Đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường vốn Việt Nam

Đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường vốn Việt Nam 22/02/2022 09:27:00 848

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường vốn Việt Nam

22/02/2022 09:27:00

(TBTCO) - Ông Dominic Scriven - Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn VBF cho biết, thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai và đề xuất một số giải pháp tiếp tục phát triển thị trường.

Tại phiên cấp cao của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sáng 21/2, đại diện các hiệp hội, đại diện các Nhóm Công tác của diễn đàn đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của nền kinh tế, từ đó kiến nghị các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh trở lại sau đại dịch.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lời tốt nhất trong 10 năm

Trong lĩnh vực thị trường vốn, ông Dominic Scriven - Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn VBF cho biết, thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Trong đó, ông nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ và liên thông giữa các cơ quan ban ngành, gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ là yếu tố quan trọng giúp thị trường vốn phát triển mạnh mẽ.

M:\nb2.jpg

Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nêu nhiều đề xuất tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)

Đề xuất một số giải pháp để tiếp tục phát triển thị trường vốn tại Việt Nam, ông Dominic Scriven cho rằng, thị trường vốn cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và cả cơ sở hạ tầng mềm. Việt Nam có hệ thống pháp luật vững chắc nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật áp dụng cho thị trường nợ, thị trường chứng khoán, triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới hiệu quả và đáng tin cậy, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp…

Tiếp đó, cần bảo vệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư, điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân.

Ngoài ra, cần đa dạng hoá đối tượng tham gia thị trường vốn, phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác.

Theo ông Dominic Scriven, mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, tuy nhiên sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được. “Giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu chúng ta nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại. Trước mắt, chúng ta nên đẩy nhanh việc biến TP. Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông và Singapore” - ông Dominic Scriven nói.

Theo tính toán của nhóm công tác, tổng giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam là xấp xỉ 340 tỷ USD, tương đương 100% GDP, vượt mục tiêu đề ra. Năm 2021, số tài khoản đầu tư chứng khoán mới tăng 56%, tương đương với 1,5 triệu cá nhân thực hiện khoản đầu tư đầu tiên trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đã coi đây là kênh tích lũy tài sản. Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới.

Bộ Tài chính cam kết hợp tác chặt chẽ để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp

Phản hồi về các ý kiến liên quan đến lĩnh vực tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đã hỗ trợ hoạt động của ngành Tài chính đạt được kết quả tích cực, toàn diện trong năm 2021, một năm đặc biệt khó khăn.

M:\2.png

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng cũng cho biết, tại phiên họp kỹ thuật của VBF diễn ra chiều 18/2, các đại diện nhiều lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính đã tham dự và chia sẻ, giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến thuế, hải quan, ngân sách, tài chính đất đai… mà các nhóm công tác đã nêu.

Nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi các chính sách pháp luật, cơ chế chính sách đã được ghi nhận đầy đủ để từ đó tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, lập kế hoạch xử lý cụ thể. “Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp để phối hợp giải quyết tốt nhất, kịp thời nhất những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Bộ Tài chính, đáp ứng kỳ vọng tốt nhất của doanh nghiệp” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh cải cách sâu rộng về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ tin và chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan và thuế; qua đó, đơn giản hóa thủ tục cũng như quá trình thanh tra kiểm tra của Bộ Tài chính với các doanh nghiệp trong hoạt động thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động của mình.

Về thị trường vốn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay Bộ Tài chính đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo cho thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán hoạt động công khai minh bạch, tăng cường bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Nhấn mạnh thị trường vốn đang hướng tới các thành tựu tốt đẹp, Thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ tin tưởng rằng với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư, thành viên thị trường, sự quản lý vào cuộc của Bộ Tài chính cũng như bộ, ngành liên quan, thời gian tới, thị trường vốn sẽ phát triển với kết quả vượt bậc hơn, đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư cũng như cộng đồng doanh nghiệp./.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, trong năm qua, các kiến nghị của doanh nghiệp được tổng hợp bởi VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp... đã được Bộ Tài chính thường xuyên nghiên cứu, giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với hiệp hội doanh nghiệp, các nhóm ngành hàng có hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan. Trên cơ sở các trao đổi thảo luận tại các hội nghị, hầu hết các vướng mắc của doanh nghiệp đã được kịp thời xử lý.

 

Dương An

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%