Tác động của chính sách tiền tệ đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam

Tác động của chính sách tiền tệ đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam 01/04/2022 17:29:00 9388

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tác động của chính sách tiền tệ đến sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam

01/04/2022 17:29:00

 

- Đơn vị chủ trì: Ban Phát triển thị trường tài chính

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Vương Duy Lâm

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-10

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Trong nền kinh tế hiện nay, hầu hết các cá nhân đều có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường chứng khoán (TTCK). Để quyết định nên mua hay bán cổ phiếu nào, nhà đầu tư cần ước lượng tỷ suất sinh lời kỳ vọng, cũng như rủi ro khi đầu tư vào từng cổ phiếu. Trong khi đó, các công ty khi huy động vốn từ việc bán cổ phiếu ra công chúng cũng cần quyết định nên bán ở mức giá nào và bán lượng cổ phiếu bao nhiêu. Các nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ cơ chế tác động của thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đến TTCK, từ đó kết hợp mục tiêu ổn định TTCK với mục tiêu hiện tại. Nghiên cứu của Bernanke và Gertler (2000) cho thấy, các nhà hoạch định CSTT nên duy trì sự ổn định của mức giá cả hàng hóa trong nền kinh tế để tránh tác động mạnh đến giá cổ phiếu trên TTCK. TTCK Việt Nam đã trải qua gần 2 thập kỷ hình thành và phát triển với những bước tiến vượt bậc về mọi mặt. Từ một trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 cổ phiếu niêm yết, hiện nay đã có hai sở giao dịch chứng khoán với gần 750 cổ phiếu niêm yết, trên sàn Upcom là 872 loại cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường từ 986 tỷ đồng năm 2000 (0,01% GDP) đã tăng lên khoảng 100% GDP tính đến cuối năm 2019. TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn và kênh đầu tư thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua, có những thời điểm TTCK tăng trưởng quá nóng (điển hình là năm 2006 - 2007), nhưng lại có thời điểm giảm rất sâu (năm 2008 - 2009; 2011 - 2012) ảnh hưởng không nhỏ đến các thành viên tham gia thị trường. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu Tác động của CSTT đến sự phát triển của TTCK Việt Nam nhằm nhận diện những vấn đề đặt ra đối với chính sách để thúc đẩy sự phát triển của TTCK tại Việt Nam là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài đánh giá tác động của việc thay đổi CSTT lên TTCK, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách hướng tới phát triển bền vững TTCK Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tác động của chính sách tiền tệ đến sự phát triển của TTCK.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung đánh giá sự tương quan giữa CSTT và TTCK Việt Nam. Các biến được đưa ra đánh giá của CSTT là lãi suất, giá dầu, lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), các chỉ số lạm phát và sản xuất. Biến đại diện cho TTCK là chỉ số VN-Index.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Từ tổng quan các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cho thấy, nghiên cứu về tác động của các nhân tố vĩ mô nói chung và CSTT nói riêng tác động đến TTCK được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Các nghiên cứu trên thế giới được thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ 20 đến nay đã thay đổi nhiều về nội dung và phương pháp nghiên cứu, với nhiều góc độ khác nhau tại nhiều quốc gia. Trong khi đó, tại Việt Nam, các nghiên cứu về vấn đề này mới chỉ được thực hiện trong khoảng 5 năm gần đây, chủ yếu theo hướng tiếp cận đánh giá tác động của các biến số vĩ mô đến TTCK mà chưa có nghiên cứu chuyên sâu về tác động của CSTT đến sự phát triển của TTCK.

(2) Từ cơ sở lý thuyết và hệ thống hóa các hướng tiếp cận liên quan đến đề tài, đề tài đã chọn được phương pháp nghiên cứu phù hợp với thực tế tại Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu đã đưa ra. Mô hình được sử dụng để đánh giá tác động của CSTT đến giá cổ phiếu là tự hồi quy vector cấu trúc (SVAR) và mô hình được sử dụng để đánh giá tác động của CSTT đến thanh khoản TTCK là tự hồi quy vector dạng rút gọn (VAR). Các biến số được sử dụng trong mô hình SVAR được chia thành 3 nhóm: Nhóm biến CSTT (cung tiền và lãi suất liên ngân hàng); nhóm biến kinh tế vĩ mô (tăng trưởng sản lượng, lạm phát; biến đại diện giá cổ phiếu trên TTCK. Các biến số được sử dụng trong mô hình VAR gồm: nhóm biến CSTT, nhóm biến kinh tế vĩ mô. Các giả thuyết được đặt ra dựa trên cơ sở lý thuyết được trình bày ở chương 1 và các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới. Với dữ liệu nghiên cứu được lấy từ các nguồn đáng tin cậy như Thống kê Tài chính Quốc tế (IFS), ARIC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh… Các mô hình được ước lượng bằng phần mềm Eviews 8.0 và được thực hiện các kiểm định nhằm đảm bảo tính ổn định, tin cậy trước khi sử dụng để phân tích.

(3) Từ thực tế điều hành CSTT, diễn biến của TTCK Việt Nam và kết quả của mô hình nghiên cứu cho thấy, giá cổ phiếu và thanh khoản TTCK thực sự chịu tác động từ điều hành CSTT của NHNN, trong đó, biến số cung tiền và lãi suất có ảnh hưởng rõ rệt lên VNI. Qua đó, chứng minh rằng CSTT là một trong các chính sách kinh tế vĩ mô, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết cung tiền nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, kiểm soát lạm phát, ổn định hệ thống tài chính, ổn định lãi suất và ổn định tỷ giá. Với mục tiêu nghiên cứu là đánh giá mức độ, chiều hướng tác động của CSTT đến giá cổ phiếu và thanh khoản TTCK Việt Nam, đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng, hồi quy các biến số với mô hình SVAR và VAR. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc mở rộng hoặc thắt chặt CSTT bằng cách tăng hoặc giảm cung tiền có tác động cùng chiều với giá cổ phiếu, cũng như thanh khoản TTCK Việt Nam. Ngược lại, các nhà hoạch định CSTT cũng có những phản ứng nhất định khi có sự thay đổi về giá cổ phiếu, cũng như thanh khoản của TTCK. Từ kết quả nghiên cứu kết hợp với phân tích thực tế điều hành CSTT và quá trình phát triển của TTCK Việt Nam, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách giúp sử dụng CSTT hiệu quả nhằm hỗ trợ sự phát triển của thị trường.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%