Chống tham nhũng: Những nghiên cứu từ thế giới đến Việt Nam

Chống tham nhũng: Những nghiên cứu từ thế giới đến Việt Nam 01/04/2022 17:21:00 2848

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chống tham nhũng: Những nghiên cứu từ thế giới đến Việt Nam

01/04/2022 17:21:00

- Đơn vị chủ trì: Văn phòng

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Lê Thị Thanh Huyền

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-03

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Tham nhũng là một vấn nạn của xã hội xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, tồn tại ở mọi quốc gia bất kể chế độ chính trị - xã hội hay trình độ phát triển. Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi. Trong đó có thể kể đến một số kiểu tham nhũng phổ biến như: tham nhũng chính trị; tham nhũng hành chính và tham nhũng kinh tế. Trong đó tham nhũng kinh tế là dạng tham nhũng xảy ra trong hoạt động quản lý kinh tế như sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, mua sắm tài sản công, quản lý tài sản, được thực hiện bởi những người có thẩm quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế, những người có thẩm quyền trong doanh nghiệp nhà nước. Các biểu hiện của tham nhũng kinh tế gồm: chiếm đoạt trái phép các tài sản của nhà nước, công dân nhằm trục lợi cá nhân; ra các quyết định kinh tế trái pháp luật hoặc thiên vị nhằm trục lợi cá nhân; lợi dụng sơ hở của pháp luật hoặc vi phạm pháp luật để tiến hành sản xuất, kinh doanh, trục lợi, gây thiệt hại cho xã hội... Chính vì xuất phát từ những đối tượng có chức vụ, quyền hạn nên hậu quả tham nhũng để lại vô cùng nghiêm trọng, không chỉ là những tổn thất lớn về mặt kinh tế, sự xuống cấp về chất lượng bộ quản quản lý vận hành mà còn ảnh hướng tới niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và hình ảnh của quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Với sự quan tâm, sát sao chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự chung tay đồng lòng của cả hệ thống chính trị, những năm vừa qua công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã liên tục được quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả đáng kể. Từ năm 2017 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về PCTN đã được ban hành như: Luật PCTN có hiệu lực từ ngày 01/7/2019; Luật Tố cáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2019; ngoài ra còn có các nghị định hướng dẫn, quyết định, chỉ thị… đã góp phần đáng kể vào công tác PCTN ở Việt Nam. Không chỉ có những chuyển biến tích cực về khung pháp lý, các cuộc điều tra từ năm 2017 đã đưa ra ánh sáng một số lượng lớn chưa từng có các vụ tham nhũng quy mô lớn.

Trên thực tế, các hành vi tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn bởi những đối tượng thực hiện là những người có quyền hành, hiểu biết cặn kẽ về luật và luôn tìm cách lợi dụng lỗ hổng trong quy định. Những năm gầy đây, có rất nhiều vụ đại án về kinh tế đã được đưa ra xét xử liên quan tới các lĩnh vực như ngân hàng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đất công sản. Khía cạnh tài chính có nhiều sự liên hệ tới các vụ đại án này, vì vậy cần có những đánh giá, nhìn nhận về công tác PCTN từ góc độ tài chính, từ đó rút ra những giải pháp hoàn thiện là vô cùng cấp thiết. Việc nghiên cứu thực chất của tham nhũng, các hình thức tham nhũng, nguyên nhân của tham nhũng cũng như nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới về chống tham nhũng, nhận định thực trạng tham nhũng và chống tham nhũng của Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đề ra các biện pháp chống tham nhũng ở Việt Nam trong thời gian tới. Do đó đề tài “Chống tham nhũng: Những nghiên cứu từ thế giới đến Việt Nam” có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn trong thời điểm hiện nay.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu về PCTN của các nước trên thế giới và Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp PCTN của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Tham nhũng và PCTN.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung vào nghiên cứu thực trạng tham nhũng và PCTN của các nước và Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020 và các giải pháp áp dụng cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về tham nhũng và PCTN trên nhiều khía cạnh (khái niệm tham nhũng; đặc điểm của tham nhũng; phân loại tham nhũng bao gồm tham nhũng vật chất và tham nhũng. Đề tài cũng chỉ rõ nguyên nhân của tham nhũng là do sự phát triển của các hình thái nhà nước; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém; trình độ dân trí thấp, ý thức pháp luật của người dân chưa cao...

(2) Đề tài đã phân tích được kinh nghiệm về PCTN của một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Argentina, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Thụy Sỹ... Từ đó, đề tài đã rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, cụ thể là: (i) Trong đấu tranh chống tham nhũng cần phải đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa. Chống tham nhũng là việc phát hiện và trừng trị những đối tượng lợi vụ chức vụ quyền hạn để tư lợi cá nhân gây thiệt hại cho quốc gia; (ii) Các quy định cần được hoàn thiện để kiểm soát quyền lực của người cán bộ hiệu quả, làm cho cán bộ không có cơ hội để tham nhũng. Nếu các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người cán bộ tại mỗi vị trí được rà soát, thắt chặt một cách hợp lý sẽ có thể hạn chế, loại bỏ các tình huống khiến người cán bộ có cơ hội để thực hiện hành vi tham nhũng; (iii) Công tác xử lý tham nhũng cần được thực hiện một cách triệt để, tận gốc, không được tồn tại vùng cấm và biện pháp trừng trị phải đủ sức răn đe; (iv) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng để tăng cường hiệu quả công tác thực thi phán quyết đối với tội phạm tham nhũng; (v) Cần không ngừng hoàn thiện khung pháp lý về chống tham nhũng; (vi) Cung cấp vị thế độc lập và quyền lực đủ mạnh để giúp cơ quan chịu trách nhiệm phòng chống tham nhũng có thể hoạt động hiệu quả; (vii) Thực hiện tốt nguyên tắc công khai minh bạch; (viii) Thực hiện cơ chế giám sát dư luận xã hội và giám sát của công chúng có hiệu quả. Phát huy vai trò báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng...

(3) Đề tài đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng tham nhũng của Việt Nam. Trong những năm gần đây, chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam đã được cải thiện theo đánh giá xếp loại của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI). Cụ thể, CPI của Việt Nam đã tăng từ 33/100 điểm năm 2016 lên 37/100 điểm năm 2019. Nhiều kết quả tích cực đã đạt được như: (i) Công tác PCTN đã đạt được các bước tiến đáng kể, được xã hội cũng như các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao; (ii) Kết quả PCTN góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước; (iii) Hiệu quả của việc chỉ đạo, phát hiện xử lý tham nhũng được cải thiện; (iv) Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”... Tuy nhiên, công tác PCTN ở Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: (i) Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; tính công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho"; (ii) Một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN; (iii) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa đúng mức; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN; (iv) Các biện pháp PCTN hiệu quả chưa cao; (v) Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp còn yếu...

(4) Trên cơ sở phân tích bối cảnh kinh tế - xã hội và dự báo tác động đến công tác PCTN và quan điểm, chủ trương, định hướng thực hiện PCTN, đề tài đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả PCTN ở Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó bao gồm: (i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục đạo đức lối sống, tư tưởng, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về đấu tranh PCTN; (ii) Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tạo tính thống nhất, đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nhất quá các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; (iii) Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTN. Trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí cần được quy định rõ và người tích cực đấu tranh PCTN cần được bảo vệ; (iv) Công khai, minh bạch mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; nâng cao trách nhiệm giải trình; (v) Việt Nam cần xây dựng, ban hành và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; đổi mới phương thức thanh toán, trả lương và các khoản thu nhập qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ cần được hoàn thiện để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và lợi ích thiết thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh chi NSNN cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin; nâng cao hiệu quả PCTN, lãng phí trong mua sắm công; nâng cao vai trò của kế toán trong PCTN; áp dụng có hiệu quả các chuẩn mực nghề nghiệp kế toán; tăng cường nhận thức về vai trò và đạo đức nghề nghiệp của kế toán viên; nâng cao vai trò của kiểm toán trong PCTN... (vi) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát, cơ chế pháp lý về trách nhiệm, thẩm quyền của ủy ban kiểm tra. Việc nghiên cứu thành lập Cục PCTN trực thuộc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Phòng PCTN trực thuộc Ban Kiểm tra - Thanh tra cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có chức năng PCTN theo thẩm quyền là cần thiết. Không những vậy, những nội dung về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc giám sát và kiểm soát quyền lực cần được luật hóa. Đồng thời, cần tổ chức tốt việc thu thập thông tin và giải quyết đơn thư tố cáo tham nhũng của cán bộ, đảng viên và quần chúng để phát hiện vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, giám sát chéo trong cùng cấp cần được tăng cường; (vii) Các vụ án tham nhũng cần được xử lý nghiêm minh, cũng như nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%