Viện Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân
Tăng trưởng xanh (TTX) được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. TTX đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú. Thị trường vốn xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho TTX ở các nền kinh tế, nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung. Bài viết tập trung phân tích cơ sở pháp lý, thực trạng, những cơ hội và thách thức trong phát triển thị trường vốn xanh, cụ thể là thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh ở Việt Nam. Từ đó, bài viết đưa ra các kiến nghị nhằm phát triển thị trường vốn xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Thị trường vốn xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh, TTX.
Green growth is identified as an inevitable trend in the development policies of many countries around the world, including Vietnam, towards sustainable development. Green growth requires mobilizing finance from all sources. The green capital market is an important capital channel for green growth in many economies; however, this is a relatively new issue for market participants in particular and Vietnam's stock market in general. The article will focus on analyzing the legal basis, current situation, opportunities and challenges in developing the green capital market, specifically the green stock and green bond market in Vietnam. The article will propose recommendations to develop the green capital market in Vietnam in the coming time.
Keywords: Green capital market, green stocks, green bonds, green growth.
1. Khái quát về thị trường vốn xanh
Thị trường vốn xanh là một trong những hạ tầng cơ sở phục vụ đầu tư xanh, định hướng phát triển các sản phẩm tài chính. Các quy chế hoạt động cho thị trường vốn nhằm phục vụ việc huy động vốn cho các chương trình, dự án, các hoạt động sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các quy chế hoạt động cho thị trường vốn cũng phục vụ nhu cầu chính sách trong định hướng dòng chảy và cách sử dụng các nguồn vốn hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh/phát triển bền vững; góp phần nâng cao nhận thức và tạo thông lệ tốt cho nhà đầu tư, tổ chức phát hành, trung gian thị trường về trách nhiệm và thực thi hoạt động kinh doanh theo hướng TTX (Nguyễn Thuỳ Anh, 2017).
Trên cơ sở định nghĩa về thị trường vốn xanh, khái niệm phát triển thị trường vốn xanh hàm ý chỉ việc nâng cấp/điều chỉnh/bổ sung về mặt kỹ thuật các sản phẩm, công cụ và quy định hiện có các nội dung gắn với yếu tố môi trường nhằm huy động vốn cho mục tiêu TTX và phát triển bền vững. Phát triển thị trường vốn xanh (cụ thể là thị trường trái phiếu xanh và thị trường cổ phiếu xanh) là một trong những giải pháp quan trọng để huy động được nguồn được nguồn vốn phục vụ việc triển khai các dự án hướng đến TTX và bền vững.
Phát triển thị trường vốn xanh có thể giúp giải quyết thất bại thị trường khi thị trường không phân bổ hiệu quả các nguồn lực. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP (2015), việc phát triển thị trường vốn xanh tạo điều kiện phân phối lại các chi phí vốn theo hướng giúp giảm bớt chi phí vốn cho các hoạt động đầu tư xanh và tăng chi phí vốn đối với các ngành có nguy cơ gây hại đến môi trường thông qua các cơ chế giúp tăng lợi nhuận cho các dự án xanh nhờ việc hạ thấp các chi phí tài chính và gia tăng sự sẵn có của các quỹ (thực hiện chiết khấu lãi suất, trái phiếu xanh, niêm yết xanh, chỉ số xanh, các quy định về công bố thông tin...), giảm lợi nhuận đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm thông qua việc làm tăng chi phí và nghĩa vụ cần tuân thủ (bảo hiểm xanh, trách nhiệm môi trường của các ngân hàng, tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng xanh, nghĩa vụ công bố thông tin...), nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà đầu tư, doanh nghiệp và công chúng về TTX và tài chính xanh (yêu cầu công bố thông tin bắt buộc của các thể chế tài chính và doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhóm nhà đầu tư xanh, triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục về tiêu dùng xanh...).
2. Thực trạng phát triển thị trường vốn xanh ở Việt Nam
2.1. Khung pháp lý về thị trường vốn xanh ở Việt Nam
Thị trường trái phiếu xanh
Năm 2017, Chính phủ ban hành lộ trình phát triển thị trường trái phiếu năm 2017 - 2020, tầm nhìn năm 2030 (Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017) quy định cơ chế và chính sách phân phối thị trường trái phiếu xanh nhằm mục đích cho phép tổ chức phát hành huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh. Theo đó, các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn trái phiếu xanh để thực hiện các dự án xanh. Trong đó bao gồm việc xây dựng, hoàn thiện khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, báo cáo và giám sát theo các tiêu chí tài chính xanh; huy động vốn đầu tư cho TTX thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành trái phiếu xanh cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh…
Để phát triển trái phiếu xanh, việc thiết lập một khung trái phiếu xanh là rất cần thiết. Vì vậy, nhằm tiến tới một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này, tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Nội dung của đề án bao gồm: mục đích và khối lượng phát hành; điều kiện, điều khoản của trái phiếu; việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch… Bên cạnh đó, Nghị định số 95/2018/NĐ-CP cũng quy định về điều kiện điều khoản, tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch TPCP xanh. Những quy định tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch loại hình trái phiếu xanh.
Ngoài thị trường TPCP xanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) xanh cũng là một kênh tiềm năng cho các dự án xanh của các doanh nghiệp. Để tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu xanh, Chính phủ đã ban hành các chính sách liên quan với mục đích thúc đẩy TPDN xanh. Ngày 04/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN. Tuy chưa quy định nhiều tiêu chuẩn riêng đối với trái phiếu xanh, nhưng Nghị định này đã bổ sung khái niệm, định nghĩa và một số quy định về TPDN xanh. Những quy định này sẽ tạo ra một kênh tiềm năng để huy động vốn cho các dự án xanh trong khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho giao dịch sản phẩm phái sinh xanh tại Việt Nam; đồng thời tạo khung pháp lý để thu hút thêm đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án liên quan đến môi trường tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các bộ, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh như hướng dẫn các doanh nghiệp công bố thông tin, cung cấp tính minh bạch về các hoạt động tài chính xanh và khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán để thực hiện các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên với các nội dung về phát triển bền vững và TTX.
Thị trường cổ phiếu xanh
Trên thị trường cổ phiếu xanh, Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã quy định các doanh nghiệp phải công bố thông tin môi trường và xã hội. Đây là văn bản mang tính chất bắt buộc đầu tiên đối với các doanh nghiệp về công bố các thông tin phát triển bền vững. Cụ thể, khi các doanh nghiệp công bố Báo cáo thường niên sẽ phải công bố các mục tiêu phát triển bền vững (môi trường, xã hội và cộng đồng) và chương trình chính liên quan trong ngắn hạn và trung hạn. Từ đó nâng dần ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến một thị trường chứng khoán xanh. Đồng thời, việc áp dụng Thông tư này cũng đưa thêm một tiêu chí để các nhà đầu tư cân nhắc khi đầu tư, tạo điều kiện cho các sản phẩm chứng khoán xanh dễ dàng được lựa chọn hơn.
Những chính sách cho TTX nói chung và cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh nói riêng là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có thể tham gia đầu tư thu hút vốn xanh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án xanh ở Việt Nam có điều kiện tiếp cận nguồn vốn.
2.2. Thực trạng thị trường trái phiếu xanh
Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương nhằm huy động vốn phục vụ cho các công trình xanh như các dự án về thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió… Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hỗ trợ các chủ thể phát hành sản phẩm trái phiếu xanh và thí điểm triển khai tại một số địa phương có nhu cầu huy động vốn. Tổng giá trị trái phiếu xanh đã đạt 27 triệu USD và tiềm năng còn nhiều hơn nữa trong tương lai, với hai địa phương đầu tiên triển khai đề tài đề án này là thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trái phiếu được phát hành dưới dạng trái phiếu chính quyền địa phương, kỳ hạn 3 - 5 năm.
Trong chương trình hợp tác từ năm 2018, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) dự kiến phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Quốc gia, HNX và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cùng với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng đề án phát triển trái phiếu xanh doanh nghiệp, trái phiếu xanh định chế tài chính và thí điểm phát hành TPDN xanh.
Cuối tháng 8/2019, Công ty cổ phần (CTCP) Điện mặt trời Trung Nam đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm và CTCP Trung Nam (sở hữu 70% vốn của CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm, riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm. Tổng số tiền hai công ty này huy động được là 3.045 tỷ đồng và được sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Đầu tháng 10/2019, CTCP Bamboo Capital (BCG) công bố kế hoạch dự kiến phát hành 900 nghìn trái phiếu chuyển đổi trong quý IV/2019, lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm, trong đó dự kiến 350 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời, 500 tỷ đồng đầu tư vào các dự án bất động sản, 50 tỷ bổ sung vốn lưu động.
Trong tháng 5/2021, CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) đã công bố phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Đây là TPDN xanh đầu tiên của Việt Nam. Theo đó, vốn huy động từ đợt phát hành này sẽ được BIM Land sử dụng để phát triển các dự án bất động sản, trong đó có nhiều dự án xanh, bảo vệ môi trường. Đợt phát hành thành công của BIM Land đã mở ra xu hướng mới về việc phát hành TPDN để huy động vốn cho các dự án xanh. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có thêm kênh huy động vốn cho các dự án đầu tư dài hạn trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tái tạo mà các định chế tài chính chưa thể đáp ứng thông qua các sản phẩm tài chính truyền thống.
Đến tháng 10/2020, Việt Nam đã có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh với tổng trị giá gần 284 triệu USD, bởi một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu USD năm 2016), một chính quyền thành phố (3,6 triệu USD năm 2016) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu USD và 186 triệu USD vào năm 2020). Phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm cùng với ngành chất thải và nông nghiệp.
Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tích cực tham gia thúc đẩy các Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN (AGBS), Tiêu chuẩn Trái phiếu Xã hội ASEAN (ASBS) và Tiêu chuẩn Trái phiếu Bền vững ASEAN (ASUS), dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu Xanh, Nguyên tắc Trái phiếu Xã hội và Hướng dẫn về Trái phiếu Bền vững của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA), nhằm tạo ra một loại tài sản bền vững ở Việt Nam.
Ngoài ra, UBCKNN đã phát hành Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” với sự hỗ trợ của IFC, Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ. Cuốn sổ tay hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN, cũng như các quy định của Việt Nam về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Cuốn sổ tay là công cụ hỗ trợ việc huy động các nguồn lực từ thị trường vốn trong nước và quốc tế cho các dự án bền vững và thân thiện với môi trường - xã hội.
Nhìn chung, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam đang ở mức độ sơ khai, chưa phát triển. Quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh chưa chắc chắn. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng về trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế.
2.3. Thực trạng thị trường cổ phiếu xanh
Thị trường cổ phiếu xanh ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn tạo lập. Các cơ quan chức năng đưa ra các chương trình, chỉ số khuyến khích doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững. Các hoạt động chính đã được triển khai đến nay có thể được chia thành 3 nhóm: (i) Nâng cao hiểu biết toàn thị trường về tài chính xanh; (ii) Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp với tài chính xanh; (iii) Xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường.
Hoạt động nâng cao hiểu biết toàn thị trường về tài chính xanh được thực hiện qua các hoạt động đào tạo về kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG). Từ năm 2012, UBCKNN phối hợp với IFC, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG. Trong đó, khái niệm báo cáo phát triển bền vững đã được giới thiệu đến các doanh nghiệp niêm yết từ năm 2013. HOSE thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về phát triển bền vững, chuẩn mực báo cáo quốc tế thuộc GRI...
Hoạt động khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp với tài chính xanh được thể hiện ở các nhóm hoạt động như: (i) Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG, UBCKNN cùng với sự hỗ trợ của IFC đã công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết vào năm 2016. Các doanh nghiệp có thể tuân theo các bước để thực hiện báo cáo ESG dễ dàng. Bởi vì sổ tay đưa ra hướng dẫn chi tiết cũng như khuyến nghị các nội dung công việc mà doanh nghiệp cần tuân thủ để đưa ra được một báo cáo ESG hoàn chỉnh; (ii) HOSE và Báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tiêu chí về việc công bố đầy đủ các thông tin ESG là điều kiện để bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất của các doanh nghiệp từ năm 2013. Giải thưởng này tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp công bố thông tin về hoạt động phát triển bền vững.
Đối với hoạt động xây dựng và áp dụng chỉ số phát triển bền vững toàn thị trường, cuối tháng 3/2017, HOSE công bố Chỉ số Phát triển bền vững (VNSI) và chính thức đưa vào vận hành từ cuối tháng 7/2017. Việc xây dựng chỉ số VNSI là một trong những nhiệm vụ liên quan đến các sản phẩm tài chính sáng tạo cho “thị trường vốn xanh” được nêu trong Kế hoạch hành động của ngành tài chính nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX đã ban hành theo Quyết định số 2183/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Chỉ số này hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đồng hành cùng các doanh nghiệp có đặc tính “xanh”. Cổ phiếu của những doanh nghiệp này phải gắn với xu hướng phát triển bền vững của nền kinh tế, đảm bảo về môi trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
Với sự tham gia của các doanh nghiệp trong rổ chỉ số VNSI, cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh, bền vững từ các quỹ đầu tư và định chế tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ tăng, góp phần vào tăng trưởng bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Như vậy, theo các khung hoạt động của SSE thì Việt Nam (cụ thể là HOSE) đã thực hiện được các nội dung là: (i) Thực hiện đào tạo về ESG; (ii) Thực hiện báo cáo phát triển bền vững (từ năm 2016); (iii) Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG; (iv) Xây dựng chỉ số ESG toàn thị trường (chỉ số VNSI); (v) Áp dụng tiêu chuẩn tối thiểu về ESG để cho phép doanh nghiệp lên sàn.
3. Một số cơ hội và thách thức trong việc phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam
3.1. Cơ hội
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong năm quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất do phần lớn dân số sống ở các vùng trũng ven biển. Hậu quả do biến đổi khí hậu làm gia tăng mức độ cũng như chu kỳ xảy ra thiên tai như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho rằng, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/năm, tương đương 5% GDP. Ước tính, biến đổi khí hậu sẽ làm thu nhập quốc dân giảm 3,5% vào năm 2050; 37% dân số sống ở các vùng trũng, vốn chỉ chiếm 15% diện tích đất của cả nước. Với mức độ ảnh hưởng này, các dự án tài trợ vốn cho TTX đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Nghiên cứu của IFC cho thấy, tài trợ khí hậu ở Việt Nam (tính theo tỷ lệ phần trăm tổng danh mục cho vay của các ngân hàng) mới chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.
Tập đoàn Tài chính Quốc tế cho rằng, việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đồng thời mang lại cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2030. Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định TTX là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Phát triển tài chính xanh hướng đến TTX và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, lựa chọn. Đây có thể xem là một cơ hội cho các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Việt Nam. Phát triển thị trường vốn xanh đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính các định chế tài chính, cho các doanh nghiệp được vay vốn (như lợi nhuận, danh tiếng, giá trị tăng thêm) và cho cả cộng đồng (công nghệ xanh và sạch, sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh).
Trên thực tế, tiềm năng cho doanh nghiệp đầu tư để giảm phát thải khí nhà kính hiện nay là rất lớn. Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là COP21 - Paris, lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam giảm 10 - 20%/năm. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên, phần đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm 1/3 số đó, còn 2/3 dự kiến là tư nhân đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, xi măng, trong tiêu dùng hộ gia đình, ngành giấy, phát điện, thép, năng lượng, nông nghiệp… Đó là tiềm năng rất lớn mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được. Hiện nay, những loại hình doanh nghiệp có thể tham gia triển khai thực hiện TTX ở Việt Nam, đó là: năng lượng tái tạo; chuyến đổi và quản lý sử dụng đất; quản lý chất thải bền vững; nông nghiệp xanh…
Các doanh nghiệp tham gia các dự án xanh và sản xuất sản phẩm xanh cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Trong dài hạn, điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể giảm chi phí về năng lượng và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận. Các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, có thể tránh được mô hình phát triển theo kiểu tăng trưởng trước, sau đó mới giải quyết hậu quả về thảm họa môi trường. Nhờ đó, môi trường sinh thái của quốc gia không bị đe dọa, tránh được chi phí lớn cho việc giải quyết những hậu quả về môi trường.
Lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp, của quốc gia cũng được tăng thêm khi tài chính xanh hỗ trợ cho các dự án xanh và sản phẩm xanh trong nền kinh tế. Doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và sản xuất sản phẩm xanh có thể cần nhiều vốn và gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai và áp dụng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này sẽ thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư, thu hút thêm khách hàng, từ đó giá trị của doanh nghiệp được nâng cao.
Tài chính xanh cho các dự án xanh, công nghệ xanh và sản phẩm xanh sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng. Mục tiêu mà tài chính xanh hướng đến chính là việc giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu xanh sạch, thân thiện với môi trường, tránh làm khánh kiệt tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nên sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho quốc gia.
3.2. Thách thức
Mặc dù thị trường vốn xanh toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, nhưng thị trường vốn xanh ở Việt Nam nói riêng cũng như các nước đang phát triển nói chung đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc triển khai áp dụng các chiến lược, chính sách tài chính xanh cũng còn gặp nhiều rào cản bao gồm rào cản từ thể chế đến thị trường.
Vốn xanh là khái niệm còn tương đối mới với các cơ quan quản lý nhà nước và những thành viên tham gia thị trường. Các giải pháp về vốn xanh chưa được đề cập nhiều trong chiến lược TTX. Các ngân hàng thương mại truyền thống chưa sẵn sàng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh - những sản phẩm, dịch vụ khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải khí các-bon.
Các rào cản, thất bại thị trường trong triển khai hệ thống tài chính xanh xuất hiện ở cả ba cấp độ: cấp chính sách, cấp ngân hàng và cấp doanh nghiệp. Các ngân hàng thường gặp khó khăn khi đánh giá các dự án tài chính xanh, đặc biệt liên quan đến các rủi ro do hạn chế về nhân sự có chuyên môn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thường có thói quen cho vay dựa vào tài sản thế chấp hơn là dựa vào dòng tiền. Các ngân hàng thường tập trung vào các dự án ngắn hạn hơn là các dự án dài hạn. Ngoài ra, sự nhận thức và sẵn sàng cho tài chính xanh từ các định chế tài chính và các doanh nghiệp còn ở mức thấp. Đây đều là những yếu tố cản trở sự phát triển của tài chính xanh.
Nhận thức của các cơ quan chính phủ, xã hội, doanh nghiệp về TTX đã được cải thiện. Nhiều chương trình dự án thúc đẩy TTX đã được triển khai trong các khu vực công và tư, sản xuất và tiêu dùng. Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững với 151 tiêu chí, trao tặng giải thưởng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương chưa có nhận thức đầy đủ, rõ ràng về chiến lược TTX, vai trò, lợi ích của TTX và cũng chưa coi đây là nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện. Các giải pháp liên ngành, liên vùng, điều phối, giám sát còn thiếu, dẫn đến năng lực thực hành còn yếu. Sự tham gia của khu vực tư nhân tăng lên nhưng còn hạn chế về ngành, lĩnh vực hoạt động.
Về thể chế, Việt Nam có nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho TTX, như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…, cùng với đó là hàng loạt các văn bản hướng dẫn khác. Tuy nhiên, thể chế, chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương, đơn ngành. Các chính sách ban hành chậm, không theo kịp với mức phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ, chưa tạo được bước chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào TTX.
Bên cạnh đó, thông thường các bộ khác nhau với các nhiệm vụ và kỹ năng khác nhau đang theo đuổi các mục tiêu khác nhau. Sự phân loại các ưu tiên và nhiệm vụ của các bộ, ngành có thể làm giảm ảnh hưởng đối với chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất cần thiết để phát triển thị trường vốn xanh. Ví dụ, chính sách trợ giá điện, duy trì tỷ lệ lạm phát hằng năm trung bình dưới 5% sẽ làm giảm cơ hội cạnh tranh của các dự án năng lượng tái tạo. Ngoài ra, trái phiếu xanh đòi hỏi các kỹ năng, kỹ thuật để theo dõi và đánh giá việc sử dụng tiền thu được trong suốt vòng đời dự án, đảm bảo rằng các dự án được thực hiện theo Nguyên tắc Trái phiếu Xanh.
Về nguồn lực, nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ về những lợi ích từ các dự án xanh, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia nhưng lại thiếu vốn, công nghệ và nguồn lực.
Ngoài ra, nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào TTX, cách tiếp cận chủ yếu từ trên xuống nên đã hạn chế sự tích cực của doanh nghiệp tư nhân, các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…
4. Một số đề xuất nhằm phát triển thị trường vốn xanh của Việt Nam trong thời gian tới
Hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường vốn xanh
Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo khung pháp lý cho các quan hệ kinh tế - xã hội, cho phép các chủ thể thuộc chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đào tạo trong phạm vi quyền hạn của mình sẵn sàng tạo lập một môi trường khuyến khích hoặc có khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi từ nền kinh tế "nâu" truyền thống sang nền kinh tế "xanh".
Ngoài ra, Chính phủ cần cam kết về việc thực hiện chiến lược phát triển chung của đất nước theo hướng chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Cụ thể, Chính phủ cần thiết lập các định hướng chiến lược cho việc hình thành các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững. Đồng thời, xây dựng chính sách ổn định với những cam kết rõ ràng về việc hỗ trợ quá trình hình thành các ngành công nghiệp xanh.
Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, Chính phủ cần ban hành các văn bản cụ thể quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý, sử dụng nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá các công ty phát triển bền vững nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho thị trường vốn xanh như các chính sách về tài khóa như thuế, phí, cũng như cơ chế bảo lãnh hỗ trợ cho các ngành/lĩnh vực xanh.
Các chính sách liên quan đến tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song với những chính sách về TTX. Ngành Tài chính cần sớm hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu xanh, báo cáo bền vững và giám sát doanh nghiệp theo các tiêu chí tài chính xanh.
Nâng cao nhận thức về TTX, tài chính xanh, vốn xanh cho cho các cấp lãnh đạo ở các quan quản lý nhà nước, các ngành, địa phương và doanh nghiệp
Cùng với việc hình thành và phát triển thể chế thực hiện TTX thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức là hoạt động ưu tiên. Khác với nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch khác, chiến lược TTX cần sự tham gia tích cực, trực tiếp của doanh nghiệp bởi các kế hoạch hành động TTX của ngành và địa phương không thể thành công nếu doanh nghiệp không nhận thức được ý nghĩa, vai trò cũng như cách thức thực hiện TTX. Trong giai đoạn đầu, các cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng, có các giải pháp hỗ trợ để khuyến khích một số doanh nghiệp tiên phong làm thí điểm, từ đó giới thiệu các mô hình thành công để nhân rộng.
Cách tiếp cận với TTX không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển mà phải coi đây là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững. Từ nâng cao nhận thức về lợi ích của TTX, vai trò thực hiện, tầm quan trọng của nhiệm vụ để tiếp tục hình thành các kế hoạch hành động, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho TTX. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, áp dụng, lồng ghép chiến lược TTX vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể, kịch bản các hoạt động TTX, gắn kết chỉ tiêu TTX trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngành. Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong TTX bởi họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp cần xác định rõ những thách thức và cơ hội, bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường; đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất; sắp xếp lại, cơ cấu, hạn chế phát triển những lĩnh vực phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; hình thành đội ngũ doanh nhân “xanh” của đất nước.
Vì vậy, các dự án truyền thông cần được xây dựng và thực hiện nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hiện TTX, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân tham gia sâu hơn trong nền kinh tế xanh, các chuỗi của TTX, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng thông qua việc thay đổi thói quen tiêu dùng.
Thực hiện các biện pháp hỗ trợ thu hút nguồn vốn xanh
Trong giai đoạn đầu phát triển thị trường tài chính xanh, Chính phủ cần thực thi các biện pháp hỗ trợ thu hút nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế. Vai trò của Chính phủ trong phát triển hệ thống tài chính xanh chính là vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống diễn ra trôi chảy, thông suốt và hiệu quả. Có như vậy, hệ thống tài chính xanh mới thể hiện được vai trò nòng cốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cần ưu tiên dành kinh phí hợp lý để thực hiện chiến lược TTX, đặc biệt nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng nhân tạo. Chính phủ nên đảm bảo một mức lợi nhuận tối thiểu để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sử dụng công nghệ xanh và sản xuất các sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích hệ thống tài chính tài trợ cho phát triển các ngành công nghiệp xanh và tăng trưởng bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính mới hỗ trợ cho một nền kinh tế ít các-bon.
Nguồn vốn từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế cần được tăng cường huy động. Các nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn ODA cần được ưu tiên sử dụng cho TTX.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tích cực tham gia hợp tác với các Tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… và các quỹ tài chính xanh quốc tế để tranh thủ nguồn vốn phát triển xanh của các tổ chức này.
Tiếp tục có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh
Sau khi đưa ra được các tiêu chuẩn liên quan đến trái phiếu xanh, Nhà nước cần đưa ra những ưu đãi về thuế, phí hoặc những thuận lợi khác cho các tổ chức phát hành, cũng như những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đề án về trái phiếu xanh, HNX đã đưa ra đề xuất đối với Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sử dụng trái phiếu xanh trong thị trường mở với ưu đãi là tỷ lệ chiết khấu ở mức cao hơn so với các loại trái phiếu cùng loại, chấp nhận sử dụng một số loại trái phiếu xanh để làm dự trữ bắt buộc… Điều này sẽ tác động tốt đến việc khuyến khích các ngân hàng sở hữu trái phiếu xanh trong danh mục tài sản của mình, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển.
Chính phủ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành phần, khu vực kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế, chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế, chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Hạnh Mỹ (2016), Tài chính xanh cho tăng trưởng và phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng.
2. Nguyễn Thùy Anh (2017), Phát triển thị trường vốn xanh, Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ.
3. Lại Thị Thanh Loan (2019), Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp, Tạp chí Tài chính tiền tệ.
4. Lê Thị Hằng (2016), Chính sách tài chính hướng đến TTX - Những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính 4/2016.
5. Trần Thị Thanh Tú (2020), Hệ thống tài chính xanh: Yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế xanh, Tạp chí Khoa học - Công nghệ Việt Nam.
6. Trần Thị Thanh Tú (2020), Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
7. Quản Thu Trang (2019), Trái phiếu xanh: Việt Nam trong nỗ lực bắt nhịp với kỷ nguyên tài chính xanh toàn cầu, Tạp chí Ngân hàng, số 17/2019.
8. Trần Thị Xuân Anh và cộng sự (2019), Tài chính xanh cho phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam - Những vấn đề cần tháo gỡ, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 209, tháng 10/2019.
9. Viên Thế Giang (2017), Tài chính cho phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam - Khuôn khổ chính sách, pháp luật và thực tiễn thi hành, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 20, 2017.
10. Nguyễn Quang Huy (2021), Trái phiếu xanh - Công cụ sáng tạo của thị trường tài chính thế giới và đề xuất một số chính sách đối với Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương.
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 1/2022
*1 Đỗ Thị Thu Thủy, Vũ Thị Thúy Vân - Đại học Kinh tế Quốc dân.