Lưu Ánh Nguyệt
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính
Tài sản mã hóa (TSMH) và các hoạt động liên quan tới TSMH ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Việc chưa thể kiểm soát quy mô của các hoạt động liên quan tới TSMH tại Việt Nam làm cho việc đánh giá chính xác các tác động của chúng tới việc ban hành, thực thi chính sách tiền tệ và các tổn thất khác tới nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các hoạt động biến tướng của kinh doanh tiền mã hóa đa cấp đã cho thấy những rủi ro, thách thức tới việc thực hiện mục tiêu phát triển ổn định hệ thống tài chính, an ninh tài chính quốc gia, chính sách tài chính - tiền tệ. Sự tồn tại và phát triển tất yếu của TSMH buộc Chính phủ, các cơ quan quản lý cần có các chính sách, biện pháp quản lý phù hợp đối với vấn đề này.
Từ khóa: TSMH, tiền mã hóa, tiền ảo, tiền tệ phi tập trung, chính sách tài chính, chính sách tiền tệ.
Crypto-assets and crypto-asset activities, especially cryptocurrency trading, are growing in terms of popularity in Vietnam. The inability to capture the scale of crypto-asset activities makes it is difficult to accurately assess their impact on the implementary efficiency of monetary policy and other risks to the economy. The transformation of crypto-asset activities to cryptocurrency multi-level marketing scheme has rised risks and challenges to the financial stability. The inevitable existence and swift development of crypto-assets forces Vietnam’s government to regulate crypto-assets.
Keywords: Crypto assets, Cryptocurrency, virtual currency, decentralized currency, financial policy, monetary policy.
1. Một số vấn đề lý luận về tài sản mã hóa
Tài sản mã hóa là một loại tài sản kỹ thuật số được tạo ra và hoạt động dựa trên kỹ thuật mật mã, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ tương tự. Theo Ngân hàng châu Âu (EAB), TSMH không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc các tổ chức chính phủ. TSMH có thể được sử dụng như một phương tiện trao đổi, mục đích đầu tư hoặc quyền truy cập, tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ.
Hiện nay, TSMH thường được đề cập dưới dạng các thuật ngữ như đồng tiền mã hóa (coins), đồng tiền tiện ích (utility coins, utility tokens), mã thẻ bảo mật chứng khoán (security tokens), mã thẻ nền tảng (platform tokens), mã thẻ bảo mật thanh toán (transactional tokens, payment tokens), mã thẻ bảo mật quản trị (governance tokens). Coin dùng cho những loại tiền điện tử có công nghệ chuỗi khối (blockchain) riêng, như Bitcoin hay Ethereum. Mã thẻ bảo mật (Token) là một dạng tài sản mã hóa dùng chung blockchain với một loại tiền điện tử khác. Nhưng nhìn chung, TSMH có thể phân loại thành ba nhóm: (i) TSMH thanh toán thường được đề cập dưới tên gọi tiền ảo, tiền mã hóa. Loại TSMH này chỉ được sử dụng với chức năng của một loại tiền tệ, là công cụ trung gian thanh toán, như cho phép mua/bán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và tích trữ giá trị; (ii) TSMH đầu tư là loại TSMH cung cấp quyền, có thể là quyền sở hữu đối với tài sản ngoài chuỗi, như bất động sản, thiết bị, doanh nghiệp… hoặc quyền được nhận cổ tức, lợi nhuận…; (iii) TSMH tiện ích là loại TSMH đại diện cho quyền đối với một hàng hóa hoặc dịch vụ cụ thể nào đó, nhưng không thực hiện chức năng thanh toán với các loại hàng hóa, dịch vụ khác.
Các hoạt động phổ biến liên quan tới TSMH gồm có khai thác hay đào (mining), airdrop, huy động vốn (ICO, ITO, STO). Khai thác thực hiện hai chức năng: tạo lập và cho ra đời các mã thẻ bảo mật tiền mã hóa mới; xác minh, xác thực và thêm các giao dịch mạng đang diễn ra vào sổ cái công khai. Airdrop là hoạt động phân phối TSMH miễn phí, phục vụ mục đích quảng cáo, cải thiện sự phổ biến và lưu thông của một loại TSMH. Hoạt động ICO và ITO là huy động vốn từ công chúng nhưng thay vì bán cổ phiếu như IPO, trong mỗi đợt ICO hoặc ITO, một đồng tiền mã hóa mới hoặc thẻ bảo mật tiện ích mới được phát hành cho nhà đầu tư để đổi lấy tiền tệ chính thống như USD hoặc các loại tiền mã hóa phổ biến khác như Bitcoin, Ethereum, Litcoin, USDT... Hoạt động STO là hoạt động mà một công ty sẽ phát hành thẻ bảo mật chứng khoán cho các nhà đầu tư. Giá trị của các thẻ bảo mật chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản của công ty. Các thẻ bảo mật chứng khoán này có thể được coi là hợp đồng đầu tư ràng buộc pháp lý cho phép nhà đầu tư tiếp cận cổ phần của công ty, cổ tức hằng tháng hoặc có quyền biểu quyết, góp ý kiến trong quá trình ra quyết định kinh doanh của công ty. Sự khác nhau cơ bản của người sở hữu thẻ bảo mật chứng khoán và thẻ bảo mật tiện ích là người sở hữu thẻ bảo mật chứng khoán nắm trong tay quyền sở hữu tài sản của công ty, trong khi đó người sở hữu thẻ bảo mật tiện ích thì không. Trong khi các nhà đầu tư ICO mua các thẻ bảo mật tiện ích và không nhận được bất kỳ quyền hoặc cổ phần nào từ công ty mà họ đầu tư, các nhà đầu tư STO có nhiều quyền hơn và có thể sở hữu cổ phần tương tự như một doanh nghiệp khởi xướng đợt chào bán IPO truyền thống. Giao dịch thứ cấp TSMH diễn ra trên các sàn giao dịch TSMH, nơi mà những cá nhân có nhu cầu trao đổi, mua bán có thể trực tiếp thực hiện các giao dịch với thời gian 24/7, mọi lúc, mọi nơi. Tại các sàn giao dịch TSMH, người dùng có thể mua, bán trực tiếp hoặc gián tiếp các đồng tiền ảo như: Bitcoin, Ethereum, Token, Altcoin…theo những quy tắc cụ thể của mỗi sàn. Đây được xem là nền tảng thiết yếu, tạo thanh khoản cho TSMH.
Tài sản mã hóa ban đầu được tạo ra với mục đích thực hiện chức năng thanh toán của tiền tệ, đồng thời thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ. Do đó TSMH đi kèm với những lo ngại về rửa tiền, tài trợ cho các hoạt động tội phạm, trốn thuế, giảm hiệu quả của các chính sách tiền tệ và tài chính của chính phủ nhằm điều tiết các hoạt động của nền kinh tế.
Khi TSMH được phát triển như một kênh huy động vốn, các cơ quan quản lý chứng khoán lại đối mặt với những thách thức về việc đánh giá tính khả thi của các dự án liên quan, tính minh bạch của các thông tin do các nhà phát hành công bố, quản lý và truy tìm dấu vết của các dòng tiền đầu tư… do những đặc tính của công nghệ blockchain.
Mặc dù TSMH đã xuất hiện và phát triển trong hơn một thập kỷ gần đây, nhưng các vấn đề về chính sách, quản lý đối với TSMH mới chỉ được chính phủ các quốc gia chú trọng quan tâm trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trước đó, các cơ quan quản lý tiền tệ và dịch vụ tài chính toàn cầu coi TSMH là một lĩnh vực, phạm trù ít có ảnh hưởng tới thị trường tài chính và hệ thống tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các loại TSMH và sự phổ biến ngày càng rộng rãi của TSMH trên toàn cầu, cũng như những nguy cơ, rủi ro của loại tiền này tới sự ổn định của hệ thống tài chính và sự phát triển của các nền kinh tế, đã buộc các cơ quan quản lý tiền tệ và dịch vụ tài chính phải có cơ chế chính sách và quản lý đối với lĩnh vực này.
2. Thực trạng tài sản mã hóa tại Việt Nam
Từ năm 2017 tới nay, Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trên thế giới về số lượng quan tâm đến TSMH. Điều này thể hiện qua các số liệu thống kê về từ khóa tìm kiếm1, số lượng truy cập từ Việt Nam vào các sàn giao dịch tiền mã hóa2 và các khảo sát liên quan tới việc sở hữu TSMH được thực hiện bởi các tổ chức nghiên cứu3.
Hoạt động phổ biến nhất liên quan tới TSMH tại Việt Nam là giao dịch thứ cấp trên sàn giao dịch. Các hoạt động khác cũng đã xuất hiện nhưng chưa phát triển mạnh mẽ.
Mua bán tiền mã hóa trên sàn giao dịch
Các sàn giao dịch TSMH phổ biến, có hỗ trợ cho khách hàng Việt Nam và được tin tưởng bởi thị trường Việt Nam gồm có Remitano, Binance, Bitcoin Diginet... Các sàn cạnh tranh nhau ở mức phí áp dụng đối với các giao dịch. Một số sàn không thu các khoản phí khi nạp tiền vào hệ thống (Bitrext, Huobi), một số sàn như Binance, Remitano, Kucoin, Poloniex... thu phí khi thực hiện các giao dịch rút tiền và mức phí này phụ thuộc vào loại tiền rút. Đa số các sàn thu phí với các giao dịch mua bán và cạnh tranh nhau ở mức phí này. Một số sàn như Bitrext, Binance... quy định về số lượng tiền rút mỗi ngày đối với mỗi tài khoản theo cấp bậc của tài khoản, quy mô giao dịch theo thường kỳ. Các sàn đều áp dụng phương thức bảo mật 2 lớp (2FA) cho tất cả các tài khoản và đây đang được xem là một trong các hình thức bảo mật an toàn và hiệu quả nhất. Không chỉ có hoạt động mua bán TSMH trên sàn, nhiều loại hoạt động tài chính khác như dịch vụ cho vay (Poloniex), giao dịch ký quỹ (BitFinex)... cũng được cung cấp bởi các sàn giao dịch.
Phát hành lần đầu tiền mã hóa (ICO)
Trên thị trường có hai loại dự án ICO, bao gồm dự án ICO do đội ngũ phát triển nước ngoài phát triển và có trung gian, môi giới tại Việt Nam và các dự án ICO do đội ngũ phát triển người Việt Nam. Dự án ICO do đội ngũ phát triển nước ngoài phát triển và nổi bật tại thị trường Việt Nam có thể kể tới như CyberMiles (2017)4, Bankera (2018)5... Một số dự án ICO nổi bật do đội ngũ phát triển người Việt Nam như Kambria (KAT)6... Một số dự án ICO do đội ngũ chuyên gia người Việt Nam thực hiện, triển khai nhưng tập trung phát triển ở nước ngoài, như dự án TOMO7.
Khai thác/đào
Tại Việt Nam, trong năm2017 - 2018, số lượng máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền mã hóa nhập khẩu về Việt Nam tương đối lớn do không có quy định nào cấm nhập khẩu đối với loại hàng hóa này. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ đào tiền mã hóa đã giảm đáng kể do khó khai thác, máy đào đòi hỏi cấu hình cao hơn và các chi phí đào đều tăng, như chi phí điện, không gian lắp đặt...
Máy Bitcoin ATM
Máy Bitcoin ATM đầu tiên tại Việt Nam bắt đầu được đưa vào thử nghiệm vào ngày 05/06/2016 tại cửa hàng bánh pizza Italiani’s tại thành phố Hồ Chí Minh. Chiếc máy này được sản xuất bởi BitAccess (được điều hành bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Bitcoin Vietnam và Bspend) và được kết nối trực tiếp tới sàn giao dịch VBTC để mua và bán Bitcoin ra tiền Việt Nam đồng. Tại châu Á, Việt Nam đã lắp đặt 4 máy Bitcoin ATM, xếp thứ tư trong số các nước sở hữu nhiều máy Bitcoin ATM chỉ sau Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan.
Thanh toán bằng tiền mã hóa
Các doanh nghiệp, cá nhân chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa vẫn đang diễn ra. Nhiều doanh nghiệp toàn cầu tại Việt Nam cho phép người Việt Nam thanh toán bằng Bitcoin đối với các dịch vụ của doanh nghiệp, như: dịch vụ nạp thẻ điện thoại BitRefill, dịch vụ mua vé máy bay, đặt khách sạng và thuê ô tô trên Expedia... (Nguyễn Bảo Huyền, 2018).
Trả lương bằng tiền mã hóa
Trang điện tử Remitano đã cung cấp trang việc làm từ tháng 8/2020 và trả thù lao bằng tiền mã hóa. Người làm sau khi hoàn thành công việc, được đánh giá chấp thuận từ người yêu cầu, người làm sẽ được nhận thù lao ngay lập tức bằng đồng tiền mã hóa vào tài khoản ví Remitano.
Tại Việt Nam, nhiều đối tượng trục lợi từ lỗ hổng của pháp luật và sự thiếu hiểu biết về các dịch vụ tài chính cũng như ham lợi nhuận của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo, làm xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh TSMH biến tấu, đa cấp tại Việt Nam. Một số dự án đa cấp tiền ảo tại Việt Nam xuất hiện nhiều, như tiền ảo Gem, Vitea, BBO, Win… Điểm chung của các dự án này là: lãi suất đưa ra cao; sử dụng chung một quy trình (dùng tiền pháp định để mua Bitcoin, Ethereum, USDT sau đó, sử dụng số tiền ảo này để quy đổi sang tiền ảo nội bộ do các công ty này tự phát hành - tiền ảo rác); mô hình kinh doanh đa cấp (hưởng hoa hồng khi mời thêm được người tham gia và hưởng hoa hồng gián tiếp cho các cấp mạng lưới tiếp theo). Các mô hình kinh doanh này không chỉ diễn ra tại khu vực thành thị, mà còn đang nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, các đối tượng mà các dự án hướng tới để thu hút đầu tư gồm nhiều thành phần có kiến thức tài chính hạn chế, như sinh viên, bà nội trợ, các cán bộ đã nghỉ hưu…
3. Thách thức của tài sản mã hóa đối với chính sách tài chính-tiền tệ Việt Nam
Lỗ hổng pháp lý đối với TSMH dẫn đến thiếu cơ sở cho việc ban hành và thực thi các chính sách tài chính - tiền tệ đối với TSMH.
Hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức quản lý TSMH và các hoạt động liên quan tại Việt Nam. Các quy định liên quan tới TSMH nằm rải rác ở một số văn bản pháp luật và mới chỉ điều chỉnh hoạt động sử dụng TSMH như một phương tiện thanh toán, thay thế cho tiền pháp định. Chính phủ đã có những động thái liên quan tới Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác8. Các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán, chuyển đổi tiền tệ, thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới liên quan tới giao dịch tiền ảo (Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 13/4/2018 về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo). Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp như Bitcoin sẽ bị phạt tiền từ 150 đến 200 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung năm 2017 (khoản 6, Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng). Như vậy hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, không công nhận tiền mã hóa là đồng tiền pháp định. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa ghi nhận giá trị pháp lý của TSMH là một loại hàng hóa hay một loại tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế các giao dịch liên quan tới TSMH vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển.
Thực trạng trên đã làm cho việc thiết kế, ban hành chính sách tài chính - tiền tệ đối với TSMH còn nhiều thách thức, chưa có cơ sở để thực hiện. Do TSMH chưa được công nhận tính pháp lý là phương tiện thanh toán, hay tài sản, hàng hóa... nên việc áp dụng các chính sách thuế hay quản lý như một loại chứng khoán đối với hoạt động ICO, ITO, STO đều không có cơ sở. Điều này làm cho Nhà nước thất thu đối với các hoạt động phát sinh nhiều lợi nhuận, chưa có cơ chế bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng dịch vụ, nhà đầu tư, việc quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong xã hội liên quan tới các giao dịch TSMH chưa được quan tâm và bảo vệ đúng mức.
Trong kịch bản Việt Nam coi TSMH là một loại tài sản hoặc hàng hóa và muốn thu thuế đối với các giao dịch liên quan tới loại tài sản, hàng hóa này thì đây cũng là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý thuế. Việc thu thuế chỉ có thể được thực hiện trên các sàn giao dịch, các tài khoản giao dịch có đăng ký thông tin, còn trên thực tế không thể kiểm soát được các giao dịch trực tiếp giữa những người sở hữu TSMH với nhau mà không qua đăng ký do không có căn cứ nào để xác định và yêu cầu các giao dịch đó phải nộp thuế liên quan tới TSMH. Đây là kẽ hở để các giao dịch về TSMH thực hiện và cơ quan nhà nước chịu thiệt hại về thất thu thuế. Việc xác định phạm vi quản lý của các quy định liên quan tới TSMH là một vấn đề lớn trong quản lý TSMH. Mỗi chính phủ của mỗi quốc gia khó có thể ngăn chặn và kiểm soát hoàn toàn các dòng lưu chuyển xuyên quốc gia do đặc tính kỹ thuật của các loại TSMH, ngay cả khi thành lập các liên minh đa quốc gia để quản lý thì cũng không thể kiểm soát hoàn toàn được các loại TSMH. Nền tảng cho các quy định về chính sách thuế là dựa trên nền tảng giá trị của đồng tiền pháp định, do đó vấn đề phát sinh là bài toán định giá. Mặc dù, việc định giá có thể dễ dàng hơn do có các trang thông tin về giao dịch, giá của các loại TSMH, nhưng thị trường TSMH hoạt động liên tục, 24/24 giờ, 7 ngày một tuần, biên độ giá cả dao động mạnh.
Tài sản mã hóa được phổ biến như một phương tiện thanh toán sẽ làm giảm tính hiệu quả của việc thực thi chính sách tiền tệ.
Sự phát triển lớn mạnh về số lượng cũng như giá trị và sự phổ biến của TSMH đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của NHTW, cũng như vấn đề kiểm soát các mục tiêu, biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, nguồn cung tiền, lãi suất, tỷ giá... (Đặng Vương Anh, 2018).
Tài sản mã hóa tư nhân phát hành mà không nằm trong sự kiểm soát của ngân hàng trung ương, không tạo ra bởi các khoản vay của NHTM, do đó nó làm thay đổi tổng cung tiền không theo ước tính của ngân hàng trung ương và ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ (Al-Laham và cộng sự, 2009). Không giống như tiền điện tử về bản chất là việc số hóa hình thái của tiền pháp định, do đó góp phần làm giảm tiền mặt lưu thông trên thị trường, TSMH làm thay đổi tiền trong lưu thông nếu được coi là một loại phương tiện thanh toán. Trong hệ thống tiền tệ truyền thống, ngân hàng trung ương thường điều chỉnh cung tiền thông qua công cụ lãi suất, khuyến khích hoặc hạn chế ngân hàng thương mại cung tín dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Kênh truyền dẫn chính sách trên không có tác dụng đối với TSMH do tư nhân phát hành. TSMH trong lưu thông sẽ gây ra những ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của chính sách tiền tệ.
Mặc dù, chưa có số liệu chính xác về giá trị TSMH và tỷ lệ giá trị của loại tài sản này trong lưu thông tại Việt Nam nhưng sự “góp mặt” ngầm của loại tài sản này trong thanh toán, đầu tư... dường như đã ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng và khả năng sẽ làm cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước trở nên khó khăn hơn (Lê Thị Tuấn Nghĩa và Nguyễn Thanh Tùng, 2018).
Tài sản mã hóa góp phần làm tăng thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu ổn định hệ thống tài chính của chính sách tài chính - tiền tệ.
Việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng được quy định cụ thể tại Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế giám sát, kiểm soát hoạt động thẻ ngân hàng, nhằm ngăn chặn việc sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để chuyển tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước của khách hàng hoặc bên thứ ba (không phải đơn vị chấp nhận thẻ), cũng như giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ) với mục đích rút tiền mặt, giao dịch thẻ không phù hợp quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động trò chơi có thưởng, cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, tiền ảo, tiền điện tử... Tuy nhiên, việc kiểm soát này khó có thể thực hiện khi nội dung chuyển tiền của các giao dịch liên quan tới tiền ảo đã được các bên tham gia không ghi nội dung liên quan tới tiền ảo, tiền điện tử, Bitcoin... Trên sàn giao dịch Binance, giao dịch mua/bán tiền mã hóa tại Việt Nam vẫn diễn ra hằng ngày, với giao dịch ngang hàng thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng với giá trị giao dịch đa dạng, từ 100 USDT đến 20 nghìn USDT9.
Để tận dụng được những lợi ích do TSMH đem lại như một phương tiện thanh toán với chi phí thấp, hay là một loại công cụ tài chính để đầu tư cần dựa trên cơ sở một nền tảng công nghệ, thị trường tài chính, kiến thức tài chính của cộng đồng. Hầu hết các quốc gia chính thức công nhận tính pháp lý của TSMH như một phương tiện thanh toán, một loại tài sản hay công cụ tài chính đều là các quốc gia có thị trường tài chính phát triển (Anh, Singapore, Hồng Kông...), mức độ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cao (các quốc gia châu Âu). Trong khi đó, thị trường tài chính, kiến thức tài chính của cộng đồng và tài chính toàn diện của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các quốc gia, khu vực như Hồng Kông, Singapore. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá, Việt Nam đứng vị trí 103/144 quốc gia về mức độ sẵn có đối với dịch vụ tài chính và chỉ 24% người trưởng thành được xếp vào nhóm có trình độ dân trí về tài chính ở mức cao. Do đó, mặc dù những cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, trong thực tế hiện nay, TSMH tại Việt Nam vẫn có những biến tướng khá phức tạp như mô hình kinh doanh đa cấp dưới hình thức kêu gọi đầu tư TSMH.
Tài sản mã hóa góp phần tạo ra các loại hình dịch vụ tài chính mới, tạo áp lực chuyển đổi lên các loại hình dịch vụ tài chính truyền thống, tăng thách thức cho việc quản lý, giám sát hoạt động của thị trường tài chính.
Nhiều loại hình dịch vụ mới liên quan tới các giao dịch mã hóa, như nền tảng thẻ bảo mật và dịch vụ quản lý khóa. Xu hướng trên thị trường chứng khoán truyền thống sẽ thay đổi và theo quy trình của các giao dịch mã hóa. Một số thị trường đã có kế hoạch sử dụng công nghệ mã hóa cho quy trình phát hành chứng khoán, lưu ký, đặt lệnh và giao dịch. Quá trình chuyển đổi này của thị trường đòi hỏi các bên tham gia phải thực hiện các chức năng mới liên quan tới TSMH và các quy định mới đối với các giao dịch. Do đó, thực tiễn đòi hỏi những quy định mới đối với cả các loại tài sản truyền thống, cơ chế hoàn toàn mới đối với quy trình và chức năng của hệ thống tài chính, chứ không chỉ đơn thuần là đối với đối tượng, sản phẩm, dịch vụ tài chính mới. Thị trường tài chính truyền thống đang trong quá trình chuyển đổi hiệu quả, toàn diện hơn do đang chuyển hướng sang phi tập trung nhiều hơn.
Tài sản mã hóa làm tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Sự xuất hiện của TSMH làm tăng thách thức đối với phòng ngừa rửa tiền và tội phạm. Xuất phát từ bản chất có khả năng tiếp cận toàn cầu và môi trường tồn tại, phát triển của TSMH, các rủi ro tiềm ẩn liên quan tới khả năng ẩn danh chủ thể dễ dàng, do đó rất khó khăn cho việc xác định và xác minh các chủ thể tham gia giao dịch. Trách nhiệm tuân thủ, giám sát và thực thi đối với các giao dịch có liên quan đến TSMH không thể minh bạch và cụ thể, đặc biệt khi các giao dịch được phân tách ra nhiều công đoạn thực hiện tại các quốc gia, khu vực khác nhau. Do đó, sự giám sát, quản lý từ bộ phận trung tâm hầu như không có khả năng thiết lập và thực hiện.
Tài sản mã hóa dựa trên nền tảng công nghệ nên có nguy cơ cao bị tin tặc lấy cắp thông tin, truy cập vào các ví điện tử và thực hiện các giao dịch mạo danh. TSMH là lĩnh vực mới nên nhiều đối tượng tham gia thị trường chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức sẽ trở thành đối tượng cho những kẻ lừa đảo. Quản lý không tốt những rủi ro nêu trên có thể làm cho các TSMH dễ bị giả mạo, gian lận và dẫn tới các yêu cầu bồi thường không được hỗ trợ bởi các tài sản sẵn có của các tổ chức phát hành. Các loại TSMH được phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain có các đặc điểm ẩn danh, phân quyền và giả mạo, do đó nó trở thành kênh giao dịch hoàn hảo cho bọn tội phạm thực hiện rửa tiền và các hoạt động tội phạm khác. Các vụ trộm TSMH khó bị phát hiện hơn so với các vụ trộm thông thường bởi một số tội phạm sử dụng các phương tiện đặc biệt để ăn cắp thông qua công nghệ che giấu và phần mềm đặc biệt, hầu hết các trường hợp trộm cắp TSMH không có dấu vết.
4. Một số khuyến nghị
Hiện nay, quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam còn hạn chế đối với tiền mã hóa, do đó chưa thể áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp đối với loại tài sản này, ngoài việc cấm sử dụng TSMH như một loại tiền tệ chính thống. Việc không có quy định cụ thể nhằm quản lý các hoạt động liên quan đến TSMH nói chung, hoạt động của các sàn giao dịch về TSMH nói riêng làm cho thất thoát một lượng lớn các loại thuế, phí, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể đang thực hiện các hoạt động kinh doanh. Sự phát triển của TSMH mang tính tất yếu, mặc dù có thể có những đồng tiền thoái trào, nhưng những đồng tiền mới lại xuất hiện, với những ưu điểm nổi trội hơn, bù đắp được những nhược điểm của các đồng tiền trước đó. Hơn nữa, công nghệ blockchain, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do đó, Việt Nam nên sớm ban hành các biện pháp quản lý, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đối với các hoạt động liên quan tới tài sản mã hóa.
Việt Nam nên sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới TSMH, công nhận tính pháp lý của TSMH như một loại hàng hóa, nhằm tạo cơ sở cho việc thiết kế và thực thi các chính sách tài chính - tiền tệ đối với đối tượng này.
Chính sách tài chính - tiền tệ đối với TSMH nên được ban hành theo bản chất, hoàn cảnh của từng loại hoạt động, giao dịch của tiền mã hóa, áp dụng theo hướng điều chỉnh các hoạt động có đăng ký, có điều kiện tham gia.
Việc quản lý TSMH cần dựa trên bản chất, đặc điểm của từng loại tài sản, rủi ro và sự ảnh hưởng của loại TSMH và loại giao dịch TSMH đó tới tính ổn định của giá cả, tài chính và hệ thống thanh toán. Các loại TSMH được phát hành bởi công ty và với mục đích phục vụ cho sự phát triển của nền tảng công nghệ không nhất thiết phải quản lý như một loại tiền tệ. Để đảm bảo tối đa hóa lợi ích của các nền tảng công nghệ, các loại TSMH này thường không có đầy đủ chức năng của tiền tệ, không phải được tạo ra với mục đích cạnh tranh với tiền pháp định. Do đó, việc quản lý như đối với tiền tệ đối với loại TSMH này là không cần thiết. Ngược lại, các loại TSMH được tạo ra với đầy đủ chức năng của tiền tệ như Bitcoin, Libra... và với mục đích cạnh tranh với tiền pháp định đòi hỏi phải có sự quản lý như một loại tiền tệ. Với những đặc điểm của TSMH, không thể áp dụng các phương thức quản lý tương tự như đối với tiền tệ thông thường. Do đó, các yêu cầu về lưu trữ hồ sơ, số liệu, chứng cứ về các giao dịch có liên quan là điều cần được thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, minh chứng cho các hoạt động có liên quan đến TSMH.
Việc ban hành các biện pháp quản lý TSMH và các chính sách liên quan của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng. Các quy định và chính sách quản lý TSMH cần phải bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, bao gồm: phòng chống rửa tiền; bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và người tiêu dùng, sự ổn định của từng tổ chức tài chính và của cả hệ thống tài chính.
4. Kết luận
Tại Việt Nam, mặc dù không được công nhận hợp pháp nhưng các TSMH vẫn tồn tại và các giao dịch liên quan (như giao dịch mua bán trên các sàn giao dịch, huy động vốn phát hành lần đầu tiền mã hóa, các dự án kinh doanh đa cấp dưới dạng đầu tư vào TSMH…) vẫn diễn ra trong cộng đồng dân cư Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động liên quan tới TSMH tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tham gia giao dịch, tạo cơ hội cho các vụ lừa đảo, chiếm đoạt xảy ra. Tuy nhiên, việc thiết kế, ban hành chính sách tài chính - tiền tệ đối với TSMH còn nhiều thách thức, chưa có cơ sở để thực hiện. Sự phổ biến của TSMH như một phương tiện thanh toán sẽ làm giảm tính hiệu quả trong việc thực thi chính sách tiền tệ. TSMH làm tăng thách thức đối với việc thực hiện mục tiêu ổn định hệ thống tài chính; đồng thời góp phần tạo ra các loại hình dịch vụ tài chính mới, tạo áp lực chuyển đổi lên các loại hình dịch vụ tài chính truyền thống, tăng thách thức cho việc quản lý, giám sát hoạt động của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, TSMH làm tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Trước những thách thức đặt ra từ sự phát triển và ngày càng phổ biến của TSMH, việc sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan tới TSMH, công nhận tính pháp lý của TSMH như một loại hàng hóa là cần thiết, nhằm tạo cơ sở cho việc thiết kế và thực thi các chính sách tài chính - tiền tệ đối với loại tài sản này.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Đặng Vương Anh (2018), Ảnh hưởng của tiền mã hóa đối với thị trường tài chính, tiền tệ, Tạp chí Tài chính.
2. Lê Thị Tuấn Nghĩa và Nguyễn Thanh Tùng (2018), Tiền ảo và thách thức đối với chính sách tiền tệ, Tạp chí Tài chính.
3. Nguyễn Bảo Huyền (2018), Bitcoin và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Tài chính.
4. Nguyễn Thị Hải Bình, Lưu Ánh Nguyệt, Vương Duy Lâm (2019) Thực tiễn quản lý tiền thuật toán tại một số quốc gia, Tạp chí Ngân quỹ.
5. NOIA Medium (2018), Đánh giá dự án TOMOCOIN – Ethereum của Việt Nam, https://bigcoinvietnam.com/review-ico-tomocoin-tmc-ethereum-cua-viet-nam
6. Phạm Minh Oanh (2019), Việt Nam trong dòng chảy 4.0: Thách thức pháp lý đối với tiền ảo, Tạp chí Tài chính.
Tiếng Anh
7. Al-Laham, M, AI-Tarawneh, H. and Abdallat, N. (2009), Development of Electronic Money and Its Impact on the Central Bank Role and Monetary Policy.
8. Gans, J.S. and Halaburda, H. (2015), Book chapter: Some Economics of Private Digital Currency, Economic Analysis of the digital economy. University of Chicago, https://www.nber.org/chapters/c12992.pdf.
9. Morgan, P.J., and Trinh, Q.L. (2017), Determinants and Impacts of Financial Literacy in Cambodia and Vietnam, ADBI Working paper No. 754.
10. OECD/INFE (2016), International Survey of Adult Financial Literacy Competencies, Paris: OECD
Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4/2021
*1 Năm 2017, lượng tìm kiếm từ khóa Bitcoin từ Việt Nam xếp hạng 41 trong danh sách 63 thị trường quan tâm nhiều nhất đến Bitcoin (Phạm Minh Oanh, 2019).
*2 Theo công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo CryptoCompare, cuối tháng 11/2017, 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ châu Á, trong đó có 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Số lượng truy cập từ Việt Nam vào một số sàn giao dịch Bitcoin hay trang thông tin tiền ảo trên thế giới như Bittrex, Poloniex, Coinmarketcap… luôn nằm trong nhóm 5 cùng với Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản.
*3 Theo khảo sát của Statista vào năm 2020, Việt Nam có tỷ lệ người tham gia khảo sát sở hữu hoặc đã từng thực hiện hoạt động liên quan tới TSMH lớn thứ hai trong nhóm 74 quốc gia tham gia khảo sát.
*4 CyberMiles (CMT) là một dự án blockchain được thiết kế tập trung cho lĩnh vực thương mại điện tử. Mục tiêu của CyberMiles là tối ưu hóa công nghệ blockchain để mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành thường mại điện tử hiện đang được ước tính có giá trị 1 nghìn tỷ USD nói riêng và thị trường trực tuyến nói chung dựa trên những tính năng ưu việt của công nghệ blockchain.
*5 Bankera là dự án với tham vọng phá vỡ cấu trúc ngành công nghiệp dịch vụ tài chính bằng cách phát triển một dịch vụ ngân hàng dựa trên công nghệ blockchain có khả năng cung cấp giải pháp ngân hàng thông minh đồng thời giảm số lượng đối tác. Do đó cũng sẽ làm giảm chi phí ngân hàng cho người tiêu dùng cuối. Bankera hiện đang trong giai đoạn gây quỹ ICO cho việc bán thẻ bảo mật BNK.
*6 Kambria là dự án nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, bền vững với cộng đồng các lập trình viên, chủ sở hữu token KAT, chủ doanh nghiệp và các chuyên gia nghiên cứu công nghệ mới. Doanh thu của Kambria sẽ đến từ dịch vụ cộng đồng, phát triển chương trình cấp phép, dịch vụ sáng tạo (OIAAS) và tạo ra một thị trường cho sản phẩm và công nghệ mới.
*7 Dự án TOMO hay TomoCoin (2018) đang tập trung phát triển công nghệ và thu hút vốn qua các đợt chào hàng cá nhân từ các nhà đầu tư và các quỹ lớn có thể hỗ trợ dự án phát triển lâu dài ở Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kông... đồng thời phát triển chiến lược quảng bá marketing ở thị trường quốc tế (NOIA Medium, 2018)
*8 Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác và Quyết định 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
*9 USDT là đồng Tether, một đồng tiền mã hóa với tài sản thế chấp chính là đồng USD, do công ty Tether Limmited phát hành.