Sự xuất hiện đột ngột và lây lan nhanh của biến thể Omicron đã làm lung lay niềm tin vào triển vọng nền kinh tế toàn cầu khi các chính phủ tiếp tục áp đặt hạn chế cũng như cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Ngoài ra, sự xuất hiện của biến chủng mới cũng làm gia tăng những lo ngại về lạm phát. Gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu lao động sẽ trầm trọng hơn nếu đại dịch kéo dài, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao. Thị trường chứng khoán cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022 do sự thay đổi chính sách của một số ngân hàng trung ương (NHTW) của các quốc gia lớn, trong đó có khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed).
Lạm phát kéo dài tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhiều NHTW đã thay đổi quan điểm lạm phát trong năm 2021, chuyển từ lạm phát “tạm thời” sang chấp nhận lạm phát có thể kéo dài. Tháng 11/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hoa Kỳ tăng mạnh nhất kể từ năm 1982; CPI tăng kỷ lục 4.9% tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng lạm phát giảm trở lại. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo dù giá cả tiêu dùng có thể vẫn ở mức cao, nhưng mức tăng sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022 khi giá dầu giảm và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng được cải thiện. Hãng Quản lý tài sản Columbia Threadneedle nhận đinh, sự cải thiện về chuỗi cung ứng trong năm 2022 sẽ giúp lạm phát giảm, nhưng rủi ro lạm phát tăng trở lại khi Fed bắt đầu nâng lãi suất. Trong khi đó, Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock dự báo lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm tới.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo CPI lõi của Hoa Kỳ (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) đạt trên 4% trong năm 2022. Việc các NHTW sẵn sàng chấp nhận mức lạm phát cao sẽ làm lợi suất trái phiếu được điều chỉnh theo lạm phát dao động ở mức thấp, nhờ đó hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Triển vọng của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ
Theo David Kostin, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Hoa Kỳ của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, chỉ số S&P 500 được dự báo tăng thêm 9%, lên 5.100 vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lợi nhuận từ chứng khoán, nhất là những nhóm đang tăng trưởng quá nóng, không bền vững.
Trong khi đó, chiến lược gia của Oppenheimer, John Stoltzfus đã đưa ra những dự báo lạc quan về chứng khoán cho năm 2022 nếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi và các nhà hoạch định chính sách giải quyết được những lo ngại về lạm phát và chuỗi cung ứng gián đoạn. Theo đó, chỉ số S&P 500 được dự báo tăng lên 5.330 vào cuối năm 2022. Ngoài ra, Oppenheimer cho rằng cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ có những tăng trưởng tích cực.
Giám đốc chiến lược cổ phiếu của Tập đoàn Credit Suisse, Jonathan Golub, cũng nhận định lạc quan hơn về chứng khoán cho năm 2022 nhờ những dự báo về tăng trưởng kinh tế phục hồi. Credit Suisse nâng mức dự báo chỉ số S&P 500 năm 2022 lên 5.200, từ mức dự báo 5.000, cũng như nâng dự báo lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của S&P 500 năm 2022 lên 235 USD, tăng từ mức dự báo 230 USD. Những dự báo này được đưa ra dựa trên những giả định về việc Hoa Kỳ chưa tăng thuế suất thuế doanh nghiệp vào năm 2022. Bên cạnh đó, những cổ phiếu trong các lĩnh vực như năng lượng, vật liệu, công nghệ thông tin… sẽ là những cổ phiếu có đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngân hàng JPMorgan cho rằng cổ phiếu sẽ tăng trong năm 2022 nhưng với tốc độ chậm hơn các năm trước. Theo đó, chỉ số S&P 500 sẽ đạt 5.050 vào cuối năm 2022.
Tập đoàn DWS kỳ vọng chỉ số S&P 500 sẽ tăng cao hơn trong năm 2022 bởi thu nhập và tăng trưởng kinh tế được phục hồi, ở mức 5.000. David Bianco, Giám đốc đầu tư của DWS Group kỳ vọng chỉ số EPS của các công ty thuộc S&P 500 sẽ đạt khoảng 228 USD trong năm 2022, tăng 7% so với mức dự báo 213 USD cho năm 2021. Mức kỳ vọng này cũng dựa trên giả định rằng Chính phủ Hoa Kỳ không tăng thuế doanh nghiệp trong năm 2022. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tài chính sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi khi Fed tăng lãi suất vào năm 2022.
Ngược lại, Bank of America lại đưa ra những dự báo kém lạc quan về thị trường chứng khoán. Theo đó, chỉ số S&P 500 năm 2022 chỉ ở mức 4.600 và chỉ số EPS sẽ chỉ tăng 6,5%. Bank of America nhận định lãi suất tăng sẽ làm các tài sản khác như vàng thu hút hơn sự chú ý của các nhà đầu tư trong năm 2022.
Mike Wilson, giám đốc chiến lược của Ngân hàng Morgan Stanley, dự báo chỉ số S&P 500 năm 2022 giảm xuống còn 4.400. Nếu Fed tăng lãi suất trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng có thể được hưởng lợi và tăng trưởng vượt trội hơn so với các cổ phiếu trong lĩnh vực khác. Các chuyên gia dự kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm tăng 1,55% lên 2,1% vào cuối năm 2022.
Triển vọng của thị trường chứng khoán châu Âu
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo đối mặt “môi trường đầy khó khăn và biến động” về giá cả trong năm 2022, không chỉ là lạm phát kéo dài mà mức độ biến động lạm phát cũng cao hơn. ECB đã cam kết cắt giảm chương trình mua trái phiếu hậu đại dịch để ứng phó trước tình trạng giá cả leo thang nhưng đến năm 2023, ECB mới tăng lãi suất. Theo Hãng tin Bloomberg, các nhà phân tích dự báo chỉ số Stoxx 600 sẽ tăng 6% vì kinh tế tiếp tục được tăng trưởng và lợi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, Bank of America lại dự báo chỉ số Stoxx sẽ giảm 10%. Ben Ritchie, Trưởng bộ phận cổ phiếu châu Âu tại Abrdn, cho rằng nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tốt và có động lực tăng trưởng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, hàng tiêu dùng và tài chính mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, giá năng lượng cao và những bất ổn liên quan do dịch Covid-19… sẽ tiếp tục là những thách thức đối với thị trường chứng khoán châu Âu trong năm 2022.
Triển vọng của thị trường chứng khoán Trung Quốc và các thị trường mới nổi
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 3% trong năm 2021 sau khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát với lĩnh vực công nghệ, giáo dục và bất động sản. Claudia Calich, Trưởng bộ phận trái phiếu thị trường mới nổi tại M&G Investments, đánh giá những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc là những cảnh báo về mối nguy cơ và sự mong manh tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp châu Á. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho rủi ro giảm giá đáng kể ở các thị trường mới nổi nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hơn dự báo, đặc biệt tại các nước có tỷ lệ dân số được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 chưa cao.
Tuy nhiên, JPMorgan lại cho rằng, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, thị trường chứng khoán tại các thị trường mới nổi nói riêng, sẽ hoạt động tốt hơn và mang về lợi nhuận cao hơn 2 - 3 lần nhờ việc tăng lãi suất và thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia cũng như các nhà đầu tư cần theo dõi những rủi ro tiềm ẩn từ căng thẳng địa chính trị gia tăng ở châu Âu và châu Á, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Ukraine và Iran, khủng hoảng năng lượng, những bất ổn xung quanh lạm phát cao và sự bất ổn định của chính sách tiền tệ.
Bảo Lê