảo mật được thanh toán trong thời gian thực nhưng rào cản lớn nhất của công nghệ này là cách thức xử lý giao dịch tiền mặt. Đồng tiền kỹ thuật số vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu; (iii) Thách thức trong xử lý các giao dịch khối lượng lớn. Hiện tại, giao dịch Bitcoin sử dụng công nghệ chuỗi khối, được sử dụng với khối lượng giao dịch hạn chế, dẫn đến tốc độ xử lý cao. Do đó, vẫn cần có những kiểm tra về tốc độ xử lý của công nghệ này, trước khi triển khai trên quy mô lớn.

4. Kết luận

Ứng dụng công nghệ, tận dụng những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu cấp thiết để thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, qua đó thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên, việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến giám sát tuân thủ, điều chỉnh giao dịch, bảo mật, tùy thuộc vào mức độ ứng dụng và phát triển của các công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là giải pháp cần được quan tâm trước tiên. Đồng thời, trên cơ sở các cơ hội và thách thức đặt ra từ bản thân các công nghệ trong nền kinh tế số như công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn..., Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét mức độ ứng dụng, lĩnh vực ứng dụng các công nghệ này, cũng như chuẩn bị hạ tầng nhằm tận dụng được cơ hội mà các công nghệ này mang lại như giám sát giao dịch, chống gian lận, thao túng, kiểm soát rủi ro...

Cùng với đó, cần tăng cường các biện pháp bảo mật, đảm bảo an ninh thông tin, giám sát các yếu tố ảnh hưởng về bảo mật hệ thống một cách chủ động, có những hệ thống báo cáo chuẩn, ngăn ngừa và kiểm tra xác định mức độ vi phạm để có biện pháp khắc phục xử lý kịp thời.

Sự kết hợp đồng thời các giải pháp trên nhằm đảm bảo việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực chứng khoán có thể vừa giúp kiểm soát rủi ro, gian lận trong giao dich, vừa giúp tiết giảm chi phí giao dịch, tăng năng suất lao động trong bối cảnh nền kinh tế số.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Cục CNTT - UBCKNN (2018), Ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 - 2020 tại UBCKNN.

2. Lê Thị Thùy Vân (2018), Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với ngành Tài chính. Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.

3. Trần Tuấn Anh và Lê Đăng Quang (2017), Hoạt động giám sát giao dịch với dữ liệu lớn.

Tiếng Anh

4. ADB&WEF (2017), Asean 4.0: What does the Fourth Industrial Revolution Mean for Regional Economic Integration?.

5. Aite Group (2014), Big Data in Capital Markets: The Placebo Effect?.

6. Bhattacharyya (2017), How Blockchain is Transforming Capital Market?.

7. FSUG-European Commission (2016), Assessment of Current and Future Impact of Big Data on Financial Services.

8. FSB (2017), Atificial Intelligence and Machine Learning in Financial Services.

9. ILO (2016), ASEAN in Transition: How Technology is Changing Jobs and Enterprises.

10. ILO&ADB (2015), Asean Community 2015: Managing Integration for Better Jobs and Shared Prosperity, Bangkok, Thailand: ILO and ADB.

11. Reuters (2014), Big Data in Capital Markets: At the Start of the Journey.

 

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4/2022

 

*1 UNCTAD (2019), Digital Economy Report 2019: Value Create on and Capture: Implications for Developing Countries Investment and Technology.

*2 WEF (2019), Global Competitiveness Report 2019: How to End a Lost Decade of Productivity Growth.

*3 Gồm khả năng tạo ý tưởng, nghiên cứu, phát triển và khả năng thương mại hóa hoạt động khoa học công nghệ.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%