Nghiên cứu xu hướng phát triển, hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Nghiên cứu xu hướng phát triển, hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam 01/04/2022 17:37:00 2430

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nghiên cứu xu hướng phát triển, hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

01/04/2022 17:37:00

 

- Đơn vị chủ trì: Ban Tài chính quốc tế và chính sách hội nhập

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Thị Quỳnh Hoa

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-22

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và châu Âu sụp đổ vào cuối thế kỷ XX, trật tự thế giới hai cực Yalta và chiến tranh lạnh đã làm thay đổi cục diện thế giới, tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị và kinh tế của nhiều nước. Các nước tư bản chủ nghĩa (trong đó có Hoa Kỳ) tranh thủ phát huy vai trò ảnh hưởng của mình, chi phối kinh tế và chính trị thế giới, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa. Khi đó, toàn cầu hóa kinh tế trở thành sự phát triển tất yếu khách quan, xu hướng bao trùm của sự vận động kinh tế thế giới. Với xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, nhiều hình thức hợp tác kinh tế quốc tế ra đời, phong phú, nổi bật nhất là vai trò của thương mại song phương.

Kinh tế thế giới đang trong thời kỳ có nhiều biến động như vấn đề Brexit, sự sụt giảm kinh tế ở Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị hay dịch bệnh (điển hình là dịch Covid-19) đã làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế tại nhiều nước trên thế giới, buộc các nước phải có những điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế phù hợp, trong đó có Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Hoa Kỳ đã có nhiều thay đổi trong chiến lược phát triển kinh tế, cũng như định hướng hợp tác kinh tế với các nước (như những xung đột thương mại với Trung Quốc, liên minh châu Âu, Mexico…). Ngoài ra, trong năm 2020, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ quyết định những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ nhằm phát triển kinh tế, cũng như chính sách hợp tác kinh tế với các nước. Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, bất kỳ sự thay đổi nào trong chiến lược phát triển và hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu, từ đó tác động đáng kể đến các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu xu hướng phát triển và hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ là cần thiết, từ đó đưa ra khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu xu hướng phát triển và hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2011 - 2020, dự báo giai đoạn tiếp theo, từ đó khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Xu hướng phát triển và hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và chính sách thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát một số vấn đề chung về phát triển kinh tế và hợp tác kinh tế. Theo đó, phát triển kinh tế phải là một quá trình diễn ra đồng thời giữa phát triển lĩnh vực kinh tế và phát triển lĩnh vực xã hội của mỗi quốc gia. Sự phát triển về kinh tế được thể hiện thông qua sự gia tăng tổng mức thu nhập của nền kinh tế, mức gia tăng thu nhập bình quân trên đầu người (sự tăng trưởng kinh tế) và sự biến đổi cơ cấu ngành kinh tế theo xu hướng ngày càng hiện đại. Sự phát triển xã hội thể hiện khả năng mở rộng năng lực phát triển toàn diện cho con người và việc sử dụng năng lực đó để khai thác các cơ hội của cuộc sống. Hợp tác kinh tế được hiểu là một bộ phận cấu thành của hợp tác quốc tế nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết để tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập thương mại và tài chính, thông qua việc thực hiện các hoạt động với mục đích đạt được lợi ích kinh tế gián tiếp trong trung và dài hạn. Trong phát triển kinh tế, các nhân tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế Hoa Kỳ gồm: nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động và quản lý khoa học. Kinh tế Hoa Kỳ ngày càng phát triển với những đặc điểm như: tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người cũng được cải thiện (tăng 35,41% trong giai đoạn 2011 - 2020). Hoa Kỳ tăng cường hợp tác kinh tế với các nước nhằm gia tăng sức mạnh đối với các nước và khu vực.

(2) Đề tài đã phân tích thực trạng phát triển và hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ giai đoạn 2011 - 2020.

(i) Chính sách tài khóa: Giai đoạn 2011 - 2016, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì các chính sách cắt giảm thuế cho toàn dân ngoại trừ những người có thu nhập cao, tăng thuế đối với những thu nhập từ hoạt động đầu tư, nới lỏng tín dụng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và sinh viên. Giai đoạn 2017 - 2020, Hoa Kỳ thực hiện cắt giảm thuế mạnh và đưa hàng triệu hộ gia đình ra khỏi danh sách nộp thuế thu nhập, bãi bỏ hoàn toàn thuế bất động sản.

(ii) Chính sách tiền tệ: Từ cuối năm 2008 đến năm 2015, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) duy trì lãi suất ở mức thấp và bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm 2015, sau đó có xu hướng giảm từ năm 2018.

(iii) Chính sách thương mại: Giai đoạn 2011 - 2016, Hoa Kỳ thực thi quan hệ thương mại bình đẳng, nhưng phải tuân theo các cam kết có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu trong các vấn đề liên quan đến lao động, môi trường, y tế và các tiêu chuẩn an toàn. Giai đoạn 2017 - 2020, Hoa Kỳ tăng cường bảo hộ thương mại, tiến hành xóa bỏ hoặc đàm phán lại các thỏa thuận thương mại bị coi là bất lợi với nước này, tăng cường hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của một số nước gây thâm hụt thương mại lớn cho Hoa Kỳ.

(iv) Chiến lược hợp tác kinh tế: Giai đoạn 2011 - 2016, chủ trương hợp tác và đàm phán thay vì đối đầu; chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề quốc tế và trong thực hiện các vấn đề nhân đạo. Chiến lược hợp tác kinh tế trong giai đoạn này ưu tiên khắc phục những hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính, đẩy mạnh quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế; tiếp tục thúc đẩy hợp tác với châu Âu và chuyển trọng tâm đối ngoại sang châu Á - Thái Bình Dương. Giai đoạn 2017 - 2020, hạn chế sự dàn trải sức mạnh của Hoa Kỳ ở nước ngoài, tập trung xây dựng các liên minh trên “nhân bản và lợi ích” nhằm phục vụ lợi ích cơ bản của quốc gia này với chủ trương “Hoa Kỳ là trên hết”.

(v) Trong quan hệ hợp tác kinh tế với một số nước.

Đối với Trung Quốc: Giai đoạn 2011 - 2016, Trung Quốc là đối tác song phương quan trọng nhất trong chiến lược hợp tác quốc tế của Hoa Kỳ. Giai đoạn 2017 - 2020, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn mới là cạnh tranh chiến lược toàn diện, đối đầu. Đặc biệt, trong năm 2020, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc căng thẳng leo thang trên nhiều lĩnh vực.

Đối với Nga: Trong giai đoạn 2011 - 2020, Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga là vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, hay còn gọi là “hợp tác trong bất đồng”.

Đối với Nhật Bản: Giai đoạn 2011 - 2016, Hoa Kỳ là đồng minh số một và là đối tác quan trọng của Nhật Bản. Chính sách hợp tác của Nhật Bản luôn điều chỉnh phù hợp với chiến lược khu vực của Hoa Kỳ. Giai đoạn 2017 - 2020, Hoa Kỳ và Nhật Bản xác nhận thúc đẩy ngoại giao hợp tác kinh tế, thống nhất tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên nguyên tắc thương mại tự do và công bằng.

(vi) Xu hướng hợp tác: Hoa Kỳ tăng cường hợp tác đa phương với các quốc gia, để từ đó khẳng định lại vị trí siêu cường của mình. Xu hướng phát triển chủ đạo là hòa bình, hợp tác cùng phát triển; tiếp tục theo đuổi chiến lược châu Á - Thái Bình Dương; có thái độ thân thiện, hòa hữu với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, bản chất vẫn là đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và mong muốn xây dựng một trật tự thế giới đơn cực.

(3) Đề tài đã đánh giá tác động của xu hướng phát triển và hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ đến Việt Nam. Sự phát triển kinh tế của Hoa Kỳ tác động tới các nước thông qua các kênh tăng trưởng kinh tế, thị trường tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá. Với vị trí quan trọng của mình, những chính sách thay đổi của Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Về mặt tích cực sẽ góp phần thúc đẩy xuất - nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư; ngươc lại, cũng tạo ra sức ép cho Việt Nam khi phải phải nằm trong thế kẹp giữa các nước lớn Hoa Kỳ - Nhật Bản - Nga. Nếu không xử lý khéo léo, linh hoạt thì trước sự cạnh tranh ngày một tăng giữa các nước trên cơ sở hợp tác thì Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng khi làm “mất lòng” bên kia.

(4) Trên cơ sở phân tích đánh giá mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, phân tích xu hướng hợp tác kinh tế của Hoa Kỳ trong thời gian tới, Đề tài đã đưa ra một số giải pháp cho Việt Nam như sau: (i) Về phát triển kinh tế: Chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng hình thành những ngành xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn quan trọng vào thị trường Hoa Kỳ; hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ; cải thiện cơ chế, chính sách, hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý vĩ của Nhà nước trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ; bổ sung thêm các quy định rõ ràng hơn về quản lý nhập khẩu; quan tâm phát triển và chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất - nhập khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; tăng cường xúc tiến thương mại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ; tăng cường kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp hỗ trợ; (ii) Về hợp tác kinh tế: Tăng cường sức cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam sang các nước; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục củng cố và tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả nguồn vốn ra (vào) Việt Nam; nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng.

 

 

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%