Chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam 04/05/2022 16:26:00 3412

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chính sách thuế thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam

04/05/2022 16:26:00

Trương Bá Tuấn

Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính

 

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã hình thành hệ thống chính sách khá đồng bộ cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, trong đó có chính sách thuế. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai áp dụng chính sách thuế liên quan đến tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng đang đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, hoàn thiện. Để phát huy vai trò của chính sách thuế trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể để sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế có liên quan, giúp hình thành các “động cơ” đủ mạnh để thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân trong việc hướng đến các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Trong đó, Việt Nam cần xác định được mức thuế, đối tượng chịu thuế phù hợp, đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, quá trình cải cách cũng cần được cân nhắc thận trọng cả bối cảnh quốc tế và trong nước, sự đồng bộ với các biện pháp cải cách về các chính sách có liên quan để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển bền vững.

Từ khóa: Chính sách thuế, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.  

In the past period, Vietnam has formed a synchronous policy system for the implementation of green growth goals, including tax policy. However, the practice of applying tax policies related to green growth in Vietnam is also posing some problems that need to be researched and perfected. In order to enhance the role of tax policy in promoting green growth, Vietnam needs to develop a specific roadmap to amend and supplement relevant tax policy, contributing to forming sufficient "incentives" to change the production and consumption behavior of businesses and people towards green growth. Vietnam needs to determine the level of tax, suitable taxable objects, as well as ensure clarity and transparency. At the same time, the reform process also needs to be carefully considered in both the international and domestic context, the synchronization with reform measures on relevant policies to ensure macroeconomic stability, promote the sustainable development.

Keywords: Tax policy, green growth, environmental protection.

1. Một số vấn đề chung về vai trò của chính sách thuế đối với tăng trưởng xanh

Thúc đẩy tăng trưởng xanh là vấn đề đang được các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đặc biệt quan tâm và dành nhiều nỗ lực để hướng tới. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đã đề ra các mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Cùng chung sức với cộng đồng quốc tế, tháng 12/2015, Việt Nam cũng đã tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về khí hậu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (UNFCCC) về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21). Năm 2021, Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ COP26, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành một định hướng ưu tiên của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới đây.

Mặc dù có thể được tiếp cận theo nhiều cách thức khác nhau, tuy nhiên, theo một cách khái quát nhất, tăng trưởng xanh có thể được hiểu là hình thái phát triển đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT). Đối với mọi quốc gia, tăng trưởng xanh là nền tảng căn bản để đảm bảo phát triển bền vững. Các trụ cột chính của tăng trưởng xanh bao gồm: (i) Sản xuất và tiêu dùng bền vững; (ii) Giảm phát thải khí nhà kính; (iii) Xanh hóa các hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng bền vững; (iv) Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu; (v) Bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là những nội dung cơ bản mà Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg hướng tới.

Tương tự như các lĩnh vực khác của nền kinh tế, việc xác định và hoàn thiện khung pháp lý và công cụ chính sách kinh tế đóng vai trò rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh và hướng tới nền kinh tế phát thải carbon thấp. Hiện nay, việc sử dụng công cụ kinh tế dựa vào các quy luật của kinh tế thị trường kết hợp với các công cụ hành chính, kỹ thuật nhằm thực hiện hiện các mục tiêu về BVMT ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, xây dựng và tổ chức thực thi hiệu quả các chính sách thuế sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tiêu dùng lành mạnh, ít gây phương hại đến môi trường, qua đó hình thành các nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Quá trình xanh hóa hệ thống thuế khi được xây dựng hiệu quả sẽ góp phần giúp tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh xanh và thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chính sách thuế có thể được thiết kế để khuyến khích, hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế vì mục tiêu tăng trưởng xanh như hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất các sản phẩm hàng hóa tiêu tốn ít năng lượng. Ngoài ra, các chính sách thuế còn có thể được xây dựng nhằm mục đích tạo ra các rào cản về kinh tế đối với những hoạt động gây tổn hại cho môi trường như công nghệ sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ lạc lậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Để phát huy được các vai trò nêu trên, quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế theo “xanh hóa” cần đáp ứng được các yêu cầu cơ bản sau:

(i) Hệ thống chính sách thuế cần được xây dựng một cách đồng bộ, phát huy được vai trò của từng loại thuế trong thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Hệ thống thuế là tập hợp của nhiều chính sách thuế khác nhau, trong đó mỗi loại thuế có những vai trò, chức năng nhất định. Để thúc đẩy việc thực hiện được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, cần thiết phải định vị cho được vai trò của từng sắc thuế trong hệ thống thuế trên các giác độ: Giảm thiểu hóa chi phí khắc phục ô nhiễm môi trường thông qua việc điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng; khuyến khích các chủ thể gây ô nhiễm đầu tư đổi mới công nghệ để giảm mức độ phát thải ra môi trường; tạo nguồn thu cho NSNN một cách bền vững để đầu tư cho các chương trình chi tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh.

(ii) Quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế vì mục tiêu tăng trưởng xanh không được gây ra những gánh nặng thuế quá lớn cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Việc áp dụng các công cụ chính sách thuế vì mục tiêu BVMT phải góp phần chuyển gánh nặng thuế từ các cách thức đánh thuế truyền thống (thuế đối với thu nhập, vốn, lao động…) sang đánh thuế vào việc sử dụng các sản phẩm có liên quan đến môi trường và gây ô nhiễm môi trường như nhiên liệu hóa thạch và chất thải. Cùng với đó, cần thực hiện chuyển hướng các khoản ưu đãi về thuế một cách có chọn lọc, hướng đến các hoạt động giảm ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, không phải vì mục tiêu tăng trưởng xanh mà thực hiện mở rộng ưu đãi thuế một cách máy móc, làm suy giảm cơ sở thuế, ảnh hưởng đến bền vững của nguồn NSNN trong dài hạn.

(iii) Việc sử dụng công cụ chính sách thuế vì mục tiêu tăng trưởng xanh cần được dựa trên cơ sở lý thuyết kinh tế về xử lý các vấn đề ngoại ứng do ô nhiễm môi trường, cũng như việc khắc phục các thất bại của thị trường, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

(iv) Quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế cần đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan khác; góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế trong việc góp sức giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải làm cho các chủ thể có liên quan trong xã hội hiểu được lợi ích của việc “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế. Các quy định về thuế vì mục đích BVMT, giảm phát thải không được quá phức tạp, phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và dễ quản lý.

2. Kinh nghiệm cải cách chính sách thuế, phí hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trong những thập niên gần đây, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Nhiều quốc gia đã và đang phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức đến từ cấu trúc mô hình kinh tế khi phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, do đó đang tìm cách hướng đến mô hình phát triển mới, đảm bảo hài hòa hơn với thiên nhiên. Các chính sách nhằm giảm thiểu khí thải carbon, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, phát triển công nghệ xanh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo đã được xây dựng và tổ chức thực hiện ở nhiều quốc gia, trong đó có việc sử dụng công cụ chính sách thuế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các công cụ, chính sách thuế vì mục tiêu BVMT trên thế giới hiện nay có nhiều hình thái, cách thức và tên gọi khác nhau. Để hạn chế hành vi gây tác hại cho môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các sách như thuế môi trường, thuế năng lượng, thuế đối với xe cơ giới, thuế carbon đã được xây dựng và triển khai ở nhiều quốc gia. Thực tiễn ở một số nước trong giai đoạn gần đây đã cho thấy, sử dụng công cụ thuế để “chuyển tải” chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm hàng hóa bán ra trên thị trường để thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” sẽ góp phần khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa ít gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách của chính phủ một cách bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các công cụ chính sách thuế vì mục tiêu bảo vệ môi trường của các nước cũng rất đa dạng. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế hướng tới tăng trưởng xanh có thể rút ra một số nhận định và hàm ý chính sách như sau:

 (i) Chính sách thuế, phí đang trở thành những công cụ phổ biến được các quốc gia áp dụng nhằm hướng tới tăng trưởng xanh. Các sắc thuế, phí này khá đa dạng về tên gọi, cơ sở thuế, mức thu cũng như cách thức thu, trong đó đáng chú ý là thuế carbon, thuế nhiên liệu, thuế phương tiện, thuế năng lượng, tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)... Các loại thuế, phí này đánh vào các đối tượng gây ô nhiễm môi trường khác nhau (tài nguyên khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch (dầu thô, khí thiên nhiên, than đá...), các sản phẩm năng lượng (dầu và mỡ bôi trơn, khí đã qua xử lý, xăng...), sản phẩm khoáng sản, các phương tiện giao thông (như ô tô, xe máy), hàm lượng khí thải CO2, các sản phẩm hàng hóa khác (như thuốc lá, túi ni lông, các thiết bị chứa hỗn hợp các chất gây hại cho tầng ozon...); đánh vào các giai đoạn khai thác, sử dụng, tiêu dùng những đối tượng gây ô nhiễm đó. Trong đó, công cụ kinh tế như thuế môi trường đặt ra “giá” cho việc gây ô nhiễm và các hoạt động gây hại cho môi trường sẽ phải trả chi phí.

(ii) Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, tùy điều kiện của từng quốc gia mà có thể sử dụng các loại công cụ khác nhau để đạt mục tiêu BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Có những sắc thuế áp dụng hiệu quả ở quốc gia này nhưng lại không hiệu quả ở quốc gia khác. Việc tham khảo kinh nghiệm các nước là cần thiết, song cần có sự chọn lọc để phù hợp với đặc điểm và bối cảnh của nền kinh tế trong nước. Về nguyên tắc, cơ sở thuế của các sắc thuế liên quan đến môi trường phải có phạm vi bao phủ rộng, bao quát được các nguồn gốc gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cách thức lựa chọn phương thức đánh thuế khác thế nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố cũng như bối cảnh của từng quốc gia, sự hiện diện của các sắc thuế khác có liên quan trong hệ thống thuế.

(iii) Mỗi cách thức thu thuế vì mục tiêu BVMT đều có những ưu và nhược điểm nhất định, do đó, sự lựa chọn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như năng lực thực thi của cơ quan thuế (như trong trường hợp thu thuế dựa vào hàm lượng khí thải). Trong xây dựng các chính sách thuế vì mục tiêu BVMT, thúc đẩy phát trưởng xanh, yêu cầu quan trọng là xác định được đối tượng chịu thuế và điểm thu thuế, đó là thuế được thu ở thượng nguồn, điểm bắt đầu của chuỗi sản xuất hay ở khâu hạ nguồn. Để có thể tối ưu hóa hiệu quả về môi trường, thuế môi trường cần hướng đến các chủ thể gây ô nhiễm, các hành vi ô nhiễm, bao quát được các nguồn gốc ô nhiễm môi trường.

(iv) Đảm bảo sự đồng bộ trong việc xây dựng và thực thi các chính sách thuế, phí liên quan đến môi trường. Cùng với việc sử dụng các công cụ chính sách để hạn chế hành vi sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, cần có các chính sách khuyến khích, ví dụ thông qua chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, Việt Nam cần thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải gây hại cho môi trường. Việc thúc đẩy đầu tư, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo có vai trò rất quan trọng để hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào nhiên liệu hóa thạch ngày càng suy kiệt.

(v) Thực tiễn ở nhiều quốc gia cũng cho thấy, áp dụng chính sách thuế hướng tới tăng trưởng xanh có thể giúp tạo nguồn thu cho ngân sách của Chính phủ để củng cố và cơ cấu lại ngân sách, tăng chi cho các nhiệm vụ chi liên quan đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc cải cách theo hướng tăng cường vai trò các loại thuế liên quan đến môi trường một cách phù hợp cũng sẽ góp phần cho việc cơ cấu lại ngân sách, giảm bớt gánh nặng thuế đối với thu nhập và vốn, bao gồm thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Từ đó, hình thành nên các động lực mới để thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành một chính sách thuế mới hay điều chỉnh các chính sách thuế hiện hành luôn là một thử thách, đòi hỏi phải chuẩn bị, nghiên cứu kỹ để tạo sự đồng thuận của xã hội. Sự chấp nhận của người dân, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt quyết định. Công tác truyền thông không chỉ là việc thông tin, tuyên truyền để công chúng hiểu rõ về công cụ chính sách, mục đích, cơ chế vận hành cần thiết phải công khai cả về cách thức sử dụng nguồn thu; cơ chế bù đắp cho các đối tượng dễ bị tổn thương khi áp dụng các chính sách thuế mới vì mục tiêu tăng trưởng xanh để nhận được sự chấp thuận, ủng hộ từ cộng đồng.

3. Cải cách hệ thống chính sách thuế Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, cải cách thuế luôn là một bộ phận không tách rời trong quá trình cải cách và chuyển đổi cơ chế kinh tế của Việt Nam. Những yêu cầu về cải cách thuế đã được nhận diện và đề ra ngay từ những năm đầu của quá trình đổi mới. Trong quá trình cải cách hệ thống thuế, yêu cầu “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế theo hướng gắn với việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh cũng đã trở thành một nội dung xuyên suốt, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây. Nhiều chính sách thuế liên quan đến BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được xây dựng, hoàn thiện trong giai đoạn vừa qua.

Giai đoạn trước năm 2012, mặc dù Việt Nam chưa có một sắc thuế BVMT riêng để thu vào sản phẩm khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này, nhưng Chính phủ cũng đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Các biện pháp này được thực hiện trong các chính sách thuế như thuế tài nguyên, TTĐB, TNDN, nhập khẩu và thông qua các khoản phí đối với các hoạt động liên quan tới môi trường như xả nước thải; khai thác khoáng sản, khí thiên nhiên và dầu khí; các khoản phí thu vào xăng, dầu.

Từ ngày 01/01/2012, với việc thực hiện Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 đã đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cách thức tiếp cận về việc sử dụng các công cụ kinh tế cho mục tiêu BVMT ở Việt Nam. Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 được ban hành với mục tiêu đánh thuế vào các hàng hóa mà việc sử dụng các hàng hóa này gây ô nhiễm môi trường. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường; huy động thêm nguồn lực cho NSNN để đầu tư cho các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có mục tiêu BVMT; khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Thuế BVMT được xây dựng dựa trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm phải nộp thuế. Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT, còn người chịu thuế là người tiêu dùng các loại hàng hóa này. Trong 10 năm (2012 - 2021) kể từ khi đưa vào áp dụng, số thu NSNN từ thuế BVMT đã tăng 4,8 lần. Đến năm 2021, số thu từ thuế BVMT chiếm hơn 4% tổng thu NSNN. Thuế BVMT đang trở thành một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của Việt Nam từ giác độ tạo nguồn thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh cũng đã được xây dựng và tổ chức thực hiện. Từ khi Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành (ngày 01/4/2009), xe ô tô điện và ô tô chạy bằng năng lượng sinh học đã được áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cùng với đó, xe ô tô chở người dưới 9 chỗ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có dung tích xi lanh lớn hơn đã phải chịu mức thuế suất thuế TTĐB cao hơn. Đây là những giải pháp tiên phong trong quá trình hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, phí vì mục tiêu BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Để tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng các chủng loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, trong đó có xe ô tô điện, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 quy định giảm thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 trở xuống. Đồng thời, quy định tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3. Cùng với đó, đã thực hiện giảm mạnh mức thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với xe ô tô điện để khuyến khích việc sử dụng xe ô tô điện. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện đang được quy định khá thấp, khoảng 5 - 15% tùy theo số chỗ ngồi; trong khi đó, mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chạy bằng năng lượng hóa thạch (xăng, dầu) khoảng 10 - 150% tùy theo số chỗ ngồi và dung tích xi lanh. Với sự điều chỉnh này, so với trước kia, chênh lệch về mức thuế suất thuế TTĐB giữa xe ô tô điện và các loại xe ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và giữa loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch có dung tích xi lanh nhỏ với dung tích xi lanh lớn đã được nới rộng đáng kể. Gần đây, để thúc đẩy việc sử dụng xe điện chạy pin, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe điện chạy pin đã được điều chỉnh giảm 3 - 12 điểm phần trăm so với mức hiện hành trong 5 năm  (01/3/2022 - 28/02/2027). Theo đó, thuế suất thuế TTĐB của xe ô tô điện chạy bằng pin, loại chở người từ 9 chỗ trở xuống, từ ngày 01/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027 là 3%; từ ngày 01/3/2027 là 11%.

Ngoài ra, hệ thống các chính sách ưu đãi để thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh cũng được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, pháp luật về thuế TNDN hiện hành quy định ưu đãi thuế suất 10% cho suốt đời dự án đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường; miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với các doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, pháp luật về thuế TNDN cũng đã quy định miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải… Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 cũng có quy định về miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật liệu sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải cũng được miễn thuế xuất khẩu.

Đánh giá tổng quan cho thấy, quá trình “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế của Việt Nam giai đoạn vừa qua đã góp phần hình thành nên các khuôn khổ khá đồng bộ, phát huy được vai trò của từng chính sách thuế, phí trong việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh. Việc sử dụng các công cụ chính sách thuế vì mục tiêu BVMT ngày càng phù hợp, đúng bản chất hơn, góp phần thể chế hóa các nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường”.

Chính sách thuế vì mục tiêu BVMT, thúc đẩy tăng trưởng xanh được ban hành đã bao quát đầy đủ cả ba khía cạnh cơ bản: (1) Tạo nền tảng cho việc thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” ở Việt Nam; (2) Hình thành nên hệ thống động lực để thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh; (3) Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào các dự án BVMT, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Việc thực hiện các chính sách thuế liên quan đến BVMT và thúc đẩy tăng trưởng xanh đã góp phần tạo thêm nguồn lực cho NSNN, bù đắp các chi phí cho các hoạt động cải thiện môi trường sinh thái bị ảnh hưởng do hành vi tác động xấu đến môi trường. Vai trò của thuế BVMT trong tổng thu NSNN ngày càng quan trọng. Cùng với đó, số thu từ các khoản thu khác liên quan đến BVMT cũng không ngừng được mở rộng qua các năm như thuế TTĐB đối với xăng, ô tô.

Thông qua các chính sách thuế liên quan đến BVMT đã góp phần tăng cường trách nhiệm và nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường. Đồng thời, việc thực hiện các chính sách thuế liên quan BVMT cũng góp phần quan trọng trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu như các cam kết theo thỏa thuận COP21 và COP26.

4. Một số vấn đề đặt ra và định hướng hoàn thiện chính sách thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, nhưng thực tiễn triển khai áp dụng chính sách thuế, phí liên quan đến tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng đang bộc lộ một số điểm hạn chế. Hệ thống công cụ kinh tế nói chung, chính sách thuế nói riêng cho mục tiêu BVMT còn chưa thực sự đủ mạnh để điều tiết hiệu quả hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm hướng đến sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng cách tương đối lớn giữa mục tiêu, yêu cầu chính sách đặt ra và hiệu quả thực tế của chính sách khi triển khai thực hiện.

Thuế BVMT là sắc thuế quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình thực hiện cũng đang chỉ ra một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện cả về đối tượng chịu thuế, mức độ điều tiết, cũng như phương thức thu thuế. Thuế BVMT phải trở thành giải pháp tài chính chủ yếu để giảm ô nhiễm môi trường, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, đồng thời tạo điều kiện cho NSNN có thêm nguồn lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chi của NSNN, trong đó có nguồn lực để chi cho công tác BVMT. Nhiều sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng nhưng lại chưa được đưa vào diện điều chỉnh của chính sách thuế BVMT. Hiện nay, thuế BVMT mới thu vào 8 nhóm mặt hàng chịu thuế.

Mức thuế áp dụng đối với hàng hóa chịu thuế BVMT phải đủ mạnh để góp phần điều chỉnh được hành vi tiêu dùng, hạn chế sử dụng những hàng hóa gây ô nhiễm, chuyển dịch sản xuất theo hướng sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 quy định Biểu khung thuế với mức thuế tuyệt đối (gồm mức tối thiểu và tối đa) và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức cụ thể dưa trên các nguyên tắc: (i) Mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa chịu thuế; (ii) Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế cũng chưa có các đánh giá cụ thể về việc áp dụng nguyên tắc này, qua đó phản ánh đầy đủ cơ chế “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Mức thu của một số loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường còn thấp, thậm chí không đáng kể nên chưa góp phần làm thay đổi hành vi của người sử dụng và nhà sản suất, đơn cử như đối với túi nilon, than đá.

Trong thời gian tới, để khắc phục được những vấn đề nêu trên, việc “xanh hóa” hệ thống chính sách thuế cần được xem là một trong những ưu tiên. Đặc biệt, việc cải cách các chính sách thuế, phí để thúc đẩy tăng trưởng xanh thời gian tới cần gắn với hai trụ cột sau một cách hài hòa: Tác dụng khuyến khích hỗ trợ các hành vi tốt, hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh; hạn chế hành vi gây tác hại cho môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh khung chính sách thuế đã được hình thành khá đồng bộ, Việt Nam nên tập trung vào việc rà soát để hợp lý hóa các chính sách thuế, phí liên quan đến việc BVMT và thúc đẩy tăng trưởng xanh, thay cho việc cố gắng đưa ra các chính sách thuế mới vì mục tiêu BVMT (như thuế carbon) mà thoát ly khỏi các điều kiện hiện nay. Một số khuyến nghị cho Việt Nam như sau:

[1] Nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT nhằm bao phủ được các nguồn gây tổn hại cho môi trường. Thuế BVMT cần hướng đến các chủ thể gây ô nhiễm, các hành vi ô nhiễm chính xác nhất, bao quát được các nguồn gốc ô nhiễm. Mặc dù thuế BVMT ở Việt Nam được xác định là thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, song trên thực tế còn có nhiều sản phẩm, hàng hóa có mức độ gây ô nhiễm trên diện rộng nhưng lại chưa được quy định thuộc đối tượng chịu thuế (như phân bón hóa học, chất tẩy rửa). Ngoài ra, khí than, khí tự nhiên gây tác hại đến môi trường và sức khỏe con người nhưng cũng chưa thuộc diện chịu thuế BVMT.

[2] Quy định mức thuế suất phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT, đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Qua đó, hình thành được các “động cơ”, “động lực” đủ mạnh để thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân trong việc hướng đến các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Nếu mức thuế quá thấp và đối tượng chịu thuế hẹp thì các doanh nghiệp, người dân sẽ không có nhu cầu hạn chế việc sử dụng các loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; các doanh nghiệp sẽ không có động cơ để tăng cường ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ mới thân thiện với môi trường, giảm mức độ phát thải. Ngược lại, nếu mức thuế quá cao, chi phí cho việc giảm phát thải sẽ trở nên đắt đỏ, tạo ra gánh nặng tài chính quá mức cho các đối tượng liên quan, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, làm xói mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến việc làm trong nền kinh tế. Mức thuế hợp lý là phải bảo đảm đạt được mức giảm phát thải theo mục tiêu đặt ra và phản ánh được các chi phí xã hội của việc phát thải ô nhiễm ra môi trường. Tuy nhiên, qua một số lần đề xuất điều chỉnh về chính sách thuế gần đây cho thấy, mặc dù có các bằng chứng cả lý luận và thực tiễn ủng hộ nhưng việc điều chỉnh tăng thuế luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Theo đó, để tạo sự đồng thuận, cần làm rõ cơ sở, tác động của việc điều chỉnh.

[3] Rà soát tổng thể các chính sách ưu đãi về thuế, dành sự ưu tiên lớn hơn cho các dự án tăng trưởng xanh, BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là những lĩnh vực khi được đầu tư sẽ tạo ra các ngoại ứng tích cực cho nền kinh tế trong việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Chính sách ưu đãi thuế phải phù hợp với các nguyên tắc chung của thương mại và đầu tư quốc tế, tôn trọng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Các ưu đãi thuế cần đảm bảo duy trì không có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa sản phẩm sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia vào quá trình đàm phán gia nhập các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế cần đảm bảo minh bạch, theo các tiêu chí rõ ràng, trên cơ sở “thưởng cho người làm tốt” và dựa theo nguyên tắc “thị trường”. Cùng với đó, trong việc ban hành các chính sách ưu đãi thuế mới và sửa đổi các chính sách ưu đãi đang áp dụng cho các mục tiêu môi trường và tăng trưởng xanh cần hình thành các cơ chế để đảm bảo các chính sách này “có thể giám sát”, “có thể đánh giá được” trong quá trình thực thi sau khi được ban hành.

[4] Nghiên cứu để xây dựng chính sách thu phí BVMT đối với khí thải, đồng thời rà soát lại để sửa đổi các chính sách thu khác đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo tính pháp lý. Cơ sở pháp lý của việc ban hành phí BVMT đối với khí thải là Luật BVMT số 72/2020/QH14 và Luật Phí, Lệ phí số 97/2014/QH13. Theo quy định của Luật BVMT số 72/2020/QH14, phí BVMT được áp dụng đối với hoạt động xả thải ra môi trường; khai thác khoáng sản hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường. Mức phí bảo vệ môi trường được xác định trên cơ sở khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường, đặc điểm của môi trường tiếp nhận chất thải; mức độ tác động xấu đến môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản. Tại danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí, Lệ phí số 97/2014/QH13 có phí BVMT đối với khí thải, thẩm quyền ban hành thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, với sự hiện diện của chính sách thuế BVMT đã có, việc áp dụng phí BVMT cần có lộ trình, xác định đối tượng và mức điều tiết phù hợp.

[5] Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để làm cơ sở cho việc thiết lập cho được một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch. Quá trình cải cách cũng cần được cân nhắc thận trọng cả bối cảnh quốc tế, trong nước và sự đồng bộ trong hệ thống tổng thể chung của cả nước để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Cải cách chính sách thuế nói chung, chính sách thuế đối với thúc đẩy tăng trưởng xanh nói riêng luôn là vấn đề nhạy cảm. Theo đó, các đề xuất chính sách cần được nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Một chính sách khả thi và hiệu quả từ giác độ lý luận không đồng nghĩa với việc chính sách đó dễ được chấp nhận nếu như cách thức tiếp cận là không phù hợp và không làm rõ cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp biết lợi ích của việc điều chỉnh.

Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực từ xây dựng cơ chế, chính sách đến nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tăng trưởng. Việt Nam đã hình thành được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khả đầy đủ cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, trong đó có chính sách thuế. Tuy nhiên, thực tiễn những năm gần đây cũng đang cho thấy, việc thực hiện các chính sách thuế vì mục tiêu tăng trưởng xanh cũng đang bộc lộ một số vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp với các yêu cầu và bối cảnh mới. Để phát huy hiệu quả vai trò của hệ thống chính sách thuế trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể để sửa đổi, bổ sung, cũng như cách thức tổ chức thực hiện các chính sách thuế, phí có liên quan. Qua đó, giúp thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân trong việc hướng đến các mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Vương Thu Hiền (2017), Kinh nghiệm quốc tế về thuế BVMT và những khuyến nghị với Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách thuế, phí BVMT”, tháng 7/2017.

2. Lê Quang Thuận (2017), Sử dụng công cụ thuế để BVMT hướng tới phát triển bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Hoàn thiện chính sách thuế, phí BVMT”, tháng 7/2017.

Tiếng Anh

3. Heine D, Norregaard, J và Parry I, W.H (2012), Enviromental Tax Reform: Principles From Theory And Practice To Date, IMF Working Paper.

4. OECD (2011), Towards Green Growth: A Summary for Policy Makers.

5. World Bank Group (2017), Carbon Tax Guide: Handbook For Policy Maker, Washington, D.C.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 2/2022

 

Các tin khác

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%