Chuyên gia VinaCapital lý giải nguyên do chứng khoán giảm điểm khi kinh tế đang tăng trưởng tốt

Chuyên gia VinaCapital lý giải nguyên do chứng khoán giảm điểm khi kinh tế đang tăng trưởng tốt 19/05/2022 17:08:00 636

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chuyên gia VinaCapital lý giải nguyên do chứng khoán giảm điểm khi kinh tế đang tăng trưởng tốt

19/05/2022 17:08:00

(HQ Online) Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng vững và đã giúp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý I/2022. Chính điều này sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua được cơn bão đang tác động đến các thị trường chứng khoán quốc tế hiện nay.

Ông Michael Kokalari

Chỉ số VN-Index thời gian qua giảm mạnh bất chấp nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cùng nhiều thế mạnh cơ bản của thị trường chứng khoán. Những điểm mạnh đó bao gồm tỷ lệ P/E kỳ vọng đạt 11,4x so với kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đồng thuận đạt 21% đối với các cổ phiếu VN-Index trong năm 2022 và mức chiết khấu định giá khoảng 30% so với các quốc gia cùng khu vực.

Tuy nhiên, trên thị trường tồn tại sự phân hóa hiệu quả đầu tư khá rõ rệt giữa các ngành khác nhau do sự khác biệt giữa các yếu tố cơ bản và điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư tìm được chỗ trú ẩn trong các cổ phiếu phòng thủ.

Ba lĩnh vực nổi bật là: Tiện ích, hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin. Giá cổ phiếu của các lĩnh vực này vẫn tăng từ trước đến nay, được hỗ trợ bởi kết quả quý I/2022 tốt và bởi các yếu tố cơ bản khác.

Cụ thể hơn, lợi nhuận và giá cổ phiếu của ngành tiện ích được hỗ trợ bởi tăng trưởng sản xuất điện đã tăng gấp đôi trong năm 2022, còn cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu đang được hưởng lợi từ kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của một số công ty chủ chốt trong ngành.

Trong khi đó, lợi nhuận và giá cổ phiếu ngành công nghệ thông tin đang được thúc đẩy bởi doanh thu gia công phần mềm tăng khoảng 30% của FPT - một doanh nghiệp lớn trong ngành, cùng với đó là mức tăng gần 60% số lượng các hợp đồng gia công mới trong quý I/2022 của công ty này.

Ngoài ba lĩnh vực trên, ông Michael Kokalari cũng lưu ý rằng lợi nhuận của các công ty ngành vật liệu tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2021 trong quý I/2022 được thúc đẩy bởi mức tăng lợi nhuận khoảng 8 lần của các công ty phân bón. Lợi nhuận của các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu tăng 45%. Lợi nhuận của các công ty ngành Tài chính tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021 trong quý I/2022 và ông Michael Kokalari kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ đạt 36% trong năm tài chính 2022. Nguyên nhân chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14% và mức tăng của biên lãi ròng tại các ngân hàng thương mại trong nước.

Bên cạnh tác động từ việc thị trường chứng khoán toàn cầu đang sụt giảm, việc các nhà đầu tư buộc phải bán các cổ phiếu liên quan đến cho vay ký quỹ đang tạo ra áp lực nặng nề lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 tuần qua.

Số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tăng gần 70% trong 12 tháng qua và hầu hết những người mới tham gia thị trường đều có xu hướng thích mở tài khoản giao dịch ký quỹ với hy vọng kiếm được lợi nhuận nhanh chóng trên thị trường chứng khoán.

“Sự giảm điểm tại thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và toàn cầu đã kích hoạt các lệnh dừng ký quỹ (margin call) và nhiều nhà đầu tư mới này đang từ bỏ các vị thế mua của họ. Do đó, chúng tôi ước tính rằng số dư ký quỹ đang lưu hành tại các công ty môi giới đã giảm khoảng 25% so với mức cao nhất từ vài tuần trước” - ông Michael Kokalari nhận định.

Tuy nhiên, bên cạnh việc buộc phải bán cổ phiếu còn có thêm một nhân tố liên quan đến việc bán tháo chứng khoán khác. Một số công ty đã huy động vốn để phát triển bất động sản hoặc các dự án khác, nhưng sau đó lại sử dụng vốn vào những việc khác, thậm chí là đầu tư vào thị trường chứng khoán. Hiện Chính phủ đang ngăn chặn tình trạng sử dụng vốn sai mục đích này và đây chính là một nguyên nhân khác dẫn đến việc các nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu.

Ông Michael Kokalari đánh giá việc giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu, mặc dù áp lực bán tháo ngày càng gia tăng do sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mới lần đầu tiên đối mặt với các lệnh dừng ký quỹ, cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với các công ty vay tiền để đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, không điều gì trong số những lý do này có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoặc đến tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Trong quý I/2022, lợi nhuận của doanh nghiệp đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2021 và ông Michael Kokalari kỳ vọng lợi nhuận của tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng gần 30% trong năm 2022 trong khi lợi nhuận của các cổ phiếu do các quỹ nội hàng đầu của VinaCapital là VESAF và VEOF nắm giữ có khả năng tăng khoảng 40% trong năm 2022 và đang giao dịch với mức chiết khấu định giá là 22% và 5% so với VN-Index.

“Cũng cần lưu ý rằng giá trị của tiền đồng gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2021 mặc dù chỉ số USD/DXY tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi của tiền đồng bất chấp sự tăng giá mạnh của đồng USD là một chỉ báo chính xác về sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cũng như sự tăng trưởng của thị trường” - ông Michael Kokalari nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%