Dự báo ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2024

Dự báo ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2024 29/08/2022 15:33:00 543

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Dự báo ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2024

29/08/2022 15:33:00

Ngày 29/8/2022 tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CLTC) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Dự báo ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2024”. Tham gia Tọa đàm có các chuyên gia Dự án quản lý tài chính công của USAID, chuyên gia của Integra; các cán bộ đến từ Vụ Chính sách thuế, Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Viện CLTC... Tọa đàm do TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện CLTC chủ trì.

TS. Lê Thị Thùy Vân phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Lê Thị Thùy Vân cho rằng, dự báo thu NSNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, chính sách tài khóa nói riêng. Bên cạnh đó, trong điều hành ngân sách, dự báo thu NSNN là cơ sở để chỉ đạo, điều hành quản lý ngân sách và đồng thời là căn cứ cho việc nghiên cứu, ban hành các chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, công tác dự báo thu NSNN ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chủ yếu tập trung vào các dự báo ngắn hạn phục vụ công tác điều hành ngân sách hàng năm. Công tác dự báo thu NSNN trong trung và dài hạn vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa dựa trên các mô hình dự báo có tính ổn định, linh hoạt. Do đó, trong khung Kế hoạch hoạt động năm 2022 thực hiện Bản ghi nhớ (MOU) giữa USAID và Bộ Tài chính về hỗ trợ kỹ thuật quản lý tài chính công, Viện CLTC được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì phối hợp với USAID thực hiện nghiên cứu xây dựng báo cáo dự báo thu NSNN năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2024.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, TS. Đặng Ngọc Tú (đại diện nhóm nghiên cứu) đã trình bày mô hình dự báo thu NSNN theo cách tiếp cận vĩ mô, với các biến số kinh tế vĩ mô là biến ngoại sinh trong các phương trình dự báo thu. Báo cáo đặt mục tiêu xây dựng một mô hình dự báo thu ổn định; có khả năng phản ánh những tác động của môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước đến thu NSNN; cân đối được giữa yêu cầu của lý thuyết kinh tế và lý thuyết kinh tế lượng, giữa nguồn dữ liệu hữu hạn sẵn có và yêu cầu về các khoản thu cần dự báo. Mô hình dự báo thu ở đây được lập trình bằng ngôn ngữ Stata với kỳ vọng sẽ cho phép những người sử dụng linh hoạt trong cập nhật số liệu chỉnh sửa mô hình, phát hành báo cáo và chuyển giao cho những đối tượng hưởng thụ khác.

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp vĩ mô để dự báo cho năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2024 về tổng thu NSNN cũng như các khoản thu chính, bao gồm: (i) Thu thuế thu nhập cá nhân; (ii) Thu thuế thu nhập doanh nghiệp; (iii) Thu thuế giá trị gia tăng hàng hóa trong nước; (iv) Thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa trong nước; (v) Thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; (vi) Thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu; (vii) Thu từ dầu thô; (viii) Thu viện trợ; (ix) Thu khác. Phương pháp vĩ mô coi các biến số kinh tế vĩ mô như một ước lượng gần đúng hoặc đại diện cho cơ sở tính thuế của từng khoản thu.

Ông Phan Vinh Quang - Trưởng nhóm chuyên gia Dự án quản lý tài chính công của USAID

Trưởng nhóm chuyên gia Dự án quản lý tài chính công của USAID - ông Phan Vinh Quang mong muốn có sự chuyển giao mô hình này, đây là sự chia sẻ hữu hiệu. Trước biến động kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nên cần có nhiều mô hình và nhiều giả định để phục vụ có hiệu quả cho công tác dự báo của Viện CLTC trong thời gian tới.

Tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia và các đại biểu tham dự, TS. Lê Thị Thùy Vân kết luận: (1) Mô hình dự báo NSNN cần thường xuyên cập nhật ít nhất 2 lần/năm, những thay đổi về dự báo kinh tế vĩ mô. Hằng năm, các chương trình dự báo cần được kiểm tra, đánh giá và chỉnh sửa cho phù hợp với những thay đổi về cơ cấu kinh tế cũng như những cơ chế, chính sách mới ban hành; (2) Dự báo NSNN bằng phương pháp vĩ mô cần được xem là dự báo cơ sở, trong điều kiện không có sự thay đổi về chính sách thuế. Để kết quả dự báo thu NSNN có thể cập nhật thường xuyên những thay đổi về chính sách thuế, cần kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp vĩ mô và phương pháp vi mô trong dự báo; (3) Về lâu dài cần xây dụng mô hình kinh tế lượng vĩ mô, trong đó thu NSNN là một cấu phần. Mô hình cân bằng tổng thể này không những giúp cơ quan quản lý chủ động trong các dự báo kinh tế vĩ mô, cũng như giúp đánh giá đầy đủ tác động qua lại giữa thu NSNN và các biến số kinh tế vĩ mô.

TTTT&DVTC

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%