Quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Việt Nam

Quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Việt Nam 08/04/2022 10:38:00 1199

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Việt Nam

08/04/2022 10:38:00

- Đơn vị chủ trì: Văn phòng Bộ

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thành Hưng

- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-57

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, làm tăng thu nhập quốc dân, tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho các tầng lớp dân cư, góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất tinh thần cho người dân... và tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương. Cùng với sự tăng trưởng của du lịch, trong những năm qua, số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của hoạt động kinh doanh lưu trú tăng qua các năm, từ 12.103 tỷ đồng (năm 2016) đã tăng lên 16.405 tỷ đồng (năm 2018), tăng 135,5%. Tuy nhiên số nộp này vẫn chưa tương xứng với mức tăng trưởng của ngành du lịch. Mặt khác, công tác quản lý thu nộp NSNN từ hoạt động lưu trú vẫn còn hạn chế. Quản lý cơ sở kinh doanh lưu trú, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý liên quan trong cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, nghiệp vụ quản lý thu thuế ở các khâu còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến các hành vi trốn thuế còn diễn ra. Từ thực tế này, việc quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh lưu trú đang được Nhà nước nói chung và cơ quan Thuế nói riêng quan tâm và trở thành một nhiệm vụ cấp bách ở Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, việc nghiên cứu đề tài về vấn đề thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, đặc biệt là hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại các cơ sở lưu trú hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở hệ thống lý luận; nghiên cứu, phân tích thực trạng công tác quản lý thu NSNN đối với kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2018; đề tài đề xuất hệ thống các giải pháp quản lý thu NSNN đối với kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Phạm vi nghiên cứu: Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài, đề tài tập trung nghiên cứu, phân tích các mảng hoạt động chính trong quản lý thu của ngành Thuế đối với các khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú thông qua việc thực thi công tác quản lý thu trong giai đoạn 2016 - 2018.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú. Qua đó cho thấy một số loại hình cơ sở lưu trú gồm motel, làng du lịch, lều trại, bungalow và biệt thự, khách sạn. Đối tượng kinh doanh và phục vụ của các cơ sở lưu trú du lịch rất đa dạng về thành phần, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, mục đích chuyến đi, nhu cầu, sở thích, tôn giáo - tín ngưỡng, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng. Đề tài cũng chỉ ra được các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, như điều kiện thị trường, điều kiện kinh tế, chính trị quốc tế và trong nước, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, điều kiện tài nguyên du lịch, các công cụ pháp luật chính trị, môi trường tự nhiên xã hội và mức độ phát triển của nền kinh tế.

Đề tài cũng đã phân tích về xu thế của hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên thế giới, cho thấy số lượng các cơ sở lưu trú du lịch tăng, gắn với hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật; sự thay đổi về cơ cấu giữa các loại hình cơ sở lưu trú và số lượng khách sạn có thứ hạng trung bình tăng; liên kết ngang trong ngành đang tăng lên, cạnh tranh về giá và sự đa dạng, chất lượng dịch vụ giữa các loại hình cơ sở lưu trú du lịch; tìm kiếm và đặt phòng trực tuyến và qua điện thoại tăng nhanh, truyền thông đại chúng làm thay đổi cách kết nối với khách hàng. Qua đó, đề tài đã chỉ ra những thách thức, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Việt Nam trong thời gian tới. Tình hình kinh tế, chính trị, an ninh trên thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hơn nữa, những lợi thế và bảo hộ dần bị loại bỏ sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp du lịch nói chung và cơ sở lưu trú nói riêng. Trong khi đó, chất lượng và phát triển thương hiệu, nguồn nhân lực, quảng bá thông tin... cũng là những vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong công tác quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, đề tài đã tập trung làm rõ các nội hàm về chính sách thuế (Lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu), tổ chức bộ máy quản lý thuế, nghiệp vụ quản lý thuế theo chức năng, đặc trưng và vai trò của của quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú.

(2) Trên cơ sở khái quát tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Việt Nam hiện nay trên các khía cạnh như: Chính sách thuế, tổ chức bộ máy quản lý thuế, nghiệp vụ quản lý thuế theo chức năng, thanh tra và kiểm tra thuế, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm. Từ đó, đề tài cũng chỉ rõ những vấn đề đặt ra trong quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, cụ thể là: Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đặc biệt là pháp luật về thuế của người nộp thuế, nhất là trong điều kiện ngành Thuế áp dụng quản lý thuế theo cơ chế người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế; tăng cường các biện pháp quản lý thuế, đặc biệt là công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế, trụ sở người nộp thuế, tập trung trọng điểm về thanh tra, kiểm tra về doanh thu, thuế nhà thầu; quản lý được cơ sở lưu trú đang hoạt động và hoạt động của các cơ sở lưu trú này, tất cả cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức kinh doanh lưu trú (có thu tiền) đều phải có đầy đủ tư cách pháp nhân (giấy phép, mã số thuế...) và chấp hành đầy đủ các quy định trong hoạt động kinh doanh lưu trú; xây dựng được hệ thống thông tin thống nhất về cơ sở lưu trú, đảm bảo thuận tiện trong việc khai báo của cơ sở cũng như quản trị, khai thác thông tin của các cơ quan hữu quan.

(3) Đề tài đã xác định được các mục tiêu cơ bản trong công tác quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trong thời gian tới. Đó là, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng thông qua việc thực hiện nghiêm pháp luật thuế, thực hiện cải cách hành chính về thuế; tính tự giác trong việc tuân thủ pháp luật cũng như quyền tự chủ của người nộp thuế trong việc tự kê khai, tự tính thuế và tự nộp thuế; tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng trong việc khai báo khách lưu trú, sử dụng hóa đơn chứng từ, kê khai, nộp thuế; trách nhiệm của khách hàng báo cho cơ quan thuế những sai phạm của cơ sở kinh doanh; trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ngành với cơ quan thuế trong việc quản lý thu thuế, phí; thực hiện tốt công tác quản lý thu thuế theo quy định của pháp luật thuế, động viên đầy đủ các khoản thuế nộp vào NSNN, tạo sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế giữa những người nộp thuế trong kinh doanh dịch vụ lưu trú với kinh doanh các lĩnh vực khác; quản lý được người nộp thuế có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, kể cả người nộp thuế chưa có giấy phép; quản lý doanh thu của các cơ sở kinh doanh, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào NSNN. Để đạt được các mục tiêu này, cũng như giải quyết được những vấn đề tồn tại, hạn chế đang đặt ra qua nghiên cứu thực trạng, đề tài đã đề xuất 05 nhóm giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thu NSNN đối với hoạt động kinh doanh lưu trú, bao gồm: (i) Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở lưu trú; (ii) Xây dựng, quản lý thông tin về cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú; (iii) Tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; (iv) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế bằng việc nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế đối với các cơ sở lưu trú; (v) Xây dựng ứng dụng quản lý thông tin lưu trú thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
100%