Lưu Ánh Nguyệt1 và nhóm nghiên cứu2
Công nghệ chuỗi khối (blockchain) được coi là một trong những công nghệ đột phá, có khả năng làm thay đổi cách thức cung ứng và sử dụng các dịch vụ tài chính. Blockchain không chỉ mã hóa tài sản, tiền tệ, mà còn số hóa quá trình quản lý, lưu trữ các thông tin giao dịch, cho phép công khai, minh bạch các thông tin tài chính, đồng thời giảm các chi phí giao dịch. Tuy nhiên, việc ứng dung công nghệ blockchain vào dịch vụ tài chính cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với các quy định quản lý và giám sát lĩnh vực dịch vụ tài chính để đảm bảo an toàn hệ thống, giảm rủi ro từ các dịch vụ tài chính mới, bảo vệ người tiêu dùng tài chính… Xu hướng ứng dụng của blockchain trong dịch vụ tài chính ngày càng thể hiện rõ trên toàn cầu, đặt ra yêu cầu đối với các quốc gia cần phải có các giải pháp chiến lược phù hợp để tận dụng cơ hội phát triển lĩnh vực dịch vụ tài chính số, đồng thời kiểm soát các rủi ro liên quan để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.
Từ khóa: Blockchain, công nghệ chuỗi khối, tài chính số, tài sản mã hóa.
Blockchain technology is considered a major breakthrough capable of changing the way financial services are provided and used. Blockchain technology not only encodes assets and currencies, but also digitizes the process of managing and storing transaction information, allows the publicity and transparency of financial information, as well as reduces transaction costs. However, the application of blockchain to financial services also poses many problems for the management regulations and supervision of the financial services sector to ensure system safety, reduce risks from new financial services, and protect financial consumer… The worldwide are recognizing the trend of applying blockchain technology in financial services. Therefore, countries need to have suitable strategic solutions to develop digital financial services, as well as control related risks to ensure the safety of the financial system.
Keywords: Blockchain, digital finance, digital assets.
1. Công nghệ blockchain
Công nghệ blockchain là một tập hợp kỹ thuật số các giao dịch được theo dõi và ghi lại trong một mạng lưới phi tập trung. Các giao dịch sau khi được gửi lên trên mạng lưới blockchain sẽ được nhóm vào các khối và các giao dịch trong cùng 1 khối (block) được coi là đã xảy ra cùng thời điểm. Các giao dịch chưa được thực hiện trong 1 khối được coi là chưa được xác nhận. Blockchain bao gồm các khối dữ liệu riêng lẻ, mỗi khối chứa một bản ghi thông tin, được liên kết với nhau theo thứ tự thời gian, tạo thành các chuỗi. Sự nhất quán theo trình tự thời gian làm cho các dữ liệu đã lưu trữ theo chuỗi không thể xóa hoặc sửa đổi nếu không có sự đồng thuận từ người dùng, giao dịch và nút toán tử. Những liên kết này không thể thay đổi, đó là điều tạo nên sự minh bạch và tin tưởng cho mạng lưới thông tin dựa trên công nghệ blockchain.
Các đặc tính của công nghệ chuỗi khối gồm:
(i) Phi tập trung: Trong hệ thống giao dịch tập trung truyền thống, mỗi giao dịch cần được xác nhận bởi một thực thể, mang tính tập trung và đáng tin cậy (ví dụ như ngân hàng trung ương). Trong khi đó, công nghệ chuỗi cho phép phân tán quyền kiểm soát và ra quyết định cho các thành phần trong mạng lưới bằng quy tắc sổ cái. Mỗi người dùng tham gia vào mạng blockchain được gọi là các node mạng, giữ một bản sao điện tử của dữ liệu blockchain. Dữ liệu blockchain được cập nhật thường xuyên tất cả các giao dịch mới nhất và đồng bộ với bản sao của người dùng. Mã nguồn trên mạng lưới bitcoin là nguồn mở, có nghĩa là bất kỳ ai có máy tính kết nối được internet đều có thể tham gia vào mạng lưới và thực hiện giao dịch.
(ii) Bảo mật dữ liệu: Công nghệ blockchain cho phép lưu trữ tài sản (như các hợp đồng, tài liệu…) vào trong hệ thống thông qua internet. Chủ sở hữu sẽ có quyền kiểm soát trực tiếp hệ thống và chuyển giao tài sản của mình sang bất kỳ một người nào khác thông qua nguyên lý mã hóa. Các thông tin, dữ liệu trong các chuỗi blockchain được phân tán và an toàn, chỉ có người nắm giữ “khóa riêng tư” mới có quyền truy xuất dữ liệu đó.
(iii) Minh bạch: Dữ liệu trong blockchain cho phép mọi người đều có thể theo dõi đường đi từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.
(iv) Bất biến: Blockchain lưu giữ hồ sơ vĩnh viễn của tất cả các giao dịch đã được xác nhận. Không người tham gia nào có thể làm giả giao dịch sau khi giao dịch đã ghi lại vào sổ cái phân tán. Nếu bản ghi giao dịch có lỗi, người dùng phải thêm giao dịch mới để bù trừ cho lỗi và cả hai giao dịch đều được hiển thị trong mạng lưới. Người dùng chỉ có thể ghi lại các giao dịch mới khi đa số người tham gia mạng lưới đồng thuận.
(v) Tự động: Hợp đồng thông minh là hợp đồng tự thực hiện với các điều khoản và điều kiện được đề cập trên blockchain. Hợp đồng thông minh sử dụng nguyên lý nếu - thì, cho phép tự thực thi mà không cần bên thứ ba3. Trong ngành bảo hiểm, blockchain có thể cải thiện một loạt các hoạt động nội bộ (từ phát hiện gian lận đến gia hạn hợp đồng, các điều kiện tương ứng) và thậm chí giúp các công ty mở rộng sang các lĩnh vực mới.
Những đặc tính trên của blockchain cho phép giảm chi phí giao dịch thông qua loại bỏ bên trung gian, ghi lại và xác minh tất cả các giao dịch trên mạng blockchain và các thông tin dữ liệu lưu trên blockchain là bất biến, làm tăng độ tin cậy và minh bạch thông tin của các giao dịch. Công nghệ này có tính ứng dụng cao, có thể tích hợp vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Trong đó, ngành dịch vụ tài chính được coi là lĩnh vực tiên phong trong ứng dụng blockchain.
Blockchain cũng được kỳ vọng là loại công nghệ đột phá, tạo nên những thay đổi lớn đối với cấu trúc, chức năng và hoạt động của ngành dịch vụ tài chính. Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ góp phần giảm thiểu gian lận, đẩy nhanh tốc độ giao dịch, đảm bảo an toàn và hỗ trợ theo dõi, quản lý rủi ro 24/24 trong hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 2009, Bitcoin (BTC) - tiền kỹ thuật số ứng dụng công nghệ blockchain ra đời với sự kiện Satoshi Nakamoto khai thác được khối BTC đầu tiên. Vào giai đoạn đầu, blockchain chủ yếu ứng dụng cho lĩnh vực tiền tệ và thanh toán, bao gồm chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và tạo lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số.
Sau sự ra đời và trở nên phổ biến của tiền mã hóa, blockchain đã thu hút nhiều sự quan tâm và được ứng dụng phát triển bởi cả các tập đoàn công nghệ toàn cầu như IBM và Microsoft. Blockchain được ứng dụng rộng rãi hơn vào thị trường dịch vụ tài chính, tích hợp với các ứng dụng tài chính, dịch vụ ngân hàng và các giao dịch tài chính như cổ phiếu, chi phiếu, nợ… Chính phủ nhiều quốc gia cũng nghiên cứu, ứng dụng blockchain cho nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm quản lý dữ liệu, giám sát hoạt động… Blockchain không chỉ áp dụng cho lĩnh vực tài chính, mà còn được ứng dụng cho mục đích quản lý, giám sát của nhiều lĩnh vực khác nhau, như chuỗi cung ứng, trò chơi điện tử, chăm sóc sức khỏe, quản trị, từ thiện...
Hình 1. Quá trình phát triển của công nghệ blockchain
Tuy nhiên, việc ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ blockchain cũng gây nên những rủi ro, thách thức đối với đảm bảo an toàn hệ thống, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý và giám sát đối với những loại giao dịch tài chính mới, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng dịch vụ tài chính.
2. Xu hướng ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính
Những xu hướng ứng dụng blockchain phổ biến nhất trong lĩnh vực tài chính trong thời gian qua và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng về quy mô và mức độ phổ biến gồm:
Thanh toán
Bitcoin, Ethereum là những loại tiền mã hóa được phát triển dựa trên công nghệ blockchain và trở thành những loại tiền mã hóa phổ biến nhất trong các giao dịch tài sản mã hóa. Khi các trao đổi mua bán, đầu tư, chi tiêu sử dụng tiền mã hóa, các giao dịch được ghi lại trên một blockchain. Theo CoinMarketCap, giá trị vốn hóa thị trường của tất cả 12.440 đồng tiền mã hóa trên 544 sàn giao dịch đã lên đến 2,08 nghìn tỷ USD vào ngày 07/02/2022, trong đó BTC chiếm 39,4%, Ethereum là 17,9%. Blockchain cho phép xử lý thông tin nhanh hơn nhờ loại bỏ được các đơn vị trung gian, do đó giảm bớt chi phí, đồng thời đẩy nhanh tốc độ giao dịch.
Nhờ tính chất tiên phong, Bitcoin vẫn chiếm ưu thế về giá trị và mức độ phổ biến trên thị trường sau hơn một thập kỷ tồn tại. Giá trị vốn hóa thị trường của BTC (đến tháng 3/2022) đạt hơn 800 tỷ USD, bằng khoảng 2/3 giá trị thị trường vàng, lớn hơn giá trị vốn hóa của các công ty tài chính đa quốc gia hàng đầu thế giới hiện nay như Visa, Mastercard. Giá của BTC có thể dao động ở biên độ lớn, nhưng loại tiền điện tử vẫn mang tính biểu tượng và tiếp tục thu hút một lượng lớn sự quan tâm từ nhiều tập đoàn tài chính, công nghệ. Tập đoàn thanh toán quốc tế NCR và Công ty Quản lý tài sản kỹ thuật số NYDIG đã hợp tác để cho khoảng 24 triệu khách hàng của 650 ngân hàng Hoa Kỳ mua, bán BTC, trong khi El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận BTC là một đồng tiền hợp pháp, đưa BTC vào ngân khố quốc gia trước tháng 9/2021.
Các hệ thống tài chính truyền thống, như ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán, sử dụng các dịch vụ chuỗi khối để quản lý các khoản thanh toán trực tuyến, tài khoản và giao dịch thị trường4.
Quản lý tài sản
Tài sản mã hóa sử dụng công nghệ blockchain mã nguồn mở để tạo ra một chuỗi mã độc nhất, đại diện cho một vật phẩm nào đó và không thể thay thế đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới tiền điện tử toàn cầu trong thời gian qua, gọi là các NFT. NFT lần đầu tiên được biết đến là vào năm 2012, có tên Coloured Coins hay Bitcoin 2.x, xây dựng trên mạng Bitcoin, nhưng ví dụ phổ biến nhất về NFT là ERC721 hoạt động trên mạng Ethereum.
Một NFT có thể đại diện cho bất cứ thứ gì như âm nhạc, nghệ thuật hay thậm chí cả dòng đăng tải trên Twiteer. NFT có thể được giao dịch trong các thị trường mở, như OpenSea. Các thị trường này kết nối người mua với người bán và giá trị của mỗi tài sản điện tử là duy nhất. Về bản chất, NFT không chỉ là tài sản kỹ thuật số có thể thu thập được trên blockchain mà chúng là những tài sản có giá trị với các ứng dụng thực tế trong nhiều lĩnh vực. Số lượng lĩnh vực ứng dụng NFT sẽ tiếp tục phát triển cùng với số lượng người dùng và quan hệ đối tác với các công ty truyền thống. Theo Financial Times, tính đến hết năm 2021, thị trường NFT đã chạm vốn hóa hơn 41 tỷ USD.
Huy động và tài trợ vốn
Các đợt phát hành coin lần đầu (ICO), phát hành chứng khoán lần đầu (STO) đang thử nghiệm một mô hình tài trợ mới giúp rút ngắn khả năng tiếp cận vốn từ các công ty và dịch vụ huy động vốn truyền thống. ICO là một phương thức huy động vốn thông qua việc sử dụng các đồng tiền mã hóa. ICO được phát triển dựa trên việc mượn ý tưởng từ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu). Phương thức này phổ biến đối với các dự án chưa phát triển đầy đủ nền tảng blockchain, sản phẩm hoặc dịch vụ. Thanh toán thường được thực hiện bằng Bitcoin hoặc Ethereum, nhưng trong một số trường hợp, tiền pháp định cũng được chấp nhận.
Với sự bùng nổ của các ICO, cũng như mức độ quan tâm ngày càng tăng đối với blockchain và tiền điện tử, từ đầu năm 2021 đến nay, có hơn 300 thương vụ ICO đã diễn ra. Số lượng các sự kiện gây quỹ từ ICO ngày càng tăng đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý luật trên toàn thế giới và quy định pháp luật trong lĩnh vực này là một chủ đề nóng trong cộng đồng tiền điện tử. Quy định pháp luật đối với lĩnh vực ICO vẫn còn trong giai đoạn đầu và không có sự thống nhất giữa các quốc gia. Một mặt, nếu có quá nhiều quy định luật sẽ cản trở sự tăng trưởng và phát triển của lĩnh vực tiền điện tử và công nghệ blockchain. Tại Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) là hai cơ quan quản lý luật hiện đang liên tục thảo luận về khung pháp lý cho ICO và tiền điện tử. Trong khi một số khu vực pháp lý (như Trung Quốc và Hàn Quốc) đã tuyên bố tất cả các ICO là bất hợp pháp.
Bằng cách mã hóa các chứng khoán truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản thay thế, sau đó đặt chúng trên các blockchain công khai, thị trường vốn có thể hoạt động hiệu quả hơn, tăng mức độ minh bạch thông tin của các giao dịch chứng khoán, cho phép theo dõi và truy vết các giao dịch theo thời gian thực. Từ năm 2019, hình thức huy động STO trở nên phổ biến hơn trong huy động vốn. STO là một hình thức IPO, công ty sẽ phát hành token chứng khoán cho các nhà đầu tư. Những token chứng khoán này sẽ được phân phối dựa trên các dự án hoặc một nền tảng riêng biệt chuyên về sự phát hành STO như Swam, Lition, Own, Polymath, Securitize… Hình thức STO này phù hợp đối với những công ty, doanh nghiệp đã có nền tảng hoạt động trên thị trường. Ngày càng có nhiều công ty hướng tới việc đưa ra hình thức STO để huy động vốn5. Nhiều nền tảng mới đã phát triển và sẽ hỗ trợ các startup huy động được vốn để phát triển thông qua STO, như StartEngine, Harbor, Republic, Polymath và Dusk Network.
Đối với lĩnh vực tín dụng, các tổ chức ngân hàng truyền thống bảo lãnh các khoản vay bằng cách sử dụng một hệ thống báo cáo tín dụng để đánh giá rủi ro thông qua các yếu tố như tình trạng sở hữu tài sản, tỷ lệ nợ trên thu nhập hoặc tín dụng. Để có được những thông tin đó, họ cần yêu cầu báo cáo tín dụng của khách hàng được cung cấp bởi các cơ quan tín dụng chuyên ngành. Các hệ thống tập trung như vậy thường gây hại cho người tiêu dùng vì chứa thông tin sai lệch và rất dễ bị tấn công. Khi áp dụng công nghệ blockchain thì quy trình cho vay sẽ nhanh và an toàn hơn.
Lưu trữ dữ liệu khách hàng, sử dụng cho việc xác minh danh tính khách hàng khi thực hiện các giao dịch tài chính
Hầu hết các công ty tài chính cần phải trải qua quá trình xác minh danh tính với khách hàng để ngăn chặn gian lận và rửa tiền. Một giải pháp thay thế là lưu trữ dữ liệu khách hàng trên blockchain, cho phép các công ty tài chính khác nhau có thể truy cập. Sau khi một công ty đã trải qua quy trình xác thực KYC6 với một khách hàng mới, dữ liệu của khách hàng sẽ được thêm vào blockchain. Các công ty khác sau đó có thể sử dụng dữ liệu KYC đó thay vì tự mình thực hiện quy trình. Điều này cũng sẽ tiết kiệm thời gian cho khách hàng, những người sẽ không cần phải trải qua quy trình KYC cho mọi tài khoản tài chính mới.
Trước những ứng dụng ngày càng rộng rãi của blockchain, thị trường blockchain ước tính tăng từ 242 triệu USD trong năm 2016 đến 7.684 tỷ USD vào năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 79,69%, thị trường blockchain ước tính đến năm 2025 sẽ tương đương khoảng 10% GDP toàn cầu (khoảng 100 nghìn tỷ USD). Nhiều tổ chức tài chính đã hình thành các liên minh để thương mại hóa công nghệ blockchain. Bằng cách tích hợp blockchain vào các hoạt động, giao dịch của ngân hàng, người tiêu dùng có thể thấy các giao dịch của họ được xử lý trong 10 phút (thậm chí vài giây). Về cơ bản, đây là thời gian cần thiết để thêm một khối vào blockchain vào bất kỳ thời gian nào trong tuần. Santander - một ngân hàng châu Âu ước tính khoản tiết kiệm tiềm năng là 20 tỷ USD mỗi năm7; còn theo Capgemini - một công ty tư vấn của Pháp, người tiêu dùng có thể tiết kiệm 16 tỷ USD phí ngân hàng và bảo hiểm mỗi năm thông qua các ứng dụng dựa trên blockchain.
Phát triển và vận hành hạ tầng thị trường tài chính
Nhiều quốc gia đã ứng dụng blockchain để xây dựng thị trường vốn quy mô nhỏ8 nhằm cải thiện hiệu quả vận hành giữa các công ty tham gia thị trường, hay tạo nền tảng huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp9. Đối với hệ thống thanh toán và bù trừ, bằng cách thiết lập một sổ cái phi tập trung cho các khoản thanh toán, công nghệ blockchain có thể tạo điều kiện thanh toán nhanh hơn với mức phí thấp hơn so với ngân hàng.
Sổ cái phân tán có thể giảm chi phí hoạt động và giúp việc chuyển tiền nhanh hơn, từ vài giây đến vài phút thay vì mất nhiều giờ hay nhiều ngày, đặc biệt rút ngắn thời gian trong các giao dịch tài chính xuyên biên giới. Các blockchain sử dụng các thuật toán mật mã để xử lý và ghi lại các khối giao dịch. Mật mã này có thể là một cách để các công ty tài chính giảm mức độ rủi ro, tăng độ bảo mật thông tin khi xử lý các giao dịch tài chính.
Đối với thông tin tài chính, công nghệ blockchain sử dụng để tự động hóa thông qua các hợp đồng thông minh. Hợp đồng là một phần quan trọng của ngành dịch vụ tài chính, do đó, các công ty dành nhiều thời gian cho việc tạo lập, xử lý hợp đồng. Ứng dụng blockchain có thể rút ngắn thời gian tạo lập, xử lý hợp đồng10. Khả năng ứng dụng rộng rãi của công nghệ blockchain trong lĩnh vực dịch vụ tài chính được dự báo tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới. Theo ước tính của Statista, quy mô ứng dụng trên toàn cầu đã đạt 0,48 tỷ USD năm 2019 và sẽ đạt khoảng 22,46 tỷ USD vào năm 2026.
Hình 2. Quy mô ứng dụng blockain trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trên toàn cầu
Đơn vị: Tỷ USD
Nguồn: Statista
Tại Việt Nam, blockchain đang được các ngân hàng, doanh nghiệp lớn nghiên cứu ứng dụng. Nhiều ngân hàng thương mại đã ứng dụng blockchain trong giao dịch Thư tín dụng (L/C) nhằm tối ưu hóa lợi ích của công nghệ này đối với hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Công nghệ blockchain được ứng dụng trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt Nam từ năm 2019 với giao dịch L/C đầu tiên của Ngân hàng HSBC chi nhánh Việt Nam thông qua Voltron. Sau đó là các ngân hàng như MBBank, HDBank, Vietcombank… Ngoài ra, công nghệ blockchain cũng đã được áp dụng để gọi vốn, phát triển game blockchain gắn với gọi vốn…
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn gặp thách thức đến từ: (i) Hành lang pháp lý cụ thể điều chỉnh các hoạt động ứng dụng blockchain; (ii) Cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, chưa đáp ứng các điều kiện cần thiết để các ngân hàng, tổ chức tài chính, chính phủ… đẩy mạnh áp dụng công nghệ blockchain; (iii) Việc đầu tư ở giai đoạn thử nghiệm là chủ yếu do cân đối giữa chi phí đầu tư và lợi ích đem lại, rủi ro của loại công nghệ mới. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cung cấp giải pháp công nghệ blockchain cho các ngân hàng, tổ chức tài chính đang phải đăng ký tại nước ngoài do rào cản pháp lý. Ngành công nghệ này đang phát triển nhanh hơn hành lang pháp lý của Việt Nam và đây cũng là vấn đề của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, thế giới chỉ có khoảng 50 quốc gia có hành lang pháp lý cho hoạt động này.
3. Những vấn đề đặt ra đối với việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính
Sự phát triển nhanh của công nghệ blockchain và việc ứng dụng công nghệ này vào lĩnh vực tài chính ngày càng gia tăng về quy mô và phổ biến đang đặt ra những thách thức lớn đối với khung pháp lý và chính sách quản lý của mỗi quốc gia đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, làm gia tăng rủi ro đối với hệ thống tài chính.
(i) Việc hoàn thiện khuôn pháp luật và quản lý, giám sát đối với dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ blockchain còn gặp nhiều thách thức. Việc ứng dụng công nghệ blockchain vào các dịch vụ tài chính vẫn đang trong quá trình khám phá phát triển và được thực hiện bởi những doanh nghiệp tiên phong, do đó, các tính chất, đặc điểm của các loại ứng dụng, mô hình dịch vụ tài chính vẫn đang trong quá trình hình thành. Điều này làm cho việc ban hành và thực hiện các quy định mới đối với dịch vụ tài chính trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Hiện nay, ứng dụng phổ biến nhất của blockchain là tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam không công nhận tiền mã hóa là đồng tiền pháp định. Việt Nam cũng chưa ghi nhận giá trị pháp lý của tài sản mã hóa và tiền mã hóa, trong khi thực tế các giao dịch liên quan tới loại tài sản này vẫn diễn ra trên thị trường, không ngừng phát triển và mở rộng. Việc thiết kế, ban hành các chính sách quản lý đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Tài sản mã hóa, tiền mã hóa chưa được công nhận tính pháp lý là phương tiện thanh toán, hay tài sản, hàng hóa... Do đó, việc áp dụng các chính sách thuế hay quản lý như một loại chứng khoán đối với hoạt động ICO, STO, đều không có cơ sở. Điều này dẫn tới thực trạng là Nhà nước thất thu đối với các hoạt động phát sinh nhiều lợi nhuận, chưa có cơ chế bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng dịch vụ, nhà đầu tư; quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong xã hội liên quan tới các giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa chưa được quan tâm và bảo vệ đúng mức.
(ii) Blockchain là lĩnh vực công nghệ vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn chỉnh và chưa trải qua các chu kỳ phát triển của loại dịch vụ, sản phẩm như các dịch vụ tài chính truyền thống. Do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro khi áp dụng quá sớm, trong đó có nhiều loại rủi ro mà các cơ quan quản lý, giám sát chưa thể tính toán, dự báo trước. Việc triển khai áp dụng blockchain có thể kéo theo các vấn đề về rủi ro mất thông tin dữ liệu, chi phí cao để triển khai trong khi hiệu quả và tác động kinh tế không đủ sâu, rộng để bù đắp lại. Các rủi ro về công nghệ có khả năng làm gián đoạn các hoạt động chức năng của dịch vụ tài chính khi ứng dụng, tổn hại danh tiếng của các bên liên quan, tăng mức độ bất ổn của hệ thống tài chính.
Nhận diện các rủi ro này, chính phủ các quốc gia đang nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro. Như tại Singapore, việc ứng dụng công nghệ blockchain vào dịch vụ tài chính phải tuân thủ theo cơ chế thử nghiệm chính sách áp dụng cho việc ứng công nghệ mới Sandbox. Tại Thái Lan, Ủy ban Chứng khoán Thái Lan đã xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, luật kỹ thuật số để lựa chọn các dự án thí điểm giai đoạn đầu khi ứng dụng công nghệ blockchain cho lĩnh vực chứng khoán.
(iii) Sự phát triển nhanh về số lượng, cũng như gia tăng về giá trị của tài sản mã hóa đang đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống tài chính, ngân hàng và việc điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, cũng như vấn đề kiểm soát các mục tiêu, biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, nguồn cung tiền, lãi suất, tỷ giá... (Đặng Vương Anh, 2018). Bất chấp những cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, tài sản mã hóa tại Việt Nam đang có những “biến tướng” khá phức tạp như mô hình kinh doanh đa cấp dưới hình thức kêu gọi đầu tư tài sản mã hóa. Mặc dù chưa có số liệu chính xác về giá trị tiền ảo và tỷ lệ giá trị của loại tiền này trong lưu thông tại Việt Nam, nhưng sự “góp mặt” của loại tiền này trong thanh toán, đầu tư..., làm cho các cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm soát và mục tiêu kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước trở nên khó khăn hơn (Lê Thị Tuấn Nghĩa và Nguyễn Thanh Tùng, 2018).
(iv) Để các dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ blockchain có cơ hội phát triển, đòi hỏi sự hiểu biết, chấp thuận từ cả phía bên cung (định chế tài chính, ngân hàng, công ty công nghệ tài chính...) và bên cầu (thị hiếu người dùng, doanh nghiệp...). Việc thừa nhận tài sản mã hóa là một phương tiện thanh toán hay là một loại công cụ tài chính cần dựa trên cơ sở một nền tảng công nghệ, thị trường tài chính, hiểu biết tài chính của cộng đồng, phát triển ở mức độ nhất định.
Hầu hết các quốc gia chính thức công nhận tính pháp lý của tài sản mã hóa như một phương tiện thanh toán, một loại tài sản hay công cụ tài chính đều là các quốc gia có thị trường tài chính phát triển (Anh, Singapore, Hồng Kông...), mức độ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cao (các quốc gia châu Âu). Trong khi đó, thị trường tài chính, mức độ hiểu biết tài chính của cộng đồng và tài chính toàn diện của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các quốc gia đã sớm công nhận tính pháp lý của một số giao dịch liên quan như Hồng Kông, Singapore.
Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đánh giá, Việt Nam chỉ đứng vị trí 103/144 quốc gia về mức độ sẵn có đối với dịch vụ tài chính và chỉ 24% người trưởng thành được xếp vào nhóm có trình độ dân trí về tài chính ở mức cao.
Bảng 1. Mức độ am hiểu tài chính tại một số quốc gia châu Á*
Quốc gia
|
Kiến thức
|
Hành vi
|
Thái độ
|
Tổng
|
Hồng Kông
|
5,8
|
6,0
|
2,7
|
14,5
|
Hàn Quốc
|
5,4
|
5,7
|
3,2
|
14,3
|
Thái Lan
|
3,9
|
5,8
|
3,1
|
12,8
|
Malaysia
|
3,6
|
5,7
|
3,0
|
12,3
|
Campuchia
|
3,5
|
5,2
|
2,8
|
11,5
|
Việt Nam
|
3,6
|
5,0
|
3,0
|
11,6
|
*Ghi chú: Kết quả điều tra dựa trên bảng hỏi của OECD(2016). Mẫu nghiên cứu là người trưởng thành, trong đó: Hồng Kông 1.000 người; Hàn Quốc 2.424 người; Thái Lan 10.000 người; Malaysia 2.889 người; Campuchia 1.035 người (chủ yếu là PnomPenh); Việt Nam 1.000 người (chủ yếu là Hà Nội và thành phố Hồ CHí Minh).
Nguồn: OECD (2016), Morgan và Trinh (2017)
5. Khuyến nghị đối với việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính
Tại Việt Nam, blockchain được coi là một trong các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0. Dự thảo Chiến lược phát triển blockchain tại Việt Nam đến năm 2030 đã được xây dựng và đang lấy ý kiến hoàn thiện. Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã được thành lập vào tháng 8/2022 với chức năng chính là thực hiện các chương trình nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ blockchain trong mọi mặt đời sống kinh tế, kết nối cộng đồng blockchain Việt Nam với các cơ quan quản lý nhằm xây dựng khung pháp lý cho ngành công nghệ blockchain. Những yếu tố này đem lại triển vọng phát triển dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ blockchain trong giai đoạn tới. Để quá trình ứng dụng công nghệ blockchain vào lĩnh vực dịch vụ tài chính được hiệu quả, an toàn, một số khuyến nghị được đưa ra gồm:
[1] Hoàn thiện khung pháp lý đối với blockchain và ứng dụng của blockchain trong các lĩnh vực dịch vụ. Tính pháp lý của công nghệ blockchain khi ứng dụng vào dịch vụ tài chính đang là một trong những rào cản pháp lý đối với các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này, làm cho các doanh nghiệp này buộc phải đăng ký kinh doanh tại nước ngoài, chủ yếu là Singapore. Do đó, việc sớm hoàn thiện các quy định pháp lý đối với công nghệ blockchain sẽ tháo gỡ nút thắt, góp phần làm cho cộng đồng phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain trở nên sôi động hơn tại Việt Nam. Đồng thời, việc sớm hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực này cũng giúp Việt Nam sớm có lợi thế cạnh tranh về môi trường để thu hút các dòng vốn đầu tư mạo hiểm đối với lĩnh vực công nghệ tài chính.
Đối với hoàn thiện khung pháp lý, cần chú ý những nội dung về quy định rõ ràng về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty công nghệ tài chính. Các khung pháp lý thử nghiệm cần quy định rõ ràng về lĩnh vực phạm vi hoạt động; sản phẩm dịch vụ; lợi ích của người tiêu dùng và nền kinh tế; mức độ thử nghiệm; quy trình đăng ký báo cáo; thử nghiệm và giám sát; công bố sản phẩm dịch vụ thành công và khả năng nhân rộng. Các tổ chức quốc tế hiện nay đang hỗ trợ kỹ thuật hoặc các tài trợ tài chính cho hoạt động tiếp cận và triển khai khung thử nghiệm pháp lý là Aspen Institute, Bill và Melinda Gates Foundation, Cambridge Center for Alternative Finance, CGAP, FSD Africa, Omidyar Network, UNCDF, Ngân hàng Thế giới. Tại Việt Nam, khung thử nghiệm pháp lý Sandbox có thể tập trung trước mắt vào thử nghiệm các hoạt động đổi mới trong sử dụng công nghệ chuỗi khối cho quản lý thông tin khách hàng, hồ sơ tín dụng… trong lĩnh vực ngân hàng.
Tại Việt Nam, mặc dù cơ chế thử nghiệm Sandbox đã được thảo luận và định hướng từ năm 201911 để quản lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech cho hoạt động ngân hàng, triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong các mô hình kinh tế chia sẻ, nhưng đến năm 2022 mới chỉ có hai cơ chế thí điểm có cách tiếp cận tương tự như một Sandbox được áp dụng, dành cho taxi công nghệ12 và Mobile money13. Việc xây dựng nghị định về cơ chế Sandbox chung mới được thông qua để xây dựng, vẫn đang trong giai đoạn khởi tạo và chưa có kế hoạch ban hành14. Việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới nói chung, blockchain nói riêng cần được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trong những năm tới để bắt kịp với xu hướng của thị trường và quốc tế.
[2] Nâng cao nhận thức về ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Việc thay đổi nhận thức về công nghệ blockchain sẽ góp phần tăng động lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực tài chính. Từ góc độ người dùng, việc tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao kiến thức tài chính người dùng, nâng cao nhận thức về rủi ro mất dữ liệu khi trở thành người dùng tài chính số là biện pháp chủ động để giảm rủi ro khi sử dụng các loại dịch vụ này. Điều này không chỉ bảo vệ người dùng từ những loại hình dịch vụ lừa đảo mà còn giúp tăng nhu cầu người dùng đối với các dịch vụ tài chính số. Đây cũng là biện pháp được Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) áp dụng, nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng và hiệp hội các ngành công nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức của khách hàng về những lợi ích và rủi ro của các dịch vụ tài chính số mới.
[3] Giám sát rủi ro khi thử nghiệm các loại dịch vụ, mô hình mới. Giám sát tài chính là việc sử dụng quyền lực của Nhà nước để đảm bảo các đổi mới, sáng tạo tài chính phát triển trong khuôn khổ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích của các bên tham gia. Các cơ quan quản lý cần phát triển các tiêu chuẩn và quy định phòng ngừa rủi ro của công nghệ blockchain. Với mục đích cải thiện chất lượng dịch vụ tài chính, có thể xem xét sử dụng các hợp đồng thông minh để theo dõi các hoạt động tội phạm một cách hiệu quả. Để tăng cường hiệu quả của các chính sách tiền tệ, chính sách quản lý tài chính, cần không ngừng cải thiện các quy định và các biện pháp để tăng cường giám sát quốc tế đối với các dịch vụ tài chính ứng dụng blockchain. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát các tổ chức tài chính tham gia vào các công cụ tài chính số, mức vốn tối thiểu của các tổ chức tài chính được phép tham gia các giao dịch này và yêu cầu công bố các chuẩn mực kế toán và các biện pháp rủi ro kiểm soát nội bộ nhằm mục đích nâng cao chất lượng công bố thông tin.
[4] Việc ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính cũng làm tăng quy mô của các giao dịch tài chính xuyên biên giới, khó quản lý nếu các quốc gia không cùng hợp tác, đạt được các tiêu chuẩn quốc tế nhất định trong thực hiện các biện pháp quản lý loại dịch vụ tài chính này. Do đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để cam kết thiết lập một hệ thống quản lý toàn cầu thống nhất để loại bỏ tội phạm xuyên quốc gia liên quan tới loại dịch vụ tài chính số. Việc giám sát dịch vụ tài chính số đòi hỏi vừa phải đảm bảo quản lý rủi ro, nhưng đồng thời không được triệt tiêu động lực phát triển của lĩnh vực này.
[5] Củng cố các yếu tố nền tảng cho việc ứng dụng blockchain vào dịch vụ tài chính nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nói riêng. Đối với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, khách hàng, các trường thông tin cần phải khai báo, nên được chuẩn hóa và có các tiêu chuẩn để vừa đảm bảo sự đồng bộ, vừa đảm bảo tính bảo mật. Cần dành nguồn lực ưu tiên cho phát triển hạ tầng về thông tin mạng và bảo đảm về anh ninh, an toàn cho mọi giao dịch của nền kinh tế trong môi trường mạng. Việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, như công nghệ blockchain, công nghệ sổ cái phân tán, trí tuệ nhân tạo… cũng cần được chú trọng, tạo điều kiện cho việc ứng dụng vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Đặng Vương Anh (2018), Ảnh hưởng của tiền mã hóa đối với thị trường tài chính, tiền tệ, Tạp chí Tài chính.
2. Lê Phú Lộc (2017), Tiềm năng ứng dụng của công nghệ blockchain trong lĩnh vực thanh toán, Tạp chí Ngân hàng.
3. Lê Thị Tuấn Nghĩa và Nguyễn Thanh Tùng (2018), Tiền ảo và thách thức đối với chính sách tiền tệ, Tạp chí Tài chính.
4. Võ Đức Toàn (2021), Tiền ảo và tác động của tiền ảo đến thị trường tài chính Việt Nam, Tạp chí Công Thương, Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 1, tháng 01/2021.
5. Võ Đình Trí (2022), Sandbox cho Fintech: Khuyến khích trước đề phòng sau, Kinh tế Sài Gòn.
Tiếng Anh
6. Infosys (2021), Blockchain Adoption in Financial Services.
7. Zheng, Y., Huang, T. (2020), The Challenges and Countermeasures of Blockchain Finance and Economics.
*1 Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính.
*2 Ngô Anh Phương - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính; Phạm Thị Thu Hoài - Văn phòng, Bộ Tài chính.
*3 Blockchain không cần bên thứ ba tham gia vào hệ thống, nó bảo đảm tất cả các bên tham gia đều biết được chi tiết hợp đồng và các điều khoản sẽ được tự động thực hiện khi các điều kiện được bảo đảm. Nếu người này mất, hợp đồng thông minh có thể tự động chuyển bất kỳ tài sản nào bao gồm cả tiền của người này cho người thụ hưởng. Người lập di chúc có thể đưa ra các giới hạn nhiều hơn nữa đối với người thụ hưởng, chẳng hạn như chỉ cho phép người đó chuyển nhượng khi họ đủ tuổi thành niên, có bằng tốt nghiệp…
*4 Ví dụ: Singapore Exchange Limited, một tổng công ty về đầu tư cung cấp các dịch vụ giao dịch tài chính trên toàn châu Á, sử dụng công nghệ blockchain để xây dựng một tài khoản thanh toán liên ngân hàng hiệu quả hơn. Bằng cách áp dụng blockchain, họ đã giải quyết được nhiều thách thức, bao gồm xử lý hàng loạt và đối soát thủ công hàng nghìn giao dịch tài chính.
*5 Công ty con của Overstock.com tZERO thông qua STO đã huy động được 134 triệu USD. Công ty xe điện SPIN đang tung ra một đợt STO để huy động được 125 triệu USD cho công ty startup này. Sàn giao dịch tiền mã hóa Binance thông báo đang hợp tác với Malta trong việc mở một sàn giao dịch tiền số chuyên giao dịch các security tokens.
*6 Đây là hoạt động xác minh danh tính được ngân hàng thực hiện để chống rửa tiền và gian lận
*7 Nguồn CoinDesk.
*8 Sở Giao dịch chứng khoán Nhật Bản (JPX).
*9 Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan.
*10 Ví dụ, một công ty bảo hiểm có thể sử dụng hợp đồng thông minh để tăng tốc quá trình yêu cầu bồi thường. Khi khách hàng gửi yêu cầu sẽ được tự động xem xét bằng các mã được lập trình trong chuỗi khối. Nếu hợp đồng hợp lệ, hợp đồng thông minh sẽ thực thi và thanh toán cho khách hàng. Do đó, việc ứng dụng blockchain làm tăng độ minh bạch và tốc độ xử lý thông tin trên thị trường dịch vụ tài chính.
*11 Tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
*12 Đề án 24 cho các doanh nghiệp công nghệ trong ngành vận tải bằng xe hơi theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Trên cơ sở tổng kết, nghiên cứu hoàn thiện chính sách Đề án 24, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được ban hành.
*13 Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
*14 Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 3/2022