Định hướng phát triển ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam bộ
đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045
Nguyễn Như Quỳnh - Lê Minh Hương
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính
Vùng Đông Nam bộ1 là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nơi hội tụ các yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính. Trong thời gian qua, ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam bộ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương trong vùng, cũng như toàn vùng. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế nói chung, dịch vụ tài chính nói riêng tại vùng Đông Nam bộ còn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Bài viết khái quát những nội dung cơ bản về dịch vụ tài chính, xu hướng phát triển dịch vụ tài chính trên thế giới, những định hướng lớn về phát triển dịch vụ tài chính ở Việt Nam; đồng thời đánh giá, nhận diện những thuận lợi và điểm nghẽn trong phát triển dịch vụ tài chính trong vùng Đông Nam bộ nhằm đưa ra một số khuyến nghị phát triển ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam bộ đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Từ khóa: dịch vụ tài chính, vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
The Southeast is the Southern key economic region, having a strategic position and a particularly important role in the country's socio-economic development, where favorable factors for the development of various industries converge, including financial services. In recent years, the financial services industry in the Southeast has contributed to promoting the economic growth of each locality in the region, as well as the whole region. However, the potential for economic development in general and financial services in particular in the Southeast has not been exploited and promoted effectively. The article outlines the basic contents of financial services, the development trend of financial services in the world, the major orientations for the development of financial services in Vietnam. Besides, the article also assesses and identifies advantages and bottlenecks in the development of financial services in the Southeast; thereby, proposing some recommendations to develop the financial services industry in the Southeast for the period to 2030, with a vision to 2045.
Keywords: Financial services, the Southeast, the Southern key economic region.
1. Tổng quan chung về dịch vụ tài chính và xu hướng phát triển dịch vụ tài chính trên thế giới và Việt Nam
1.1. Tổng quan chung về dịch vụ tài chính
Theo Hiệp định thương mại và dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, 1997), dịch vụ tài chính là bất kỳ dịch vụ nào có tính chất tài chính, được một nhà cung cấp dịch vụ tài chính thực hiện. Dịch vụ tài chính bao gồm tất cả các dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác (ngoại trừ bảo hiểm). Theo đó, các loại hình dịch vụ tài chính có thể phân chia thành 4 nhóm sau: Dịch vụ ngân hàng, dịch vụ trên thị trường chứng khoán (TTCK), dịch vụ trên thị trường bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán và tư vấn tài chính. Việc bố trí phân ngành trên cho thấy, ngoài 2 nhóm ngành cụ thể là dịch vụ ngân hàng và dịch vụ bảo hiểm, sự hiện diện của “các dịch vụ tài chính khác” cho thấy tính đa dạng, phong phú và phức tạp của dịch vụ tài chính.
Dịch vụ tài chính có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, đầu tư, tiết kiệm… qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống xã hội.
(i) Ngành dịch vụ tài chính có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế. Ngành dịch vụ tài chính với các loại dịch vụ như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, tham gia bảo toàn vốn với các dịch vụ bảo hiểm, giao dịch thanh toán như các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng… đã thúc đẩy quá trình chu chuyển vốn, từ đó không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp mà còn đáp ứng nhu cầu đầu tư công thông qua thị trường trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ tài chính còn mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia.
(ii) Sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính góp phần gia tăng tiện ích, nâng cao đời sống xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, các sản phẩm dịch vụ tài chính như dịch vụ thanh toán, dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ quản lý tài sản, các dòng sản phẩm của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ… cũng phát triển theo hướng đa dạng hơn. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ tài chính cũng được chú trọng để gia tăng tiện ích cho người sử dụng thông qua việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực từ quản lý rủi ro, quản trị điều hành, thanh toán điện tử, công nghệ thẻ đến các giao dịch ngân hàng trực tuyến…
(iii) Ngành dịch vụ tài chính với sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính góp phần gia tăng hiệu quả đầu tư. Sự phong phú, đa dạng của các sản phẩm dịch vụ tài chính giúp nhà đầu tư trên thị trường có nhiều cơ hội lựa chọn kênh đầu tư nhằm phân tán rủi ro trong kinh doanh. Bên cạnh đó, sự đa dạng và sẵn có của các sản phẩm tín dụng có thể giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư tìm kiếm các hình thức tín dụng hợp lý để mua hoặc thuê tài sản.
(iv) Sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính thúc đẩy hội nhập quốc tế. Sự đa dạng của các sản phẩm dịch vụ tài chính và sự phát triển của thị trường này đã tạo nhịp cầu kết nối với các dòng vốn quốc tế một cách nhanh chóng trong tiến trình hội nhập. Ngoài những hình thức của đầu tư trực tiếp như: Liên doanh, liên kết, mua cổ phần…, thị trường này còn tạo điều kiện để thúc đẩy các dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua các dịch vụ chứng khoán…
1.2. Xu hướng phát triển dịch vụ tài chính trên thế giới
Trong thời gian gần đây, ngành dịch vụ tài chính thế giới đang đứng trước một số xu hướng lớn, cụ thể:
Xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính
Sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt hoạt động của lĩnh vực dịch vụ tài chính. Các nền tảng công nghệ hiện đại, đột phá như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật, tự động hóa quy trình bằng robot... ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần đa dạng hóa các hoạt động và kênh phân phối, hiện đại hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính. Các mô hình và phương thức kinh doanh mới (ví điện tử, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, tiền kỹ thuật số…) đang phát triển nhanh, tạo nên sự cạnh tranh và thách thức với mô hình, hệ thống tài chính truyền thống. Sự phát triển của công nghệ cũng là nền tảng tạo nên sự phát triển mạnh của các “Trung tâm công nghệ tài chính (fintech)” trên toàn cầu.
Cùng với lĩnh vực ngân hàng, chuyển đổi số cũng đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo hiểm. Theo đó, tận dụng các công nghệ của nền kinh tế số, các doanh nghiệp bảo hiểm của các nước Anh, Đức, Hoa Kỳ đã đổi mới mô hình phân phối sản phẩm bảo hiểm, trong đó sản phẩm được phân phối thông qua di động hoặc ứng dụng trên điện thoại di động có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo hoặc chuỗi khuối. Đối với cung cấp dịch vụ bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm tại các nước cũng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát triển hình thức cung cấp dịch vụ tư vấn mới là tư vấn tự động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm tại các nước cũng có xu hướng thiết kế các sản phẩm có tính cá nhân hóa hơn, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của chủ hợp đồng bảo hiểm, đảm bảo quản lý rủi ro.
Xu hướng chuyển đổi số mang lại không ít cơ hội (giảm chi phí, tăng trải nghiệm khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, thị trường, tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và tốc độ dịch vụ…), nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức (an ninh mạng, an toàn thông tin - dữ liệu, bảo mật riêng tư, tội phạm tài chính như rửa tiền, tài trợ khủng bố, đánh bạc, giao dịch xuyên biên giới tăng, đầu tư công nghệ thông tin, xây dựng nhân sự số, thay đổi văn hóa kinh doanh, tiêu dùng…). Vì vậy, nhằm thích ứng với xu hướng này, nhiều nước đã thực hiện các điều chỉnh đối với chính sách liên quan ngành dịch vụ tài chính như: (i) Hình thành khung pháp lý thử nghiệm (sandbox); (ii) Điều chỉnh khung pháp lý đối với sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm mới hình thành; (iii) Điều chỉnh khung pháp lý về bảo mật dữ liệu, bảo mật thông tin.
Bảng 1. Ứng dụng công nghệ mới trong ngành dịch vụ tài chính
Công nghệ | Dịch vụ thanh toán | Dịch vụ tư vấn, đại lý | Đầu tư và tự doanh | Cho vay và tài trợ | Bảo hiểm | Chứng khoán | Tác nghiệp | Giao dịch | An ninh mạng |
Chuỗi khối | x | x | x | x | x | x | x | x | |
Dữ liệu lớn | | x | x | x | x | x | x | x | x |
Internet vạn vật | | | | | x | | | x | |
Điện toán đám mây | | | | x | | | x | | x |
Trí tuệ nhân tạo | | x | x | x | x | x | | x | x |
Công nghệ sinh học | x | | | x | x | x | | | x |
Công nghệ tăng cường/ Thực tế ảo | | x | x | | | | | x | |
Nguồn: Cấn Văn Lực và cộng sự (2021)
Xu hướng phát triển dịch vụ tài chính gắn với tài chính xanh, ngân hàng xanh
Với xu thế và nhận thức của cộng đồng quốc tế ngày càng cao về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, hệ thống ngân hàng - tài chính toàn cầu đã chứng kiến sự tham gia và cam kết mạnh mẽ của rất nhiều tập đoàn ngân hàng - tài chính lớn trên thế giới trong việc phát triển ngân hàng xanh - hành động có trách nhiệm với môi trường. Cùng với xu hướng ngân hàng xanh, chiến lược xanh hóa tài chính toàn cầu bao trùm toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống tài chính: Trung gian tài chính xanh (bao gồm thị trường carbon, thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và chỉ số chứng khoán xanh), công cụ huy động vốn xanh và đầu tư xanh. Đối với TTCK, sự ra đời và phát triển TTCK xanh bền vững (SSE)2 là giải pháp quan trọng để khắc phục rủi ro, biến động, hướng tới phát triển bền vững hơn, xanh hơn.
Xu hướng phát triển dịch vụ tài chính gắn với hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng
Cùng với sự phát triển của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và các trung tâm fintech, cơ hội hợp tác, phát triển thương mại và đầu tư quốc tế, tài chính quốc tế ngày càng rộng mở. Theo đó, hội nhập quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lý tiền tệ quốc tế theo hướng tập trung quản lý quá trình cung ứng dịch vụ tài chính, chuyển từ quản lý dựa trên nguyên tắc chung sang quản lý dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế cũng góp phần tăng cường bảo mật thông tin và an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và đảm bảo ổn định hệ thống tài chính thông qua việc hợp tác trên phạm vi khu vực và quốc tế trong việc thích ứng với sự phát triển nhanh, liên tục, đa chiều, xuyên biên giới của fintech, tiền kỹ thuật số, cũng như sự tinh vi, phức tạp của tội phạm công nghệ cao và tội phạm tài chính.
1.3. Định hướng phát triển dịch vụ tài chính ở Việt Nam
Là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động, có quy mô dân số gần 100 triệu người với tỷ lệ dân số trẻ tương đối cao và tầng lớp trung lưu có thu nhập ngày càng tăng nhanh, Việt Nam có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển dịch vụ tài chính. Trong những năm gần đây, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ tài chính thích ứng với những yêu cầu của bối cảnh mới như Chiến lược về tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Mới đây nhất, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã xác định: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế...”. Chiến lược Tài chính đến năm 20303 cũng nhấn mạnh phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 20504 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, trong đó khẳng định phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng gắn với hội nhập thị trường tài chính; phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thông sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng...
Phát triển dịch vụ tài chính tại Việt Nam trong thời gian tới là chủ trương đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hội nhập và hiện đại, hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện và tài chính xanh; phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Theo đó, phát triển dịch vụ tài chính tại Việt Nam sẽ tập trung vào một số định hướng sau: (i) Phát triển dịch vụ tài chính gắn với hội nhập thị trường tài chính; (ii) Phát triển dịch vụ tài chính gắn với công nghệ 4.0; (iii) Phát triển dịch vụ tài chính gắn với tài chính toàn diện; (iv) Phát triển dịch vụ tài chính gắn với tài chính xanh.
2. Phát triển dịch vụ tài chính tại vùng Đông Nam bộ và một số khuyến nghị
2.1. Tiềm năng và điều kiện phát triển ngành dịch vụ tài chính
Vùng Đông Nam bộ được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hội tụ các yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó có dịch vụ tài chính.
Vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng, thu ngân sách, xuất - nhập khẩu của cả nước. Giai đoạn 2011 - 2020, dân số trung bình toàn vùng đạt gần 16,4 triệu người, chiếm 17,7% tổng dân số cả nước; mật độ dân số bằng 2,5 lần mật độ dân số trung bình của cả nước. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước với dân số năm 2020 là hơn 9 triệu dân, chiếm 9,5% dân số cả nước.
Tăng trưởng GRDP toàn vùng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,13%; chiếm khoảng 33% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 141,2 triệu đồng/người, cao hơn 2 lần mức bình quân chung cả nước. Vùng cũng là đầu tàu trong xuất khẩu, chiếm khoảng 35% giá trị xuất khẩu cả nước trong giai đoạn 2016 - 2020 với các tỉnh, thành xuất khẩu chủ yếu như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021, mặc dù các tỉnh trong vùng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng vẫn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đông Nam bộ cũng là khu vực dẫn đầu cả nước trong đóng góp vào ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 40% tổng thu cả nước. Các địa phương thu ngân sách dẫn đầu cả nước là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đông Nam bộ là một vùng công nghiệp trọng yếu lớn nhất của cả nước, với một mạng lưới dày đặc với gần 120 khu công nghiệp, tập trung ở tứ giác thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu. Số lượng khu công nghiệp của vùng chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước (chiếm gần 32% tổng số khu công nghiệp cả nước); diện tích các khu công nghiệp cũng ở mức cao nhất, chiếm trên 38%; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trong vùng ở mức 64% (Vụ Quản lý kinh tế, 2020). Cùng với sự phát triển các khu công nghiệp vùng Đông Nam bộ cũng là vùng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước, chiếm 46,2% số dự án và 38,2% tổng vốn đầu tư. Số lượng doanh nghiệp trong vùng chiếm khoảng 41% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và số vốn đầu tư chiếm khoảng 52% của cả nước.
Bảng 2. Tình hình phát triển khu công nghiệp tại vùng Đông Nam bộ
STT | Vùng | Số lượng | So với cả nước (%) | Diện tích | So với cả nước (%) | Diện tích đất công nghiệp | Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê | Tỷ lệ lấp đầy |
1 | Trung du miền núi phía Bắc | 30 | 8,13 | 7.250,33 | 6,36 | 4.667,86 | 2.662,44 | 57,04 |
2 | Đồng bằng
sông Hồng | 90 | 24,39 | 26.000,86 | 22,81 | 17.108,65 | 9.749,39 | 56,99 |
3 | Duyên hải
miền Trung | 68 | 18,43 | 22.003,18 | 19,30 | 11.962,88 | 5.083,38 | 42,49 |
4 | Tây Nguyên | 9 | 2,44 | 1.341,26 | 1,18 | 986,92 | 703,67 | 71,30 |
5 | Đông Nam bộ | 117 | 31,71 | 44.518,87 | 39,05 | 30.111,05 | 19.216,75 | 63,82 |
6 | Đồng bằng sông Cửu Long | 55 | 14,91 | 12.883,98 | 11,30 | 8.717,68 | 4,794.52 | 55,00 |
| Tổng cộng | 369 | 100,00 | 113.998,48 | 100,00 | 73.555,05 | 42.210,16 | 57,39 |
Nguồn: Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Báo cáo tình hình thành lập và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế năm 2020
Hạt nhân vùng Đông Nam bộ là thành phố Hồ Chí Minh với nhiều lợi thế phát triển thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố đạt khoảng 6,41%, đóng góp khoảng 22,2% GDP cả nước, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước.... Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ra đời của TTCK Việt Nam với sàn giao dịch chứng khoán HOSE. HOSE có trên 400 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có 23 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, chủ yếu thuộc nhóm tài chính, ngân hàng và bất động sản với tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp này chiếm gần 80% tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE. Bên cạnh đó, thành phố cũng là địa bàn tập trung các chi nhánh và văn phòng đại diện của hơn 30 ngân hàng thương mại nội địa và 50 ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính quốc tế. Ngành tài chính ngân hàng đóng góp 8,9% GRDP của thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, từ tháng 3/2020, Trung tâm tài chính thành phố Hồ Chí Minh đã được đánh giá và xếp hạng là một thị trường tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI). Đến tháng 9/2021, thành phố Hồ Chí Minh được xếp trong danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI.
Sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và phát triển các dịch vụ tài chính bao gồm các dịch vụ kế toán, kiểm toán; dịch vụ tư vấn đầu tư; các dịch vụ liên quan đến huy động vốn, cho vay vốn (tín dụng tiêu dùng, tín dụng thế chấp, bao thanh toán, và tài trợ các giao dịch thương mại), dịch vụ bao thanh toán, dịch vụ ngoại hối, dịch vụ bảo lãnh, các dịch vụ về thanh toán và chuyển tiền; dịch vụ bảo hiểm (nhà xưởng, máy móc, thiết bị và con người). Trong khi đó, lợi thế về dân số kéo theo nhu cầu tiêu dùng, tích lũy và đầu tư cao tạo điều kiện thuận lợi cho vùng phát triển các ngành dịch vụ tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong vùng có trình độ cao, sử dụng các thiết bị di dộng kết nối mạng internet đã làm chuyển dịch nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng sang các kênh giao dịch trực tuyến và điện thoại di động thông minh thay vì phải tới các chi nhánh của các định chế tài chính để thực hiện các thủ tục cũng tạo ra các điều kiện thuận lợi cho phát triển các dịch vụ tài chính mới trên nền tảng kỹ thuật số tại các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, sự phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng, điển hình như thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có khu công nghiệp phát triển như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, thu nhập của người dân tại các địa phương này được nâng cao, nhu cầu về quản lý tài sản cá nhân, bảo hiểm rủi ro cho sinh mạng và tài sản đã trở thành một nhu cầu khách quan trong đời sống. Từ đó, khuyến khích những dịch vụ tài chính như thanh toán, dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ quản lý tài sản, các dòng sản phẩm của bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ... phát triển.
2.2. Thực trạng phát triển ngành dịch vụ tài chính tại vùng Đông Nam bộ
Cùng với sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính cả nước, ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam bộ cũng đạt được những kết quả tích cực.
Dịch vụ ngân hàng
Hệ thống ngân hàng với đa dạng hình thức sở hữu, sản phẩm dịch vụ đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong toàn vùng. Trong đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân đạt 13,7%, tín dụng tăng bình quân 13,6%. Hệ thống các tổ chức tín dụng tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ cả về loại hình sở hữu, quy mô, mạng lưới hoạt động, các dịch vụ ngân hàng cung ứng ngày càng đa dạng và hiện đại, trong đó nhiều ngân hàng luôn đi đầu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ, mang đến cho khách hàng, người tiêu dùng những trải nghiệm tốt nhất, thuận lợi nhất. Các dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố cho phép khách hàng giao dịch ngân hàng tại nhà, giao dịch mọi lúc, mọi nơi, tiện ích, tiện lợi, an toàn và tiết giảm chi phí tối đa. Bên cạnh đó, số lượng dịch vụ cũng phát triển nhanh, đa dạng và phong phú, các dịch vụ thẻ, Internet Banking, Mobile Banking, thanh toán, chuyển tiền điện tử, ví điện tử… có tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm.
Tại Bình Dương, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng ngày càng được mở rộng thông qua số lượng chi nhánh/điểm đặt ATM/máy POS ngày càng tăng. Trong đó, trên địa bàn tỉnh có 32 ngân hàng thương mại, trên 70 chi nhánh ngân hàng. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ tài khoản, dịch vụ thanh toán, dịch vụ gửi tiết kiệm và vay tiền của các ngân hàng tăng lên. Mức độ bao phủ ngân hàng tại Đồng Nai cũng ở mức cao với có 59 chi nhánh của 42 ngân hàng thương mại cổ phần, 219 phòng giao dịch trực thuộc và 22 chi nhánh ngân hàng cấp 2; 35 quỹ tín dụng nhân dân và 5 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP).
Dịch vụ chứng khoán
Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh là sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của cả nước có cơ cấu sản phẩm, dịch vụ phát triển đa dạng. Bên cạnh các sản phẩm đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, thị trường còn có nhiều sản phẩm mới như: Các chứng chỉ quỹ, sản phẩm đầu tư và phòng ngừa rủi ro (như chứng quyền, hợp đồng tương lai chỉ số VN30, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 5 năm, 10 năm. Các nghiệp vụ kinh doanh trên TTCK cũng khá đa dạng như: Giao dịch ký quỹ, nghiệp vụ vay và cho vay chứng khoán để hỗ trợ thanh toán chứng khoán (SBL), giao dịch mua lại (Repo)... Hiện có trên 50 công ty chứng khoán (có trụ sở hoặc mở chi nhánh) tại thành phố Hồ Chí Minh; 2 công ty chứng khoán mở chi nhánh/phòng giao dịch tại Bình Dương; 3 công ty chứng khoán mở chi nhánh/phòng giao dịch tại Đồng Nai; 5 công ty chứng khoán mở chi nhánh/phòng giao dịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu…
Dịch vụ bảo hiểm
Nhiều công ty môi giới bảo hiểm, công ty tái bảo hiểm, công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã thành lập hoặc mở chi nhánh tại vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong nhóm 10 công ty bảo hiểm lớn nhất Việt Nam có 8 công ty có trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh gồm Prudential Vietnam; Dai-ichi Life Việt Nam; AIA Việt Nam; Manulife Việt Nam; Chubb Việt Nam; Hanwha Life Việt Nam; Sun Life Việt Nam; Cathay Việt Nam. Trong đó, thị phần tổng doanh thu các công ty bảo hiểm lần lượt là Bảo Việt Nhân thọ: 21,4%; Manulife: 18,8%; Prudential: 14,3%; AIA: 11,8%; Dai-ichi: 11,3%; MB Ageas: 4%; Sun Life: 3,3%; Hanwha: 2,8%; Chubb: 2,7%, Cathay: 1,7%, còn lại là của các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa bàn đặt trụ sở chính của một số công ty môi giới bảo hiểm lớn như Công ty môi giới bảo hiểm Marsh; Môi giới bảo hiểm Jardine Lloyd Thompson; Công ty môi giới bảo hiểm Gras Savoye Willis Việt Nam; Công ty Cimeico.
Ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam bộ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương trong vùng cũng như toàn vùng. Sự đa dạng của các sản phẩm dịch vụ tài chính như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm… đã thúc đẩy quá trình chu chuyển vốn, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thành tựu khoa học công nghệ cũng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của dịch vụ tài chính như quản lý rủi ro, quản trị điều hành, thanh toán điện tử, công nghệ thẻ đến các giao dịch ngân hàng online, Internet Banking, Home Banking, Mobile Banking… góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, gia tăng tiện ích và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng dịch vụ.
Cùng với các dịch vụ truyền thống, sự bùng nổ của fintech trong vài năm gần đây đã tác động mạnh mẽ đến ngành dịch vụ tài chính nói chung và các dịch vụ tài chính tại vùng Đông Nam bộ nói riêng. Theo bảng xếp hạng Trung tâm fintech toàn cầu năm 2021, điểm fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy thị trường Fintech vùng Đông Nam bộ với điểm nhấn là thành phố Hồ Chí Minh đang có sự phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng tài chính.
Tuy nhiên, tiềm năng phát triển kinh tế nói chung, dịch vụ tài chính nói riêng tại vùng Đông Nam bộ còn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả trong giai đoạn qua.
(i) Phát triển kinh tế - xã hội trong vùng còn một số điểm nghẽn, trong đó vấn đề hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng trên cả 3 tuyến đường bộ, đường không và đường biển đang là điểm nghẽn nghiêm trọng của vùng, tác động đến phát triển kinh tế toàn vùng nói chung và ngành dịch vụ tài chính nói riêng. Mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp với sự phát triển của dân số, đô thị hóa. Cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống ô nhiễm, thiếu an toàn. Do đó, mất lợi thế cạnh tranh trong thu hút các định chế tài chính, quỹ đầu tư, chuyên gia cao cấp khi cạnh tranh với địa bàn khác như Đà Nẵng và với các thành phố quốc tế như Băng - cốc…
(ii) Quá trình cơ cấu lại thị trường tài chính còn chậm, quy TTCK còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực. Tỷ lệ vốn hóa của TTCK trên GRDP của thành phố Hồ Chí Minh còn thấp, mới đạt 52%, trong khi Singapore đạt 243%, Kuala Lumpur 143%, Bangkok 120%...
(iii) Về cơ cấu định chế tài chính, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần tuy phát triển mạnh nhất cả nước nhưng so với các tổ chức tín dụng trong khu vực vẫn còn nhỏ bé về quy mô và thiếu kinh nghiệm trong dịch vụ tài chính quốc tế, phân tích thị trường, thẩm định dự án. Địa bàn cũng thiếu các nhà đầu tư chuyên nghiệp, như các quỹ đầu tư, các công ty ủy thác, các nhà môi giới tiền tệ... Những yếu tố này làm giảm sức hấp dẫn của thành phố về giao dịch thương mại, kinh doanh, đầu tư và tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển trở thành thị trường tài chính khu vực và quốc tế.
(iv) Các dịch vụ tài chính xanh; dịch vụ tài chính số vùng Đông Nam bộ chưa thực sự phát triển, chưa định vị được thương hiệu là địa bàn thu hút, phát triển các dịch vụ tài chính mới, sáng tạo.
(v) Tồn tại khoảng cách lớn giữa sự phát triển, phân bổ, mật độ định chế tài chính, dịch vụ tài chính tại các thành phố và nông thôn; dân cư và doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
(vi) Thiếu hụt nguồn nhân lực đủ trình độ vận hành và làm chủ công nghệ mới. Ngành dịch vụ tài chính đang phải đối mặt chính là việc xây dựng một đội ngũ nhân lực xứng tầm để có thể bắt kịp xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại các ngân hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có khoảng 10 - 15% nhân sự cấp cao làm việc tại các hội sở chính, có năng lực, bản lĩnh, trình độ cao.
3. Một số khuyến nghị phát triển ngành dịch vụ tài chính vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Theo Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển vùng Đông Nam bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, về định hướng phát triển, vùng Đông Nam bộ được quy hoạch để tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số, sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo; tài chính ngân hàng, bất động sản. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh - hạt nhân của vùng Đông Nam bộ được đánh giá là hội tụ đủ các yêu cầu hình thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn tới, để phát triển ngành dịch vụ tài chính, các tỉnh Đông Nam bộ cần chú trọng một số nội dung sau:
(i) Lĩnh vực dịch vụ tài chính là lĩnh vực đặc thù, mang tính hệ thống trên toàn quốc, do đó, sự phát triển của dịch vụ tài chính tại khu vực Đông Nam bộ vẫn phụ thuộc vào sự phát triển chung của thị trường tài chính Việt Nam, mức độ tự do hóa thương mại, tự do hóa tài chính, cơ sở hạ tầng tài chính chung như hệ thống thanh toán, hệ thống giao dịch, các quy định pháp lý chung về quản lý, giám sát thị trường... Theo thông lệ quốc tế, sự phát triển của lĩnh vực tài chính sẽ tịnh tiến dần theo bậc thang là tự do hóa thương mại rồi đến tự do hóa tài chính. Trong khi, Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn tự do hóa thương mại. Do đó, chiến lược và định hướng phát triển dịch vụ tài chính của khu vực, của địa phương cần bám sát thực trạng mức độ hội nhập, sự phát triển sâu rộng của hệ thống tài chính, và các định hướng chiến lược cấp quốc gia để có lộ trình phát triển khả thi, hiệu quả. Vùng Đông Nam bộ có thể trở thành cửa ngõ đón dòng vốn vào Việt Nam, nhưng yếu tố cần là phải có khung pháp luật rõ ràng, ổn định, thể hiện ở các Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 và các nghị định liên quan cần được củng cố, xây dựng các cơ chế mạnh mẽ để chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố. Đây là những yếu tố then chốt để bảo đảm rằng các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch an toàn tại thị trường trong nước.
(ii) Tận dụng lợi thế đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh để phát huy vai trò đầu tàu trong phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn thành phố hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác trong khu vực và trên cả nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực củng cố vị thế trung tâm tài chính quốc gia của thành phố Hồ Chí Minh, tiến tới thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Ngày 26/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 642/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng phát triển thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á vào năm 2045.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, cần có sự đột phá từ chính sách đến tầm nhìn ở cấp Trung ương, sự phối hợp của các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ và tính chủ động, sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm để phát triển Singapore trở thành một trung tâm tài chính cho thấy ba vấn đề cốt lõi: (i) Củng cố hạ tầng mềm với các chính sách, quy định và sự giám sát chặt chẽ đối với các rủi ro tài chính, sự hỗ trợ từ chính phủ với các chính sách ưu đãi, tự do hóa tài chính để thu hút các công ty, tập đoàn tham gia vào lĩnh vực tài chính; (ii) Đầu tư phát triển hạ tầng cứng trong nhiều thập niên nhằm đáp ứng nhu cầu không gian của hàng nghìn tổ chức tài chính quy tụ về. Các chi phí như tiền lương và thuê nhà ở Singapore tăng đều đặn nhưng giá thuê văn phòng tại Singapore vẫn thấp hơn so với các trung tâm tài chính đối thủ hàng đầu như London, New York, Hồng Kông và Tokyo. Singapore có một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến với các trung tâm hàng không và trung tâm cảng sầm uất; (iii) Phát triển nguồn lao động có kỹ năng, Viện Ngân hàng và Tài chính Singapore (IBF) và Lực lượng Lao động Singapore (WSG) đã tham gia đào tạo cho các chuyên gia những bộ kỹ năng cần thiết giúp họ phát triển trong ngành tài chính - ngân hàng.
Bên cạnh đó, vấn đề phát triển liên vùng cũng cần được chú trọng. Bởi lẽ thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế và sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ không chỉ trên địa bàn thành phố mà lan tỏa tới các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ. Kinh nghiệm của Thượng Hải cho thấy, sự hợp tác của thành phố này và các tỉnh thành lân cận trong hợp tác đầu tư, phát hành trái phiếu, vay tín dụng từ các tổ chức tài chính thế giới... để huy động nguồn vốn vào đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối Thượng Hải và các địa phương lân cận. Việc hợp tác theo mô hình của Thượng Hải sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh giải tỏa áp lực về cơ sở hạ tầng, trong khi các tỉnh thành tăng cơ hội tiếp cận các nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
(iii) Thế giới tài chính đang thay đổi, giao dịch số, điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa… là xu hướng. Để đi tắt đón đầu xu thế, các tỉnh thành Đông Nam bộ cần định hướng phát triển ngành dịch vụ tài chính với các ưu tiên cho phát triển dịch vụ tài chính số, với các giải pháp nền tảng là hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số, hỗ trợ thủ tục hành chính và các vấn đề pháp lý đối với lĩnh vực fintech.
Kinh nghiệm của London cho thấy, chính quyền thành phố đã đưa ra các thông điệp tích cực về việ cam kết chính trị và hỗ trợ pháp lý cho lĩnh vực fintech, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tìm hiểu các vấn đề liên quan tới tuân thủ các quy định pháp lý, chính sách hiện hành, đồng thời đồng hành trong việc đề xuất để cải thiện các quy định chính sách về công nghệ, đổi mới trong lĩnh vực tài chính, thúc đẩy Cơ quan quản lý tài chính Anh ban hành Khung pháp lý thử nghiệm Sandbox đối với Fintech.
New York cũng đưa ra 5 chương trình xúc tiến khởi nghiệp trong Fintech, với sự đồng tham gia của các tập đoàn tài chính, nhóm các ngân hàng. Tại Stockholm, Quỹ đầu tư mạo hiểm NFT được thành lập, chỉ tập trung vào lĩnh vực fintech. Tại Amsterdam, ứng dụng StartupDelta được phát triển nhằm cung cấp toàn bộ thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp của Hà Lan, cung cấp các thông tin về nhà đầu tư tiềm năng, các quy định tài chính tương ứng, và các hỗ trợ pháp lý khác. Singapore thành công trong việc thu hút các tập đoàn tài chính, đặc biệt các quỹ đầu tư vào lĩnh vực fintech thông qua việc tổ chức các hội nghị Fintech cấp cao thường niên, nhằm xây dựng thương hiệu và thể hiện quyết tâm trong việc định vị một trung tâm fintech trên toàn cầu.
(iv) Các công cụ tài chính xanh cần được khai thác, sử dụng hiệu quả để huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ trong giai đoạn tới, nhằm định hướng nguồn vốn vào các lĩnh vực xanh, bền vững đồng thời thu hút nguồn vốn đầu tư tác động đang được nhiều tổ chức tài chính, quỹ đầu tư đẩy mạnh giải ngân tại các nước đang phát triển. Đối với công cụ tài chính xanh, các tỉnh Đông Nam bộ có thể nghiên cứu cơ chế và thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho các dự án, chương trình xanh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức công (các quỹ phúc lợi, quỹ hưu trí…) trong vùng tham gia đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh, qua đó thúc đẩy phát triển các sản phẩm tài chính xanh.
(v) Chú trọng việc thực hiện các giải pháp tài chính toàn diện, lan tỏa sự phát triển của dịch vụ tài chính từ thành phố tới khu vực nông thôn, tới nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Sự phát triển của tài chính toàn diện giúp cho người dân, đặc biệt là người nghèo, hệ thống doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn vay dễ dàng hơn, tăng tiết kiệm và đầu tư, thúc đẩy phát triển của nền kinh tế và ổn định tài chính của khu vực Đông Nam bộ. Một số giải pháp cấp địa phương có thể thực hiện là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, gắn liền với các giải pháp về giáo dục tài chính, chú trọng các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Không chỉ đối với phát triển dịch vụ tài chính, mà đối với cả phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ cần đề cao tư duy phát triển vùng, phải đặt (quy hoạch, chiến lược) phát triển từng tỉnh trong tư duy phát triển vùng gắn với vai trò đầu tàu, hạt nhân phát triển vùng của thành phố Hồ Chí Minh và chú trọng vào các nội dung phát triển giao thông kết nối vùng, phát triển nguồn nhân lực, phối hợp giải quyết vấn đề môi trường, phân bổ nguồn lực.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Phạm Đức Anh và Nguyễn Nhật Minh (2022), Tác động của fintech đối với hệ thống ngân hàng - Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng.
2. Phạm Văn Hiếu (2019), Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 10/2019.
3. Chu Minh Khôi (2021), Dịch vụ tài chính kỹ thuật số: Cơ hội và thách thức cho người tiêu dùng tài chính, Tạp chí Ngân hàng.
4. Cấn Văn Lực và cộng sự (2021), Xu hướng chủ đạo của hệ thống tài chính toàn cầu giai đoạn 2021 - 2030, Diễn đàn Doanh nghiệp.
5. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (2021), Kinh tế - xã hội và hệ thống tài chính Việt Nam 2011 - 2030 - Định hướng và giải pháp trọng tâm đến năm 2030.
6. Trương Thị Hoài Linh (2022), Một số thách thức của fintech đối với ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng.
7. Nguyễn Hoàng Minh (2021), Hệ thống ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh - Dấu ấn 30 năm đổi mới và phát triển, Tạp chí Ngân hàng.
8. Nguyễn Hồng Thu và Đào Lê Kiều Oanh (2020), Phát triển tài chính toàn diện ở tỉnh Bình Dương và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính, tháng 6/2020.
9. Nguyễn Văn Tâm (2021), Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ tài chính số tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, tháng 6/2021.
10. Vũ Nhữ Thăng (2021), Định hướng phát triển thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Tạp chí Tài chính tháng 02/2021.
11. Nguyễn Viên Trà (2021), Xu hướng chủ đạo của hệ thống tài chính toàn cầu và giải pháp chiến lược đối với Việt Nam, Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4 tháng 10/2021.
Tiếng Anh
12. Findexable (2021), Global Fintech Rankings Report 2021: Bridging the Gap, Retrieved 23 June 2022.
13. Fintech News Singapore (2021), Fintech in Vietnam Report 2021, Retrieved 23 June 2022.
14. IMF (2021), Global Financial Stability Report and Fiscal Monitor.
15. World Bank (2020), Digital Financial Services, Retrieved 23 June 2022.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4/2022
*1 Gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
*2 Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (2021), Kinh tế - xã hội và hệ thống tài chính Việt Nam 2011 - 2030 - Định hướng và giải pháp trọng tâm đến năm 2030.
*3 Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022.
*4 Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.