Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025

Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 18/11/2021 10:09:00 22345

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025

18/11/2021 10:09:00

Nguyễn Tuấn Phong

 

Kinh tế nâu được nhiều quốc gia theo đuổi trong thời gian dài. Việc các quốc gia chỉ tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu sự quan tâm đến hiệu quả khai thác đã giúp các nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn dài. Tuy nhiên, điều này đã và đang gây ra những tổn hại lớn cho môi trường, như ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương; suy thoái đất; mất rừng; suy giảm tầng sinh học; gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4… đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trước bối cảnh đó, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh. Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020, trong đó tập trung vào các nhóm ngành tiêu biểu như công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng, xây dựng và giao thông; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái trong giai đoạn 2021 - 2025.

Từ khóa: Kinh tế xanh, phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phát thải carbon.

Brown economy is pursued by many countries for a long time. Countries which only focus on exploiting natural resources but lack of attention to exploitation efficiency have achieved high growth rates in the long run. However, this has been causing great damage to the environment such as air pollution, water pollution, ocean pollution; land degradation; deforestation; biodiversity loss; increasing emissions of greenhouse gases such as CO2, SO2, CH4… and causing climate change globally. Against this backdrop, green economy has become an inevitable trend of countries to achieve economic growth, while maintaining environmental sustainability. Over the years, Vietnam has accelerated the implementation of plans and strategies for green economic development. The article analyzes and evaluates the current situation of green economic development in Vietnam in the period 2010 - 2020, focusing on typical industry groups such as industry, production and consumption, construction and transportation; then proposes some solutions to overcome the shortcomings and limitations in the implementation, ensure the goal of green economic development in association with sustainable development in a comprehensive way.

Keywords: Green economy, green economic development, sustainable development, environmental protection, climate change, carbon mission.

 

1. Tổng quan về phát triển kinh tế xanh

Thuật ngữ kinh tế xanh được sử dụng rộng rãi từ năm 2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và sự cần thiết “kích thích kinh tế xanh ” với nhiều định nghĩa khác nhau. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, 10/2008) đã đưa ra “Sáng kiến ​​kinh tế xanh”. Năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, đó là “nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội” (UNEP, 2011). Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.

Ngân hàng Thế giới (WB, 2012b) đưa ra định nghĩa kinh tế xanh là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”. Tháng 9/2015, Liên hợp quốc công bố chương trình Nghị sự 2030, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh.

Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa ba yếu tố: kinh tế (xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân và thúc đẩy tăng trưởng...), môi trường (đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn...) và xã hội (nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội...). Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa là những hoạt động trong nền kinh tế tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người; đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường. 3 yếu tố này được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Kinh tế xanh là một nền kinh tế cần thiết bởi nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

Trong nền kinh tế xanh, tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh. Nhà nước và khu vực tư nhân tập trung ưu tiên đầu tư vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, công trình có tác dụng đảm bảo mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và phát thải carbon; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái.

2. Thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu khí hậu ở Việt Nam đã liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển, tần suất xuất hiện và mức độ ảnh hưởng của siêu bão, lũ và áp thấp nhiệt đới... Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự thay đổi môi trường, hệ sinh thái trái đất và là nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. WB ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050.

Cùng với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Do đó, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu đánh giá đúng mức về tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu suy thoái môi trường và nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng, cấp bách, cần sớm được giải quyết để đảm bảo phát triển xanh trong thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược1; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững2; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 20203.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay “phục hồi xanh”. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

2.1. Kết quả nổi bật

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 sau quá trình triển khai đã đạt được một số kết quả nổi bật, thể hiện ở các nội dung về xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân. Đến năm 2018, đã có 7 bộ ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố; trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, ngành chủ lực, đem lại giá trị hiệu suất cao theo hướng phát triển kinh tế xanh.

Công nghiệp

Xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.

Cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng có xu hướng giảm dần; giai đoạn 2011 - 2015, ngành thép giảm 8,09%, xi măng giảm 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%. Các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, là nguồn năng lượng quan trọng của Việt Nam đến năm 2050, nhưng đến nay mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế. Nhận thức được tiềm năng phát triển, tác động, đóng góp tích cực của năng lượng tái tạo, Chính phủ đã ban hành những văn bản chính sách tăng cường cải thiện môi trường đầu tư vào lĩnh vực này, như: Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các chính sách ưu đãi giá mua điện của các cơ sở sản xuất điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, xử lý rác thải và điện mặt trời; điều chỉnh hàng loạt các chiến lược quốc gia, chương trình quốc gia; xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật mới nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh; kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải hiệu quả; xây dựng khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống; xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tư liệu sản xuất và thiết bị tiêu dùng.

Từ năm 2011 đến nay, các trương trình, mục tiêu của quốc gia về quản lý năng lượng đã được triển khai tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn II (2011 - 2015), tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 5,65% (tổng năng lượng tiết kiệm 11,26 triệu tấn dầu tương đương). Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện đã có 113 dự án điện mặt trời, điện gió, với tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200 MW, điện gió khoảng 11.800 MW.

Tính đến cuối tháng 8/2020, cả nước đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 6.314 MWp (tương đương 5.245 MWac). Tính đến hết tháng 5/2021 có 130 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, trong đó số dự án đã đưa vào vận hành thương mại là 12 dự án với tổng công suất là 581,93 MW. Trong năm 2021 sẽ có 105 dự án vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021 để kịp hưởng giá bán điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (khoảng 1.927 đồng) với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh (khoảng 2.223 đồng) với điện gió ngoài khơi.

Sản xuất và tiêu dùng

Xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững là 2 trong 4 chủ đề chính trong kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, bao gồm 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động cụ thể. 4 nhóm chủ đề chính gồm: (i) Xây dựng thể chế và Kế hoach tăng trưởng xanh tại địa phương; (ii) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (iii) Thực hiện xanh hóa sản xuất; (iv) Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Bên cạnh đó, Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2013 tại Quyết định số 2612/QĐ-TTg, với nội dung chính là đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (gồm dệt nhuộm; sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu; luyện thép; khai thác, chế biến khoáng sản; nhiệt điện; sản xuất giấy; sản xuất xi măng; sản xuất mía đường) phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.

Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999)... Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như chương trình cấp nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai. Đặc biệt là, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Chuyển đổi mô hình sản xuất

Tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển ở Việt Nam hiện nay. Các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về tiêu dùng xanh được phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, bước đầu đã đạt những kết quả tốt, thu hút lượng lớn người dân tham gia. Trong đó, tiêu dùng xanh là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng xã hội hưởng ứng như: gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi nylon…

Xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Tiêu dùng ngày nay không chỉ đòi hỏi sự thông minh về chất lượng sản phẩm, mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về tính xã hội và tính nhân văn của từng sản phẩm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân các và nhà đầu tư đã chuyển dần thói quen mua sắm bằng các kênh tiêu dùng “xanh” và ưu tiên cho bảo vệ sức khoẻ, tái tạo năng lượng. Xu hướng tiêu dùng xanh kéo theo sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm,… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nylon… Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte mart thời gian qua cũng chung tay, nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường…

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các đơn vị, cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đang đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Để thuận lợi bước chân vào các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… và có thể hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này, ngoài việc đảm bảo yếu tố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải… trong hoạt động sản xuất.

Tại thị trường trong nước, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chiến, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững. Nhiều nhà máy đã lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… Không ít siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, ăn uống đã ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (giai đoạn 2011 - 2020), tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng sản phẩm ngành công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 18,37%4. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn tăng từ 11% lên 32% trong giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, tỷ lệ cơ sở giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên và nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm nhờ áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn tăng từ 11% lên 24%. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao cũng tăng từ 63,9% năm 2016 lên gần 80% trong năm 2020.

Trong hoạt động sản xuất, phân phối các sản phẩm “xanh”, đồng thời sử dụng các trang thiết bị, nguồn nhiên liệu hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch. Ðiều này góp phần giúp các sản phẩm của công ty nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của người tiêu dùng… Để hướng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững cần có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp cũng như những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng; đồng thời r hgớng tới các mô hình sản xuất xanh, tiêu dùng bền phù hợp của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc khuyến khích các mô hình sản xuất, tiêu dùng xanh, bền vững.

Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh đúng lúc để bắt kịp nhu cầu thị trường chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng - xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.

Xây dựng và giao thông

Công trình xanh đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu khi mà các công trình xây dựng ngày càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hệ sinh thái và với chất lượng cuộc sống con người thông qua các khâu như thiết kế, thi công, sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu, chính sách và tài chính. Việt Nam đã có một số chủ trương, chính sách lớn thúc đẩy một ngành xây dựng xanh hơn, có trách nhiệm với môi trường hơn như: Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 -2020; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh; Luật Xây dựng sửa đổi (2020). Công trình xanh cũng như chiến lược xanh hóa ngành xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là một trong những nội dung trọng tâm của Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việt Nam có gần 150 công trình được công nhận công trình xanh theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LEED, EDGE, LOTUS, Green Mark (tính đến tháng 4/2020). Trong các bộ tiêu chí công trình xanh đã được áp dụng ở Việt Nam, LOTUS là một bộ chứng chỉ được xây dựng cho điều kiện Việt Nam, do Hội đồng công trình xanh Việt Nam phát triển Việt Nam; còn lại là các bộ công cụ quốc tế hoặc của các nước khác (Phạm Thúy Loan, 2020).

Bên cạnh đó, giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà khí thải vào bầu khí quyển hằng năm. Theo số liệu thống kê, năm 2020, lượng CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải ước khoảng 47.680 nghìn tấn. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2025 và 2030, con số này tăng xấp xỉ 2-2,5 lần, đạt lần lượt 65.138 nghìn tấn và 89.119 nghìn tấn.

Cụ thể, ngành vận tải đường bộ chiếm khoảng hơn 80% lượng khí nhà kính phát thải trong năm 2020 và 85% trong năm 2030. Ngành vận tải đường thủy nội địa chiếm 8% và không thay đổi đến năm 2030. Ngành hàng không chiếm 6% trong năm 2020 và 5% trong năm 2030. Vận tải đường biến chiếm 2% và phát thải ít nhất là vận tải đường sắt.

Ngành giao thông vận tải đã và đang rà soát và xây dựng mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường và giảm phát thải khí nhà kính (Tuệ, 2020). Định hướng phát triển của ngành giao thông vận tải đã bám sát với những nội dung của chiến lược tăng trưởng xanh như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy chuyển giao thông vận tải đường bộ sang các phương thức giao thông vận tải tiết kiệm nhiên liệu hơn, có mức phát thải thấp hơn; và kiểm soát khí thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đối với thiết bị, phương tiện giao thông vận tải. Trong lĩnh vực phát triển giao thông xanh, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai Dự án nghiên cứu việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ diesel sang khí nén thiên nhiên (CNG) đối với phương tiện cơ giới đường bộ, hướng đến mục tiêu xe buýt và xe taxi sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG), khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và năng lượng mặt trời.

Năm 2021, Hà Nội dự báo đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy. Đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần hạn chế, tiến tới giảm dần hàng triệu chiếc xe máy, ô tô cá nhân; hệ thống xe buýt cũng cần được xanh hóa... Đồng thời, với mục tiêu đưa xe buýt điện vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025 được xem là động thái thể hiện sự nỗ lực của chính quyền nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất Việt Nam với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia, trong đó phát thải khí từ hoạt động giao thông, vận tải chiếm đến 45%5. Nhằm kiểm soát lượng phát thải này, những năm gần đây, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp góp phần kéo giảm ô nhiễm không khí, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và hệ thống vận tải phát thải carbon thấp.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

Theo WB, giai đoạn 2011 - 2018, GDP của Việt Nam tăng trưởng khá cao, liên tục và ổn định. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,21% trong giai đoạn 2011 - 2018. Tuy nhiên, tăng trưởng ở Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng phát thải CO2 tăng cao. Lượng phát thải carbon ở Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2018 có xu hướng tăng đều qua các năm, trong đó tăng mạnh vào năm 2015 và 2018, tương ứng 24,11% và 16,09% so với năm trước đó.

Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng lượng phát thải carbon hằng năm

 

Chỉ tiêu

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

Tăng trưởng GDP

hằng năm (%)

6,24

5,25

5,42

5,98

6,68

6,21

6,81

7,08

Lượng phát thải CO2

ằng năm (nghìn tấn)

149,02

147,27

153,63

168,56

209,20

223,87

222,13

257,86

Tăng trưởng lượng phát thải CO2 hằng năm (%)

-0,28

-1,17

4,2

9,72

24,11

7,01

-0,78

16,09

Nguồn: WB

Việt Nam đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xanh, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác triển khai, dẫn đến các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Nhận thức về kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn mới, chưa rõ ràng, đòi hỏi phải tiếp tục có những nghiên cứu và phổ biến kiến thức rộng rãi trong xã hội, từ lãnh đạo đến các doanh nghiệp và người dân. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Việc cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia chưa phải là một nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện ở bộ, ngành và địa phương.

Nguồn lực triển khai các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững hiện chưa rõ ràng, trong đó, các dự án mà các bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến phát triển kinh tế xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án xanh gặp nhiều rào cản do mức độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chưa cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh nguồn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và phải trang trải cho nhiều nhu cầu chi tiêu công cấp bách thì nguồn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân sẽ mang tính quyết định, đảm bảo thành công cho việc phát triển kinh tế xanh trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cơ cấu công nghiệp vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên và công nghệ sản xuất còn lạc hậu so với thế giới, làm tiêu hao năng lượng, tài nguyên trong sản xuất, dẫn đến nguy cơ hủy hoại môi trường (Tuyên, 2021).

3. Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025

Để phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

[1] Nhận thức về bảo vệ môi trường cần được nâng cao trong xã hội trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Tuyên truyền, giáo dục về môi trường là việc làm trọng yếu, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống biến đổi khí hậu... ở mỗi người dân, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ đã đề ra, tiến đến nền kinh tế xanh, phát triển xanh và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương cần sớm ban hành các kế hoạch, chương trình, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để có cơ sở tổ chức, triển khai thực hiện phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

[2] Các chính sách về môi trường cần được tiến hành cải cách; hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện... Nguy cơ, tác động của ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên cần được đánh giá đúng mức thông qua các cơ chế như thuế (đóng vai trò thiết yếu trong việc khuyến khích tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên), cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

[3] Đầu tư cho khoa học và công nghệ cần được tăng cường, đồng thời tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cần được đẩy mạnh, vì đây là nội dung quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp quản lý, đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

[4] Môi trường đầu tư cần được cải thiện, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài. Việc thu hút nguồn vốn nước ngoài không chỉ góp phần phát triển kinh tế xanh mà còn giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi được kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí chặt chẽ để lựa chọn những dự án đầu tư thực sự có hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

1. Liên hợp quốc (1992), Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

2. Minh Tuệ (2020), Giao thông xanh: Sự lựa chọn của tương lai, Tạp chí Kinh tế môi trường.

3. Trần Nguyễn Tuyên (2021), Một số vấn đề về môi trường ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp, Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tiếng Anh

4. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (2015), The 2030 Agenda for Sustainable Development.

5. Mark Huberty và cộng sự (2011), Shaping the green growth economy, green policy platform.

6. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (2011), Towards green growth.

7. WB (2012), Inclusive green growth: The pathway to sustainable development.

8. WB (2012), MDBs: Delivering on the promise of sustainable development.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế tài chính Việt Nam số 4/2021

 

*1 Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu khẳng định mục tiêu “tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế carbon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất”.

*2 Mục tiêu “Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững”. Kế hoạch khẳng định: “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”, trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

*3 Hướng tới mục tiêu phát huy năng lực của toàn đất nước, các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản được triển khai đồng bộ. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế carbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.

*4 Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình nghiên cứu về giống cây trồng và giống gia súc áp dụng công nghệ xanh đã được chọn lọc và phát triển nhằm đảm bảo gia tăng năng suất và chống được dịch bệnh, đồng thời cũng tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi môi trường sinh thái.

*5 Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay) đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%