Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công 17/12/2021 08:14:00 414

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

17/12/2021 08:14:00

(HQ Online) Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao của Học viện Tài chính, muốn công tác đầu tư công hiệu quả phải thắt chặt kỷ cương, kỷ luật ngay từ những khâu đầu và phải có sự phối hợp thực hiện nhịp nhàng của tất cả các bộ, ban, ngành liên quan.

PV:

Thưa ông, hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khá thấp, nhất là khi chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2021. Theo ông, nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2021, việc giải ngân vốn đầu tư công bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến các vấn đề về nguyên liệu, vật liệu, nhân công...

Hơn nữa, mặc dù tại Việt Nam, lạm phát đang là vấn đề dường như “hơi xa” do nền kinh tế vẫn đang kiểm soát tích cực các biến số vĩ mô, song trên toàn cầu, "bóng ma" lạm phát đang ngày càng đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mới đặt trọng tâm thúc đẩy đầu tư công để kích thích nền kinh tế mà nhiều quốc gia cũng chọn hướng đi này, do đó, sự khan hiếm nguyên vật liệu sẽ còn được đẩy lên. Tình trạng đình đốn sản xuất khi lạm phát tăng cao được cho sẽ là vấn đề chung mà thế giới phải đối mặt. Việt Nam trong bối cảnh còn rất nhiều mặt hàng phụ thuộc nhập khẩu bên ngoài cho cả các dự án hạ tầng cơ sở lẫn sản xuất của khu vực tư doanh, dân doanh nên cần phải tính đến ứng phó giá cả leo thang. Điều này đã và đang ảnh hưởng ít nhiều đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

PV: Thực tế hiện nay, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp đang muốn xin trả lại vốn hoặc điều chuyển vốn sang năm 2022 để thực hiện tiếp. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và như vậy có hợp lý?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, hoạt động đầu tư công có nhiều vấn đề chưa hợp lý và thiếu cẩn trọng. Nhiều địa phương, ban, ngành lập dự án và xây dựng các chương trình để thực hiện đầu tư trong từng giai đoạn, từng thời kỳ theo cảm tính, thiếu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, dẫn đến việc lập dự án sơ sài, theo ý muốn chủ quan của các địa phương, bộ, ngành.

Hơn nữa, việc biến động giá cả nguyên vật liệu cũng khiến cho một số dự án đình trệ lại do lo sợ hao hụt nguồn vốn. Bài toán đặt ra là phải làm thế nào để cho vốn trung chuyển của các dự án đã được hạch toán từ những năm trước “bao” được mức tăng giá đột biến mới để không bị đội vốn quá mức cho phép khiến phải tính toán, trình duyệt lại… như kịch bản chậm tiến độ của các dự án đầu tư công trước đây. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương ngay khi tiếp nhận kế hoạch giao vốn, cần tính toán kĩ lưỡng.

PV: Làm sao để sang năm 2022 công tác giải ngân vốn đầu tư công không còn nhiều khó khăn, vướng mắc như thời gian qua, thưa ông?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thời gian tới, trước hết cần hạn chế đầu tư dàn trải, nên xem xét cắt giảm các dự án chưa cần thiết để tập trung vốn đầu tư cho một số dự án quan trọng, triển khai nhanh chóng để sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả cho nền kinh tế. Cùng với đó, cần khống chế số lượng dự án đầu tư, khi đưa ra dự án nào thì dự án đó phải thực sự cần thiết và có tác động lâu dài, rót vốn đến đâu thì hoàn thành dứt điểm dự án đến đó. Để giải quyết được những bất cập này, chúng ta phải thắt chặt kỷ luật xây dựng dự án đầu tư, phải thuyết minh và lập được dự án sơ bộ. Trong dự án sơ bộ phải được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra giám sát và cân đối nguồn lực của nền kinh tế với nhu cầu và khả năng của hoạt động đầu tư một cách tốt nhất.

Để thúc đẩy kết quả giải ngân cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành để thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Theo đó, cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết với quy trình cấp vốn và nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng làm không thực chất.

Ngoài ra, trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành phải được đề cao từ các khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định. Đồng thời, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để từ đó các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bảo Minh

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%