- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Đinh Ngọc Linh
- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2018-18
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Nghiên cứu huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam là cần thiết bởi các lý do: (i) Chủ động phòng chống thiên tai, để giảm thiểu và thích nghi với những tác động của BĐKH đã trở thành một mục tiêu chung của nhiều quốc gia, khu vực đang hướng tới. Trong đó, tài chính cho phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH có vai trò then chốt. Ở Việt Nam, Chính phủ nhận thức rõ về những thách thức phải đối mặt về BĐKH ngày càng tăng và đã ứng phó mạnh mẽ thông qua các chính sách, chương trình hành động, chiến lược quốc gia về BĐKH, tăng trưởng xanh. Tuy đã có những chính sách, kế hoạch và chương trình thích ứng với BĐKH và đã cố gắng tập trung nguồn lực để thực hiện, nhưng nguồn lực nhà nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu; (ii) Cũng tương tự như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam đang gặp phải vấn đề ngân sách còn eo hẹp nhưng nhu cầu chi cho phòng chống thiên tai ứng phó với BĐKH thì ngày một tăng. Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, để thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH từ năm 2015 đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 30 tỷ USD. Cuối năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH đưa ra 07 nhóm nhiệm vụ với 163 nhiệm vụ cụ thể, đồng thời cũng chỉ rõ huy động nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai các hoạt động thích ứng với BĐKH. Thành công của việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế huy động hiệu quả các nguồn lực. Trong số các nguồn lực (tài chính, kỹ thuật và nhân lực), nguồn lực tài chính là quan trọng nhất để thực hiện các hành động thích ứng ở cả cấp quốc gia và địa phương và Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chính trong đảm bảo nguồn lực tài chính. Xuất phát từ thực tiễn đó, huy động nguồn tài chính để ứng phó với BĐKH trở thành vấn đề nghiên cứu cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đặc biệt, nghiên cứu kinh nghiệm các nước về nguồn lực tài chính cho phòng chống thiên tai ứng phó BĐKH càng có ý nghĩa thiết thực. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam” được lựa chọn để nghiên cứu nhằm đề xuất các chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu để đưa ra các khuyến nghị hàm ý chính sách về huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH cho Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH.
Phạm vị nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu về nguồn lực ứng phó với biên đổi khí hậu ở Việt Nam, bao gồm cả các nguồn tài chính của khu vực công và khu vực tư nhân/ngân sách chính phủ và thị trường vốn. Đề tài tham khảo kinh nghiệm của một số nước có điểm tương đồng với Việt Nam về quy mô tài chính, mức độ rủi ro biến đổi khí hậu; quốc gia thành công trong huy động nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu. Thời gian nghiên cứu trong giai đoạn 2021 - 2020, đề xuất các giải pháp ngắn và trung hạn, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH như khái niệm,đặc điểm, phân loại, các yếu tố ảnh hưởng đến huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH. Theo đó, huy động nguồn lực tài chính được hiểu là huy động nguồn lực tài chính thông qua các chính sách, biện pháp và hình thức chuyển tất cả các nguồn tài chính trong nước và quốc tế, của chính phủ và cá nhân dành cho việc ứng phó với BĐKH, từ dạng tiềm năng để hình thành nên quỹ tiền tệ phục vụ cho mục tiêu ứng phó với BĐKH (thích ứng/và giảm nhẹ BĐKH). Nguồn tài chính có thể huy động cho ứng phó với BĐKH khá linh động và phức tạp. Xét theo kênh tiếp cận tài chính BĐKH có thể chia thành kênh quốc tế, kênh trong nước; bao gồm cả các nguồn tài chính của khu vực công và khu vực tư nhân/ngân sách chính phủ và thị trường vốn nhằm thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, với nhiều đối tượng và tổ chức tham gia. Đề tài chỉ ra 06 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực tài chính để ứng phó với BĐKH, bao gồm: (i) Tiềm lực tài chính của Nhà nước; (ii) Hệ thống pháp luật liên quan tới BĐKH; (iii) Hệ thống tài chính quốc gia; (iv) Hiệu quả đầu tư, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính; (v) Nhận thức của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; (vi) Các cam kết quốc tế.
(2) Đề tài nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm của các nước có kinh nghiệm trong huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH, hoặc các nước chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH tương tự như Việt Nam (như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Papua New Guinea, Bangladesh...). Kinh nghiệm các nước được tổng hợp thành nhóm theo các phương thức huy động tài chính. Từ đó đề tài đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng đối với Việt Nam như sau: (i) Nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH phải huy động đồng thời và song song cả trong và ngoài nước. Cần kết hợp linh hoạt trong huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH từ nhiều đối tượng, thành phần tham gia. Mỗi nguồn tài chính đều có ưu điểm và hạn chế riêng, trong đó nhiều nguồn lực thuộc khu vực công, liên quan đến khả năng chi trả, khả năng thanh khoản của chính phủ; (ii) Thiết lập và vận hành các quỹ quốc gia để ứng phó với BĐKH; (iii) Tăng cường tiếp cận và huy động nguồn lực từ các quỹ môi trường và khí hậu đa phương, các đối tác phát triển quốc tế. Việt Nam cần tiếp tục phát huy, mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt là tiếp cận các quỹ GCF, GEF và các đối tác phát triển để huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH; (iv) Đẩy mạnh tham gia cơ chế JCM để huy động sự hỗ trợ của Nhật Bản, xây dựng và áp dụng thuế các-bon và thị trường buôn bán phát thải (ETS) và sự tham gia của doanh nghiệp trong nước; (v) Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong ứng phó với BĐKH; (vi) Tăng cường nâng cao nhận thức, hiểu biết về BĐKH, đẩy mạnh sự tham gia tích cực của cộng đồng.
(3) Đề tài đã phân tích thực trạng huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2020. Hệ thống pháp luật có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển và khả năng huy động nguồn tài chính ứng phó với BĐKH, là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện huy động nguồn tài chính ứng phó với BĐKH. Trong giai đoạn 2012 - 2019, đầu tư từ NSNN cho sự nghiệp BVMT (trong đó có ứng phó với BĐKH) vẫn được bảo đảm bảo không dưới 1% tổng chi NSNN và tăng đều qua các năm. Trong giai đoạn 2012 - 2018, Việt Nam đã huy động được 6.915,47 triệu USD từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ cho các dự án bảo vệ môi trường và BĐKH; riêng Chương trình SP-RCC đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD. Việc huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trong ứng phó với BĐKH cũng đã được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia hoạt động bảo vệ và phát triển rừng và đặc biệt là trong phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua vẫn tồn tại một số vấn đề, như: (i) Nguồn lực nhà nước cho ứng phó với BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu để nâng cao năng lực cả về cơ sở hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực; (ii) Mặc dù việc lồng ghép BĐKH vào các quy hoạch phát triển được thực hiện, song các hành động và kết quả ứng phó còn nhiều hạn chế, do thiếu nguồn lực. Sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong ứng phó với BĐKH chưa chặt chẽ và chưa hiệu quả. Các chiến lược, kế hoạch còn sự chồng chéo, trùng lặp; (iii) Các chính sách về tài chính nhằm huy động nguồn lực cho nâng cao hiệu quả ứng phó BĐKH chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ, nhất là chưa có cơ chế để khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước; (iv) Việc tham gia các cơ chế quốc tế để huy động nguồn lực ứng phó BĐKH như JCM, CDM… còn hạn chế; (v) Nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cho ứng phó với BĐKH khiêm tốn so với nhu cầu thực tế...
(4) Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm các nước và thực trạng Việt Nam, đề tài đưa ra các khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam trong huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030. Các khuyến nghị tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ hỗ trợ của quốc tế; nguồn lực của các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng. Các khuyến nghị được nhóm thành 05 nhóm chính sách: (i) Hoàn thiện hệ thống hướng dẫn lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Tăng cường quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH; (iii) Đẩy mạnh xã hội hóa, các hình thức hợp tác công tư (PPP) để huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho ứng phó với BĐKH; (iv) Thúc đẩy huy động tài chính ứng phó với BĐKH từ quốc tế; (v) Huy động sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân trong các hoạt động ứng phó với BĐKH.