Tiền kỹ thuật số và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính - tiền tệ ở Việt Nam

Tiền kỹ thuật số và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính - tiền tệ ở Việt Nam 01/04/2022 17:36:00 1494

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tiền kỹ thuật số và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính - tiền tệ ở Việt Nam

01/04/2022 17:36:00

 

- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lưu Ánh Nguyệt

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-17

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Tiền kỹ thuật số (KTS), đặc biệt là tiền mã hóa (TMH) và tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC), đang nhận được nhiều sự quan tâm của chính phủ các quốc gia và các nhà hoạch định chính sách. TMH là tiền KTS được tạo ra bởi các thuật toán và được mã hóa dựa trên các phần mềm mã nguồn mở, không yêu cầu sự bảo trợ của chính phủ hoặc các trung gian tài chính. Trong bối cảnh TMH ngày càng trở nên phổ biến và được chấp nhận rộng rãi trên thế giới, các ngân hàng trung ương (NHTW) đã phải cân nhắc đến việc phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia, dựa trên công nghệ mới nhằm đảm bảo và duy trì chức năng và vai trò của NHTW, ngăn chặn các hoạt động phạm pháp, thúc đẩy tài chính toàn diện, tăng hiệu quả của chính sách tiền tệ (CSTT), ổn định tài chính, thúc đẩy sự phát triển công nghệ (Prasad, 2018).

Trong các loại tiền KTS, chỉ có CBDC và TMH được tạo ra với mục đích thực hiện chức năng của tiền pháp định hiện hành. TMH được tạo ra từ ý tưởng về việc thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ, do đó TMH đi kèm với những lo ngại về rửa tiền, tài trợ cho các hoạt động tội phạm, trốn thuế, giảm hiệu quả của các CSTT và tài chính của chính phủ nhằm điều tiết các hoạt động của nền kinh tế. Khi TMH được phát triển như một kênh huy động vốn, các cơ quan quản lý chứng khoán lại đối mặt với các thách thức trong việc đánh giá tính khả thi của các dự án liên quan, tính minh bạch của các thông tin do các nhà phát hành công bố, quản lý và truy tìm dấu vết của các dòng tiền đầu tư… do những đặc tính của công nghệ chuỗi khối (blockchain). Mặc dù TMH đã xuất hiện và phát triển trong hơn một thập kỷ gần đây, nhưng các vấn đề về chính sách, quản lý đối với TMH chỉ mới được chính phủ các quốc gia chú trọng quan tâm trong khoảng năm năm trở lại đây. Trước đó, các cơ quan quản lý tiền tệ và dịch vụ tài chính toàn cầu coi TMH là một lĩnh vực, phạm trù ít có ảnh hưởng tới thị trường tài chính và hệ thống tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các loại TMH và sự phổ biến ngày càng rộng rãi của TMH trên toàn cầu, cũng như những nguy cơ, rủi ro của loại tiền này tới sự ổn định của hệ thống tài chính và sự phát triển của các nền kinh tế đã buộc các cơ quan quản lý tiền tệ và dịch vụ tài chính phải có cơ chế chính sách và quản lý đối với lĩnh vực này.

Hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức quản lý TMH tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ đã bắt đầu thể hiện việc sẽ tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, phản ánh trong Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, Quyết định 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo .

Xuất phát từ những yêu cầu lý luận, thực tiễn và chính sách trên, đề tài “Tiền KTS và những vấn đề đặt ra đối với đối với chính sách tài chính - tiền tệ ở Việt Nam” nghiên cứu những vấn đề cơ bản và kinh nghiệm của các nước về tiền KTS và chính sách quản lý tiền KTS; đánh giá thực trạng và nhận diện những vấn đề đặt ra về chính sách tài chính - tiền tệ ở Việt Nam; từ đó, đề xuất kiến nghị chính sách cho Việt Nam.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu tiền KTS và chỉ ra những vấn đề đối với chính sách tài chính - tiền tệ ở Việt Nam, từ đó đề xuất kiến nghị chính sách cho Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tiền KTS, TMH, CBDC, chính sách tài chính, CSTT.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu các khía cạnh tài chính của TMH và CBDC tại các nước phát triển (Liên minh châu Âu), mới nổi (Trung Quốc), đang phát triển (một số quốc gia ASEAN).

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được những vấn đề cơ bản về tiền KTS. Theo đó, tiền KTS là một loại tiền tệ, tồn tại ở dạng kỹ thuật số hoặc điện tử, không tồn tại ở dạng vật lý, có thể tiếp cận, phân loại thành nhiều loại tiền khác nhau như tiền KTS tập trung, tiền KTS phi tập trung, tiền ảo, TMH, tiền điện tử... Tuy nhiên, trong các loại tiền KTS, chỉ có CBDC và TMH được tạo ra với mục đích thực hiện chức năng của tiền pháp định. Việc sử dụng TMH và CBDC làm tăng hiệu quả thanh toán nhưng cũng kéo theo những vấn đề rủi ro về ổn định hệ thống tài chính, xáo trộn hệ thống NHTM truyền thống, hiệu quả thực thi của chính sách tiền tệ, nguy cơ tăng tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố… Sự tồn tại và phát triển tất yếu của TMH, cũng như những tác động tới kinh tế - tài chính quốc gia buộc chính phủ, các cơ quan quản lý phải có các chính sách, biện pháp quản lý phù hợp đối với phạm trù này. Ngày càng nhiều quốc gia thay đổi quan điểm về TMH và bắt đầu nghiên cứu, phát hành CBDC dựa trên công nghệ sổ cái phân tán.

(2) Đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước và khu vực trên thế giới (Liên minh châu Âu, Trung Quốc, ASEAN). Theo đó, hầu hết các quốc gia đều khẳng định, về mặt pháp lý, TMH không đáp ứng được các tiêu chuẩn để có thể được xem là tiền pháp định. Một số quốc gia cấm toàn bộ TMH và các giao dịch liên quan nhưng một số quốc gia khác công nhận một đặc tính nào đó của TMH và công nhận tính hợp pháp của các giao dịch liên quan. Việc xác định bản chất pháp lý của TMH phải tương thích với những quy định pháp lý hiện có và có sửa đổi cho phù hợp với những đặc tính đặc biệt của TMH. Việc hợp pháp hóa các hoạt động liên quan tới TMH đi kèm với những vấn đề về quản lý kinh tế và các chính sách tài chính - tiền tệ tương ứng. CSTT, chính sách thuế và chính sách phát triển thị trường tài chính là các chính sách tài chính - tiền tệ chủ yếu liên quan tới TMH. Hầu hết các quốc gia có xu hướng sử dụng các chính sách hiện hành để áp dụng đối với các đối tượng mới, dựa trên căn cứ các hoạt động có cùng chức năng, bản chất sẽ được quản lý tương tự như nhau. Đồng thời, việc này cũng cho phép các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách phản ứng nhanh và đồng nhất đối với các hoạt động cùng bản chất. Để quản lý được các giao dịch về TMH, cơ quan quản lý cần nắm được công nghệ, cập nhật liên tục những diễn biến của thị trường TMH.

(3) Đề tài đã phân tích, đánh giá những vấn đề của tiền KTS đặt ra đối với chính sách tài chính - tiền tệ Việt Nam. Theo đó, TMH và các hoạt động liên quan đã sớm xuất hiện tại Việt Nam và ngày càng phổ biến, sôi động, nhận được sự quan tâm nhiều hơn của thị trường. Việc chưa thể kiểm soát quy mô của các hoạt động liên quan tới TMH tại Việt Nam đã gây khó khăn trong việc đánh giá chính xác tác động của loại tiền KTS này tới việc thực thi chính sách tiền tệ, thất thu thuế và các tổn thất khác tới nền kinh tế. Tuy nhiên, các hoạt động biến tướng của kinh doanh TMH đa cấp đã cho thấy những rủi ro tới ổn định hệ thống tài chính, kinh tế - xã hội. Hiện nay, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam còn tồn tại lỗ hổng lớn đối với TMH, do đó chưa thể áp dụng việc đánh thuế đối với TMH, các hoạt động liên quan tới TMH theo chính sách thuế hiện hành. TMH cũng không được coi là chứng khoán theo Luật Chứng khoán để điều chỉnh các hoạt động ICO liên quan đến TMH. Việc không có quy định cụ thể nhằm quản lý các hoạt động liên quan đến TMH nói chung, hoạt động của các sàn giao dịch về TMH nói riêng có thể gây thất thoát một lượng lớn các loại thuế, phí, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể đang thực hiện các hoạt động kinh doanh.

(4) Trên cơ sở phân tích những vấn đề liên quan tiền KTS đặt ra đối với chính sách tài chính - tiền tệ Việt Nam, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách. Theo đó, Việt Nam nên sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới tiền mã hóa, tạo cơ sở cho việc thiết kế và thực thi các chính sách tài chính - tiền tệ đối với đối tượng này. Việc ban hành các biện pháp quản lý TMH và các chính sách liên quan của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng. Chính sách tài chính - tiền tệ đối với TMH nên ban hành theo bản chất, hoàn cảnh của từng loại hoạt động, giao dịch của TMH; đồng thời nên áp dụng theo hướng điều chỉnh các hoạt động có đăng ký, có điều kiện tham gia. Việt Nam nên xem xét việc thu thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan tới TMH; thực hiện các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu và cân nhắc cho phép có kiểm soát các hoạt động ICO; cho phép sự thành lập, hoạt động trong kiểm soát đối với các sàn giao dịch TMH. Đối với đồng CBDC, trong ngắn hạn, Việt Nam chưa phát hành CBDC nhưng nên chủ động nghiên cứu về loại tiền này, cũng như đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động của CBDC của các quốc gia khác tới thương mại, đầu tư, kinh tế Việt Nam để có biện pháp chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng ngành tài chính - ngân hàng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên đưa ra cảnh báo rủi ro và nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMH. Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong quản lý TMH, CBDC và tiền KTS cần được tăng cường. Việt Nam cần tạo dựng môi trường chung khuyến khích sự phát triển của đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính, đặc biệt là các dịch vụ và sản phẩm tài chính trên nền tảng công nghệ blockchain; tăng cường giáo dục tài chính. Việc quản lý TMH tại Việt Nam cần bảo đảm tạo môi trường phù hợp, thuận lợi, minh bạch để thử nghiệm, nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập các tài sản mới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời vẫn có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế tối đa gian lận, lừa đảo, rửa tiền... và đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%