Mô hình tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành và địa phương

Mô hình tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành và địa phương 01/04/2022 17:44:00 1886

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Mô hình tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành và địa phương

01/04/2022 17:44:00

 

- Đơn vị chủ trì: Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Bích Ngọc

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-29

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần gia tăng năng suất lao động, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Để phát huy vai trò của KH&CN nói chung, trong những năm qua, quy định pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý các nhiệm vụ KH&CN liên tục được đổi mới với sự ra đời của Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 và hệ thống các văn bản dưới Luật. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố đã ban hành Thông tư, Quyết định về Quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và tương đương để áp dụng trong phạm vi, chức năng quản lý của bộ, ngành, địa phương mình.

Theo đó, về mô hình tổ chức cơ quản lý KH&CN cấp Bộ và tương đương hiện nay tồn tại hai mô hình, bao gồm: (i) Mô hình đơn vị hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước (Vụ, Cục thuộc Bộ, Sở KH&CN tại các địa phương); (ii) Mô hình tổ chức KH&CN thuộc Bộ (mô hình Viện).

Về mô hình quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và tương đương, hiện nay được xây dựng trên cơ sở Quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và tương đương, thường bao gồm 3 giai đoạn: (i) Giai đoạn xây dựng danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng; (ii) Giai đoạn tuyển chọn và giao nhiệm vụ KH&CN; (iii) Giai đoạn triển khai thực hiện và đánh giá kết quả nhiệm vụ KH&CN.

Mặc dù các cơ chế chính sách, mô hình tổ chức, quản lý KH&CN tại các bộ, ngành, địa phương đã liên tục được đổi mới, cập nhật theo hệ thống pháp luật hiện hành nhưng vẫn có một số vấn đề đặt ra như: (i) Quy trình, thủ tục tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp; (ii) Đề xuất các nhiệm vụ còn thiếu, các nhiệm vụ có tính liên ngành, liên lĩnh vực để giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, quy mô lớn phục vụ công tác quản lý nhà nước; (iii) Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN còn hạn chế.

Do đó, việc lựa chọn và triển khai thực hiện chương trình nghiên cứu khảo sát “Mô hình tổ chức và quản lý KH&CN ở các bộ, ngành và địa phương” là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức và quản lý KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Nghiên cứu khảo sát về mô hình tổ chức, quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và tương đương tại một số bộ, ngành, địa phương; đánh giá những kết quả đạt được và nhận diện một số mặt hạn chế; trên cơ sở đó, đề xuất khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy chế quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về mô hình tổ chức, quản lý KH&CN cấp Bộ và tương đương.

Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu, khảo sát về mô hình tổ chức, quản lý KH&CN tại một số bộ, ngành (Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…) và địa phương ở khu vực miền Bắc (Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Ninh Bình), miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Sóc Trăng, Cần Thơ).

4. Kết quả nghiên cứu

Đề tài đã làm rõ thực trạng mô hình tổ chức quản lý KH&CN tại các bộ, ngành; Mô hình tổ chức quản lý KH&CN tại một số địa phương; Thực trạng mô hình quản lý KH&CN tại Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, đề tài đã đánh giá ưu điểm và một số vấn đề đặt ra đối với từng mô hình và đưa ra một số khuyến nghị hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý KH&CN cấp Bộ nói chung và mô hình tổ chức, quản lý cấp Bộ của Bộ Tài chính nói riêng. Một số kết quả đạt được cụ thể như sau:

(1) Đề tài đã phân tích làm rõ thực trạng mô hình tổ chức quản lý KH&CN tại các bộ, ngành. Theo đó, có hai mô hình tổ chức đối với cơ quan quản lý KH&CN cấp bộ tại các bộ, ngành bao gồm: (i) Mô hình đơn vị hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN (sau đây gọi là mô hình 1, hay mô hình Vụ, Cục thuộc Bộ, mô hình Sở KH&CN); (ii) Mô hình tổ chức KH&CN thuộc Bộ thực hiện quản lý nhà nước về KH&CN (sau đây gọi là mô hình 2, hay mô hình Viện). Mỗi mô hình có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Mô hình 1 phù hợp với những Bộ, ngành có quy mô chi NSNN cho KH&CN lớn, các nhiệm vụ KH&CN có đặc trưng liên quan đến phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm… Ngược lại, mô hình 2 phù hợp với đơn vị có quy mô chi cho KH&CN hạn chế, các nhiệm vụ KH&CN ít liên quan đến phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm...

Về thực trạng công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ tại các bộ, ngành, có thể thấy các quy định liên quan đến quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ tại các bộ, ngành đã được ban hành khá đầy đủ. Trong giai đoạn tuyển chọn và giao nhiệm vụ: hầu hết các bộ, ngành được nghiên cứu khảo sát đều đã bắt đầu triển khai giao nhiệm vụ theo phương thức tuyển chọn nhiệm vụ, số lượng nhiệm vụ được giao theo phương thức tuyển chọn cũng có xu hướng tăng dần qua các năm.

Các quy định liên quan đến triển khai thực hiện và đánh giá nghiệm thu đã được ban hành đầy đủ, đặc biệt, để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cấp Bộ, các bộ, ngành được nghiên cứu, khảo sát đã áp dụng phương thức nghiệm thu theo hai cấp độ, bao gồm: (i) Nghiệm thu cấp cơ sở; (ii) Nghiệm thu cấp Bộ. Đồng thời, đưa các quy định liên quan đến nghiệm thu cấp cơ sở vào Quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ. Các đơn vị cũng đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao, phổ biến kết quả nghiên cứu, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu quản lý nhiệm vụ KH&CN. Bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề đặt ra như số lượng các nhiệm vụ được giao theo hình thức tuyển chọn còn thấp, chưa gắn được trách nhiệm giữa đơn vị ký hợp đồng và đơn vị thực hiện; công tác chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN còn hạn chế.

(2) Đề tài đã đánh giá thực trạng mô hình tổ chức quản lý KH&CN tại một số địa phương. Qua nghiên cứu, khảo sát mô hình tổ chức cơ quan quản lý KH&CN tại một số địa phương, có thể thấy có một số ưu điểm chính, bao gồm: (i) Cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý KH&CN có xu hướng thu gọn, tinh giản, giảm đầu mối; (ii) Đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hỗ trợ nhà khoa học tham gia nghiên cứu, hiệu quả quản lý được nâng cao. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề đặt ra với mô hình này như phạm vi quản lý của ngành KH&CN khá rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do đó trong xu hướng tinh gọn bộ máy, số lượng biên chế của các Sở KH&CN cũng khá hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý nói chung.

Đối với thực trạng công tác quản lý KH&CN tại các địa phương: Các văn bản quản lý KH&CN của địa phương được cập nhật, sửa đổi kịp thời, do đó việc quản lý nhiệm vụ KH&CN tại các địa phương được thực hiện chặt chẽ, khoa học; Cơ chế đặt hàng, tuyển chọn, khoán kinh phí, hỗ trợ doanh nghiệp… đều đã được hoàn thiện và đi vào vận hành ổn định; Quy trình đề xuất được thực hiện khá chặt chẽ, việc thông báo đề xuất được thực hiện khá sớm, quy trình xác định nhiệm vụ KH&CN đặt hàng cũng khá chặt chẽ; Quy trình tuyển chọn, xét duyệt khá linh hoạt, đảm bảo hiệu quả và đúng tiến độ; Cơ chế tuyển chọn, xét duyệt của nhiều địa phương đã tạo điều kiện huy động hiệu quả các nguồn lực từ ngoài NSNN; Nhiều địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

Tuy nhiên công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tại một số địa phương cũng có một số vấn đề đặt ra như: (i) Chất lượng đề xuất nhiệm vụ, hiệu quả xác định danh mục nhiệm vụ chất lượng chưa cao; (ii) Quy trình giao nhiệm vụ còn mất nhiều thời gian, nhiều tổ chức, cá nhân còn thiếu kinh nghiệm và năng lực trong khâu xây dựng đề xuất, thuyết minh nhiệm vụ, tham gia tuyển chọn nhiệm vụ; (iii) Số lượng các hồ sơ tham gia tuyển chọn còn hạn chế; (iv) Một số thủ tục trong quy trình quản lý KH&CN cấp tỉnh đã được đơn giản hóa nhưng vẫn gây khó khăn cho chủ nhiệm; (v) Việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN cho các đơn vị, đối tượng thụ hưởng tương đối khó khăn; (vi) Chưa thu hút được nhân lực tại chỗ tham gia nghiên cứu khoa học.

(3) Trên cơ sở nghiên cứu khảo sát mô hình tổ chức, quản lý KH&CN tại các bộ, ngành, địa phương và tại Bộ Tài chính, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý cấp Bộ nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Cụ thể là:

Thứ nhất, khuyến nghị chung nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức và quản lý KH&CN cấp Bộ, ngành và tương đương: (i) Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực KH&CN; (ii) Cải tiến cơ chế phân bổ kinh phí để tập trung giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, trọng điểm; đồng thời, xây dựng cơ chế gắn kết giữa kinh phí nghiên cứu với kinh phí ứng dụng, thương mại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, gắn với kết quả đầu ra; (iii) Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm KH&CN cuối cùng thông qua quy trình lựa chọn khách quan, phù hợp với từng loại hình hoạt động KH&CN; (iv) Đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tài chính theo hướng vừa đảm bảo tính chủ động, linh hoạt của các nhà khoa học trong việc thực hiện chi tiêu, đảm bảo hiệu quả vừa đảm bảo khả năng kiểm soát của các nhà quản lý tài chính trong việc đảm bảo rằng các khoản chi là đúng mục đích và tiết kiệm; (v) Đào tạo, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý nhiệm vụ KH&CN cho đội ngũ các nhà khoa học và các cán bộ làm công tác quản lý KH&CN, nhất là ở địa phương. Để tăng cường chất lượng đội ngũ nhà khoa học tham gia nghiên cứu tại địa phương, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần phải chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ và thu hút chuyên gia giỏi về công nghệ cao cho các địa phương.

Thứ hai, khuyến nghị hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính: (i) Trong ngắn hạn và trung hạn, Bộ Tài chính tiếp tục duy trì và kiện toàn mô hình Viện Chiến lược và Chính sách tài chính quản lý nhà nước về KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính; (ii) Nâng cao chất lượng đề xuất và triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính; (iii) Nâng cao hơn nữa vai trò của Thường trực Hội đồng KH&CN ngành Tài chính trong tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính để lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN ngành Tài chính; (iv) Tăng cường triển khai việc giao nhiệm vụ theo phương thức tuyển chọn, kéo dài thời gian thông báo tuyển chọn để thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân hơn; (v) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ đảm bảo quản lý hiệu quả, đúng tiến độ và chất lượng của các nhiệm vụ KH&CN; (vi) Hoàn thiện các quy định liên quan đến quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; (vii) Trong dài hạn, xem xét xây dựng cơ chế linh hoạt cho giai đoạn đánh giá nghiệm thu, góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ của Bộ Tài chính, đồng thời tăng cường ứng dụng, xã hội hóa các kết quả nghiên cứu.

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%