- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách Tài chính công
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Thúy
- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-11
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đặt mục tiêu: Cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới. Đối với chi NSNN, tỉ lệ chi NSNN giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP. Trong tổng chi NSNN, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25-26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.
Trong lĩnh vực giáo dục, Đảng và Nhà nước đã nhất quán quan điểm xem giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng. Nghị quyết Trung ương 8, (khóa XI) khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”. Trên cơ sở đó, trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục, đào tạo được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ Ngân sách Nhà nước (NSNN). Tỷ lệ chi NSNN cho giáo dục và đào tạo hàng năm của Việt Nam tương đối lớn, xấp xỉ 20% tổng chi NSNN. Ngoài ra, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác như thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số… Với việc chi ngân sách cho giáo dục như trên, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam.Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy, chất lượng giáo dục trong thời gian qua còn hạn chế khi cơ hội tiếp cận giáo dục chưa công bằng giữa các vùng miền, địa phương. Tỷ lệ nhập học ở tất cả các cấp từ cấp tiểu học vẫn có khoảng cách lớn theo địa bàn (đô thị và nông thôn), vùng miền, nhóm thu nhập và nhóm dân tộc.
Hiện nay, đã có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi ngân sách nói chung, tuy nhiên, nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục còn khá ít ỏi. Ngoài ra, việc đánh giá thực trạng còn chưa đầy đủ và thiếu cập nhật về mặt số liệu, còn mang chất định tính, chung chung. Do đó việc nghiên cứu hiệu quả chi thường xuyên NSNN cho lĩnh vực giáo dục ở Việt Namcó ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược tài chính – ngân sách cho giai đoạn tiếp theo.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu chung của Đề tài là nghiên cứu đề xuất giải pháp để tăng cường hiệu quả chi thường xuyên NSNN trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.Để đạt được mục tiêu tổng quát nêu trên, đề tài hướng tới các mục tiêu cụ thể : (i) Nghiên cứu cơ sở lý thuyết về đánh giá hiệu quả chi thường xuyên NSNN cho lĩnh vực giáo dục; (ii) Nghiên cứu các tiêu chí, phương pháp đánh giá hiệu quả chi thường xuyên NSNN cho giáo dục phù hợp với khung phân tích đã xác định; (iii) Áp dụng khung lý thuyết và các tiêu chí để đánh giá thực trạng tính hiệu quả của chi thường xuyên NSNN cho lĩnh vực giáo dục giai đoạn 2011- 2019 của Việt Nam;(vi) Đưa ra đề xuất định hướng, các giải pháp nâng cao hiệu quả chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục phù hợp với các mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hiệu quả chi thường xuyên NSNN cho lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Trong đó, phạm vi nghiên cứu tập trung vào đánh giá hiệu quả chi thường xuyên NSNN trong lĩnh vực giáo dục phổ thông ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019.
(1) Đề tài đã phân tích, tổng hợp nghiên cứu cơ sở lý thuyết về đánh giá hiệu quả chi thường xuyên NSNN cho lĩnh vực giáo dục; các tiêu chí, phương pháp đánh giá hiệu quả chi thường xuyên NSNN cho giáo dục phù hợp với khung phân tích đã xác định.
(2) Đề tài đã phân tích, đánh giá hiệu quả chi thường xuyên NSNN cho lĩnh vực giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019. Về cơ bản, đến nay, nước ta đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Số lượng học sinh tăng nhanh, chất lượng đào tạo có tiến bộ, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Chi NSNN cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi NSNN. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến nhất định. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, cơ bản đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Trong giai đoạn 2011- 2019, chi NSNN cho giáo dục và đào tạo duy trì ở mức 15,6 % chi NSNN giai đoạn 2011-2019 (trong đó, giai đoạn 2011-2015 chiếm 16% chi NSNN). Quy mô chi NSNN luôn tăng về số tuyệt đối. Đồng thời, đánh giá chi tiêu NSNN cho giáo dục so với GDP và chi tiêu chính phủ tại Việt Nam với bình quân OECD và một số các quốc gia trong khu vực cho thấy, Việt Nam có sự ưu tiên đặc biệt chi tiêu cho giáo dục khi mức chi NSNN cho giáo dục và đào tạo so với GDP tương đương các nước OECD, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ.
(3) Đề tài áp dụng khung lý thuyết và các tiêu chí để đánh giá thực trạng tính hiệu quả của chi NSNN cho lĩnh vực giáo dục thông qua chỉ số PISA và chỉ tiêu hoàn thành chương trình giáo dục các cấp. Nghiên cứu sử dụng mô hình DEA đánh giá chất lượng của giáo dục dựa trên nguồn lực của mỗi quốc gia. Chi cho giáo dục của một quốc gia được gọi là hiệu quả nếu quốc gia đó sử dụng mức chi cho giáo dục của quốc gia mình để đạt được kết quả cao hơn. Kết quả từ mô hình DEA hiệu quả định hướng đầu ra thay đổi theo quy mô sử dụng chỉ số PISA cho thấy, hiệu quả trung bình của mẫu gồm 43 nước (phát triển và đang phát triển) là 0,921, là kết quả tương đối cao. Việt Nam là một trong số các quốc gia đạt hiệu quả trong chi ngân sách cho giáo dục để đảm bảo đạt được chất lượng giáo dục cao nhất. Ngoài ra, mô hình DEA sử dụng chỉ tiêu hoàn thành chương trình giáo dục các cấp cho thấy mặc dù Việt Nam không đạt hiệu quả hoàn toàn trong sử dụng nguồn lực để đạt hiệu quả đầu ra theo đường biên hiệu quả chính sách (mức hiệu quả 1), Việt Nam là một trong số những nước có hiệu quả chi cho giáo dục là 97% cao hơn mức bình quân.
(4) Đề tài phân tích những tồn tại, hạn chế trong chi thường xuyên NSNN cho giáo dục, cụ thể: chiến lược đầu tư cho giáo dục chưa được đặt ra đồng thời với chiến lược phát triển hệ thống giáo dục quốc dân; cơ cấu chi chưa thực sự phù hợp; cơ chế tự chủ tài chính cho giáo dục còn nhiều bất hợp lý; việc ban hành chính sách còn chồng chéo, một số chế độ, tiêu chuẩn cho giáo dục không còn phù hợp, bộc lộ những hạn chế nhất định và lãng phí trong giáo dục.
(5) Đề tài đã đưa ra đề xuất định hướng, các giải pháp nâng cao hiệu quả chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục phù hợp với các mục tiêu kinh tế - xã hội của Việt Nam, cụ thể: (i) Đảm bảo nguồn lực tài chính cho lĩnh vực giáo dục đào tạo; (ii) Điều chỉnh cơ cấu chi NSNN đảm bảo tính phù hợp; (iii) hoàn thiện hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho giáo dục; (iv) Việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo sử dụng ngân sách là một bước đi quan trọng trong quản lý hoạt động chi ngân sách; (v) Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; (vi) thực hiện chính sách chi tiêu chính phủ để đảm bảo dịch vụ giáo dục cơ bản cho mọi người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số…; (vii) Từng bước nâng cao hiệu quả quản lý NSNN cho giáo dục, đào tạo, tránh lãng phí trong giáo dục.