Bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

Bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam 21/04/2020 15:07:00 7602

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

21/04/2020 15:07:00

Bùi Kiều Anh

Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Tăng trưởng bao trùm được xem là một cách tiếp cận, một quan điểm về phát triển với thông điệp chủ đạo là tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong việc tham gia và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển. Mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn, đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Trong quá trình hướng đến phát triển và tăng trưởng bao trùm, Việt Nam đã có những kết quả tích cực, song vẫn còn những tồn tại, không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt trong vấn đề bất bình đẳng. Bài viết đưa ra các quan niệm, cách hiểu về tăng trưởng bao trùm và vấn đề bất bình đẳng; phân tích thực trạng bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm của Việt Nam hiện nay, cũng như những nguyên nhân tạo ra những rào cản trong quá trình phát triển nền kinh tế gắn với tăng trưởng bao trùm. Qua đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm góp phần đưa đất nước tới thịnh vượng trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

Từ khóa: Tăng trưởng bao trùm, bất bình đẳng, phát triển, thu nhập.

Abstract: Inclusive growth is seen as an approach, a development perspective, with primary goal being to enable equal opportunities for everyone to participate in and share the fruition of the development process. The inclusive growth model is oriented towards long-term sustainability, which ensures the harmony between economic growth and social justice and ultimately aims at human development. In the process towards inclusive development and growth, Vietnam has achieved positive results, yet there remain many difficulties, challenges about inequality issues. This paper presents different conceptions, insights on inclusive growth and inequality; analyzes the current situation of inequality in inclusive growth in Vietnam as well as the causes creating barriers in the development of the economy associated with inclusive growth. Based on the analysis, this paper offers some policy recommendations for Vietnam towards prosperity in the context of deeper international integration.

Keywords: Inclusive growth, inequality, development, income.

1. Cơ sở lý luận về tăng trưởng bao trùm và bất bình đẳng

Đầu thế kỷ XXI, quan điểm về phát triển bền vững được cho là thông nhất bởi các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách từ báo cáo Brundtland của Liên hợp quốc năm 1987, trong đó phát triển bền vững gồm ba trụ cột chính: kinh tế, xã hội, môi trường. Đó là quan điểm phát triển toàn diện, dài hạn đã được Liên hợp quốc thông qua: Chương trình Nghị sự 2016 - 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bao gồm 17 mục tiêu và 169 tiêu chí cụ thể, thay cho Chương trình Nghị sự 2000 - 2015 về các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Các mục tiêu phát triển bền vững được xem như định hướng mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia cần phải đặt ra các mục tiêu phù hợp với bối cảnh của quốc gia để thực hiện. Dù toàn diện hơn các mục tiêu MDG, nhưng về phương diện nào đó SDG còn chưa xác định phát triển xã hội, con người là một mục tiêu và động lực của sự phát triển toàn nhân loại. Các nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho thấy, các nước không nên chỉ chú trọng giảm nghèo đơn thuần, mà còn phải giải quyết các điều kiện để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội cơ bản khác. Vì vậy trong những năm gần đây, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, quan tâm và hướng đến mô hình tăng trưởng bao trùm. Tăng trưởng bao trùm bắt nguồn từ các nghiên cứu về bất bình đẳng và quan hệ của bất bình đẳng với quá trình phát triển, đặc biệt được chú ý sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vì đã chỉ rõ được các vấn đề về công bằng kinh tế, đồng thời định hình các chiến lược tăng trưởng mới.

Trong báo cáo của UNDP, tăng trưởng được coi là bao trùm khi: (1) Tăng trưởng được tối đa hóa ở tất cả các nhóm thu nhập, nam giới và nữ giới, các nhóm xã hội và dân tộc, các vùng, miền; (2) Người dân được hưởng sự bình đẳng cơ hội và hưởng lợi từ việc tham gia trực tiếp vào quá trình tăng trưởng, chủ yếu thông qua mức độ cao về việc làm và sự cải thiện năng suất lao động; (3) Khuôn mẫu phân bổ về thu nhập nhìn chung là bình đẳng, bảo vệ những người ở dưới đáy của phân bổ về thu nhập và sự phân bổ ở các khía cạnh phi thu nhập của cuộc sống (chẳng hạn như y tế và giáo dục) được cải thiện. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại coi tăng trưởng bao trùm là “nâng cao tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo sân chơi bình đẳng cho việc đầu tư và gia tăng cơ hội việc làm có năng suất, cũng như đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng những cơ hội này”. Như vậy, mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia và góp phần vào quá trình tăng trưởng một cách bình đẳng, không phân biệt hoàn cảnh xã hội của họ. OECD định nghĩa tăng trưởng bao trùm theo nghĩa rộng bao gồm không chỉ phân phối sự tăng trưởng thu nhập một cách bình đẳng mà còn chia sẻ tiến bộ ở các khía cạnh phi thu nhập khác của sự thịnh vượng. Tăng trưởng bao trùm là nói đến tốc độ và sự phân phối tăng trưởng. Theo góc nhìn của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng bao trùm là điều kiện cần thiết để giảm nghèo và đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn. Trong đó, tăng trưởng cần bao hàm phần lớn lực lượng lao động của đất nước mà ở đó tính chất bao trùm nói lên sự bình đẳng về cơ hội trong khả năng tiếp cận thị trường và nguồn lực cũng như môi trường quản lý không thiên vị cho mọi doanh nghiệp và cá nhân; tăng trưởng phải đóng vai trò then chốt trong giảm nghèo.

Về mặt kinh tế, tăng trưởng bao trùm bao hàm cả các liên kết vĩ mô (với các cân đối lớn nhất của toàn hệ thống bảo đảm sự tăng trưởng hợp lý và hệ thống phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường) và vi mô (với từng cân đối cụ thể ở tầm doanh nghiệp, làng xã và cộng đồng, đảm bảo sự hài hòa tổng thể trong tiếp cận nguồn lực và thụ hưởng thành quả, tạo ra động lực tăng trưởng cho mọi người); cả đầu vào (sự bình đẳng về cơ hội trong điều kiện tiếp cận thị trường, tài nguyên và môi trường pháp lý không thiên vị cho doanh nghiệp và cá nhân nào) và đầu ra (phân phối và phân phối lại thu nhập cho công bằng và nâng cao mức sống hợp lý cho toàn dân) cần được xem xét kỹ lưỡng và phân tích thấu đáo. Tuy nhiên khác với quan điểm giảm nghèo “đơn giản” là tăng trưởng chỉ gắn với giảm nghèo như đưa ra các giải pháp hướng tới người nghèo trong 15 - 20 năm trước, thì nay tăng trưởng bao trùm còn hướng đến tầng lớp trung lưu và cả người có thu nhập cao để mọi người cùng tham gia vào quá trình phát triển, tạo thêm thu nhập và phúc lợi cho toàn xã hội. Từ đó, nguồn lực tổng thể lớn hơn, tạo ra cơ hội phân bổ nhiều hơn và hài hòa hơn giữa các tầng lớp nhân dân, mọi người trong toàn xã hội.

Tăng trưởng bao trùm, gắn kết tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, không để ai bị gạt ra khỏi quá trình phát triển, nhất là những người yếu thế như người già, phụ nữ trẻ em cô đơn, người tàn tật... Trước đây, để “công bằng”, người ta thường cố gắng dành một phần quan trọng nguồn đầu tư và hỗ trợ xã hội trực tiếp cho người nghèo, mà chưa chú ý để tạo điều kiện cho các tầng lớp trung lưu và giàu có hơn có cơ hội làm gia tăng của cải của đất nước, mọi người cùng được phát triển và hưởng lợi. Như vậy, cách làm “cào bằng” bình đẳng trong ngắn hạn tưởng có thể làm cho người nghèo tạm thời có thêm “miếng cơm, manh áo”, nhưng về dài hạn thì quy mô thụ hưởng không nhiều vì nguồn lực cả xã hội không tăng mạnh. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, cách dùng tiền để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo được xem là việc giảm nghèo không bền vững, mà cần thực hiện giảm nghèo đa mục tiêu, chú ý đến chất lượng tăng trưởng và giảm nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo nâng cao trình độ giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ và trẻ em...

Trong phương thức phát triển bao trùm mới, tốc độ tăng trưởng dù rất quan trọng, nhưng không thể đặt ra như mục tiêu phát triển cao nhất, mà là hệ quả của việc tìm kiếm đúng động lực (động lực cho từng cá nhân và nhóm người vì lợi ích và động lực phát triển xã hội theo nghĩa rộng nhất), tạo ra sự phát triển hài hòa trong kinh tế, xã hội và tự nhiên, bảo đảm sự liên kết các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường trong một thể thống nhất với bệ đỡ thể chế vững chắc, liên kết các bộ phận cấu thành trong một hệ thống toàn vẹn và phát triển. Mô hình tăng trưởng bao trùm hướng tới sự bền vững trong dài hạn, trong đó đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người. Như vậy, có thể hiểu chung nhất: Tăng trưởng bao trùm là một cách tiếp cận, một quan điểm về phát triển, có thể tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong việc tham gia và thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.

Giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển cũng như trong nội bộ các nước đang phát triển vẫn tồn tại hiện tượng bất bình đẳng xã hội. Theo quan điểm của Marx, “bình đẳng xã hội là quyền ngang nhau giữa người với người về mọi phương diện xã hội như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa v.v...” (Giáo trình Kinh tế phát triển, 2013). Bất bình đẳng được quan niệm là trạng thái ngược lại của sự bình đẳng. Tình trạng bất bình đẳng không chỉ tồn tại ở một khía cạnh, mà bao trùm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Theo TS. Đỗ Thiên Kính -Viện Xã hội học, có hai phương pháp đo lường về bất bình đẳng xã hội. Đó là bất bình đẳng nói chung (đo lường những kết quả của đầu ra cho mọi thành viên trong xã hội mà không phân biệt/phân tổ những cá nhân đó thuộc nhóm xã hội nào); bất bình đẳng về cơ hội (đo lường những kết quả của đầu ra cho mọi thành viên trong xã hội, nhưng có phân biệt/phân tổ những cá nhân đó thuộc nhóm xã hội nào). Trong đó, bất bình đẳng cơ hội miêu tả rõ nét về sự bất bình đẳng xã hội hơn là bất bình đẳng nói chung do sự khác biệt về cơ hội trong cuộc sống giữa các nước, các chủng tộc, giới tính và các nhóm xã hội khác nhau. Đây cũng chính là những bất bình đẳng xã hội rất cơ bản.

2. Thực trạng bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

2.1. Những kết quả đạt được và hạn chế, thách thức

Công tác giảm nghèo và vấn đề phân phối thu nhập

Việt Nam đã đạt được thành quả đáng ghi nhận trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Từ một nước trong nhóm thu nhập thấp nhất trong 30 năm trước, GNI bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt 1000 USD/người (năm 2009) và đạt gần 2.600 USD/người (năm 2018)1. Dự báo năm 2020, GNI của Việt Nam sẽ vượt 3000 USD/người. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hằng năm, chỉ số nghèo của Việt Nam liên tục được cải thiện. Theo chuẩn nghèo mới của Việt Nam2, năm 2017 có 1,6 triệu hộ nghèo, chiếm 6,7% và 1,3 triệu hộ cận nghèo, chiếm 5,32% số hộ. Thành quả về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được đánh giá cao với sự nỗ lực của tất cả các vùng trên cả nước. Tuy tỷ lệ nghèo của mỗi vùng đều có xu hướng giảm nhưng giữa các vùng vẫn có sự chênh lệch về thu nhập, như Tây Bắc có 28% hộ nghèo và 12% cận nghèo, Điện Biên có 41% hộ nghèo và 9,4% hộ cận nghèo (Bảng 1).

Bảng 1. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo năm 2017

 

Vùng

Hộ nghèo

% số hộ

Hộ cận nghèo

% số hộ

Cả nước

1.642.489

6,70

1.304.680

5,32

Miền núi Đông Bắc

395.799

14,87

241.285

9,07

Miền núi Tây Bắc

198.998

28,01

85.903

12,09

Đồng bằng sông Hồng

144.928

2,44

169.436

2,86

Bắc Trung bộ

239.795

8,20

267.534

9,15

Duyên hải miền Trung

176.094

8,17

140.664

6,52

Tây Nguyên

175.772

12,86

110.401

8,07

Đông Nam bộ

32.813

0,78

33.037

0,79

Đồng bằng sông Cửu Long

278.390

6,08

256.420

5,60

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2018

Đến năm 2018, tổng số hộ nghèo là 1.304.001 hộ, trong đó hộ nghèo về thu nhập là 1.167.439 hộ, hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là 136.562 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 5,23% và hộ cận nghèo là 4,95%, phản ánh thành quả của phát triển xã hội đã bám sát thành quả phát triển kinh tế.

Theo Báo cáo Phát triển nguồn nhân lực (HDR) năm 2019 của UNDP, Việt Nam có 4,9% dân số nghèo đa chiều so với mức chung của các nước đang phát triển là 23,1% dân số.

Bảng 2. Tỷ lệ nghèo của một số quốc gia trong khu vực năm 2018

 

Quốc gia

Tỷ lệ nghèo (%)

Thái Lan

0,8

Trung Quốc

3,9

Indonesia

7,0

Lào

23,1

Campuchia

27,2

Myanmar

38,3

Việt Nam

4,9

Nguồn: UNDP, 2019

Ở Việt Nam, chỉ số bất quân bình thu nhập Gini không quá cao so với các nước trong khu vực và khá ổn định (khoảng 0,4), nhưng khoảng cách giữa nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất với 20% dân cư thu nhập thấp vẫn ở mức cao (khoảng 10 lần), đời sống của cư dân ở một số vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và nhóm người yếu thế (người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em...) đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của cả nước năm 2018 có xu hướng chuyển biến tích cực khi giảm so với các năm trước. Từ năm 2012, Gini ở nông thôn cao hơn thành thị và sự chênh lệch càng ngày càng giãn rộng ra. Điều này cho thấy sự bất bình đẳng trong thu nhập của Việt Nam tuy giảm nhưng sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn. Ở nước ta, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng là nơi có hệ số bất bình đẳng thấp nhất (0,373 và 0,392), trong khi đó Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có sự bất bình đẳng cao nhất (0,443 và 0,440) (Bảng 3).

Bảng 3. Hệ số Gini ở Việt Nam phân theo vùng

 

Năm

2010

2012

2014

2016

2018

Cả nước

0,433

0,424

0,430

0,431

0,424

Thành thị

0,402

0,385

0,397

0,391

0,372

Nông thôn

0,395

0,399

0,398

0,408

0,407

Đồng bằng sông Hồng

0,408

0,393

0,407

0,401

0,392

Trung du và miền núi phía Bắc

0,406

0,411

0,416

0,433

0,443

Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

0,385

0,384

0,385

0,393

0,383

Tây Nguyên

0,408

0,397

0,408

0,439

0,440

Đông Nam bộ

0,414

0,391

0,397

0,387

0,373

Đồng bằng sông Cửu Long

0,398

0,403

0,395

0,405

0,399

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chi tiêu bình quân đầu người cả nước có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn 2010 - 2018 (cả khu vực nông thôn và thành thị đều tăng). Chi tiêu bình quân một người một tháng chung cả nước năm 2018 (theo giá hiện hành) đạt 2,55 triệu đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó khu vực nông thôn đạt 2,1 triệu đồng, tăng 19,3%; khu vực thành thị đạt 3,5 triệu đồng, tăng 14,3%; bình quân giai đoạn 2016 - 2018 mỗi năm tăng 8,6%.

Hình 1. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hànhphân theo thành thị, nông thôn

Đơn vị: Nghìn đồng

image

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Có thể thấy, chi tiêu bình quân khu vực thành thị cao hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn (gấp khoảng 1,67 lần trong năm 2018). Sự chênh lệnh giữa chi tiêu thành thị và nông thôn ở Việt Nam càng ngày càng lớn dần (Hình 1). Xét theo vùng kinh tế, chi tiêu bình quân một người một tháng trong giai đoạn 2010 - 2018 tăng ở tất cả các vùng. Đông Nam bộ là vùng có mức chi tiêu bình quân lớn nhất trong giai đoạn này, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng. Khu vực có mức chi tiêu thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (Bảng 4).

Bảng 4. Chi tiêu bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành phân theo vùng

Đơn vị: Nghìn đồng

 

Năm

2010

2012

2014

2016

2018

Cả nước

1.211

1.603

1.888

2.157

2.546

Đồng bằng sông Hồng

1.438

1.897

2.241

2.528

3.018

Trung du và miền núi phía Bắc

866

1.195

1.538

1.655

2.000

Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

1.015

1.406

1.647

1.809

2.182

Tây Nguyên

971

1.483

1.660

1.766

2.234

Đông Nam bộ

1.724

2.145

2.410

3.018

3.349

Đồng bằng sông Cửu Long

1.058

1.363

1.602

1.872

2.237

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vấn đề phát triển con người

Báo cáo mới nhất của UNDP về phát triển con người cho thấy, chỉ tiêu phát triển con người (HDI, cả kinh tế, giáo dục và y tế) liên tục tăng cao, năm 1990, 2000, 2010 và 2018 lần lượt là 0,475; 0,570; 0,653 và 0,693. Tuy nhiên, thứ hạng HDI của Việt Nam hiện nay còn dưới 0,7 và vẫn nằm trong số các nước có HDI thuộc hạng trung bình, dù ở mức cao nhất trong hạng trung bình và đứng thứ 118 trong số 189 nước trên thế giới, trong khi Malaysia đứng thứ 61 (thuộc hạng HDI rất cao); Thái Lan đứng thứ 77, thuộc hạng HDI cao trong cùng bảng xếp hạng năm 2019 (UNDP, 2019). Cụ thể là, tuổi thọ bình quân của Việt Nam là 75,3 tuổi3 (nữ 79 thuổi, nam 71 tuổi), trong khi Thái Lan là 76,9 tuổi, Malaysia là 76 tuổi. Số năm đi học bình quân ở Việt Nam là 12,4 năm, Thái Lan là 14,7 năm, Malaysia là 13,5 năm. Trong đó, số năm trung bình đến lớp là 8,2 năm, Thái Lan là 10,7 năm, Malaysia là 10,2 năm. GNI bình quân của Việt Nam4 là 6220 USD/người, Thái Lan là 16.129 USD/người và Malaysia là 27.227 USD/người. Về Chỉ số phát triển theo giới5 của Việt Nam là 1,003 phản ánh phát triển giới ở Việt Nam khá đồng đều, trong khi ở các nước còn phân biệt nam nữ khá nhiều, thậm chí Trung Quốc cũng thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam, chỉ đạt 0,961. Kết quả so sánh năm 2019 phản ánh độ bất bình đẳng giới tính6 của Việt Nam đã được cải thiện (0,314 xếp thứ 68), Trung Quốc (0,163 xếp thứ 38), Malaysia (0,274 xếp thứ 58), Thái Lan (0,377 xếp thứ 84).

Theo “Báo cáo phát triển con người năm 2015” của UNDP, chỉ số HDI của Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua nhưng tiến bộ của Việt Nam là không đồng đều. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã làm cho cho xu hướng phát triển con người toàn cầu và khu vực chững lại. Tuy nhiên, tiến bộ tương đối của Việt Nam yếu hơn và tỷ lệ cải thiện chậm hơn các nước khác trong khu vực. Điều đó cho thấy ảnh hưởng sau khủng hoảng và những yếu kém kinh tế nội tại là vấn đề nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Khi nhìn sâu vào cơ cấu kinh tế và thể chế kinh tế có thể thấy còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng. Nhiều yếu kém và cả sự tụt hậu vẫn chưa được khắc phục sau 33 năm đổi mới, nhất là trong so sánh tương quan với các nước trong khu vực và thế giới về năng suất lao động, thu nhập bình quân, cơ cấu kinh tế và thể chế kinh tế. Tình trạng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiện hữu, chưa thể so sánh được với các nền kinh tế đi vào giai đoạn tăng trưởng nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Tiếp cận các dịch vụ công

(i) Trong lĩnh vực giáo dục, với mục tiêu mang đến sự công bằng cho mọi người trong việc tiếp cận các cơ hội kinh tế, Chính phủ Việt Nam thường xuyên quan tâm đến việc đưa giáo dục đến cho người dân. Đến cuối năm 2000, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước với 98,03% số quận/huyện; 98,53% số xã/phường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ; 94% dân số trong độ tuổi 15 - 35 đã biết chữ (Báo Dân tộc và miền núi).

Đến nay, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 là 97,65%, cơ bản đạt mục tiêu của Đề án xóa mù chữ (đến năm 2020 đạt 98%). Trong đó, số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 chiếm 97,92%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36 - 60 chiếm 96,35%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15 - 60 là 93,44%. 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Nhờ tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm ở mức xấp xỉ 20% (tương đương 5% GDP), Việt Nam đã phát triển được trường học và trung tâm dạy nghề rộng lớn. Số lượng các trường học tại tất cả các cấp đều tăng lên trong những năm qua.

Theo kết quả “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”, cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% trong năm 1999 xuống 16,4% trong năm 2009 và 8,3% năm 2019 (Bảng 5).

Bảng 5. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông theo tình trạng đi học, 1999 - 2019

Đơn vị:%

 

Năm

1999

2009

2019

Đang đi học

79,1

83,6

91,7

Đã thôi học

16,2

14,5

7,7

Chưa bao giờ đi học

4,7

1,9

0,6

Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Tuy nhiên, số liệu về tỷ lệ học sinh đến trường giữa các nhóm thành thị - nông thôn và giữa các vùng có khoảng cách rõ rệt. Tỷ lệ đến trường khu vực nông thôn thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị. Hay nói cách khác, tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học ở khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (gấp 1,7 lần), tương ứng là 9,5% và 5,7%. Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long là các vùng có tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đi học cao nhất cả nước, tỷ lệ của mỗi vùng là 13,3%. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học ở vùng đồng bằng sông Hồng là thấp nhất, chiếm 3,2% (Hình 2).

Hình 2. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học theo khu vực và vùng, năm 2019

Đơn vị:%

image

Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Sự khác biệt về khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, giữa nhóm dân tộc thiểu số và đa số vẫn còn tồn tại. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi vẫn còn thấp tại một số tỉnh. Tỷ lệ biết chữ ở các tỉnh miền núi và các dân tộc thiểu số thấp hơn rất nhiều so với khu vực đồng bằng và dân tộc Kinh.

(ii) Trong lĩnh vực y tế, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi (năm 1989) lên 73,6 tuổi (năm 2019). Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì khoảng 5,4 năm.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng hai thập kỷ qua. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm. Khu vực thành thị có tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 8,2 và 16,7 trẻ em tử vong trên 1000 trẻ em sinh sống). Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn. Tỷ suất tử vong của trẻ em ở khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần ở khu vực thành thị (tương ứng là 25,1 và 12,3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống). Tỷ số tử vong mẹ là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009.

Kết quả này cho thấy Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030). Như vậy có thể thấy rằng, nước ta đã có nhiều tiến bộ trong ngành y, tuy nhiên vẫn còn có sự cách biệt lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Bảng 6. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi phân theo vùng, 2010 - 2018

Đơn vị: Trẻ em dưới một tuổi tử vong/1000 trẻ em sinh sống

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Cả nước

15,8

15,5

15,4

15,3

14,9

14,7

14,5

14,4

14,2

Đồng bằng sông Hồng

12,3

12,5

12,3

12,2

11,8

11,7

11,5

11,3

11,2

Trung du và miền núi phía Bắc

24,3

23,0

23,5

23,2

22,4

22,0

21,5

21,4

21,4

Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung

17,1

17,1

17,1

17,0

16,6

16,3

16,0

15,9

15,8

Tây Nguyên

26,8

24,3

26,4

26,1

25,9

24,8

24,0

23,7

23,6

Đông Nam bộ

9,6

9,3

9,2

9,1

8,8

8,6

8,5

8,4

8,2

Đồng bằng sông

Cửu Long

12,6

12,2

12,0

12,0

11,6

11,4

11,2

11,0

10,9

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xét theo vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc là hai vùng có tỷ lệ trẻ em chết dưới 1 tuổi cao nhất cả nước trong giai đoạn 2010 - 2018. Trong khi đó, Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng nói chung (đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long) có tỷ suất thấp nhất. Điều này cho thấy còn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ trẻ em chết giữa các vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, sự tiếp cận về hệ thống y tế giữa các vùng còn có sự cách biệt.

(iii) Trong lĩnh vực an sinh xã hội, hệ thống phúc lợi xã hội đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng bao trùm. Với sự hỗ trợ của hệ thống phúc lợi xã hội, người nghèo có thể giảm những chi phí cơ bản cho cuộc sống như nhà ở, y tế, giáo dục…, từ đó có thể sử dụng nguồn lực của mình cho những cơ hội kinh tế tốt hơn.

Tại Việt Nam, hệ thống an sinh xã hội là một tập hợp các chính sách và chương trình được thực hiện bởi Chính phủ và các tổ chức xã hội. Hệ thống này có mục đích nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân của người dân, giảm nghèo, giảm tính dễ bị tổn thương, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực bảo hiểm đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, cơ cấu và tác động, thường xuyên được cải tiến cho phù hợp với các đối tượng tham gia bắt buộc và tự nguyện, đưa ra các mức đóng phù hợp. Ngày nay, bảo hiểm bao gồm bảo hiểm xã hội truyền thống, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Theo niên giám thống kê các năm, chi tiêu cho bảo hiểm xã hội liên tục tăng về quy mô, tốc độ; cơ cấu ngày càng đa dạng. Tuy nhiên ở nhiều vùng nông thôn, người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tham gia bảo hiểm xã hội vì mức đóng đối với còn cao, khó tiếp cận chính sách.

Tiếp cận việc làm có năng suất cao

Việc làm có năng suất cao có tính chất quan trọng cho tăng trưởng bao trùm bởi đó là nền tảng đảm bảo thu nhập cho quốc gia. Ở Việt Nam, phần lớn lao động làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, vốn tạo ra ít giá trị gia tăng và có mức lương thấp. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2018, tỷ lệ lao động của cả nam và nữ trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 45% đối với nam và 59% đối với nữ. Trong khi lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực lao động năng suất thấp, mức cải thiện năng suất lao động rất chậm nên thu nhập của người lao động thấp nhất so với các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đây có thể coi là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong việc đảm bảo năng suất lao động cao, thu nhập của lao động thỏa đáng, điều kiện lao động đối với một lượng lao động được đảm bảo.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động làm các nghề đơn giản ở Việt Nam cũng rất cao (37% đối với nam và 44% đối với nữ) cho thấy trình độ sản xuất của nền kinh tế còn thấp, cung - cầu lao động trình độ thấp vẫn là chủ yếu. Tỷ lệ lao động làm việc dễ bị tổn thương (tự làm, làm việc gia đình, làm việc không có hợp đồng lao động...) ở Việt Nam cũng rất cao, trên 60%, trong đó tỷ lệ nữ chiếm khoảng 2/3. Số liệu này phản ánh trình độ phát triển thị trường lao động của Việt Nam còn thấp (không có hợp đồng), nữ giới ít cơ hội hơn so với nam giới. Cùng với tình trạng thị trường lao động trình độ thấp là hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo phúc lợi xã hội về tiền lương - thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ... đối với người lao động sẽ còn nhiều hạn chế. Mặc dù tỷ lệ lao động có việc làm ở Việt Nam khá cao (77,4% năm 2014), nhưng tỷ lệ lao động làm việc dễ bị tổn thương cũng rất cao cho thấy chất lượng việc làm nhìn chung còn thấp. Đây là thách thức vô cùng lớn trong việc cải thiện chất lượng việc làm và thực hiện các tiêu chuẩn việc làm bền vững đối với cả lao động nam và nữ. Không chỉ vậy, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam nhìn chung là thấp, khoảng 81% lực lượng lao động nam và 85% lực lượng lao động nữ không có bằng cấp, chưa kể đến các kỹ năng mềm hay ngoại ngữ; chỉ có chưa đầy 9% lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên trên đại học (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2018). Đây là những thách thức, hạn chế rất lớn đối với lao động của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

2.2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế    

[1] Khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo các nhóm dân tộc và vùng, miền. Điều này gắn với khoảng cách giãn rộng giữa những người rất giàu và phần đông người Việt Nam, cũng như với tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội. Các nhóm người dân tộc thiểu số ngày càng bị tụt hậu trong quá trình tăng trưởng, dẫn đến nghèo tại Việt Nam ngày càng tập trung trong các nhóm dân tộc thiểu số. Hiện nay, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tiễn cho thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa bền vững. Mô hình tăng trưởng kinh tế đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn tăng trưởng theo chiều rộng là chủ yếu, dựa vào gia tăng các nhân tố đầu vào truyền thống (vốn, lao động, tài nguyên). Ngoài ra, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng một phần dẫn đến tình trạng mất đất của nông dân, của người nghèo ở nông thôn. Sự bất bình đẳng về phát triển kinh tế luôn là nguyên nhân của bất bình đẳng xã hội, trong đó có bất bình đẳng về giáo dục. Mức sống thấp do thu nhập thấp, nghèo đói là nguyên nhân trực tiếp cản trở cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ em, đặc biệt một số nhóm như trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sinh ra ở những gia đình nghèo. Nhu cầu trẻ em lao động, hộ gia đình nghèo, thiếu động lực học hành… cũng là rào cản đối với việc tiếp cận giáo dục của trẻ em. Ngoài ra, trình độ, học vấn của bố mẹ, nhận thức chưa đầy đủ của trẻ em về tác dụng tích cực của giáo dục cũng là yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của các em. Trình độ học vấn của bố mẹ càng cao thì nhận thức về tác dụng tích cực của giáo dục cũng càng cao, do đó cơ hội đến trường của trẻ em càng lớn. Trong những gia đình mà bố mẹ có trình độ học vấn cao, họ sẽ đầu tư nhiều cho giáo dục đối với con cái của họ hơn những gia đình mà bố mẹ có học vấn thấp.

[2] Nguyên nhân của bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đã dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội lựa chọn nghề nghiệp và tiếp cận việc làm có năng suất cao của lao động, đặc biệt là lao động trẻ Việt Nam. Theo TS. Trần Quang Tuyến (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Phân tích mô hình kinh tế lượng cho thấy người lao động trẻ có bố mẹ làm quản lý sẽ có cơ hội làm quản lý, hoặc tối thiểu là nhân viên văn phòng, cao hơn 10 lần so với người lao động trẻ có bố mẹ làm công việc chân tay như nông dân hoặc ngư dân” (Oxfam, 2018). Không chỉ vậy, những rào cản về định kiến xã hội cũng làm cho cơ hội việc làm là khác nhau đối với lao động nữ và lao động nam.

Tại Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển, phụ nữ vẫn tiếp tục là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, có thu nhập thấp hơn, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp hơn, và có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Phụ nữ Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương và trong khu vực "vô hình" của nền kinh tế phi chính thức, như giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong và làm việc trong ngành công nghiệp giải trí. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội gán cho người phụ nữ địa vị thấp hơn và đặt gánh nặng làm công việc nhà không lương lên vai người phụ nữ, nhưng vẫn mong muốn họ tham gia sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp và nền kinh tế thị trường.

[3] Hệ thống và mạng lưới dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe phân bố không đồng đều giữa các khu vực. Hệ thống các cơ sở y tế ở Việt Nam hiện nay được phân theo 4 cấp (Trung ương, tỉnh/thành phố, quận/huyện và phường/xã). Các bệnh viện lớn có các chuyên khoa sâu và chất lượng dịch vụ cao đều tập trung ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh/thành phố. Các bệnh viện tuyến quận/huyện và bệnh viện đa khoa khu vực thường được phân bố ở các thị xã hay khu vực đô thị là trung tâm của quận/huyện. Như vậy, cả ba tuyến các cơ sở y tế trên đều phân bố ở khu vực đô thị, còn lại là các trạm y tế tuyến cơ sở (số này gấp hơn 5 lần số lượng các loại bệnh viện 3 tuyến trên) được phân bố ở tại các xã/phường, mà phần nhiều là ở các xã thuộc khu vực nông thôn. Đội ngũ cán bộ y tế đã có sự gia tăng đáng kể nhưng do điều kiện cơ sở vật chất, mức thu nhập quá chênh lệch nên sự phân bố nhân viên y tế tập trung nhiều ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh/thành phố, trong khi nhân viên y tế ở các trạm y tế xã/phường lại chiếm số lượng ít hơn. Mặt khác, các cơ sở y tế tư nhân ở khu vực đô thị là một yếu tố thu hút lực số lượng không nhỏ cán bộ và nhân viên y tế đang làm việc ở các cơ sở y tế tại khu vực nông thôn, từ đó dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng y tế tại khu vực nông thôn.

Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất, thuốc chữa bệnh và các trang thiết bị kỹ thuật y tế để khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế bị thiếu, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế chăm sóc sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là tại các tuyến cơ sở (xã/phường, huyện/quận) so với tuyến bệnh viện tỉnh/thành phố và tuyến trung ương. Việc đầu tư về cơ sở vật chất, trạng thiết bị kỹ thuật và thuốc của ngành y tế cho tuyến trung ương, khu vực thành thị nhiều hơn rất nhiều so với tuyến cơ sở, khu vực nông thôn và người nghèo, dẫn đến việc tiếp cận dịch vụ tốt, trang thiết bị hiện đại của nhóm yếu thế gặp nhiều khó khăn.

[4] Việc phân bổ ngân sách ở Việt Nam còn những điểm bất hợp lý. Theo chuẩn mới nghèo đa chiều, tỷ lệ nghèo, cận nghèo trong cả nước khá cao, khoảng 15% (gấp gần 3 lần mức chuẩn cũ). Do vậy, ngân sách cho giảm nghèo đa chiều cũng phải tăng theo, đạt hơn 46.000 tỷ đồng (Nghị quyết số 100/2015/QH13). Tuy nhiên, vấn đề không phải tiền nhiều thì giảm nghèo nhiều. Việc phân bổ, giám sát cách chi tiền là rất quan trọng. Mặc dù ngân sách giảm nghèo được phân cấp xuống các tỉnh và giúp giảm tỷ lệ nghèo ở nhiều tỉnh, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy ngân sách này góp phần làm tăng chất lượng các dịch vụ công. Hơn nữa, các chính sách ở Việt Nam vẫn còn hiện tượng chồng chéo (Oxfam, 2018).

3. Khuyến nghị chính sách nhằm giảm bất bình đẳng trong tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam

Trên cở sở phân tích thực trạng tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam, những nguyên nhân dẫn đến hạn chế và các thách thức trong thời gian tới, bài viết tập trung vào 5 nhóm giải pháp nhằm tạo ra sự không phân biệt và giảm sự yếu thế.

(1) Phân bổ nguồn lực công một cách hiệu quả, hợp lý, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao.

Các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều ở các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao (miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên) cần được ưu tiên. Các chính sách hỗ trợ miễn phí từng bước chuyển dần sang các chính sách hỗ trợ có điều kiện, như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất... để tạo động lực cho người dân tự vươn lên thoát nghèo. Cơ chế phân bổ, quản lý nguồn lực dành cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế, an sinh xã hội cần hướng đến giảm bất bình đẳng giữa khu vực thành thị, nông thôn; giữa các vùng, miền. Có cơ chế ưu đãi để thu hút tư nhân tham gia đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực xã hội để giảm tải cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra cần tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của nhân dân trong quá trình lập dự toán ngân sách nhà nước, nâng cao chức năng phản biện xã hội.

(2) Xây dựng hệ thống tài chính bao trùm.

Phát triển hệ thống tài chính theo hướng phủ rộng là một thành phần quan trọng trong mô hình tăng trưởng bao trùm. Hệ thống tài chính lành mạnh và chắc chắn sẽ đóng vai trò then chốt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần giảm nghèo gián tiếp thông qua tăng trưởng kinh tế cũng như trực tiếp tác động lên các nhóm nghèo và yếu thế thông qua các khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp. Hệ thống tài chính bao trùm sẽ đảm bảo cho tất cả những người nghèo và nhóm yếu thế có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính mà không phải gặp bất kỳ rào cản mang tính phân biệt nào. Điều đó cho phép họ tiết kiệm và vay mượn để tích lũy của cải, đầu tư vào giáo dục và hoạt động kinh doanh, qua đó giúp nâng cao mức sống của họ. Chính sách tài khóa cần kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công. Chính sách tiền tệ nên tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị của đồng Việt Nam và tăng sức cạnh tranh của hệ thống tài chính ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Chính sách giá cả đi đôi với chính sách đầu tư thông thoáng.

(3) Cải cách hệ thống giáo dục hợp lý, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đặc biệt trước sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có thể thấy rằng công nghệ và con người là hai yếu tố then chốt nhất trong các mô hình tăng trưởng nội sinh. Khác với các yếu tố đầu vào khác (vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên) luôn bị ràng buộc bởi trần giới hạn thì hai yếu tố này có thể tăng lên và là chìa khóa để cho các quốc gia có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược giáo dục và đào tạo theo hướng hỗ trợ cho các ngành khoa học và công nghệ, khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên Internet. Ngoài ra, với tinh thần “trao cơ hội như nhau” và “không phân biệt đối xử”, Nhà nước cần tập trung cho phát triển giáo dục ở khu vực nông thôn, các vùng sâu, vùng xa bằng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để huy động, thu hút các giáo viên có trình độ cao về làm việc lâu dài, ổn định ở khu vực này; đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để con đường đến trường của trẻ em khu vực khó khăn không còn gian nan và nhiều chông gai. Nhà nước cũng cần nâng cao trình độ học vấn, nhận thức và sự quan tâm về giáo dục của người dân ở nông thôn nhiều hơn so với đô thị, bằng các chương trình tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân và con em họ tham gia giáo dục.

(4) Cải thiện chất lượng nguồn lao động, thúc đẩy việc làm, nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Đây là một giải pháp quan trọng vì nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nguồn nhân lực giúp cho tất cả người dân có thể tham gia vào tiến trình phát triển kinh tế và được hưởng lợi từ tăng trưởng, giúp giảm được sự gia tăng của bất bình đẳng và bất ổn xã hội. Để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ cần ưu tiên ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp chính là chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao, chưa chú trọng đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao. Nhà nước cần đổi mới cơ chế quản lý đối với dạy nghề theo nhu cầu của thị trường và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động, đặc biệt xây dựng nhiều điểm trường dạy nghề có chất lượng tốt ở khu vực nông thôn, vùng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin với thị trường. Không chỉ vậy, Chính phủ cần phát triển một thị trường lao động đầy đủ và minh bạch thông qua các chính sách tạo việc làm, đặc biệt là các chính sách bảo vệ quyền lợi của người lao động, các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động và tạo việc làm bền vững. Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao bằng cách tăng cường nguồn vốn con người và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

(5) Xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại.

Chính sách trợ giúp xã hội là biện pháp, công cụ tác động để thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn cuộc sống cho bộ phận dân cư không may gặp phải hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, chính sách trợ giúp xã hội dựa trên vòng đời sẽ bảo đảm sự thống nhất, hài hòa với các chính sách an sinh xã hội khác, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội cần mở rộng độ bao phủ, đảm bảo quỹ bảo hiểm xã hội bền vững trong dài hạn để đảm bảo quyền an sinh xã hội cho tất cả người dân, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Theo đó, Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể và rõ ràng tới người dân về các thông số bảo hiểm xã hội để người dân ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn khó tiếp cận thông tin có thể hiểu rõ những ích lợi mà bảo hiểm xã hội đem lại và chủ động hơn trong việc đóng bảo hiểm xã hội. Hơn nữa, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội cần phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Tổng điều tra dân số và nhà ở (Thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019): Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ, Nhà Xuất bản Thổng kê, tháng 7/2019.

2. Bộ Lao động Thương binh xã hội (2018), Quyết định công bố kết quả rà soát hộ nghèo năm 2017.

3. Ngô Thắng Lợi (2013), Giáo trình Kinh tế phát triển, Nhà Xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Oxfam (2018), Chuyện bất bình đẳng, số 02, tháng 12/2018.

5. Quốc hội (2015), Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

6. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

7. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

8. Thủ tướng Chính phủ (2008), Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

9. Thủ tướng Chính phủ (2017), Nghị quyết số 622/2017 về chương trình Nghị sự 2030 phát triển bền vững.

10. Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê năm 2018, Nhà Xuất bản Thống kê.

11. UNDP (2015), Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội.

Tiếng Anh

12. UNDP (2019), Human Development Report.

 

*1 Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019.

*2 Chỉ số nghèo đa chiều đã được vận dụng từ 2015, với mốt số cải tiến cho sát hợp hơn. Theo Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ năm 2015, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 là:

a. Các tiêu chí về thu nhập:

- Chuẩn nghèo: 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

- Chuẩn cận nghèo: 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

b. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản:

- Các dịch vụ xã hội cơ bản (05 dịch vụ): Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (10 chỉ số): Tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

*3 Tính theo xác suất chuyển tuổi từ khi sinh.

*4 Theo sức mua tương đường PPP năm 2011.

*5 Chỉ số phát triển giới GDI đo lường sự chênh lệch về HDI theo giới tính. Bảng chứa các giá trị HDI được ước tính riêng cho phụ nữ và nam giới; tỷ lệ giữa nam và nữ là giá trị GDI. Tỷ lệ càng gần với 1, thì khoảng cách giữa nữ giới và nam giới càng nhỏ. Giá trị của ba thành phần HDI là tuổi thọ, giáo dục (với hai chỉ số) và thu nhập bình quân đầu người cũng được thể hiện theo giới tính.

*6 Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) phản ánh thước đo tổng hợp về bất bình đẳng giới theo 3 khía cạnh: Sức khỏe sinh sản, trao quyền và thị trường lao động. Các chỉ số sức khỏe sinh sản là tỷ lệ tử vong của bà mẹ và tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên. Các chỉ số trao quyền là tỷ lệ ghế quốc hội do phụ nữ nắm giữ và tỷ lệ dân số có ít nhất một số năm học trung học theo giới tính. Chỉ số thị trường lao động là tham gia vào lực lượng lao động theo giới tính. Giá trị GII thấp cho thấy sự bất bình đẳng thấp giữa nữ giới và nam giới và ngược lại.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%