Đánh giá chính sách thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO đối với lĩnh vực tài chính

Đánh giá chính sách thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO đối với lĩnh vực tài chính 08/04/2022 10:39:00 1824

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đánh giá chính sách thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO đối với lĩnh vực tài chính

08/04/2022 10:39:00

- Đơn vị chủ trì: Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thị Thu Huyền

- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-60

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Rà soát chính sách thương mại là hoạt động được quy định trong Phụ lục 3 về Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại thuộc Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995. Mục đích của cơ chế này là góp phần cải thiện việc tuân thủ triệt để các luật lệ, các nguyên tắc của WTO và các cam kết của các nước thành viên trong các hiệp định thương mại đa phương và các hiệp định nhiều bên, tăng cường tính minh bạch hóa chính sách và sự hiểu biết về các chính sách và thực tiễn thương mại của nước thành viên được rà soát, vì thế sẽ góp phần làm cho hệ thống thương mại đa phương vận hành hiệu quả hơn.

Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO từ tháng 01/2007. Theo quy định của WTO, là quốc gia thành viên, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đánh giá chính sách 6 năm một lần. Sau phiên rà soát chính sách thương mại thứ nhất của Việt nam diễn ra từ ngày 17 - 19/9/2013 tại trụ sở WTO, Việt Nam tiếp tục chuẩn bị thực hiện phiên rà soát chính sách thương mại thứ hai trong năm 2021. Do đó, việc thực hiện đề tài khoa học “Đánh giá chính sách thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO đối với lĩnh vực tài chính là rất cần thiết nhằm đánh giá khách quan việc thể chế hóa các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO đối với các chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, cung cấp luận cứ xây dựng Báo cáo rà soát chính sách thương mại đa phương của Việt Nam trong khuôn khổ WTO.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài đặt mục tiêu nghiên cứu khung khổ pháp lý và thực tiễn của cơ chế rà soát chính sách thương mại trong WTO; khung khổ pháp lý để triển khai thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính; kinh nghiệm của các nước trong việc thực hiện cam kết WTO và giải trình tại phiên rà soát chính sách thương mại. Từ các nội dung nghiên cứu trên, đề tài đưa ra các kiến nghị gồm những nội dung cần tập trung giải trình cho phiên rà soát chính sách thương mại, đề xuất hoàn thiện Báo cáo quốc gia và Báo cáo của Ban Thư ký và quan trọng nhất là đưa ra các đề xuất hoàn thiện nội luật trong thời gian tới để đảm bảo tuân thủ cam kết. Việc thực hiện đề tài là thực sự cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tiến hành Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ hai sau 15 năm trở thành thành viên của WTO.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu:

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài có phạm vi nghiên cứu gồm rà soát các cam kết và tình hình thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của Bộ Tài chính trong giai đoạn từ sau Phiên rà soát lần thứ nhất đến nay, gồm thuế, hải quan, dịch vụ tài chính, quản lý giá, doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu của Ban Thư ký WTO. Không chỉ rà soát việc thực hiện các cam kết, đề tài nghiên cứu kinh nghiệm tham gia giải trình tại Phiên rà soát của một số thành viên như Thái Lan, Trung Quốc, Liên bang Nga là những thành viên WTO có điều kiện tương đối tương đồng với Việt Nam để rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng báo cáo quốc gia và tham gia ý kiến, giải trình tại báo cáo của Ban Thư ký. Trên cơ sở các nội dung trên, đề tài đưa ra các kiến nghị về những vấn đề tập trung giải trình trước phiên rà soát và những chính sách cần thay đổi trong thời gian tới để đảm bảo phù hợp cam kết WTO.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát hóa tình hình thực hiện phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên của Việt Nam (năm 2013) trong đó làm rõ các nội dung của phiên rà soát, các nội dung cần chú ý của Bộ Tài chính sau phiên rà soát lần thứ nhất: (i) Trước phiên rà soát, Bộ Tài chính đã phối hợp trả lời bằng văn bản 61 câu hỏi tổng hợp của các thành viên gửi câu hỏi theo thời hạn quy định của WTO. Nội dung các câu hỏi của các thành viên tập trung vào các lĩnh vực chính sách thuế, thủ tục hải quan, chính sách quản lý giá, hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), dịch vụ kiểm toán… Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương trả lời phần lớn các câu hỏi này theo nguyên tắc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và khẳng định Việt Nam tuân thủ đầy đủ các cam kết của WTO trong quá trình ban hành và thực thi các chính sách; (ii) Tại phiên rà soát, có 9 nước đề cập trực tiếp đến các quan ngại về các vấn đề thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài chính. Các nội dung mà các nước đưa ra bình luận trong bài phát biểu liên quan đến Bộ Tài chính chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính sách thuế, quản lý hải quan, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, chính sách giá. Các vấn đề này cũng đã được một số nước khác đưa ra tại các bản câu hỏi trước phiên rà soát và Bộ Tài chính đã cung cấp câu trả lời; (iii) Sau 6 năm là thành viên WTO, Việt Nam đã thực thi cam kết đầy đủ, không có thành viên nào khiếu nại vi phạm cam kết. Đánh giá của các nước liên quan đến chính sách của Bộ Tài chính chủ yếu tập trung vào các nhận xét về tính ổn định của chính sách, các khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực chính sách thuế, thủ tục hải quan, chính sách quản lý giá và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

(2) Đề tài đã đánh giá được tình hình thực hiện cam kết của Việt Nam cũng như tác động của việc thực hiện cam kết trong giai đoạn vừa qua về các nội dung: Thuế nội địa, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thủ tục hải quan, dịch vụ kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, quản lý giá, doanh nghiệp nhà nước, chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp, cụ thể:

(i) Đối với thuế nội địa: Việt Nam đã cơ bản tuân thủ các cam kết WTO bằng việc thông qua một loạt các luật Thuế như: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009 đã được Quốc hội thông qua sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào tháng 01/2007; Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 đã trải qua ba lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2014 và 2016; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 thay thế cho Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2009; Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi bổ sung vào năm 2012 (Luật số 26/2012/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013) và năm 2014 (Luật số 71/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015).

(ii) Đối với Thuế xuất - nhập khẩu: Kể từ khi gia nhập WTO đến nay, chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện thống nhất theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11, với hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Luật Thuế số 45/2005/QH11 được sửa đổi một số nội dung nhằm đảm bảo tính minh bạch trong đàm phán gia nhập WTO, đảm bảo tuân thủ các cam kết với WTO mà Việt Nam sẽ phải thực hiện sau khi gia nhập.

(iii) Về thủ tục Hải quan: Các cam kết của Việt Nam trong WTO đối với lĩnh vực hải quan và có liên quan mật thiết với vai trò của cơ quan hải quan gồm công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ; cam kết trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa; hoạt động thực thi của Việt Nam đối với Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO. Để đạt được những nội dung theo cam kết trong thông báo, Việt Nam đã triển khai ban hành các văn bản nhằm thực hiện các cam kết WTO trong lĩnh vực Hải quan.

(iv) Đối với Dịch vụ kinh doanh bảo hiểm: Việt Nam đã ban hành các Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn để quy định và sửa đổi các quy định trong nước, từng bước phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong WTO.

(v) Đối với Dịch vụ kinh doanh chứng khoán: Kể từ năm 2013 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến nhanh và vững chắc, trong đó tập trung tăng cường tính minh bạch của thị trường, thuận lợi hóa các quy trình, thủ tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia trên thị trường, thực thi nghiêm túc và đầy đủ các cam kết về dịch vụ chứng khoán trong WTO.

(vi) Đối với lĩnh vực Quản lý giá: Chính sách quản lý và điều hành giá hiện hành của Việt Nam theo quy định của Luật Giá hoàn toàn tuân thủ các quy định của WTO, phù hợp với các nguyên tắc thị trường và định hướng phát triển kinh tế thị trường dài hạn của Việt Nam.

(vii) Đối với Doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Việt Nam đã ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhà nước như các Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động; quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018); quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước...

(vii) Đối với Chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghiệp: Kể từ tháng 11/2006 khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đã triển khai nghiêm túc các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đặc biệt là các cam kết về trợ cấp. Theo đó, đến tháng 11/2011, Việt Nam đã hoàn thành việc bãi bỏ toàn bộ các trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO và cam kết của Việt Nam.

(3) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thực hiện cam kết WTO và giải trình tại phiên rà soát, cũng như đánh giá của WTO đối với chính sách thương mại, tập trung vào một số nước như Thái Lan, Trung Quốc và Liên bang Nga. Qua nghiên cứu về kết cấu và nội dung Báo cáo của các quốc gia này, nhóm nghiên cứu đã tham gia ý kiến về các nội dung và kết cấu Báo cáo của Việt Nam. Tương tự như các quốc gia đã tham khảo, Báo cáo quốc gia của Việt Nam cần nêu bật các chính sách trong nước và có đánh giá toàn diện, chính xác, khách quan về kết quả thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Chính phủ trong nhiều lĩnh vực thuộc giai đoạn rà soát để thể hiện toàn cảnh về nền kinh tế và thương mại của Việt Nam. Trong mỗi lĩnh vực, ngoài cung cấp các thông tin về chính sách hiện hành cần thông tin thêm về những định hướng chính sách trong thời gian tới để Báo cáo mang tính toàn diện. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần khẩng định quan điểm ủng hộ hệ thống thương mại đa phương trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia lớn.

(4) Trên cơ sở kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam về phiên rà soát lần thứ nhất, thực trạng thực hiện chính sách thương mại vừa qua cũng như những tác động của những cải cách chính sách thương mại đó trong khuôn khổ WTO, đề tài đề xuất một số vấn đề tập trung giải trình trước phiên rà soát lần thứ hai và kiến nghị những chính sách cần thay đổi trong thời gian tới. Đây là những đề xuất rất cụ thể, xuất phát từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nên có cơ sở khoa học: (i) Thứ nhất, đề tài đề xuất hoàn thiện Báo cáo quốc gia: Theo kinh nghiệm nghiên cứu các báo cáo quốc gia của các đối tác như Trung Quốc, Thái Lan, Nga… thì các báo cáo quốc gia là một kênh thông tin đầy đủ và chi tiết về tình hình kinh tế, tình hình thực thi các đường lối chính sách, chủ trương trong hội nhập, tham gia vào tổ chức thương mại đa phương cũng như thu hút đầu tư, phát triển các ngành trong nước. Các báo cáo quốc gia đã nêu bật được sự kết nối giữa các lĩnh vực cụ thể với tổng thể chính sách và chiến lược phát triển kinh tế, tầm nhìn của đất nước. Do vậy, đây cũng là một kênh thông tin quảng bá và giới thiệu về các chính sách không chỉ nhằm cung cấp thông tin cho phiên rà soát mà còn nhằm phục vụ các mục tiêu xây dựng hình ảnh, góp phần cung cấp thông tin đầy đủ chính xác cho các đối tác thương mại và các nhà đầu tư hiện tại và trong tương lai. (ii)Thứ hai, đề xuất hoàn thiện Báo cáo của Ban Thư ký: Ngày 13/12/2019, Ban Thư ký WTO đã gửi Bản yêu cầu ban đầu cho Việt Nam đề nghị cung cấp thông tin cụ thể cho phiên rà soát. Việc cung cấp thông tin cho Ban Thư ký nhằm giúp cho Ban Thư ký có đánh giá đúng đắn và chính xác công cuộc cải cách kinh tế, tiến trình hội nhập và việc tuân thủ các nguyên tắc và cam kết WTO. Trên cơ sở Bản yêu cầu của Ban Thư ký, các nội dung trong Bản yêu cầu được phân công cho Bộ Tài chính gồm: Thuế xuất nhập khẩu; Thuế nội địa; Hải quan; Dịch vụ bảo hiểm; Dịch vụ chứng khoán; Dịch vụ kế toán, kiểm toán; Quản lý giá; Quản lý ngân sách; Hiệp định tránh đánh thuế trùng; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. (iii) Thứ ba, đề xuất hoàn thiện nội luật để đảm bảo tuân thủ cam kết: Về các nội dung của Bộ Tài chính, do việc thực thi cam kết WTO cũng song song với quá trình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTA) nên có nhiều các cam kết trong các FTA đã ở mức cao hơn cam kết WTO nên việc đánh giá các tác động của việc thực thi các cam kết WTO cũng cần phải tính đến, đề cập đến các cam kết đã mở hơn trong các FTA. Giai đoạn 2013 - 2019 là giai đoạn Việt Nam tham gia tích cực, chủ động vào nhiều các FTA song phương, đa phương, đặc biệt là nhiều các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA nên các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định này đã ở mức xa so với các cam kết nền trong các FTA. Thương mại là yếu tố tác động chủ yếu do các Hiệp định thương mại đem lại, do đó việc mở cửa trong các FTA đã dẫn đến các tác động đan xen giữa các đối tác, nhiều cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do về thuế xuất nhập khẩu đã làm vô hiệu hóa các cam kết với các đối tác không có Hiệp định thương mại tự do trong các FTA.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%