- Đơn vị chủ trì: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Hà Thị Đoan Trang
- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019-16
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Già hóa dân số là quá trình mà tỷ lệ người trưởng thành và người cao tuổi tăng lên trong cơ cấu dân số và tuổi thọ trung bình tăng lên trong khi tỷ suất sinh giảm đi. Thực tế cho thấy, xu hướng già hóa dân số đặt ra sức ép lên hệ thống cơ chế, chính sách dành cho người cao tuổi và ứng phó với xu hướng này, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội. Số người về hưu tăng và thời gian hưởng lương hưu dài hơn đòi hỏi nguồn lực tài chính đủ để đáp ứng hợp lý những nhu cầu thiết yếu cho người cao tuổi cả về cuộc sống vật chất, chăm sóc sức khỏe, tâm lý…. Già hóa dân số cũng tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với thị trường lao động của người cao tuổi. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa đang tăng nhanh. Trong đó, tuổi thọ trung bình là 73,6, liên tục tăng trong 20 năm qua. Dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh, từ 35,9% năm 2009 lên 48,8% năm 2019, do đó Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức già hóa dân số.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới việc thực hiện các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ người cao tuổi từ các chính sách về trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội đến các chính sách an sinh xã hội, tín dụng ưu đãi. Đơn cử như Quyết định số 47/QĐ-BTC ngày 13/9/2006 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng tài chính quỹ chăm sóc người cao tuổi. Trong đó quy định cụ thể về việc sử dụng quỹ cho người cao tuổi. Nghị định số 67/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về cho vay ưu đãi đối với người cao tuổi… Đây là những chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi giúp người cao tuổi có điều kiện sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, các chính sách tài chính của Việt Nam nhằm ứng phó xu hướng già hóa dân số còn khá hạn chế về mức độ hỗ trợ cũng như chiến lược trong dài hạn. Trong khi đó, già hóa dân số là một vấn đề toàn cầu đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, xu hướng già hóa dân số mang tính lâu dài và không thể đảo ngược. Do đó, việc nghiên cứu đề tài: “Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính” là rất cần thiết để đưa ra kiến nghị về chính sách tài chính phù hợp nhằm ứng phó với xu hướng này.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu đề xuất chính sách tài chính đối với vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Xu hướng già hóa dân số và chính sách tài chính đối với vấn đề già hóa dân số.
Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu chính sách tài chính (bao gồm chính sách thuế, chính sách trợ cấp, chính sách tín dụng...) đối với vấn đề già hóa dân số trong giai đoạn 2010 - 2020 ở Việt Nam và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về chính sách tài chính ứng phó với xu hướng già hóa dân số như: khái niệm người cao tuổi, khái niệm dân số già, xu hướng già hóa dân số, tổng tỷ suất sinh, chính sách tài chính ứng phó với xu hướng già hóa dân số, trong đó tập trung vào ba công cụ chính là thuế, trợ cấp và tín dụng. Bên cạnh đó, đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước có xu hướng già hóa nhanh nhất thế giới, những nước có tỷ lệ người già nhiều nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu. Qua đó cho thấy, các nước trong nghiên cứu của đề tài chủ yếu sử dụng công cụ trợ cấp đối với cả xu hướng tăng số người cao tuổi và khuyến kích tăng tỷ suất sinh. Đồng thời áp dụng các chính sách thuế, tín dụng... Già hóa dân số là xu hướng chung trên thế giới và không thể đảo ngược, do xã hội ngày càng phát triển, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ngày càng hoàn thiện, nhu cầu dinh dưỡng ngày càng được đáp ứng đầy đủ và khoa học làm cho tuổi thọ con người ngày càng tăng cao. Trong khi đó tỷ suất sinh ngày càng giảm đi do con người ngày càng chú trọng đến chất lượng cuộc sống, chi phí nuôi dạy con cái ngày càng đắt đỏ, xu hướng hôn nhân đồng giới ngày càng được công nhận tại nhiều quốc gia... Từ đó, đề tài rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc sử dụng các công cụ của chính sách tài chính ứng phó với xu hướng già hóa dân số. Do đó, các chính sách tài chính cần phải kịp thời để vừa đảm bảo cho người cao tuổi có cuộc sống mạnh khỏe, đầy đủ, vừa phải duy trì tỷ suất sinh cần thiết.
(2) Đề tài đã hệ thống hóa các văn bản pháp lý của Việt Nam liên quan đến những chính sách tài chính ứng phó với xu hướng già hóa dân số và đánh giá được thực trạng xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam. Theo đó, hệ thống chính sách nói chung, chính sách tài chính nói riêng, đã có mục tiêu ứng phó với xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam. Cơ cấu dân số Việt Nam đang trong thời kỳ “vàng“ nhưng tốc độ già hóa dân số lại đang tăng nhanh. Việc thực thi các chính sách tài chính ứng phó với xu hướng già hóa dân số vẫn đang được thực hiện, tuy nhiên mức độ bao phủ của các chính sách còn thấp, mức trợ cấp cũng như khả năng hỗ trợ, ưu đãi của các chính sách còn nhiều hạn chế, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như nguồn lực thực thi chính sách còn hạn chế dẫn đến kết quả thực hiện các chính sách còn chưa đạt hiệu quả cao. Xu hướng già hóa dân số có thể mang lại nhiều cơ hội tích cực như: cung cấp nguồn lao động giàu kinh nghiệm; tạo cơ hội phát triển ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, ngành bảo hiểm…; nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lên hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe, thị trường lao động, các chính sách an sinh trợ giúp xã hội và nền kinh tế.
(3) Đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp chính sách tài chính nhằm ứng phó với xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam. Các nhóm giải pháp tập trung vào một số vấn đề trong tâm sau: (i) Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (đầu tư ngân sách nhà nước vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống các bệnh viện lão khoa; hướng dẫn cụ thể về thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; hoàn thiện chính sách tín dụng hỗ trợ các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi); (ii) Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người cao tuổi (vay vốn với lãi suất ưu đãi; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…); (iii) Chế độ hưu trí và bảo hiểm xã hội (tăng mức hưởng trợ cấp xã hội; tăng mức hưởng trợ cấp xã hội); (iv) Tỷ lệ sinh, trong đó có phân biệt các đối tượng khác nhau giữa các địa phương có mức sinh khác nhau…