Tác động của FTA thế hệ mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

Tác động của FTA thế hệ mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam 01/04/2022 17:39:00 615

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động của FTA thế hệ mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam

01/04/2022 17:39:00

 

- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và Chính sách hội nhập

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS.Trần Thị Hà

- Năm giao nhiệm vụ: 2020-23

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Hội nhập kinh tế thông qua việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang trở thành xu thế phổ biến. FTA ngày càng trở nên phổ biến bởi những lợi ích kinh tế mà nó mang lại, nhất là trong bối cảnh những thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa làm “hài lòng” các nước về mức độ cam kết, làm cho các nước phải chuyển sang hướng hợp tác song phương và liên kết khu vực nhằm tìm giải pháp thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ. Nếu như các FTA truyền thống trước đây chỉ liên quan đến lĩnh vực hàng hóa đơn thuần thì các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, đòi hỏi mức độ mở cửa sâu rộng hơn trên hầu hết các lĩnh vực trong đó có dịch vụ tài chính - chứng khoán. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc đàm phán và ký kết hàng loạt FTA thế hệ mới với các đối tác lớn trên thế giới. Mục đích ký kết FTA của Việt Nam cũng giống như các nước khác là mong muốn tăng cường xuất khẩu, tạo sức hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường vị thế và gây dựng hình ảnh đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào 16 FTA song phương và đa phương với gần 60 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 14 FTA đã được ký kết và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán được xem là nền tảng giúp Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu. Cùng với cơ hội, các FTA cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ khi quy mô của TTCK Việt Nam nhỏ, phát triển thiếu bền vững. Bên cạnh đó là yêu cầu đối với công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là khả năng giải quyết tranh chấp, vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, đạo đức nghề nghiệp, quản lý/giám sát các luồng đầu tư gián tiếp. Việc đa dạng nhà đầu tư với các nghiệp vụ khác nhau, khối lượng vốn lớn kéo theo những hình thức gian lận trên thị trường. Nếu vấn đề này không kiểm soát tốt, hoặc lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngoại sẽ gây ra bất ổn cho thị trường. Các cam kết trong FTA thế hệ mới tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng gây ra khả năng lũng đoạn hoặc lừa đảo trên thị trường (không chỉ chứng khoán, đặc biệt đối với gọi vốn cộng đồng hoặc cho vay ngang hàng). Do đó, việc xem xét tác động của thực thi các FTA thế hệ mới đối với TTCK cần được nghiên cứu, từ đó đưa ra những khuyến nghị, đề xuất cụ thể để đảm bảo khả năng thực thi cam kết khi các Hiệp định có hiệu lực. Do vậy, việc nghiên cứu chủ đề “Tác động của FTA thế hệ mới đối với thị trường chứng khoán Việt Nam" là rất cần thiết trong thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở đánh giá tác động của các FTA thế hệ mới đến TTCK Việt Nam, đè tài đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội, hạn chế các thách thức từ FTA thế hệ mới cho TTCK Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Các nội dung, cam kết của FTA thế hệ mới (CPTPP và EVFTA) và tác động của việc thực thi các cam kết đó đến TTCK.

Phạm vi nghiên cứu: Tác động đến TTCK Việt Nam thông qua các đặc tính (giá trị vốn hóa, tỷ trọng vốn trong nền kinh tế, số doanh nghiệp niêm yết, số sản phẩm niêm yết, mức độ ổn định và bền vững của TTCK).

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã làm rõ các đặc điểm nổi bật của các FTA thế hệ mới như: (i) Phạm vi cam kết sâu, rộng hơn khi bao gồm các lĩnh vực mới, tiếp cận tới các chính sách môi trường, lao động, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, thương mại điện tử...; (ii) Mức độ tự do hóa, mở cửa thị trường sâu rộng hơn với các tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với các quy định của WTO; (iii) Cam kết về thể chế, pháp luật của các hiệp định yêu cầu được nội luật hóa, gắn với việc cải cách, tái cơ cấu, ứng phó với các biến đổi và thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường; (iv) Lộ trình thực hiện các cam kết trong các FTA thường ngắn; (5) Cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hiệp định FTA rõ ràng, mở rộng và cụ thể. Bên cạnh đó, đề tài đã làm rõ cơ chế tác động của việc thực thi các cam kết FTA thế hệ mới đến TTCK, làm rõ tác động tích cực, tiêu cực của các cam kết chính như: mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, bảo vệ nhà đầu tư… đến các yếu tố của TTCK như số lượng nhà đầu tư, tính minh bạch của TTCK, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu…, qua đó tác động đến hiệu quả hoạt động của TTCK (được thể hiện trên các khía cạnh: giá trị vốn hóa của thị trường, tăng mức độ đóng góp của kênh huy động vốn cho nền kinh tế, tạo sự phát triển ổn định, lâu dài của thị trường…).

(2) Thông qua việc nghiên cứu, phân tích kinh nghiệm các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc trong việc triển khai các hoạt động nhằm tận dụng hiệu quả các FTA, đề tài đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tận dụng các cơ hội từ thương chiến Hoa Kỳ - Trung Quốc, tăng cường kiểm soát hoạt động của các quỹ hỗ trợ trên thị trường.

(3) Đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng TTCK trong giai đoạn 2011 - 2019 (thời điểm trước khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực) dưới góc độ các thành tựu đạt được và những tồn tại, hạn chế với các nội dung như: giá trị vốn hóa của thị trường, mức độ đóng góp vào việc huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, sự ổn định của thị trường...; làm rõ các nội dung của các cam kết EVFTA và CPTPP về dịch vụ tài chính, tập trung các cam kết liên quan đến TTCK. Đồng thời, đề tài cũng đã đánh giá tác động của việc thực thi các cam kết FTA thế hệ mới đến kinh tế - xã hội và trực tiếp đến TTCK trên cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Theo đó, các lợi ích chính từ FTA thế hệ mới bao gồm: cam kết mở cửa thị trường tạo cơ hội tiếp cận tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn; hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo nhiều hướng; cam kết bảo vệ nhà đầu tư trong nước cũng tạo điều kiện cho dòng vốn nội phát triển; góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển bền vững; đảm bảo TTCK phát triển công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả.

(4) Đề tài đã đề xuất 06 nhóm giải pháp nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội, hạn chế các thách thức từ FTA thế hệ mới cho TTCK Việt Nam, bao gồm: (i) Hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống pháp luật liên quan; (ii) Tăng cường năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý; (iii) Tăng cường năng lực giám sát và hợp tác quốc tế nhằm phòng chống, phát hiện và xử lý vi phạm các giao dịch xuyên biên giới; (iv) Nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống nhà cung cấp dịch vụ trên TTCK; (v) Tăng cường hoạt động tuyên truyền về các cam kết FTA đến cộng đồng doanh nghiệp; (vi) Hội nhập thị trường tài chính quốc tế.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%