Đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam 20/04/2020 09:19:00 570

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam

20/04/2020 09:19:00

Phạm Sỹ An

Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Tăng trưởng kinh tế là một trong những mục tiêu quan trọng của các quốc gia, vì một quốc gia liên tục tăng sản lượng sẽ nâng cao mức sống của người dân, có điều kiện tăng thu ngân sách để từ đó có nhiều nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, củng cố mạng lưới an sinh xã hội… Hơn nữa, khi mức sống người dân tăng, người dân cũng có điều kiện để đầu tư vào giáo dục, y tế. Do vậy, việc xác định nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác hoạch định chính sách của Chính phủ nhằm hướng nguồn lực vào nhân tố đó. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định đến tăng trưởng của nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ cần có các chính sách, thể chế nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thông qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Từ khóa: Đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế, nghiên cứu và phát triển.

Economic growth is one of the most important goals of almost every country because a country that continually increases production will improve the living standards of its people, enabling it to increase its budget so that it has more resources in order to invest in infrastructure, strengthening social safety net, etc. Moreover, when people's living standard increases, people also have more conditions to invest in education and health. Thus, finding out what is an important factor in contributing to economic growth will play a significant role in the Government's policy making in order to focus resources on that important factor. This study indicates that innovation is a decisive factor in economic growth. Therefore, the Government needs policies and institutions to promote science and technology, innovation and thereby promote economic growth.

Keywords: Innovation, economic growth, research and development.

1. Tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Kể từ năm 2006 - 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có những biến động, do bị tác động từ nhiều cú sốc cả tích cực và tiêu cực. Các cú sốc tích cực như Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, chương trình tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ năm 2011. Các cú sốc tiêu cực như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hệ thống tài chính bộc lộ nhiều rủi ro và chính sách tiền tệ thắt chặt năm 2011. Các cú sốc này tạo nên những biến động trồi sụt của nền kinh tế.

Ở Việt Nam, sau khi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao vào năm 2007 (7,13%), do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá nhiên liệu thế giới tăng cao kỷ lục trong năm 2008, dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm còn 5,66% (năm 2008) và 5,4% (năm 2009). Khi nền kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã triển khai gói kích cầu vào năm 2009 - 2010. Kết quả của gói kích cầu này là tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn: 6,42% (năm 2010) và 6,24% (năm 2011). Hiệu ứng phụ của gói kích cầu này là lạm phát gia tăng cùng với “bong bóng” giá tài sản, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế xuống còn 5,25% trong năm 2012. Tuy nhiên, chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng vào năm 2011 - 2012 được thực hiện theo Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/02/2013 đã làm cho nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng kinh tế tăng dần và trong 2 năm 2018 - 2019 tăng trưởng kinh tế đã đạt trên 7%.

Hình 1. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam, 2006 - 2019

Đơn vị: %

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng kể từ năm 2012 do có sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, đóng góp của TFP cho GDP là 33,6, tăng lên 43,3% trong các năm 2016 - 2018 và ước đạt 43,5% trong giai đoạn 2016 - 2020. Tốc độ tăng năng suất lao động cũng gia tăng trung bình từ 4,3%/năm (giai đoạn 2011 - 2015) lên 5,8%/năm (giai đoạn 2016 - 2018). Bên cạnh đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cũng liên tục tăng trong những năm gần đây. Các kết quả này đã góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế trong gần 10 năm qua.

Mặc dù khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có tác động tích cực đến TFP, tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam luôn bị đánh giá ở mức khiêm tốn. Đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ cao hơn Indonesia, nhưng thấp hơn so với các nước như Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Khi mà đầu tư cho R&D còn thấp thì rất khó kỳ vọng vào sự bứt phá của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hình 2. Chi tiêu cho R&D của một số quốc gia lựa chọn

Đơn vị: % GDP

Ghi chú: Singapore, Malaysia, Thái Lan: Số liệu năm 2016; còn lại là số liệu của năm 2017

Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB)

Trong những năm gần đây, kinh phí  đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam tăng đều qua các năm, tuy nhiên, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá, Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Theo đánh giá của WB, chi cho R&D của khu vực nhà nước và tư nhân tại Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, trong khi bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%; Trung Quốc 2,1% GDP).

Chi cho R&D và số lượng những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực có liên quan chặt chẽ với nhau. Đầu tư nhiều vào R&D cũng thường đi liền với việc số lượng người làm trong lĩnh vực này nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, số lượng nhà nghiên cứu Việt Nam ở mức thấp, chỉ cao hơn Indonesia, thấp hơn các nước khác, nhất là khi so sánh với Singapore và Malaysia.

Hình 3. Số lượng nhà nghiên cứu trong lĩnh vực R&D

Đơn vị: Trên 1 triệu dân

Nguồn: WB

2. Vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng của nền kinh tế

2.1. Phương pháp khung khổ hạch toán tăng trưởng

Phương pháp khung khổ hạch toán tăng trưởng (Solow, 1956; 1957) xem xét các thành phần tạo nên sản lượng của nền kinh tế.

                                                           (1)

Trong đó,   là GDP,   là kho tri thức hay TFP,   là vốn và   là lao động. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng của vốn, lao động và TFP.

Hàm sản xuất trong phương trình (1) thường được biểu diễn bởi hàm sản xuất Cobb-Douglas lợi tức quy mô không đổi. Phương trình (1) có thể được thể hiện như sau:

                                                             (*)

Trong đó:   là phần thu nhập của vốn trong tổng thu nhập;   là phần thu nhập của người lao động trong tổng thu nhập. Để phân tích các nhân tố đằng sau năng suất lao động, chia cả hai về cho phương trình (*) với lao động, sẽ thu được kết quả sau:

                                                                (2)

Lấy log hai về của phương trình trên ta có:

                                  (3)

Phương trình (3) thể hiện sản lượng trên mỗi lao động, là phương trình của lượng vốn trang bị cho mỗi lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp. Năng suất lao động, nếu được đo bằng sản lượng trên mỗi lao động, sẽ được quyết định bởi vốn trang bị cho mỗi lao động và TFP. 

Như vậy, yếu tố đổi mới sáng tạo có thể tác động đến tăng trưởng hay sản lượng/lao động qua nhân tố A - năng suất các nhân tố tổng hợp. Vì thế, việc biết được các khía cạnh liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ảnh hưởng như thế nào đến TFP sẽ biết được ảnh hưởng của chúng đến tăng trưởng sản lượng và mức sống của người dân.

Do hạn chế về mặt số liệu, nhóm tác giả đã sử dụng một số biến số để phản ánh khía cạnh liên quan đến khoa học công nghệ như xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu ngành và phân bổ nguồn lực hướng đến ngành công nghiệp.

2.2. Xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao

Một quốc gia có hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển sôi động cũng thường xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao, tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này cũng phản ánh xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao là kết quả của đổi mới sáng tạo. Nếu xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao có mối liên hệ nào đó với năng suất và tăng trưởng sản lượng thì cũng có nghĩa đổi mới sáng tạo là nhân tố có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy, một quốc gia có xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao có tác động đến tăng trưởng kinh tế (Oguz, 2018).

Tương quan giữa hai biến số là dương cho thấy xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao có tác động đến năng suất, tăng trưởng kinh tế. Vì thế, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đem lại lợi ích cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Hình 4. Mối tương quan giữa tăng trưởng TFP và tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu hàng chế tác, 2006 - 2014

Đơn vị: %

Nguồn: WB và Tổng cục Thống kê

 2.3. Chuyển dịch cơ cấu ngành và nguồn lực

Chuyển dịch cơ cấu ngành và chuyển dịch nguồn lực đi liền với nhau. Chuyển dịch cơ cấu ngành có hai ý, chuyển dịch từ ngành có công nghệ thấp, năng suất thấp đến ngành có công nghệ cao, năng suất cao và chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp. Song song với chuyển dịch cơ cấu ngành là chuyển dịch nguồn lực như tài chính và lao động (phạm vi bài viết chỉ xem xét đến yếu tố lao động). Hệ số tương quan giữa hai biến số này là 0,2. Điều này cho thấy, tỷ trọng sản lượng của ngành công nghiệp công nghệ trung bình và cao càng lớn sẽ càng làm cho năng suất của nền kinh tế tăng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hình 5. Tăng trưởng TFP và ngành công nghiệp công nghệ trung bình và cao

Đơn vị: % giá trị gia tăng ngành chế tác

Nguồn: Tính toán của tác giả từ số liệu của Tổng cục Thống kê (cho TPF) và WB (cho giá trị gia tăng ngành công nghiệp công nghệ cao và trung bình)

Bên cạnh đó, tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp cũng có mối tương quan dương chặt chẽ với tăng trưởng năng suất của nền kinh tế. Một quốc gia có ngành công nghiệp càng phát triển, mở rộng về sản lượng, thì quốc gia đó sẽ có năng suất cao hơn. Điều này cũng dễ hiểu khi ngành công nghiệp phát triển, công nghệ thường phát triển theo, hiệu quả và năng suất cũng tăng. Trong khi công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng của nền kinh tế thì việc tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp cao hơn sẽ kéo theo tăng trưởng năng suất và sản lượng của nền kinh tế cũng cao hơn.

Hình 6. Tăng trưởng TFP và tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp

Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê, WB và tính toán của tác giả

Nguồn lực lao động luôn chuyển dịch cùng với quá trình dịch chuyển cơ cấu ngành (từ ngành có công nghệ thấp sang ngành có công nghệ trung bình và cao; từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp). Tương tự với các biến số đo lường chuyển dịch cơ cấu ngành, chuyển dịch nguồn lực lao động có thể được đo lường bằng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp so với tổng số lao động của nền kinh tế. Ngành công nghiệp càng mở rộng so với các ngành khác thì tỷ trọng lao động trong ngành sẽ càng lớn. Lao động trong ngành công nghiệp thường được đánh giá có kỹ năng, tay nghề cao hơn so với lao động trong ngành nông nghiệp hay dịch vụ. Vì thế, tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp so với tổng số lao động của nền kinh tế càng lớn thì làm cho năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế sẽ cao hơn.

Như vậy, tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp càng lớn thì sự tích lũy kỹ năng, tri thức sẽ càng lớn và kéo theo đó là sự gia tăng trong năng suất và tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế.

Hình 7. Tăng trưởng TFP và lao động trong ngành công nghiệp

Đơn vị: % tổng lao động

Nguồn: Tổng cục Thống kê và dữ liệu của WB

2.4. Mở cửa nền kinh tế

Độ mở nền kinh tế có thể được đo bằng nhiều cách, trong đó cách phổ biến nhất là tỷ lệ thương mại (tổng xuất - nhập khẩu) với tổng sản lượng của nền kinh tế. Một nền kinh tế có độ mở càng lớn, sức ép cạnh tranh sẽ càng lớn và buộc các doanh nghiệp sẽ phải đổi mới sáng tạo (trong công nghệ, trong quản lý) để có thể đứng vững và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh sẽ loại bỏ những doanh nghiệp yếu, kém hiệu quả và dành nguồn lực cho các doanh nghiệp hiệu quả hơn. Hơn nữa, một nền kinh tế mở cửa hơn cũng sẽ khuyến khích trao đổi tri thức bên ngoài, từ đó làm tăng đổi mới sáng tạo, năng suất và tăng trưởng.

Có nhiều công trình nghiên cứu minh chứng tác động tích cực của mở cửa nền kinh tế đến tăng trưởng kinh tế (Frankel và Romer, 1999; Choudhri và Hakura, 2000; Dollar và Kraay, 2000; Alcalá và Ciccone, 2002; Busse và Koniger, 2012). Nền kinh tế có độ mở càng lớn thì năng suất càng gia tăng và kéo theo đó là tăng trưởng của nền kinh tế.

Hình 8. Quan hệ giữa tăng trưởng TFP và độ mở thương mại, 2006 - 2016

Ghi chú: Trục tung thể hiện tăng trưởng TFP, trục hoành thể hiện sự khác biệt độ mở thương mại giữa các năm

Nguồn: Số liệu độ mở thương mại lấy từ WB, số liệu TFP tính toán từ bộ dữ liệu của Tổng cục Thống kê

3. Kết luận và gợi mở chính sách

Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện mạnh trên bảng xếp hạng thế giới. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta tăng 10 bậc so với năm 2018 và hiện đang đứng ở vị trí 67. Theo đánh giá trong báo cáo của WEF, Việt Nam là quốc gia có điểm số cải thiện lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong số các chỉ số thành phần, quy mô thị trường đứng vị trí cao nhất, xếp hạng 26; tiếp đến là ứng dụng công nghệ thông tin xếp hạng 41; hệ thống tài chính xếp hạng thứ 60 và ổn định kinh tế vĩ mô đứng ở vị trí 64. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số thành phần đứng ở vị trí thấp như kỹ năng (vị trí 93), thể chế và sự năng động trong kinh doanh đều đứng ở vị trí 89, thị trường lao động đứng ở vị trí 83. Ngoài ra, năng lực sáng tạo cũng đứng ở nửa cuối của bảng xếp hạng.

Có thể thấy, các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế còn chưa vững chắc. Các phân tích trên cho thấy, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông qua sự thay đổi tích cực trong khoa học, công nghiệp và đổi mới sáng tạo, các nhân tố dẫn đến tăng năng suất như xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp sử dụng công nghệ trung bình và cao, qua đó sự chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu lao động cũng sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp. Để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các chính sách cần được thực hiện gồm:

(i) Nguồn lực của Nhà nước luôn có hạn, vì thế cần có các cơ chế, chính sách thu hút khu vực tư đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được gia tăng, vì đầu tư vào các lĩnh vực này tăng sẽ giúp tăng năng lực đổi mới sáng tạo, thu hút nhiều hơn các nhà khoa học, người lao động làm việc trong ngành và khi nhiều người lao động hơn trong lĩnh vực cũng có nghĩa mức độ lan tỏa tri thức và cơ hội cho những phát kiến mới, sáng tạo đổi mới cũng sẽ cao hơn.

(ii) Cơ chế hợp tác công - tư trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện. Chính phủ cần đóng vai trò là trung tâm kết nối sự hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu thay vì “đưa lên giá sách”.

(iii) Mở cửa nền kinh tế là cơ chế quan trọng buộc các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo vì phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp không chịu đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, họ sẽ thất thế trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và do đó chịu thua lỗ, phá sản. Trong thời gian tới đây, Việt Nam sẽ hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vì thế áp lực cạnh tranh ngày một lớn sẽ buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo để có thể cạnh tranh thành công trong nền kinh tế toàn cầu.

(iv) Nhà nước cần tạo môi trường để phát triển qũy đầu tư mạo hiểm nhằm tăng cường cung cấp vốn cho các doanh nghiệp công nghệ trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Bạch Dương (2017), Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore, Thời báo Kinh tế Việt Nam, truy cập ngày 27/12/2017.

2. Nguyễn Xuân Phúc (2019), Tạo đột phá chiến lược trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ khoa học công nghệ, ngày 17/5/2019.

3. Phạm Sỹ An và Trần Văn Hoàng (2013), Các nhân tố của tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1986 - 2011, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 2 (417), tr. 3 - 10.

Tiếng Anh

4. Tran Tho Dat, Nguyen Quang Thang và Chu Quang Khoi (2005), Sources of Vietnam’s Economic Growth 1986 - 2004, National Economics University, Hanoi.

5. Alcalá, F. và Ciccone, A. (2004), Trade and Productivity, Quarterly Journal of Economics, 119, 2.

6. Barro, R. (1995), Inflation and Economic Growth, Working Paper 5326, NBER Working Paper Series, NBER.

7. Bulman, T. và Simon, J. (2003), Productivity and Inflation, Research Discussion Paper 2003-10, Economic Research Department, Reserve Bank of Australia.

8. Busse, M. và Koniger, J. (2012), Trade and Economic Growth: A Re-Examination of the Empirical Evidence, HWWI Research Paper 123, Hamburg Institute of International Economics (HWWI), ISSN 1861-504X.

9. Choudhri, E. U. và Hakura, D. S. (2000), International Trade and Productivity Growth: Exploring the Sectoral Effects for Developing Countries, IMF Working Paper WP/00/17, International Monetary Fund.

10. Dollar, D. và Kraay A. (2002), Institutions, Trade, and Growth, World Bank.

11. Fisher, S. (1993), The Role of Macroeconomic Factors in Growth, Working Paper No. 4565, NBER Working Paper Series, NBER.

12. Frankel, J. và Romer, D. (1999), Does Trade Cause Growth, American Economic Review, vol. 89 (3).

13. Inada, K. (1963), On a Two-Sector Model of Economic Growth: Comments and a Generalization, The Review of Economic Studies 30 (2): 119–127.

14. Oguz, D. (2018), Does High Tech Exports Really Matter for Economic Growth? A Panel Approach for Upper Middle-Income Economies, AJIT-e: Online Academic Journal of Information Technology, Vol. 9, No. 30, Istanbul Ticaret University.

15. Phan Minh Ngoc (2008), Sources of Vietnam’s Economic Growth, Progress in Development Studies, Vol. 8, issue 3, 209-229.

16. Solow, R. (1956), A Contribution to the Theory of Economic Growth, The Quarterly Journal of Economics, Vol. 70, No. 1.

17. Solow, R. (1957), Technical Change and the Aggregate Production Function, The Review of Economics and Statistics, Vol. 39, No. 3.

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%