Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU: Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU: Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính 30/06/2020 15:50:00 6519

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU: Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực thuế quan và dịch vụ tài chính

30/06/2020 15:50:00

Mai Thị Lê Mai

Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính

 

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU (EUAFTA) dự kiến được đàm phán dựa trên nền tảng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã ký kết vào năm 2019, mặc dù vậy việc thực hiện các cam kết hội nhập giữa hai khối kinh tế lớn nhất thế giới cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính của các quốc gia trong khu vực nói riêng. EUAFTA ra đời sau các hiệp định song phương của Liên minh châu Âu (EU) với các nước khu vực ASEAN, tác động sâu và đa chiều hơn đến nền kinh tế các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Hiệp định dự kiến tác động mạnh mẽ đến hai lĩnh vực tài chính là thương mại hàng hóa và dịch vụ tài chính. Do đó, để có thể tham gia vào tiến trình đàm phán hiệu quả, phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và sự chuẩn bị của cả các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, việc dự kiến các kịch bản cam kết và đưa ra được đánh giá đúng, đầy đủ những cơ hội và thách thức mà EUAFTA mang lại cho Việt Nam trong hai lĩnh vực tài chính nói trên là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen ở khu vực ASEAN hiện nay.

Từ khóa: Thương mại hàng hóa, cam kết thuế quan, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, chứng khoán

ASEAN - EU Free Trade Agreement (EUAFTA) is expected to negotiate on the foundation of the bilateral agreement signed between EU and Viet Nam in 2019; although its commitments could present significant challenges to both region in terms of the economic aspects in general and financial sector in particular. Since the ASEAN - EU Free Trade Agreement will come in later than the bilateral FTAs between EU and ASEAN member states, it is expected to have greater and deeper impact to the economy of ASEAN member states, including Viet Nam. The agreement is expected to have great impact on two financial aspects which are trade in goods and financial services. In order to effectively participate in the negotiation of the ASEAN - EU Free Trade Agreement, the good awareness and preparation of both policy makers and interprises will play the key role. Therefore, it is necessary to figure out the commitment options as well as realise the challenges and opportunities to Viet Nam, particularly in financial sector under the ASEAN - EU Free Trade Agreement.

Key words: Trade in goods, tariff commitment, financial services, insurance, securities

 

1. Các kịch bản đàm phán dự kiến trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ tài chính

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU là hiệp định mà trong đó ASEAN đứng ở vị trí trung tâm và được dự báo không dễ dàng đạt được sự đồng thuận chung do sự khác biệt về cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển giữa các thành viên ASEAN, giữa ASEAN và EU. EU dự định lấy hai hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đã ký với Singapore và Việt Nam làm cơ sở đàm phán cho toàn bộ các nước ASEAN. Bên cạnh đó, biểu thuế không đồng nhất cũng như mức độ nhạy cảm về thương mại và dịch vụ tài chính khác nhau giữa các thành viên sẽ gây khó khăn trong quá trình đàm phán. Do vậy, nhiều khả năng thỏa thuận cuối cùng sẽ có phạm vi không rộng và sâu như những FTA song phương.

Trên cơ sở mặt bằng cam kết thuế quan và dịch vụ tài chính tại các FTA đã ký kết, bài nghiên cứu sẽ đưa ra một số kịch bản dự báo kết quả đàm phán cho lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ tài chính.

1.1. Lĩnh vực thương mại hàng hóa - Cam kết thuế quan  

Hiệp hội các nước Đông Nam Á là thị trường quan trọng đối với EU trong việc tăng cường xuất khẩu, do vậy, xóa bỏ thuế quan chắc chắn sẽ là một trong những cấu phần then chốt của EUAFTA và góp phần đáng kể vào quá trình lưu chuyển hàng hóa trong khu vực. Với mục tiêu tham vọng là vượt trên mức độ cam kết của EU với các nước thành viên ASEAN trong các FTA song phương (Singapore và Việt Nam), các nước thành viên tham gia EUAFTA sẽ không thể đạt được lợi ích gia tăng nếu không tiếp tục cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan với tỷ lệ cao hơn. Để đạt được mục tiêu này, phù hợp với quy định “xóa bỏ đáng kể” theo Điều XXIV của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), các nước tham gia sẽ phải hướng tới tỷ lệ tự do hóa cuối cùng, tối thiểu là 90% và có thể lên tới 95% (có kèm theo sự linh hoạt nhất định cho các nước kém phát triển). Trong bối cảnh EU đã có các FTA với Singapore và Việt Nam nhưng EU chưa có các hiệp định song phương với các nước thành viên khác thì việc xác định được tỷ lệ tự do hóa cuối cùng sẽ gặp nhiều trở ngại.

1.1.1. Kịch bản 1 - Mô hình cắt giảm thuế quan với các biểu cam kết khác nhau của các nước thành viên ASEAN

Theo kịch bản này, mỗi nước thành viên ASEAN sẽ có một biểu cam kết riêng với EU (mỗi biểu có thể có sự khác biệt về số dòng thuế, mức thuế suất, lộ trình cam kết dành cho EU). Cơ sở dự báo kịch bản này xuất phát từ khó khăn, vướng mắc trong đàm phán để đưa ra tỷ lệ cam kết chung cho tất cả các nước tham gia do một số nước thành viên ASEAN chưa có FTA với EU nên đưa ra tỷ lệ cam kết cao như các đối tác đã có FTA song phương với EU. Mặt khác, phía EU mong đợi EUAFTA là một hiệp định có mức độ tự do hóa cao, trên cơ sở mức cam kết đã có với Singpaore và Việt Nam, vì vậy, ASEAN đưa ra một biểu cam kết chung với mức độ tự do hóa thấp hơn mức độ tự do hóa đã đạt được với Singapore và Việt Nam sẽ không đem lại lợi ích gia tăng đáng kể cho EU khi tham gia đàm phán với ASEAN. Tương tự đối với Singapore và Việt Nam, nếu cam kết ở Hiệp định này có mức độ tự do hóa tương tự FTA đã ký với EU thì Hiệp định này không mang nhiều ý nghĩa, trừ khi lợi ích từ các lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, đầu tư... được gia tăng.

Lợi ích của từng nước trong EUAFTA là khác nhau nên kịch bản nhiều biểu cam kết thuế quan mặc dù khó xảy ra nhưng cũng không thể loại trừ. Với kịch bản này, nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cao hơn so với mức độ cam kết đã có trong EVFTA. Cụ thể, tỷ lệ tự do hóa có thể vẫn là 99 - 100% nhưng lộ trình tự do hóa sẽ ngắn hơn. Ngoài ra, Việt Nam có thể phải cam kết mở cửa thị trường ở các lĩnh vực khác (thương mại dịch vụ, hải quan, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật - SPS, hàng rào kỹ thuật trong thương mại - TBT, đầu tư, sở hữu trí tuệ…) tùy thuộc vào mức độ cam kết EU sẽ dành cho Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định này.

1.1.2. Kịch bản 2 - Mô hình cắt giảm thuế quan với một biểu cam kết chung cho các đối tác khác nhau.

Nguyên tắc này có lợi trong đàm phán thương mại hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình khai thác Hiệp định, tránh thỏa thuận song phương giữa các nước, hạn chế tham vọng tự do hóa quá cao. Dựa trên phân tích các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa trong các FTA ASEAN+1, có thể thấy 3 nước ASEAN đã cam kết xóa bỏ thuế quan trung bình từ 90% (tính trung bình giữa các FTA ASEAN+1) gồm: Brunei, Malaysia và Singapore; 7 nước còn lại có tỷ lệ tự do hóa thấp hơn 90%, trong đó Việt Nam có tỷ lệ tự do hóa trung bình là 86,5%. Tỷ lệ tự do hóa trung bình của các đối tác dành cho các nước ASEAN là 91%, trong khi tỷ lệ tự do hóa của các nước ASEAN dành cho đối tác là 88,3%. Đối với Việt Nam, tỷ lệ tự do hóa của Việt Nam với EU đạt 99% và Liên minh kinh tế Á - Âu là 90%.

Khi xác định tỷ lệ tự do hóa cuối cùng, các nước thành viên cũng sẽ xem xét và so sánh với các FTA khu vực khác, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết với mục tiêu tự do hóa cuối cùng là 100%. Trong trường hợp ASEAN và EU đặt mục tiêu xây dựng mô hình đàm phán với tỷ lệ tự do hóa cuối cùng ở mức tham vọng cao (95%) thì hầu hết các nước thành viên ASEAN sẽ phải nỗ lực rất lớn để đạt được tỷ lệ này vì hiện chỉ có Singapore, Việt Nam, Brunei và Malaysia có khả năng đáp ứng do đã có mức độ cam kết cao trong CPTPP và FTA song phương với EU.

Một mục tiêu ít tham vọng và khả thi hơn là tỷ lệ tự do hóa cuối cùng ở mức 92%. Theo giả định này, các nước thành viên sẽ phải lựa chọn tối đa là 8% các mặt hàng để bảo hộ (đưa vào danh mục nhạy cảm hoặc không cam kết), trong khi sẽ tự do hóa toàn bộ các mặt hàng còn lại. Tuy nhiên, khi đánh giá tổng quan mặt bằng cam kết của tất cả các nước thành viên, mục tiêu 92% áp dụng chung vẫn khó có thể đạt được nếu không cho phép áp dụng các linh hoạt hay ngoại lệ nhất định, có thể dưới các hình thức như lộ trình giảm thuế suất về 0% dài hơn hoặc không áp dụng cho một số đối tác đối với một số dòng thuế có nhạy cảm về thương mại.

Đối với Việt Nam, mục tiêu tự do hóa là 92% có thể đáp ứng được, tuy nhiên không loại trừ khả năng EU sẽ yêu cầu Việt Nam đẩy nhanh lộ trình tự do hóa.

1.2. Lĩnh vực dịch vụ tài chính

Trong lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán, kỳ vọng của các nước ASEAN cũng như EU về mức độ mở cửa thị trường rất khác nhau do có chênh lệch lớn về năng lực thị trường dịch vụ, cũng như mặt bằng cam kết hiện có trong các FTA đã tham gia.

1.2.1. Kịch bản 1 - Cam kết ngang bằng với Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định FTA khác

Theo kịch bản này, về nguyên tắc, các quyền và nghĩa vụ đối với dịch vụ tài chính được xây dựng theo cách tiếp cận “chọn cho”, nghĩa là các thành viên sẽ lựa chọn các ngành, phân ngành dịch vụ tài chính cam kết mở cửa theo 4 phương thức cung cấp dịch vụ của GATS (cung cấp qua biên giới, tiêu dùng nước ngoài, hiện diện thương mại, di chuyển thể nhân) trên cơ sở nguyên tắc về đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc. Về cam kết cụ thể, mức độ mở cửa thị trường dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán của Việt Nam theo đó chỉ tương đương với cam kết trong GATS.

Dịch vụ bảo hiểm

Việt Nam cam kết cho phép cung cấp qua biên giới đối với các dịch vụ bảo hiểm vận tải quốc tế; tái bảo hiểm; môi giới bảo hiểm và môi giới tái bảo hiểm; dịch vụ tư vấn, tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường; dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Về hiện diện thương mại, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp nước ngoài thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, cho phép thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài.

Dịch vụ chứng khoán

Việt Nam cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với các dịch vụ chuyển thông tin, dịch vụ tư vấn và dịch vụ phụ trợ, cho phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài được thành lập chi nhánh đối với các phân ngành quản lý tài sản, dịch vụ thanh toán và thanh toán bù trừ, cung cấp và chuyển thông tin tài chính, tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ.

Kịch bản này được xem là giải pháp an toàn đối với các nước ASEAN. Đối với Việt Nam, cam kết GATS đã ở mức tự do hóa khá cao trong tương quan mặt bằng cam kết của các nước thành viên ASEAN trong GATS. Tuy nhiên, việc đạt được kịch bản này rất thách thức và khó đạt được đối với các nhà đàm phán của Việt Nam do EU và một số nước thành viên ASEAN kỳ vọng mức cam kết cao hơn.

1.2.2. Kịch bản 2 - Cam kết tương đương với cam kết của Việt Nam tại EVFTA

Các nghĩa vụ đối với dịch vụ tài chính sẽ có các nghĩa vụ bổ sung so với GATS như dịch vụ tài chính mới (nghĩa vụ không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước khi cho phép cung cấp dịch vụ tài chính mới), tổ chức tự quản lý (nghĩa vụ không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước khi tiếp cận tổ chức tự quản lý), các quy định về minh bạch hóa (quy trình thủ tục rõ ràng, minh bạch). Về cam kết cụ thể, mức độ mở cửa thị trường dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán cơ bản tương đồng với các cam kết của Việt Nam trong GATS, tuy nhiên sẽ có các cam kết GATS+.

Dịch vụ bảo hiểm

Dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ bảo hiểm sức khỏe thông qua hình thức hiện diện thương mại, thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam được phép hoạt động.

Dịch vụ chứng khoán

Mức độ mở cửa thị trường dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán của Việt Nam sẽ cao hơn mặt bằng cam kết chung của Việt Nam trong nội khối ASEAN. Việc dành mức độ cam kết cao cho các đối tác khu vực cần được cân nhắc trong lợi ích tổng thể của Hiệp định. Không phân biệt đối xử quốc gia giữa các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước và nước ngoài tại các dịch vụ cung cấp và lưu chuyển thông tin; dịch vụ tư vấn, trung gian và phụ trợ.

1.2.3. Kịch bản 3 - Cam kết tương đương với cam kết của Việt Nam trong các FTA theo phương thức tiếp cận chọn bỏ (CPTPP, Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN - ATISA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP)

Các nghĩa vụ đối với dịch vụ tài chính có thể được mở rộng hơn. Phương thức tiếp cận “chọn bỏ” cho phép các nước thành viên của Hiệp định đưa ra các cam kết mở cửa thị trường trong tất cả các ngành, phân ngành trừ những ngành, phân ngành được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc. Một số yếu tố mới từ chương thương mại dịch vụ chung cũng sẽ được đàm phán để áp dụng đối với dịch vụ tài chính như nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc tự động, Cơ chế ràng buộc tự do hóa đơn phương , Danh mục minh bạch hóa, Hiện diện tại nước sở tại, Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước. Về cam kết cụ thể, mức độ mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam không nên vượt quá mức độ mở cửa thị trường của các FTA đã đàm phán và ký kết (CPTPP, ATISA, RCEP).

Dịch vụ bảo hiểm

Mức độ mở cửa thị trường cơ bản tương đồng với các cam kết của Việt Nam trong WTO, tuy nhiên sẽ có các cam kết GATS+ cho phép cung cấp qua biên giới dịch vụ nhượng tái bảo hiểm và dịch vụ quản lý danh mục đầu tư.

Dịch vụ chứng khoán

Mức độ mở cửa thị trường cơ bản tương đồng với các cam kết của Việt Nam trong WTO, tuy nhiên sẽ có các cam kết GATS+ không phân biệt đối xử quốc gia (NT) giữa nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài và nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước đối với các dịch vụ cung cấp và lưu chuyển thông tin và dịch vụ tư vấn, trung gian và phụ trợ.

Đối với Việt Nam, các hiệp định theo phương thức tiếp cận chọn bỏ như CPTPP, ATISA, RCEP có mức cam kết và tự do hóa khá cao so với mặt bằng các hiệp định khác. Vì vậy, việc cam kết EUAFTA trên nền tảng cam kết theo mô hình các hiệp định theo phương thức tiếp cận chọn bỏ không có lợi cho Việt Nam với bối cảnh là nước nhập khẩu dịch vụ tài chính và có thị trường tài chính chưa phát triển. Trong trường hợp bắt buộc cam kết theo phương thức tiếp cận chọn bỏ thì cần có ngoại lệ dành riêng cho dịch vụ tài chính

2. Cơ hội và thách thức trong lĩnh vực thương mại hàng hóa

2.1. Cơ hội

Thông qua EUAFTA, Việt Nam cùng với ASEAN và các nước đối tác sẽ đi đến thống nhất, hài hòa các cam kết, quy định trong các FTA ASEAN+1 hiện nay, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thương mại. Rõ ràng, một FTA thế hệ mới sẽ là cơ hội để cho các bên đánh giá việc thực thi cam kết trong các FTA ASEAN+ trong thời gian qua và đặt ra yêu cầu mới hợp lý hơn trong một FTA mới. Ngoài ra, khuôn khổ ASEAN - EU sẽ tạo diễn đàn để các nước trao đổi quan điểm trong việc dỡ bỏ các rào cản thương mại. Quá trình này sẽ tạo cơ hội tốt để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu, cải thiện và gia tăng giá trị hàng xuất khẩu sang các thị trường EU, thúc đẩy tỷ lệ tận dụng các FTA với khu vực này.

Việt Nam sẽ tận dụng được các cơ hội thâm nhập thị trường và phát triển thông qua các mức thuế nhập khẩu ưu đãi hơn, đảm bảo quyền lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh việc được hưởng mức thuế quan ưu đãi, nguyên liệu nhập khẩu từ EU sẽ được cộng gộp khi tính toán xuất xứ của hàng hóa. Trong bối cảnh nhiều nguyên liệu, đầu vào cho sản xuất của Việt Nam là từ khu vực này thì EUAFTA sẽ giúp phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi của Hiệp định, tạo điều kiện tích cực để khai thác các thị trường lớn trong khu vực. Đây là triển vọng rất thực tế, đặc biệt đối với những mặt hàng mà ta có lợi thế về lao động. Cơ hội thâm nhập vào thị trường EU phụ thuộc vào mức độ cải thiện năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ quốc gia, ngành hàng, sản phẩm dựa trên các cải cách nội tại của nền kinh tế nhiều hơn là từ cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường thông qua đàm phán giữa ASEAN và EU.

Trong lĩnh vực nhập khẩu, Việt Nam đã tham gia các FTA ASEAN+1 với tất cả các nước ASEAN. Trong các hiệp định này, tỷ lệ cắt giảm thuế quan của ta tương đối cao như trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), AJCEP, AANZFTA (tỷ lệ tự do hóa 90% hoặc trên 90%). Trường hợp cam kết mức tự do hóa trong EUAFTA hợp lý, sẽ không tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam và thu ngân sách từ thuế nhập khẩu.

Tham gia EUAFTA sẽ thúc đẩy các luồng vốn đầu tư từ các thị trường phát triển vào Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Đông Á đang trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động hàng đầu và các nhà đầu tư dịch chuyển đầu tư vào các nước có chi phí nhân công hợp lý hơn. Điều này sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo hướng tích cực.

2.2. Thách thức

Thách thức lớn nhất từ EUAFTA là Việt Nam có thể phải mở cửa thị trường cho hàng hóa của các nước EU có trình độ phát triển và trình độ khoa học ở mức cao, năng suất lao động hiệu quả, chất lượng hàng hóa tốt, có phân khúc thị trường có tính cạnh tranh cao. Hiện tại, chính sách thương mại và cải cách cơ cấu của các nền kinh tế lớn trong khu vực EU đang có những điều chỉnh căn bản và là những nhân tố động. Bên cạnh đó, khu vực này thời gian qua có nhiều biến động như khủng hoảng Brexit. Thực tế này tạo ra sự phức tạp và khó khăn đối với Việt Nam trong việc nhận diện chính sách thương mại của EU trong giai đoạn tới. Do đó, Việt Nam cần xác định biện pháp chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành hàng có lợi thế dài hạn, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển dịch nguồn lực, lao động từ các ngành hàng, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh thấp.

Những thách thức đối với các ngành hàng chủ yếu đến từ các nguyên nhân: (i) Chất lượng sản phẩm xuất khẩu tương đối thấp, khó cạnh tranh với các nước khác và không đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu sang khu vực EU; (ii) Chi phí lao động của Việt Nam trong một thời gian dài được xem là lợi thế so sánh so với các nước xuất khẩu sản phẩm nhựa cùng loại, tuy nhiên, lợi thế này có thể không được đảm bảo do lương trung bình đang có xu hướng tăng dần trong tương lai; (iii) Chi phí sản xuất của Việt Nam cao và không ổn định do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu để sản xuất, phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào; (iv) Trình độ công nghệ được sử dụng ở mức độ trung bình mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp; (v) Công nghệ hỗ trợ cho sản xuất máy móc thiết bị chưa phát triển, máy bóc thiết bị còn lạc hậu, sản xuất bán thủ công, nguyên vật liệu về chất lượng không đáp ứng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo trong nước; trong khi đó, những đơn vị cung ứng có trình độ phù hợp thì năng lực tiếp thị hạn chế; (vi) Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được làm dưới hình thức gia công nên giá trị gia tăng không cao. Một số nhóm ngành sẽ gặp phải những thách thức lớn khi Việt Nam tham gia EUAFTA gồm: nhựa, điện tử, xơ - sợi dệt và nguyên phụ liệu dệt may- da giầy, máy móc - thiết bị - phụ tùng, nông - lâm - thủy sản, ô tô - xe máy…

3. Cơ hội và thách thức trong lĩnh vực dịch vụ tài chính

3.1. Cơ hội

EUAFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam phân bổ lại nguồn lực trong nước theo hướng hiệu quả hơn, hỗ trợ cải cách thể chế theo hướng minh bạch và hiệu quả, tạo môi trường đầu tư công bằng, dễ dự đoán và an toàn hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bên cạnh đó, EUAFTA sẽ có tác động mạnh tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Việt Nam và sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng. Nhìn ở góc độ tích cực, đây cũng là cơ hội để thị trường tài chính trong nước tự cải thiện chính mình để thích ứng với bối cảnh phát triển chung.

Ngoài ra, việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trong EUAFTA sẽ góp phần gia tăng luồng vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Tự do hóa các dịch vụ tài chính trong EUAFTA cũng góp phần thúc đẩy hoạt động của thị trường bảo hiểm và chứng khoán lành mạnh hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ trên thị trường, nghiệp vụ của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế.

Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU với năng lực tài chính và công nghệ sẽ thúc đẩy phát triển hơn nữa hệ thống các tổ chức trung gian tài chính kết nối giữa nhà đầu tư với thị trường trong nước. Các nước thành viên EU đều là những nước có thị trường tài chính tiên tiến, áp dụng mô hình quản lý giám sát và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, pháp lý chặt chẽ, do đó đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống pháp lý, mô hình quản lý giám sát bảo hiểm và chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhu cầu đối với dịch vụ tài chính gia tăng theo sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất - nhập khẩu do tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan trong EUAFTA và hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính EU, nhờ đó cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị, năng lực cạnh tranh.

3.2. Thách thức

Việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính có vốn đầu tư từ các nước EU theo cả 4 phương thức sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn bởi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Việt Nam đa phần nhỏ cả về quy mô vốn, kinh nghiệm, mức độ đa dạng hóa và chất lượng có thể bị ảnh hưởng bất lợi từ việc thâm nhập thị trường của các đối thủ EU mạnh và nhiều kinh nghiệm.

Trình độ phát triển thị trường tài chính của Việt Nam còn thấp so với các nước ASEAN-4 (Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) và EU. Bên cạnh đó, vấn đề giám sát hoạt động của khu vực tài chính còn nhiều bất cập, hệ thống hạ tầng thông tin và chế độ kế toán, hạch toán vẫn còn khá lạc hậu so với các nước trong khu vực, cũng như các nước thành viên EU, dẫn tới những cản trở nhất định trong việc tăng cường giám sát thị trường theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Việc triển khai và thực thi những cam kết trong EUAFTA đặt ra những khó khăn nhất định để tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý thông qua nội luật hóa các cam kết, điều chỉnh chính sách pháp luật.

Sự phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số đặt ra các yêu cầu cao về ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính, bảo mật thông tin, quản trị và bảo vệ an toàn dữ liệu thông tin tài chính. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, cơ sở dữ liệu sẵn có của các nước thành viên EU, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính của các nước thành viên EU có lợi thế hơn hẳn về khả năng tiếp cận, mở rộng và phục vụ khách hàng, với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, phục vụ tiện lợi, phát triển sản phẩm và kiểm soát rủi ro.

4. Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Tham gia EUAFTA về bản chất không có nhiều lợi ích với Việt Nam, thậm chí giảm lợi ích do các nước ASEAN có lợi thế so sánh tương đồng với Việt Nam và các nước trong khối có tính chất cạnh tranh lẫn nhau. Quá trình đàm phán có thể là kết quả của quá trình thương lượng, nhượng bộ có ý nghĩa chính trị trên cơ sở đảm bảo thực hiện nguyên tắc lấy ASEAN là trung tâm.

4.1. Khuyến nghị trong lĩnh vực thương mại hàng hóa

Việt Nam cần xây dựng phương án đàm phán theo hướng đảm bảo chủ động các bước đi phù hợp với từng thời điểm, diễn biến đàm phán, cân bằng lợi ích của mình với các nước thành viên khác trong EUAFTA; cũng như chuẩn bị nguồn lực, chủ động tham vấn với các bộ, ngành, hiệp hội và địa phương để tích cực tham gia đàm phán trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách. Xây dựng phương án chú trọng vào các cam kết về thuế nhập khẩu trong các FTA đã ký kết theo lộ trình đã ban hành; rà soát, đề xuất sửa đổi, thay thế các văn bản nội luật hóa cam kết, đánh giá kỹ mối quan hệ thương mại với các đối tác EUAFTA, đặc biệt là các đối tác trong khối EU có quan hệ thương mại chính, nghiên cứu và đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế đến thu ngân sách nhà nước, sản xuất - kinh doanh trong nước và tác động đến một số ngành hàng quan trọng.

Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp về chính sách nhằm mục đích: (i) Tiếp tục quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (ii) Tăng cường không gian chính sách nhằm hỗ trợ quá trình điều chỉnh cơ cấu của doanh nghiệp; (iii) Hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không xung đột với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia; (iv) Tiếp tục hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước, phù hợp với đặc điểm từng ngành nghề; (v) Nâng cao năng lực của các hiệp hội, ngành hàng.

Năng lực cạnh tranh quốc gia cần được đẩy mạnh, tiến hành đồng thời ở các cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Củng cố năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là hướng đi phù hợp về chính sách nhằm đảm bảo Việt Nam sẽ thu được lợi ích từ tham gia mạng lưới sản xuất được hình thành trên cơ sở EUAFTA.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong Hiệp định tới các đối tượng liên quan và tổ chức hội thảo, tập huấn, đối thoại chính sách nhằm chia sẻ thông tin, giúp các doanh nghiệp và đối tượng hưởng lợi nắm vững các quy định của Hiệp định như cam kết về cắt giảm thuế quan, quy định về hàm lượng giá trị khu vực thông qua thủ tục về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tập trung ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế như nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến.

4.2. Khuyến nghị chính sách đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính

Trên cơ sở nhận định rằng đàm phán dịch vụ tài chính trong EUAFTA sẽ có sự khác biệt đáng kể về quan điểm mở cửa thị trường dịch vụ tài chính giữa hai khu vực và các nước thành viên, do đó để đảm bảo lợi ích đàm phán, Việt Nam cần tiếp tục triển khai và theo dõi việc thực hiện các cam kết về dịch vụ tài chính trong các FTA đã ký kết, đặc biệt là các cam kết GATS+; xây dựng phương án và tham gia đàm phán về dịch vụ tài chính theo hướng đảm bảo tính chủ động, không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng, xây dựng bước đi phù hợp, cân bằng lợi ích của Việt Nam với các nước thành viên khác trong EUAFTA.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý và giám sát đối với lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán, trong đó chú trọng các khía cạnh đổi mới, sáng tạo, năng động của hai lĩnh vực này. Quản lý và giám sát được các vấn đề mới phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các hoạt động giao dịch dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng số như hoạt động giao dịch trực tuyến, giao dịch tự động, quản lý danh mục tự động, tư vấn tự động, số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, các hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính và các tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực tài chính. Tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến tăng cường an toàn tài chính vi mô của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, trong đó tập trung vào các quy định liên quan đến yêu cầu cấp phép, trình độ chuyên môn, năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp, năng lực tài chính, quản lý tài chính, các yêu cầu về mức vốn tối thiểu, công bố thông tin...

Có các giải pháp về thông tin và tuyên truyền về Hiệp định thông qua các hình thức đổi mới, sáng tạo để cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ các cam kết, nhận diện sâu sắc cơ hội và thách thức mà Hiệp định mang lại. Bên cạnh các hình thức truyền thông truyền thống như hội nghị, hội thảo, cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội, có thể đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội với nội dung tuyên truyền phong phú, súc tích, giàu hình ảnh; tùy chỉnh nội dung thông tin theo đối tượng tiếp cận (doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan báo chí...); không chỉ thông tin về Hiệp định mà thông tin về tổng thể mạng lưới các FTA Việt Nam đã tham gia với các số liệu cập nhật, phân tích và đánh giá từ kết quả khảo sát trực tiếp các đối tượng chịu ảnh hưởng từ Hiệp định.

Việc mở cửa thị trường tài chính ở mức độ cao đồng nghĩa với sự xuất hiện và tham gia ngày càng nhiều các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính từ các nước có thị trường tài chính phát triển. Vì vậy, các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm và chứng khoán trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động tham gia vào sân chơi hội nhập.

Tiếp tục phát triển thị trường bảo hiểm và chứng khoán nhờ các cải cách liên tục, tiếp nối và có tính đột phá. Duy trì kế hoạch phát triển các loại hàng hóa mới cho thị trường dịch vụ tài chính, như phát triển các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai, các sản phẩm chứng khoán phái sinh, các sản phẩm trái phiếu mới. Ban hành chính sách ưu đãi nhằm phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức cho thị trường, từ đó thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư tài chính.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Phạm Tuấn Anh (2017), Đánh giá tác động Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực trong lĩnh vực tài chính, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2017 - 2018.

2. Nguyễn Thành Công và Phạm Hồng Nhung (2017), Tác động của EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam, Diễn đàn Hội nhập Kinh tế quốc tế Việt Nam.

Tiếng Anh

3. CIEM (2013), Comprehensive Evaluations of Viet Nam's Socio-Economic Performance 5 years after Accession to the WTO, Financial Publishing House.

4. ERIA Policy Brief (2012), Toward a Consolidated Preferential Tariff Structure in East Asia: Going beyond ASEAN +1 FTAs.

5. Intal, P. Narjoko, D. and Simorangkir, M (2011), ERIA Study to Further Improve the ASEAN Economic Scorecard Phase II, (unpublished), ERIA.

6. Fukunaga, Y. and Isono, I. (2013), Taking ASEAN+1 FTAs toward the RCEP: A Mapping Study, ERIA Discussion Paper Series ERIA-DP-2013-02.

7. Garnaut, R. (2004), A New Open Regionalism in the Asia-Pacific, Paper presented at International Conference on the World Economy, Colima, Mexico, 25 November.

8. Kuno, A. (2011), Constructing the Tariff Dataset for the ERIA FTA Database, Comprehensive Mapping of FTAs in ASEAN and East Asia.

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%