Chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Việt Nam

Chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Việt Nam 25/03/2022 16:57:00 10022

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Việt Nam

25/03/2022 16:57:00

- Đơn vị chủ trì: Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Nguyễn Thúy Quỳnh

- Năm giao nhiệm vụ: 2020/Mã số: 2020-01 Đ2

 

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Nguồn nhân lực luôn được xem là một yếu tố tạo nền sự thành công của mọi tổ chức, quốc gia. Đây là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng hiệu quả sử dụng các nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực (nguồn lực đất đai/tài nguyên, nguồn lực vốn/tài chính, nguồn lực khoa học công nghệ…). Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, các nước đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia. Mặc dù, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định nhưng xu thế hội nhập cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Theo số liệu của GSO, năm 2019, lực lượng lao động của Việt Nam từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 55,77 triệu người; tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên có việc làm là 54,67 triệu người, bao gồm 18,98 triệu người. Năng suất lao động của Việt Nam cũng được cải thiện qua từng năm. Năm 2019, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt khoảng 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2%.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực sẽ rất cao. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn chậm. Cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể để có thể tiếp cận được với các chuẩn lao động của khu vực và thế giới. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số làm cho lợi thế lực lượng lao động trẻ mất dần đi theo thời gian. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp vị trí 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á , trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ đạt 5,76 điểm, Malaysia đạt 5,59 điểm. Như vậy, nhân lực của Việt Nam còn yếu về chất lượng, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, tại Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hôi giai đoạn 2021 - 2030, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược của giai đoạn tới. Ngoài ra, tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019, phát triển nguồn nhân lực cũng được xem là một trong những nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chủ đề “Chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Việt Nam” là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Đề tài trên cơ sở phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam trong độ tuổi lao động để đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn 2021 - 2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu về nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động và các nhân tố tác động đến chất lượng nguồn nhân lực (như giáo dục và đào tạo, dân số, trình độ khoa học công nghệ, y tế - sức khỏe) tại Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2020, từ đó đưa ra khuyến nghị cho giai đoạn 2021 - 2030.

4. Kết quả nghiên cứu

(1) Đề tài đã khái quát được một số vấn đề chung về chất lượng nguồn nhân lực như khái niệm, các nhân tố ảnh hưởng, vai trò của nguồn nhân lực đối với sựu phát triển của nền kinh tế. Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực được hiểu là trạng thái nhất định của nguồn nhân lực với tư cách vừa là một khách thể vật chất đặc biệt, vừa là chủ thể của mọi hoạt động kinh tế và các quan hệ xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực là tổng thể những nét đặc trưng, phản ánh bản chất, tính đặc thù liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất và phát triển con người. Chất lượng nguồn nhân lực cao có tác động làm tăng năng suất lao động (NSLĐ). Dựa trên các tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực (thể lực, trí lực và đạo đức phẩm chất), đề tài lựa chọn ra 04 nhóm nhân tố chủ yếu phản ánh những tiêu chí ảnh hưởng đến chất lược nguồn nhân lực, đó là: y tế và sức khỏe, dân số, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Nguồn lực lao động có vai trò đặc biệt đối với phát triển kinh tế so với các nguồn lực khác. Phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ kinh tế - xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người. Đối với Việt Nam, đó là một quá trình tất yếu để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

(2) Qua phân tích đánh giá thực trạng về nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam, đề tài đã cho thấy nguồn nhân lực đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của dân số. Chất lượng nguồn nhân lực đã có sự cải thiện, thể hiện ở trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động tăng qua từng năm, phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được phần lớn các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất - kinh doanh. Sức khỏe của người lao động ngày càng được chăm sóc tốt hơn… Tuy nhiên khi đi sâu vào phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng lao động của Việt Nam cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, thể hiện ở các điểm sau đây:

(i) Về trí lực, thể hiện ở tiêu chí giáo dục và đào tạo (đại diện bởi trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực): Có sự chênh lệch đáng kể về trình độ học vấn giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phân cấp, mất cân đối nguồn nhân lực giữa các vùng, miền và tất yếu sẽ kéo theo chênh lệch mức sống dân cư, sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực. Đây có thể xem là lỗ hổng lớn về chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp.

(ii) Về thể lực, thể hiện ở tiêu trí dân số - y tế và sức khỏe: Tốc độ tăng dân số đang có xu hướng giảm, mất câng bằng giới tính tăng, xu hướng già hóa dân số ngày càng hiện hữu, gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi lớn… Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội bao gồm: thị trường lao động, tài chính, nhu cầu về các hàng hóa, dịch vụ, giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...

(iii) Về khoa học và công nghệ: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam còn có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á và nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống xã hội, sản xuất. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn non trẻ, manh mún. Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít và thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu. Lực lượng lao động có chất lượng cao hạn chế.

(3) Từ những bất cập, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của Việt Nam hiện nay, đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, trong đó tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau: (1) Phát triển giáo dục - đào tạo: Cần ẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thông qua nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; (ii) Phát triển khoa học và công nghệ: Cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để bứt phá về chất lượng lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng cường hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (iii) Y tế - chăm sóc sức khoẻ cho người dân: Cần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho người dân, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 1 lượt bình chọn
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%