Nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính

Nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính 01/04/2022 17:37:00 407

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính

01/04/2022 17:37:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS.Ngô Anh Phương

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-19

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Dân số tăng gây áp lực lớn lên tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, những thập kỷ gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng thấy về nhu cầu tài nguyên. Việc khai thác và sử dụng đã làm cạn kiệt nguyên liệu thô và tạo ra chất thải trong chuỗi cung ứng sản phẩm có tác động rất lớn đến môi trường và kinh tế - xã hội. Biện pháp để giảm các tác động này là thông qua việc chuyển sang kinh tế tuần hoàn (KTTH). KTTH nhằm mục đích giải quyết các thách thức về tài nguyên, chất thải và khí thải mà xã hội đối mặt bằng cách tạo ra một chuỗi cung ứng sản xuất đến tiêu thụ mà chuỗi này có thể phục hồi, tái tạo và thân thiện với môi trường. KTTH bắt đầu được chú ý nghiên cứu trong một thập kỷ gần đây, là một phạm trù mới nên phần lớn các nghiên cứu trong và ngoài nước về lĩnh vực này trong thời gian qua tập trung vào tìm hiểu bản chất của nền KTTH, đưa ra các khái niệm và cách tiếp cận khác nhau. Các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề nghiên cứu cho thấy, nhiều quốc gia đã chính thức vận dụng KTTH trong quản lý kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu đã chỉ ra xu hướng áp dụng KTTH trên thế giới và phản ánh đặc điểm chung của các chính sách hướng tới KTTH của các quốc gia là tập trung vào ngăn ngừa suy thoái môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thông qua cách biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, đặc biệt là quản lý rác thải rắn.

Tại Việt Nam, thuật ngữ KTTH chưa được chính thức sử dụng trong các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước nhưng nhiều yếu tố của KTTH đã được đề cập như “áp dụng công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng” trong Chỉ thị số 36/CT-TW, “khuyến khích tái chế, sử dụng sản phẩm tái chế” trong Nghị quyết số 41/NQ-CP, ... Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề nghiên cứu cho thấy, (i) KTTH là một lĩnh vực nghiên cứu còn tương đối “non trẻ” với nhiều cách tiếp cận khác nhau, các nguyên tắc và các trường phái tư tưởng khác nhau. Các khái niệm có cách tiếp cận hẹp, ở góc độ vi mô… chưa phù hợp để KTTH trở thành một mô hình kinh tế - xã hội mới. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu lý luận về KTTH vẫn cần được thực hiện; (ii) Các nghiên cứu hiện nay mới tập trung vào định hướng chính sách, chưa khai thác và đưa ra các vấn đề cụ thể hơn về chính sách, như công cụ, nội dung chính sách; (iii) Mặc dù nhiều nghiên cứu đều chỉ ra một trong những rào cản đối với thực hiện KTTH cả cấp vĩ mô và vi mô đều là nguồn tài chính, như Alfonso và cộng sự (2019), Timmermans (2019)… thì vẫn có rất ít nghiên cứu để giải quyết vấn đề này dưới góc độ chính sách. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện đề tài “Nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính” nhằm nhận diện những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính để thúc đẩy KTTH tại Việt Nam là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Trên cơ sở nhận diện những vấn đề chung về KTTH, các vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính, đề tài đề xuất giải pháp chính sách tài chính trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang KTTH.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: KTTH và vai trò chính sách tài chính đối với sự hình thành và phát triển của KTTH.

Phạm vi nghiên cứu: KTTH và chính sách tài chính đối với KTTH ở Việt Nam.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã đã hệ thống hóa lý luận cơ bản về KTTH, tác động của KTTH đến kinh tế, môi trường, xã hội và tài chính; các rào cản và các yếu tố thúc đẩy KTTH. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã hệ thống hóa các vấn cơ bản về chính sách tài chính nhằm thúc đẩy KTTH, xem xét vai trò của chính sách tài chính với KTTH, những yếu tố tác động tới chính sách tài chính khi chuyển đổi sang mô hình KTTH. Trên cơ sở xem xét kinh nghiệm thực tiễn của một số nước về xây dựng và triển khai chính sách tài chính với KTTH, đề tài đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi áp dụng chuyển đổi sang mô hình KTTH.cụ thể là: Nhà nước cần ban hành khung pháp lý rõ ràng, đầy đủ và gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế, trong đó Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và người dân tham gia thực hiện; chuyển đổi sang mô hình KTTH thông qua tăng cường chi tiêu công và tham gia đầu tư vào các lĩnh vực công; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình KTTH; phát triển thị trường tài chính để cung cấp nguồn vốn cho việc chuyển đổi sang mô hình KTTH.

(2) Đề tài đã đánh giá thực trạng KTTH tại Việt Nam và cho thấy, Việt Nam chưa có khái niệm mang tính thống nhất về KTTH và cũng chưa có quy định pháp lý quy định về mô KTTH để áp dụng thống nhất mà chỉ có những mô hình hay phương thức kinh doanh có những khía cạnh mang những biểu hiện của mô hình này. Thêm nữa, KTTH là lĩnh vực mới nên khung pháp lý của KTTH vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, nhất là các chính sách về tài chính mới chủ yếu ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và hướng tới các hoạt động mang tính “xanh”, tuy vậy thuật ngữ KTTH cũng đã được đề cập khá nhiều trong các văn bản pháp luật. Qua xem xét hiện trạng KTTH tại Việt Nam trong những năm gần đây, đề tài chỉ ra một số lĩnh vực đã có sự chuyển hóa, có đặc điểm của KTTH và tập trung ở một số ngành chủ chốt như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và tài nguyên môi trường... Trong đó, ngành nông nghiệp Việt Nam là ngành đi đầu trong việc chuyển đổi sang mô hình KTTH. Kết quả trên là nhờ một phần vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước ban hành khi chuyển sang mô hình KTTH như: ưu đãi về giá (miễn, giảm tiền thuê đất, trợ giá sản phẩm, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, trợ giá sản phẩm...), ưu đãi về thuế, chi tiêu ngân sách nhà nước, phát triển thị trường tài chính (như phát hành trái phiếu xanh, thành lập Quỹ bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, qua phân tích cũng cho thấy, bên cạnh khung pháp lý về KTTH còn chưa có thì: (i) Các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích chuyển đổi sang mô hình KTTH mới chỉ tập trung khuyến khích, chưa có cơ chế rõ ràng, chưa mang tính bao quát chung mà mới chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực bảo vệ môi trường; (ii) Thị trường tài chính Việt Nam ngày càng phát triển nhưng các sản phẩm và dịch vụ hướng tới KTTH vẫn còn ít; (iii) Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về huy động nguồn vốn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn tài trợ và viện trợ xu hướng giảm, huy động nguồn lực tài chính cho nền kinh tế chủ yếu đến từ nguồn tín dụng ngân hàng.

(3) Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới nhận thấy rằng việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế truyền thống, hay còn gọi là kinh tế tuyến tính gây cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng chất thải và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và Việt Nam cũng không nằm ngoài vấn đề trên và phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường. Do đó, KTTH là một giải pháp để thay thế nền kinh tế tuyến tính và được nhiều nước áp dụng trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Trong Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng, Chính phủ đã đề ra 10 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Kinh tế - xã hội, trong đó có phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp số 7 “Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai” có đề cập tới khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Do đó, đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị đối với chính sách tài chính để phát triển KTTH, theo đó Nhà nước cần ban hành khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH; các chính sách ưu đãi về thuế cho phát triển KTTH nhằm khuyến khích các đối tượng tham gia và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình này; đẩy mạnh mua sắm công xanh; thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%