Quản lý tài sản công tại cơ sở giáo dục đại học công lập

Quản lý tài sản công tại cơ sở giáo dục đại học công lập 08/04/2022 10:46:00 1736

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Quản lý tài sản công tại cơ sở giáo dục đại học công lập

08/04/2022 10:46:00

 

- Đơn vị chủ trì: Học viện Tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thế Anh

- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-66

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Tài sản công là một bộ phận quan trọng của tài sản quốc gia, là nguồn lực của đất nước do Nhà nước làm chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu quản lý, sử dụng nhằm thực thi có hiệu lực và hiệu quả chức năng tổ chức và quản lý xã hội. Ở mỗi quốc gia, tài sản công có vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất và quản lý xã hội, việc quản lý tốt tài sản công luôn được coi là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng quản lý nhà nước của mỗi quốc gia. Nhà nước là chủ thể đặc biệt của xã hội, là người đại diện cho tất cả các thành viên trong cộng đồng, do đó Nhà nước có chủ quyền đối với tài sản quốc gia, là người đại diện chủ sở hữu tài sản công. Với vai trò là đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công, Nhà nước có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập là cơ sở GDĐH do Nhà nước (Trung ương hoặc địa phương) đầu tư về kinh phí và cơ sở vật chất (đất đai, nhà cửa) và hoạt động chủ yếu bằng kinh phí từ các nguồn tài chính công hoặc các khoản đóng góp phi vụ lợi. Sự ra đời và hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập thể hiện vai trò của Nhà nước đối với GDĐH. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về tài sản và giao cho các cơ sở GDĐH công lập quản lý và sử dụng để phục vụ công tác cho bộ máy của Nhà nước. Việc hoàn thiện quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập là cần thiết vì các lý do sau:

Về mặt lý luận: Thứ nhất, quản lý tài sản công tốt góp phần kích thích quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Những yếu kém trong quản lý và sử dụng tài sản công dẫn đến thất thoát, lãng phí, từ đó làm suy giảm nội lực của đất nước. Thứ hai, Chính phủ là đại diện chủ sở hữu của tất cả tài sản công. Tuy nhiên, Chính phủ giao quyền quản lý và sử dụng tài sản công cho các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp sử dụng. Các cơ quan, đơn vị được giao quyền quản lý và sử dụng tài sản công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước phải đảm bảo quản lý chặt chẽ tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm và hiệu quả. Thứ ba, tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập là tiền đề, là yếu tố vật chất để Nhà nước có thể tổ chức thực hiện các mục tiêu giáo dục - đào tạo đã đề ra. Nguồn kinh phí ban đầu của các cơ sở GDĐH công lập được Nhà nước cấp bằng nguồn vốn NSNN, do vậy công tác quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập cần đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản kinh phí bằng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cho các cơ sở GDĐH công lập. Thứ tư, quản lý tốt tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập sẽ đảm bảo việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho các cơ sở GDĐH công lập. Do tài sản công hình thành chủ yếu từ nguồn chi tiêu công, do vậy việc sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý cũng như bản thân các cơ sở GDĐH công lập.

Về mặt thực tiễn: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, có hiệu lực từ 2018, đã có những quy định cụ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các cơ sở GDĐH) với những đổi mới quan trọng theo hướng được chủ động hơn trong đầu tư, mua sắm, khai thác, xử lý tài sản, được dùng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng đã chỉ ra những bất cập cả về cơ chế, chính sách cũng như công tác tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công.

Từ những nội dung nêu trên, việc nghiên cứu đề tài “Quản lý tài sản công tại cơ sở giáo dục đại học công lập” là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam vừa đảm bảo phù hợp với đặc thù của các cơ sở GDĐH công lập vừa đảm bảo thực hiện theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quản lý tài sản công tại cơ sở GD ĐH công lập ở Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu:

(i) Về nội dung: Tập trung nghiên cứu quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập trên góc độ quản lý quá trình hình thành, khai thác, sử dụng và kết thúc tài sản công đối với 4 loại tài sản công: Tài sản là đất, tài sản là nhà, tài sản là ô tô và tài sản khác có nguyên giá 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản trở lên. Không nghiên cứu tài sản là đất (gắn với giá trị vô hình) và ô tô và tài sản thông qua hình thức giao tài sản cho cơ sở GDĐH công lập.

(ii) Về không gian và thời gian: Đề tài xem xét khoảng 172 trường đại học công lập (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018 - 2019). Thời gian nghiên cứu trong giai đoạn 2016 - 2020.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã nghiên cứu về cơ sở lý luận về quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập. Trong đó, đề tài đã làm rõ được lý luận chung về cơ sở GDĐH công lập; tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập là một bộ phận tài sản công mà Nhà nước giao cho các cơ sở GDĐH công lập trực tiếp quản lý và sử dụng để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ được giao; đặc điểm tài sản công; phân loại tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập; vai trò của tài sản công cũng như cơ chế quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập (nội dung quản lý, các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý tài sản công…); quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập là sự tác động của bộ máy quản lý đến sự hình thành và vận động của tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập nhằm đảm bảo tài sản công được đầu tư xây dựng mới, mua sắm, sử dụng và thanh lý một cách hiệu quả, tiết kiệm; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho các cơ sở GDĐH công lập. Quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập tiếp cận theo vòng đời của tài sản bao gồm ba bước: Quản lý quá trình hình thành tài sản, quản lý quá trình khai thác, sử dụng tài sản và quản lý quá trình kết thúc tài sản. Mỗi khâu này cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu quản lý kết hợp với khả năng quản lý, điều hành của bản thân các cơ sở GDĐH công lập để đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra, thanh tra quá trình quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và thực chất mới góp phần giảm những tiêu cực phát sinh trong quá trình quản lý.

(2) Đề tài nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý tài sản công ở một số nước trên thế giới (Pháp, Đức và Hàn Quốc); kinh nghiệm quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập của một số nước trên thế giới (Trung Quốc, Australia và Canada) và rút ra được 6 bài học kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy rõ xu hướng giảm dần chế độ trang bị tài sản bằng hiện vật, thay vào đó là sử dụng các công cụ thị trường một cách hiệu quả; nâng cao tính minh bạch trong các khâu của quá trình quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập, trong đó có đảm bảo về mặt thông tin. Những bài học kinh nghiệm có thể rút ra cho Việt Nam, bao gồm: (i) Sử dụng phương thức thuê tài sản nhằm giảm dần chế độ mua sắm, trang bị tài sản cho các cơ sở GDĐH công lập; (ii) Lập dự toán đầu tư, mua sắm tài sản theo phương thức quản lý NSNN theo đầu ra và kết quả; (iii) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập; (iv) Tổ chức tốt khâu thanh lý tài sản công; (v) Tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập; (vi) Hoàn thiện mô hình quản lý tài sản công để phục vụ việc khai thác tài sản công hiệu quả. Những bài học kinh nghiệm này rất hữu ích đối với các cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam trong tiến trình tự chủ đại học.

(3) Đề tài đã đánh giá thực trạng quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam. Trong đó, đã khái quát được thực trạng quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập; phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý tài sản công thông qua các mô hình phân tích hồi quy, nghiên cứu định lượng qua các biến số; từ đó, đề tài đưa ra các đánh giá chung về thực trạng quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập; chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế trong việc quản lý tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam hiện nay.

Thông qua việc phân tích, tổng hợp thực trạng quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam, Đề tài đã rút ra một số kết luận chủ yếu như sau về quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập: (i) Nguồn NSNN đầu tư cho các cơ sở GDĐH công lập giảm dần, trong đó đáng lưu ý là giảm trang bị bằng hiện vật, thay bằng phương thức khoán kinh phí; (ii) Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập từng bước được đổi mới phù hợp với lộ trình đổi mới cơ chế quản lý các cơ sở GDĐH công lập tự chủ; (iii) Quá trình quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập vẫn còn những hạn chế như: Các thể chế quản lý tài sản công dành riêng cho các cơ sở GDĐH chậm được ban hành; Hiệu quả trong hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản chưa cao; Cơ sở dữ liệu tài sản của các cơ sở GDĐH công lập chưa bao quát được hết các loại tài sản và chưa thực sự đầy đủ thông tin về tài sản.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trong quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập bao gồm: (i) Cơ chế, chính sách về đầu tư, mua sắm tài sản công đối với các cơ sở GDĐH công lập còn bất cập; (ii) Cơ chế chưa tạo thuận lợi cho các cơ sở GDĐH công lập thực hiện việc liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản; (iii) Cơ quan quản lý chưa nắm được tổng thể tài sản công trong các cơ sở GDĐH công lập; (iv) Hoạt động kiểm tra, thanh tra quản lý tài sản công chưa được thực hiện thường xuyên, chưa triệt để xử lý những sai phạm phát sinh; (v) Năng lực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ở các cơ sở GDĐH công lập chưa cao; (vi) Năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công còn bất cập; (vii) Còn tình trạng bố trí vốn dàn trải...

(4) Đề tài đã đề xuất một số quan điểm, định hướng đổi mới về quản lý tài sản công ở các cơ sở GDĐH công lập và các giải pháp hoàn thiện quản lý tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập ở Việt Nam gồm: (i) Nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và (ii) Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện. Trong đó:

Đối với giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư, mua sắm tài sản công: Tăng quyền chủ động cho các cơ sở GDĐH công lập trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất bằng nguồn vốn hợp pháp thay vì vẫn phải lập dự án và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt, cấp vốn như hiện nay. Giảm mua sắm, trang bị bằng hiện vật chuyển sang cơ chế khoán kinh phí và thuê tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mua sắm tài sản công để đảm bảo quá trình mua sắm được công khai, minh bạch và công bằng cho tất cả các đối tượng có khả năng tham gia.

Đối với giải pháp hoàn thiện cơ chế khai thác tài sản công: Xây dựng chính sách xã hội hóa và chuyển dịch các cơ sở GDĐH công lập thành các doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH công lập được góp vốn liên doanh, liên kết trong cho thuê tài sản cũng như trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ thông qua thương hiệu và tài sản của cơ sở GDĐH công lập (có thể định giá tài sản góp vốn theo từng dự án hợp tác, không cần định giá toàn bộ tài sản để Nhà nước giao vốn). Số tiền thu được từ khai thác tài sản công tại cơ sở GDĐH công lập sau khi dùng để hoàn trả vốn huy động thì được phép giữ lại để bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động của cơ sở GDĐH công lập chứ không cần hạch toán là NSNN như hiện nay.

Đối với giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý khấu hao tài sản cố định: Trong tiến trình tự chủ GDĐH, yêu cầu cần thiết là phải tính được giá thành dịch vụ. Do đó, việc trích khấu hao tài sản cố định là phải hiểu, từ đó tính đúng, tính đủ được giá thành dịch vụ công. Việc tính đủ chi phí, trong đó trích khấu hao tài sản cố định được xác định theo lộ trình nhất định qua ba giai đoạn đến năm 2025.

Đối với giải pháp hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản: Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ sở GDĐH nên được hoàn thiện theo hướng bám sát đặc thù hoạt động của lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng như đặc điểm tình hình của các địa phương./.

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%