- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo
- Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thị Hải Thu
- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-01
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Tích lũy, tiêu dùng là những phạm trù quan trọng trong nền kinh tế. Để nền kinh tế tăng trưởng trong dài hạn cần phải tích lũy hay tiết kiệm một phần thu nhập của ngày hôm nay để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang bị máy móc thiết bị, đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục, y tế. Tuy nhiên, việc tiết kiệm một phần thu nhập để tăng tích lũy đồng nghĩa với việc giảm tiêu dùng tương ứng với tích lũy, tiêu dùng giảm trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng và quy mô kinh tế. Chính vì vậy, việc xử lý mối quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng - đầu tư luôn là bài toán cần được giải quyết đối với mọi nền kinh tế. Ở Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2020, nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong nửa đầu giai đoạn, kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng kéo dài của các cuộc khủng hoảng làm những điểm yếu của nền kinh tế từ trước tới nay bộc lộ rõ, kinh tế phát triển chậm trong khi đó nước ta vẫn đang trong quá trình phát triển đòi hỏi tỷ lệ tích lũy cao để có thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Việc xử lý mối quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng, tiết kiệm - đầu tư có nhiều thách thức hơn bao giờ hết, ngành Tài chính đã xử lý một cách linh hoạt mối quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng và tiết kiệm - đầu tư vừa bảo đảm hỗ trợ phát triển kinh tế trước mắt vừa tăng tỷ lệ tích lũy để đầu tư cho tương lai.
Ngoài ra, quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ của Chiến lược Tài chính: “Tiếp tục xử lý tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; có chính sách khuyến khích tăng tích lũy cho đầu tư phát triển, hướng dẫn tiêu dùng; thu hút hợp lý các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng”. Như vậy, thực trạng mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng trong giai đoạn vừa qua là một nội dung quan trọng cần được đánh giá của Chiến lược Tài chính.
Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tiêu dùng thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cầu, tiếp đó là tích lũy tài sản. Tuy nhiên, việc tích lũy tài sản trong giai đoạn 2011 - 2020 liên tục có xu hướng giảm, tăng trưởng được duy trì nhờ vào tiêu dùng cuối cùng. Trong ngắn hạn, việc điều tiết tăng tổng cầu tiêu dùng để bù đắp thiếu hụt hoặc sự kém hiệu quả của đầu tư có thể đảm bảo duy trì được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng này là không bền vững trong dài hạn. Ngoài ra, hiệu quả của các mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và tiêu dùng sẽ yếu dần. Một nền kinh tế có sức chống chịu lại các cú sốc và năng động hơn khi học được cách quản lý tài nguyên hiệu quả hơn thay vì chỉ tích lũy vốn theo thời gian. Việc điều tiết mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu trong ngắn hạn và tích lũy vốn cho tăng trưởng trong trung và dài hạn. Trong khi đó, các phân tích về mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng của Việt Nam rất hạn chế. Bởi vậy, đề tài “Phân tích đánh giá mối quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” là nghiên cứu có tính khoa học và thực tiễn cao.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài đánh giá thực trạng mối quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng ở Việt Nam; trên cơ sở đó, đề xuất một số hàm ý chính sách trong giai đoạn tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng.
Phạm vi nghiên cứu:Quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng ở Việt Nam trong giai đoạn 2011 2020..
4. Kết quả nghiên cứu
(1) Đề tài đã làm rõ được các vấn đề lý thuyết về tích lũy - tiêu dùng, quan hệ tích lũy - tiêu dùng, các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ tích lũy - tiêu dùng, từ đó làm rõ những vấn đề lý luận về các vấn đề chính sách đặt ra khi nền kinh tế đạt trạng thái dừng. Theo đó, để duy trì tăng trưởng trong dài hạn, cần chú trọng đến các nhân tố về khoa học công nghệ và lao động. Ngoài ra, cần điều chỉnh lại tỷ lệ tiết kiệm hoặc điều chỉnh cơ cấu giữa tích lũy - tiêu dùng để đưa nền kinh tế đạt đến mức sản lượng mới cao hơn. Quan hệ tích lũy - tiêu dùng và tác động của chúng đến tăng trưởng kinh tế có thể được điều chỉnh thông qua các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tài khóa - tiền tệ và chịu tác động từ quy mô của nền kinh tế cũng như mức độ phát triển của thị trường tài chính và sự tự do luân chuyển của các dòng vốn, hàng hóa.
(2) Đề tài đã phân tích về thực trạng tích lũy - tiêu dùng của Việt Nam, trong đó tích lũy - tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam. Kết quả phân tích cho thấy, mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020 chủ yếu dựa vào tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng, trong đó tiêu dùng chiếm tới hơn 70% GDP, tích lũy tài sản chiếm khoảng 26% GDP. Trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng tích lũy và tiêu dùng nhỏ hơn GDP phản ánh giá trị sản lượng sản xuất trong nước vượt quá tổng cầu trong nước do vậy trong suốt giai đoạn này Việt Nam đã xuất siêu, cán cân thanh toán được cải thiện. Điều tiết linh hoạt quan hệ tích lũy - tiêu dùng trong những năm qua thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô mà chủ yếu là chính sách tài khóa - tiền tệ đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những giai đoạn khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong suốt cả giai đoạn. Tuy nhiên, vấn đề xuất siêu của Việt Nam chủ yếu là do khu vực FDI, cho thấy mức độ lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào dòng vốn của khu vực kinh tế nước ngoài. Ngoài ra, tích lũy tài sản chỉ chiếm khoảng 26% GDP trong khi đó tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP thường ở mức cao khoảng 33 - 35% GDP. Điều này phản ánh có một lượng tiền được bỏ vào đầu tư nhưng không đến được với các hoạt động sản xuất, gây ra hiện tượng lãng phí và đầu tư kém hiệu quả. Tỷ lệ tích lũy tài sản ngày càng thấp sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế do đó hạn chế này cần phải được khắc phục trong những năm tới.
(3) Đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị giải pháp trong thời gian tới bao gồm: (i) Tăng cường năng lực dự báo và phân tích diễn biến cung cầu trong nước và nước ngoài để điều tiết hợp lý mối quan hệ giữa tích lũy - tiêu dùng; (ii) Hoàn thiện thể chế huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế; (iii) Nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công; (iv) Tăng cường tỷ lệ tiết kiệm của khu vực chính phủ, khu vực tư nhân để cải thiện tỷ lệ tiết kiệm quốc gia; (v) Khai thác tối đa thị trường trong nước, nước ngoài; (vi) Nâng cao năng suất lao động; (vii) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, tăng giá trị sản xuất nhanh hơn.