Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc 26/05/2022 16:16:00 109

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc

26/05/2022 16:16:00

Các cuộc xung đột địa chính trị, cùng với những diễn biến của dịch Covid-19, cũng như tác động từ chính sách “Zero Covid-19” đang ngày càng gia tăng áp lực với nền kinh tế Trung Quốc. Do đó, nhiều tổ chức kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2022. 

Các dấu hiệu giảm tốc

Theo Cơ quan thống kê Trung Quốc, trong tháng 4/2022, doanh số bán lẻ tại nước này đã giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021; sản xuất công nghiệp giảm 2,9%, trái ngược với mức dự báo tăng 0,4%. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã tăng 6,7%.  Bên cạnh đó, Trung Quốc còn chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cho biết, tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội trong tháng 4/2022 đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 910,2 tỷ USD (134,07 tỷ USD).

Trong tháng 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,8% lên 6,1% - mức cao nhất kể từ tháng 02/2020, trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 5,5% và tạo ra trên 11 triệu việc làm trong năm 2022. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp tại nước này có thể làm Trung Quốc đạt được những mục tiêu này.

Các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 được mở rộng tại Trung Quốc đã mang lại những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này. Trong tháng 4/2022, Trung Quốc đối diện với sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19, đặc biệt là tại Thượng Hải - thành phố lớn nhất Trung Quốc, đóng góp 4% GDP, đồng thời là trung tâm tài chính, trung tâm cảng biển lớn không chỉ của Trung Quốc, mà còn toàn khu vực. Số lượng ca nhiễm tại Thượng Hải tăng mạnh, buộc chính quyền địa phương này phải ban bố lệnh phong tỏa chặt chẽ. Điều này đã làm nhiều nhà máy bị gián đoạn sản xuất hoặc sản xuất với công suất hạn chế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh các biện pháp này kéo dài, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm có thể tiếp tục giảm trong quý II/2022, gây gián đoạn cho chuỗi cung ứng. Ngoài ra, bối cảnh quốc tế phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng tạo ra nhiều áp lực đồi với nền kinh tế Trung Quốc.

Thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc

Thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc. Từ cuối năm 2021, làn sóng vỡ nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục lan rộng khi Chính phủ nước này muốn hạn chế hoạt động vay vốn quá mức của các công ty bất động sản. Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P ước tính, khoảng 20 - 40% các công ty bất động sản tại Trung Quốc đối mặt với tình trạng khó khăn tài chính và nguy cơ vỡ nợ. Một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí là nền kinh tế toàn cầu bởi bất động sản và các ngành liên quan chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc. Thị trường bất động sản của Trung Quốc được dự báo chưa thể hồi phục trong năm 2022 khi giá đang chững, còn doanh số và đầu tư tiếp tục giảm, nhu cầu vốn yếu dù Chính phủ nước này đã nới lỏng một số chính sách phòng dịch.

Chiến lược Zero Covid

Chính sách cứng rắn của Trung Quốc trước đại dịch Covid-19 trong thời gian đầu đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển tương đối ổn định trong giai đoạn 2020 - 2021 so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay khi vi-rút đã xuất hiện nhiều biến thể mới và lây lan mạnh, các nước cũng dần mở cửa trở lại, thì những biện pháp phòng dịch không còn hiệu quả và gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Theo báo cáo của Công ty tư vấn Eurasia Group (Hoa Kỳ), việc Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với đại dịch Covid-19 sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng trong nền kinh tế và gia tăng rủi ro chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Điều này cũng góp phần cản trở nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc khôi phục và ổn định lại nền kinh tế sau hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19 diễn ra. Các lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiêu dùng sẽ là những nhóm ngành được dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó, nhóm công nghiệp, các doanh nghiệp lớn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Vì vậy, lĩnh vực sản xuất công nghiệp được đánh giá sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 và bù đắp sự suy giảm của lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ. Bên cạnh đó, việc phong tỏa một số thành phố lớn của Trung Quốc còn gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là sản xuất máy tính, trò chơi điện tử, ô tô, điện thoại của Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới.

Rủi ro nợ

Nhằm ngăn chặn lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia đã nâng lãi suất liên tục. Các khoản cho vay thực hiện bởi nhiều định chế Trung Quốc, một phần của chiến lược “Vành đai và Con đường”, không những đang trở thành gánh nặng trên vai nhiều quốc gia thu nhập thấp trên toàn cầu, mà còn ảnh hưởng tới nhiều ngân hàng Trung Quốc với tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Theo Viện nghiên cứu phát triển quốc tế - Trường Đại học William and Mary (Hoa Kỳ), Chiến lược “Vành đai và Con đường” đã làm cho các quốc gia phát triển phải gánh khoản nợ 385 tỷ USD. Do đó, Trung Quốc phải đối diện với ba rủi ro chính gồm khả năng vỡ nợ; giá trị nợ xấu ngày một tăng tại nhiều ngân hàng lớn và định chế Nhà nước và căng thẳng ngoại giao, xung đột địa chính trị liên quan đến các tài sản trong hợp đồng vay. Trong năm 2022, Trung Quốc cần những đối tác có khả năng thanh toán nợ, những khách hàng và đồng minh thân thiện, thay vì đẩy các quốc gia đó vào cảnh mất khả năng thanh toán, vỡ nợ.

Xung đột Nga - Ukraine

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra nhiều thách thức cho chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, nền kinh tế Trung Quốc nói riêng, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh lương thực bởi Ukraine là nhà xuất khẩu lúa mì thứ năm thế giới và xuất khẩu 16% lượng ngũ cốc toàn cầu, chiếm khoảng 30% lượng ngô nhập khẩu của nước này. Trước những biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Nga có thế tăng nhập khẩu hàng hóa và thiết bị từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột này tiếp tục kéo dài, sẽ làm cho Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn so với những lợi ích ngắn hạn, đặc biệt là mất đi lợi ích kinh tế quan trọng ở châu Âu và Hoa Kỳ. Trước đây, Trung Quốc luôn nhấn mạnh nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền, nhưng chiến dịch của Nga đang đi ngược nguyên tắc này. Do đó, nếu Trung Quốc ngầm ý ủng hộ Nga, Trung Quốc có thể đối mặt với sự quay lưng của thế giới, gây gián đoạn thương mại và đầu tư.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể dưới mức dự báo 5,5% của Chính phủ Trung Quốc. Ngân hàng Đầu tư quốc gia Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 từ 4,8% xuống 4,3%, chỉ bằng hơn một nửa so với tăng trưởng kinh tế năm 2021. Chính phủ Trung Quốc cần có các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế tích cực hơn để giải quyết trực tiếp những điểm nghẽn nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Mai Hương

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%