- Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính công
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thị Lê Thu
- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020 – 07
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là “Xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính”.
Cùng với việc thực hiện các mục tiêu khác, việc thực hiện mục tiêu “đảm bảo giữ vững an ninh tài chính” là một trọng tâm xuyên suốt trong xây dựng và điều hành chính sách của Quốc hội, Chính phủ.
Thực hiện các chủ trương, định hướng nêu trên, cơ cấu thu NSNN đã chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng bền vững hơn. Thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN, cơ cấu thu NSNN trong tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) cũng có chuyển biến tích cực, phù hợp với mục tiêu định hướng sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Trong cơ cấu thu thuế thì nguồn thu từ các loại thuế gián thu ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong huy động nguồn lực cho NSNN, các khoản thuế trực thu chiếm tỷ trọng ít hơn do trong thời gian vừa qua áp dụng các chính sách về thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn. Đối với chi NSNN, mặc dù quy mô chi NSNN ngày càng tăng nhưng tỷ trọng chi NSNN so GDP có xu hướng giảm, cơ cấu chi NSNN cũng đã được điều chỉnh một cách linh hoạt để phù hợp với điều kiện và tình hình của đất nước trong từng giai đoạn. Nhờ thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu, bội chi NSNN và nợ công đã từng bước được kiềm chế. Đồng thời, danh mục nợ công được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài, đảm bảo khả năng trả nợ với chi phí và mức độ rủi ro hợp lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thời gian qua nền tài chính công cũng đối mặt với một số thách thức, rủi ro nhất định: (i) Quy mô thu ngân sách so với GDP giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý; (ii) Nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, đặc biệt trong tương lai khi Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa dân số; tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN vẫn ở mức cao; (iii) Nợ công tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.
Như vậy, với những rủi ro an ninh an toàn tài chính công đã nêu trên thì việc nghiên cứu, đánh giá an ninh tài chính công giai đoạn 2011-2020 nhằm đưa ra những giải pháp tăng cương an ninh tài chính công cho giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết..
2. Mục tiêu nghiên cứu:
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm đánh giá an ninh tài chính công ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để tăng cường an ninh tài chính công ở Việt Nam trong giai đoạn tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là an ninh tài chính công và các giải pháp tăng cường an ninh tài chính công.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài an ninh tài chính công của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021-2030.
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã đánh giá thực trạng an ninh tài chính công ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2020, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động bất lợi cả từ bên trong và bên ngoài, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, các cân đối vĩ mô trong một số thời điểm chưa ổn định. Cùng với đó, nền tài chính công của Việt Nam cũng phải chịu nhiều cú sốc, ảnh hưởng đến tính an toàn, an ninh tài chính công. Thâm hụt ngân sách có lúc tăng cao, lên tới trên 6% GDP, nợ công tiệm cận ngưỡng Quốc hội cho phép (gần 64% GDP). Trước bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt, quyết liệt nhằm cơ cấu lại thu - chi ngân sách và nợ công, giảm dần bội chi NSNN, đưa bội chi ngân sách và nợ công quay trở lại quỹ đạo an toàn. Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù trong một số năm (2013-2016) các chỉ số tài chính công (thâm hụt ngân sách, nợ công) ở mức cao do nền kinh tế chịu tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng nhờ thực hiện các biện pháp củng cố tài khóa, cơ cấu lại thu - chi ngân sách và nợ công cùng với các giải pháp về kinh tế vĩ mô và phòng, chống dịch hiệu quả, đến cuối năm 2020, nền tài chính công Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19: thâm hụt ngân sách giảm từ mức 6,6% GDP năm 2013 xuống còn 3,93 GDP năm 2020, nợ công giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,8% GDP, nằm trong phạm vi cho phép của Quốc hội. Vị thế tài khóa của Chính phủ được cải thiện, dư địa tài khóa được mở rộng, tạo điều kiện để Việt Nam có không gian chính sách tài khóa ứng phó với những biến động kinh tế vĩ mô có thể xảy ra
(2) Trên cơ sở đánh giá thực trạng, đề tài cũng phân tích được một số hạn chế, khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tài chính công tại Việt Nam trong thời gian tới: (i) Thu NSNN chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu thuế chưa có sự cân đối hợp lý giữa các khoản thuế trực thu và thuế gián thu. (ii) Dư địa tăng thu NSNN ngày càng hạn chế, số vượt thu ngân sách những năm gần đây chủ yếu là các khoản thu thuộc nguồn thu NSĐP (các khoản thu nhà, đất tăng) trong khi NSTW gặp khó khăn, giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 56% tổng thu NSNN; (iii) Thu NSĐP cao nhưng chủ yếu là thu từ đất đai như thu tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước… là những khoản thu không bền vững; (iv) Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thu NSNN giảm mạnh so với dự kiến và dự báo sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến cân đối ngân sách trong một số năm tới; (v) Hiệu quả chi NSNN vẫn còn hạn chế, áp lực chi NSNN cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội vẫn còn rất lớn, trong khi dư địa tăng thu hạn hẹp gây áp lực lên cân đối NSNN. Hiệu quả chi đầu tư còn thấp, phân bổ còn dàn trải, giao vốn và giải ngân chậm; cơ cấu vốn đầu tư còn bất cập. Việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho việc đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn thấp, trong khi NSNN ngày càng hạn hẹp về quy mô, phạm vi chi; (vi) Cơ cấu nợ công chưa thật sự bền vững, danh mục nợ chính phủ vẫn tiềm ẩn rủi ro, áp lực trả nợ lớn.
(3) Với những khó khan, thách thức trong thời gian tới, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thu, quản lý chi tiêu và nợ công nhằm đảm bảo nền tài chính công bền vững, an toàn trong dài hạn, đồng thời hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, bao gồm: (i) Về thu ngân sách, hoàn thiện hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại thu NSNN, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý của NSNN. Mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, chống thất thu và nợ đọng thuế. Nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính công. Thực hiện đơn giản hóa hệ thống chính sách ưu đãi thuế. Củng cố mức độ tự chủ tài khóa của chính quyền địa phương bằng cách nghiên cứu ban hành một sắc thuế thống nhất về tài sản. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ tài sản công, đất đai, tài nguyên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu NSNN; (ii) Về chi ngân sách, đổi mới, xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý NSNN nhằm tăng cường hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực NSNN với quá trình tái cơ cấu kinh tế. Đổi mới phân cấp quản lý NSNN, nhiệm vụ chi nhằm mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Xây dựng hệ thống các tiêu chí xác định các ưu tiên ngân sách cũng như xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả chi ngân sách. Nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với thúc đẩy kêu gọi hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP), thu hút sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội; (iii) Về bội chi ngân sách và nợ công, thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi NSNN chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; cải thiện cân đối NSNN, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Tiếp tục cơ cấu nợ theo hướng bền vững. Việc xây dựng, điều hành thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công cần đảm bảo dư địa dự phòng rủi ro cho các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn có thể phát sinh. Kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.