Thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng tốc năm 2022

Thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng tốc năm 2022 11/01/2022 15:07:00 634

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng tốc năm 2022

11/01/2022 15:07:00

(HQ Online) Để đạt mức tăng trưởng theo đúng mục tiêu trong năm 2022, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đồng thời, một Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng quy mô hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng cũng đang được Quốc hội xem xét.

Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%

Theo Nghị quyết 01, chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công; phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội;...

Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai kịp thời các giải pháp tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình để hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanh sản xuất - kinh doanh, nhất là trong ngành, lĩnh vực quan trọng, khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Đồng thời, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngoài ra, để phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2022 - 2023, Quốc hội hiện cũng đang xem xét và thảo luận về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chương trình phục hồi này tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023. Bao gồm: Chính phủ, đề xuất chi khoảng 60 nghìn tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Thứ hai, chi khoảng 53 nghìn tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Thứ ba, chi khoảng 110 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thứ tư, chi khoảng 114 nghìn tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Cuối cùng, Chính phủ sẽ tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng để phục vụ một số nhiệm vụ khác.

Đồng tình với việc ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển nền kinh tế, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa) cho rằng, đây là chương trình có quy mô lớn, chúng ta cần quan tâm đến giải pháp huy động vốn. Nên tập trung huy động nguồn vốn trong nước là chính, nguồn vốn vay nước ngoài cũng rất quan trọng, nhưng thời gian trả nợ, thời gian ân hạn, lãi suất, một số điều kiện ràng buộc khác là không phải dễ dàng.

2 kịch bản cho năm 2022

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Kịch bản thứ nhất, nếu thực hiện tốt cả 2 chương trình trọng điểm mà Chính phủ đang hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền thông qua, là phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023 thì kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5 - 7% trong năm 2022. Kịch bản thứ hai, nếu không làm tốt 2 chương trình trọng điểm nêu trên thì khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt khoảng 4,5 - 5%.

Cũng theo ông Cấn Văn Lực, hiện nay Chính phủ đang chủ động và tích cực để thiết kế chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có 5 cấu phần quan trọng. Đó là: Mở cửa và đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực kinh tế; tiếp tục triển khai các gói an sinh xã hội; phục hồi doanh nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hơn nữa thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh. Vì vậy, để có thể hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Quốc hội đã thông qua, chúng ta sẽ phải quyết tâm xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình trọng điểm này, cùng với các chiến lược, chương trình khác đã nằm trong kế hoạch.

Lạc quan hơn với đà tăng trưởng trong năm 2022, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước tiếp tục thành lập mới và khối doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lên, cùng với tích cực tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của Chính phủ thì nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất.

“Không cần phải có gói hỗ trợ mới như các đề xuất gần đây, chỉ cần thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ hiện có, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên tới 7% đến 7,5%, nếu như không có gì quá đột biến”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Xuân Thảo

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%