Chiến lược nợ công đến năm 2030: Nguồn vay trong nước là cơ bản

Chiến lược nợ công đến năm 2030: Nguồn vay trong nước là cơ bản 13/07/2022 17:15:00 784

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chiến lược nợ công đến năm 2030: Nguồn vay trong nước là cơ bản

13/07/2022 17:15:00

(HQ Online) Trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngày càng lớn, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ, chủ động cơ cấu lại danh mục nợ trong quản lý nợ công là mục tiêu quan trọng xuyên suốt tại Chiến lược nợ công đến năm 2030 nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Phát huy hiệu quả vốn vay, nợ công sẽ trở thành động lực quan trọng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh minh họa: ST

Thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước

Để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030.

Theo đó, Việt Nam phấn đấu tới năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu NSNN. Trong huy động vốn, tiếp tục thực hiện nguyên tắc nguồn vay trong nước là cơ bản, quyết định, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả với nguồn vay nước ngoài là quan trọng. Phát triển các kênh huy động vốn đi đôi với tái cơ cấu danh mục nợ để tăng tính bền vững. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược cũng nêu rõ việc tổ chức huy động vốn vay đáp ứng nhu cầu của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ với chi phí vay hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ ở mức an toàn, kiểm soát đối với nợ nước ngoài, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Liên quan đến việc huy động nguồn lực trong nước, một trong những định hướng huy động và sử dụng vốn vay tại Chiến lược nêu rõ, thực hiện phát hành đều đặn trái phiếu chính phủ các kỳ hạn chuẩn, tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, đồng thời linh hoạt phát hành các kỳ hạn dưới 5 năm, phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển và để cơ cấu lại nợ của Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Trong các nhóm giải pháp thực hiện Chiến lược, nhóm giải pháp phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước đặt ra yêu cầu cần phải đa dạng hóa kỳ hạn phát hành, bao gồm cả kỳ hạn dưới 5 năm; phát triển đa dạng hệ thống nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện; thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư dài hạn trên thị trường. Đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; phát triển sản phẩm trái phiếu Chính phủ xanh để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Nghiên cứu đưa trái phiếu Chính phủ vào rổ chỉ số trái phiếu quốc tế để thu hút thêm các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài.

Tập trung vào vay nợ trong nước giúp cơ cấu nợ có khả năng chống chịu

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, đối với việc xây dựng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ trong nước của Việt Nam, nhìn vào kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực cho thấy, thị trường trong nước phát triển tốt sẽ cho phép tiếp cận nguồn vốn dài hạn bằng đồng nội tệ, qua đó hỗ trợ phát triển thị trường vốn nói chung. Thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam cũng sẽ phát triển từng bước khi mạng lưới các nhà đầu tư được mở rộng. Phép thử thực tế cho phát triển thị trường là sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân, tức là các nhà đầu tư tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài.

“Việc trước mắt chúng ta có thể làm là Chính phủ có thể cân nhắc làm sao để Việt Nam được tham gia và được đưa vào giỏ các chỉ số trái phiếu toàn cầu trong khu vực đối với thị trường mới nổi. Điều này sẽ giúp cải thiện sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư dài hạn, trên cơ sở đó, cơ cấu vay đóng vai trò sức quan trọng để triển khai thành công Chiến lược này" - bà Carolyn Turk lưu ý. Đại diện WB tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, việc Việt Nam tập trung vào vay nợ trong nước là điều rất đáng hoan nghênh. Điều đó góp phần giúp Việt Nam có một cơ cấu nợ có khả năng chống chịu, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo đủ nguồn huy động với chi phí hợp lý. “Như vậy cần phải có sự kết hợp giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài một cách phù hợp, bao gồm cả nguồn vay trên thị trường nước ngoài. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy Chiến lược đã ghi nhận rõ ràng nhu cầu và cân đối này trong hạn mức nợ”, bà Carolyn Turk nói.

Liên quan đến nợ nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, về kết quả quản lý nợ công giai đoạn 2021 - 2020, dư nợ công đến cuối năm 2020 ở mức 55,9% GDP chưa đánh giá lại (giảm mạnh so với đỉnh nợ 63,7% GDP vào năm 2016); đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,1% GDP đánh giá lại. Cơ cấu vay nợ trong nước, nợ nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn, theo đó, tỷ lệ nợ nước ngoài giảm từ 61% so với tổng nợ chính phủ năm 2011 xuống còn 33% năm 2021. Báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cũng cho biết, giai đoạn 2021 - 2030, mục tiêu nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Hoài Anh

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%