Phát triển hợp tác xã kiểu mới và những vấn đề đặt ra với chính sách tài chính

Phát triển hợp tác xã kiểu mới và những vấn đề đặt ra với chính sách tài chính 01/04/2022 17:34:00 1512

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát triển hợp tác xã kiểu mới và những vấn đề đặt ra với chính sách tài chính

01/04/2022 17:34:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính doanh nghiệp

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Dương Hoàng Lan Chi

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-13

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Hợp tác xã (HTX), đặc biệt là HTX nông nghiệp là lực lượng có tác động tích cực đối với phát triển nền kinh tế -xã hội của cả nước nói chung cũng như của mỗi địa phương nói riêng. HTX và các thành viên đóng góp cho tăng trưởng kinh tế với qui mô và tỷ trọng có xu hướng tăng; cung ứng hàng hóa tiêu dùng góp phần ổn định giá cả thị trường, là thành tố đóng góp tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị. Luật HTX 2012 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về HTX, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nhờ có Luật HTX, nhiều mô hình HTX kiểu mới đã hình thành, từng bước được củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian qua, HTX được hưởng một số chính sách ưu đãi thuế (như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho hoạt động của HTX trong nhiều lĩnh vực; miễn áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục kê khai thuế và giảm tần suất kê khai thuế với hoạt động liên quan). Đồng thời, các HTX còn được hỗ trợ thông qua chính sách chi ngân sách nhà nước (NSNN) như chi cho hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ và người lao động; chi cho công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ về giống cây trồng vật nuôi, đầu tư phát triển kiết cấu hạ tầng, thành lập chuyển đổi HTX. Chính sách tín dụng như hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vay tín chấp…

Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển HTX kiểu mới song trên thực tế vẫn tồn tại một số vấn đề như: Hoạt động của các HTX còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh; Các chính sách hỗ trợ còn dàn trải chưa tính đến đặc thù của ngành, vùng HTX hoạt động; một số chính sách thiếu tính kịp thời và tính thực tiễn; việc tiếp cận nguồn vốn các Quỹ hỗ trợ phát triển còn nhiều khó khăn; Chính sách tín dụng có nhiều ưu đãi nhưng thủ tục phức tạp; Thủ tục trong quản lý thuế rườm rà và công tác tuyên truyền còn chưa hiệu quả nên chính sách ưu đãi thuế kém hiệu lực. Mức hỗ trợ từ nguồn NSNN còn ở mức thấp, quy mô vốn của quỹ trung ương, địa phương còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của các HTX. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài “Phát triển hợp tác xã kiểu mới và những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính” có tính cấp thiết cả về tính lý luận và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định các vấn đề còn vướng mắc của chính sách tài chính trong phát triển HTX kiểu mới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là phát triển HTX kiểu mới và chính sách tài chính đối với phát triển HTX kiểu mới. Trong đó, phạm vi nghiên cứu tập trung vào chính sách tài chính tập trung vào các chính sách thuế, tín dụng, chi NSNN, đất đai… trong giai đoạn 2013-2020.

4. Kết quả nghiên cứu

(2) Đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận chung về phát triển HTX và về chính sách tài chính đối với phát triển HTX. Đồng thời, đề tài đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước châu Á (như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Isarel …), và châu Âu (Đức, Hà Lan, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ…) trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như: Xác định HTX là mô hình có tiềm năng tăng lợi ích cho các thành viên; Về nguyên tắc hỗ trợ phát triển HTX bao gồm hỗ trợ dựa trên nhu cầu của HTX, hỗ trợ tập trung theo lĩnh vực chủ yếu là nông nghiệp, các HTX cần được đối xử theo luật pháp và thông lệ quốc gia và không kém thuận lợi hơn so với các đối tượng khác; Về nội dung hỗ trợ, phần lớn là miễn thuế, trợ giúp, hỗ trợ tài chính cho HTX (có hoặc không có điều kiện ràng buộc kèm theo), trong đó có thể miễn thuế TNDN đối với doanh thu được thu từ xã viên; Về phương thức hỗ trợ gồm hỗ trợ theo dự án, hỗ trợ gián tiếp thông qua các hỗ trợ chung cho ngành, hỗ trợ thông qua một tổ chức chung chuyên về hỗ trợ HTX, với các chức năng đa dạng; Về mục đích hỗ trợ, tập trung hỗ trợ tài chính cho các HTX mở rộng quy mô, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh; Về quản lý, giám sát, chú trọng đến giám sát nội bộ trong HTX và các hoạt động kiểm toán độc lập đối với HTX để đảm bảo sự công khai, minh bạch.

(2) Đề tài đã làm rõ thực trạng phát triển HTX kiểu mới ở Việt Nam và 05 rào cản trong phát triển HTX kiểu mới ở Việt Nam là: Nhận thức về HTX còn chưa sâu sắc và đầy đủ; Chính sách hỗ trợ dàn trải, chưa đạt hiệu quả như mong đợi; Hiệu quả hoạt động còn thấp nên không thu hút được các xã viên, hộ gia đình tham gia; Thiếu nguồn lực về vốn, đất đai, nhân lực là vấn đề nan giải đối với các HTX; Hoạt động gặp khó khăn về biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…; Chưa có lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp về khoa học công nghệ (KHCN), về chi phí, chất lượng…

(3) Đề tài đã phân tích, làm rõ thực trạng chính sách tài chính đối với phát triển HTX kiểu mới ở Việt Nam (tập trung vào chính sách thuế, chính sách chi NSNN và chính sách tín dụng, chính sách đất đai), những kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra đối với từng nhóm chính sách. Cụ thể: (i) Chính sách thuế, phí vẫn còn phân tán và được lồng ghép theo chính sách cho doanh nghiệp; chưa có chính sách ưu đãi về thuế riêng cho các HTX; một số quy định về thuế vẫn chưa phù hợp với bản chất của HTX như thuế TNDN đối với phần doanh thu thu được của thành viên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của HTX; (ii) Chính sách chi NSNN cho phát triển HTX cho thấy nguồn lực còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; chưa ban hành chính sách riêng hỗ trợ KHCN, xúc tiến thương mại… cho đối tượng đặc thù là các HTX; các địa phương gặp khó khăn trong cân đối ngân sách ; (iii) Chính sách tín dụng, cụ thể quỹ hỗ trợ phát triển HTX có quy mô tương đối nhỏ, thiếu hướng dẫn nên địa phương lúng túng trong việc thành lập và tổ chức vận hành Quỹ; vấn đề từ điều kiện thụ hưởng chính sách mà HTX không đáp ứng được: không đủ tài sản đảm bảo, quy mô vốn nhỏ, hạn chế trong khả năng xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh; thiếu công khai, minh bạch thông tin; thiếu kỹ năng để thực hiện các quy định về quản lý tài chính, kế toán…; (iv) Về chính sách đất đai, các địa phương không còn quỹ đất giao và cho thuê đất, thủ tục hành chính chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn phức tạp và kéo dài.

(4) Đề tài đã đề xuất 05 khuyến nghị nhằm phát triển hợp tác xã kiểu mới trong thời gian tới, cụ thể: (i) Đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thệ (KTTT), HTX và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan; (ii) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách phát triển HTX, theo hướng tạo động lực cho HTX, phù hợp với nhu cầu của HTX; Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về chủ trương, chính sách về HTX, phổ biến pháp luật; (iii) Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về HTX, trong đó chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về HTX; (iv)Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bên liên quan; (v) Xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về KTTT, HTX.

Đồng thời đề tài đưa ra một số khuyến nghị đối với từng nhóm chính sách cụ thể: (i) Chính sách thuế cần tập trung các ưu đãi trong một văn bản chung để dễ dàng tiếp cận, đồng thời đưa HTX vào diện áp dụng kiểm toán như các loại hình kinh tế khác; (ii) Chính sách chi NSNN cần bổ sung nguồn kinh phí thực hiện các chính sách, cân đối và bố trí nguồn lực phù hợp với khả năng của NSNN và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí hỗ trợ vấn đề trọng tâm, trọng điểm (hỗ trợ nhà xưởng, khu chế biến, máy móc, thiết bị), tận dụng các hình thức đa dạng để thu hút nguồn lực, như xã hội hóa, hợp tác theo hình thức đối tac công-tư, đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng KHCN; (iii) Chính sách tín dụng cần tạo điều kiện hơn nữa để HTX tiếp cận được các nguồn vốn thông qua cơ chế linh hoạt về thủ tục vay vốn cho các HTX, cho phép được thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, được phép vay vốn tín chấp, vay theo dự án sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp các gói vay ưu đãi dành riêng, đồng thời bổ sung đủ vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

Ngoài ra, đề tài cũng đề xuất một số khuyến nghị về nâng cao năng lực cho hợp tác xã gồm: Xem xét các chính sách thu hút nhân lực quản lý cho HTX; Tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh; Khuyến khích HTX phát triển trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển và cơ cấu kinh tế của từng địa phương; Khuyến khích HTX chủ động tự đổi mới và ứng dụng KHCN; Đẩy mạnh liên kết dọc giữa các HTX với doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học để tạo chuỗi khép kín và tạo thêm nhiều GTGT, và liên kết ngang giữa các HTX./.

 

 

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%