Đồng USD bước vào chu kỳ tăng giá và tác động đến nền kinh tế Việt Nam

Đồng USD bước vào chu kỳ tăng giá và tác động đến nền kinh tế Việt Nam 15/11/2021 19:00:00 2205

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đồng USD bước vào chu kỳ tăng giá và tác động đến nền kinh tế Việt Nam

15/11/2021 19:00:00

Sau khi trải qua đợt suy thoái nghiêm trọng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nền kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà hồi phục mạnh nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin và các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế quy mô lớn đã phát huy hiệu quả. Sự phục hồi mạnh của nền kinh tế là động lực chính giúp đồng USD đang bước vào chu kỳ tăng giá mới, đặc biệt trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đang có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt. Mặc dù vị thế đã suy giảm trong những năm gần đây, song đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ, trao đổi thương mại quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu, có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu với thế giới và có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Hoa Kỳ. Do đó, xu hướng tăng giá của đồng USD tất yếu có tác động đối với nền kinh tế nước ta. Bài viết phân tích tác động của xu hướng tăng giá đồng USD đối với nền kinh tế Việt Nam và khuyến nghị chính sách.

1. Đồng USD bước vào chu kỳ tăng giá mới

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Để ứng phó với đại dịch, Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều chính sách, tăng số lượng tiền đưa vào nền kinh tế nhằm cứu trợ người dân và doanh nghiệp. FED đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua việc duy trì lãi suất 0 - 0,25% và bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng, mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. Chính sách tiền tệ nới lỏng đã làm cho nhu cầu đồng USD tăng, làm cho đồng USD suy giảm trong năm 20201. Sang năm 2021, nền kinh tế Hoa Kỳ dần hồi phục với tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I và quý II/2021 lần lượt đạt 6,3% và 6,5% chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng tăng 11,8% nhờ việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được triển khai rộng.

Bên cạnh đó, lạm phát của Hoa Kỳ cũng có xu hướng tăng, dự báo ở mức 3% trong năm 2021 và 2,1% trong năm 2022. Do đó, FED đang cân nhắc việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, thúc đẩy đồng USD tăng giá. Ngoài ra, sự suy giảm chứng khoán toàn cầu và khả năng hình thành “bong bóng” ở các tài sản rủi ro cũng làm gia tăng nỗi lo của các nhà đầu tư, dẫn đến đồng USD tăng giá. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biến thể Delta xuất hiện nhiều tại các nước châu Âu, Ấn Độ và châu Á làm tăng nhu cầu dự trữ đồng USD.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số USD dollar index tăng 3%, từ 90,58 điểm trong tháng 01/2021 lên 93,26 điểm trong tháng 8/2021. Đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt và bắt đầu chu kỳ tăng giá2. Dự báo trong thời gian tới, nếu kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng ổn định và FED có thể sẽ nâng lãi suất vào năm 2023 nhằm kiềm chế lạm phát, đồng USD bước vào chu kỳ tăng giá liên tục.

2. Đồng USD tăng giá tác động đến Việt Nam

Tại các nước mới nổi và đang phát triển, khoảng 80% lượng phát hành trái phiếu và trên 50% dòng vốn giao dịch ngân hàng xuyên biên giới được định giá bằng đồng USD. Theo BIS (2021), nếu đồng USD mạnh thêm 1% thì sẽ làm cho triển vọng tăng trưởng tại các nước mới nổi và đang phát triển giảm 0,3%. Do được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch thương mại và tài chính toàn cầu nên bất cứ sự biến động nào của đồng USD cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu. Mỗi đợt tăng giá của đồng USD trùng với xu hướng hủy bỏ đòn bẩy tài chính của ngân hàng, các điều kiện tài chính toàn cầu được thắt chặt hơn, dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính và tăng trưởng tại các nước mới nổi và đang phát triển sẽ giảm3. Mặc dù từ những năm 1990, tỷ lệ nợ tư nhân và nợ công bằng đồng ngoại tệ đã giảm nhưng sự biến động của ngoại tệ vẫn có ảnh hưởng lớn tới các nước mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là những nước xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa do nhận được dòng vốn nhiều hơn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới đã, đang và sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là sẽ tác động đến một số lĩnh vực như xuất khẩu, nhập khẩu; nợ công; dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Xuất khẩu, nhập khẩu

Đồng USD tăng giá sẽ có ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu (thủy sản, dệt may…) sẽ được hưởng lợi dù có sự phân hóa trong ngành. Ngành hàng xuất khẩu chủ yếu dùng nguyên vật liệu trong nước sẽ được hưởng lợi ích tuyệt đối; trái lại, các ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp sẽ không được hưởng lợi đáng kể. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu thuần tuý nguyên vật liệu trong nước thì sẽ được hưởng lợi từ việc đồng USD tăng giá và nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu (dệt, sợi, thức ăn chăn nuôi, nhựa, vận tải biển, săm lốp, dược phẩm, xi măng…) và các doanh nghiệp vay nợ bằng đồng USD lớn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do chi phí sử dụng vốn tăng.

Đối với những hàng hóa được định giá quốc tế bằng đồng USD, khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, những hàng hóa này trở lên đắt hơn, làm cho nhu cầu ở các thị trường mới nổi giảm. Sự gắn kết giữa đồng USD và VND ngày càng mạnh nên xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác (trừ Hoa Kỳ) và có đồng nội tệ giảm giá cũng sẽ gặp khó khăn hơn, do người mua hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu mức giá cao hơn khi thanh toán bằng nội tệ của họ. Do đó, các nước nhập khẩu sẽ buộc phải giảm hoặc tạm ngừng mua hàng, hoặc nếu có thì sẽ yêu cầu giảm giá.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020 và Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năn 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 51,8 tỷ USD, tăng 37,47% so với cùng kỳ năm 2020 và vẫn được hưởng lợi từ việc USD tăng giá. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm có xu hướng tăng (tăng 0,37% từ 8,18 tỷ USD trong tháng 1 lên 8,21 tỷ USD trong tháng 8) một phần nhờ ảnh hưởng của đồng USD tăng giá. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang một số thị trường khác có đồng nội tệ giảm so với đồng USD đã có xu hướng giảm: xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 9,37% (từ 3,63 tỷ USD trong tháng 1 xuống 3,29 tỷ USD trong tháng 8); sang Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm từ 1,84 tỷ USD xuống 1,72 tỷ USD; sang Trung Quốc giảm 12,26% (từ 4,65 tỷ xuống 4,08 tỷ).

Trong cơ cấu thị trường nhập khẩu của Việt Nam, một phần do ảnh hưởng của đồng USD tăng giá nên kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm biến động phức tạp nhưng có xu hướng tăng từ 1,13 tỷ USD trong tháng 1 lên 1,53 tỷ USD trong tháng 8. Kim ngạch nhập khẩu từ một số thị trường khác trong 8 tháng năm 2021 có xu hướng tăng; trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ EU trong tháng 8/2021 tăng 3,73% so với tháng 01/2021; từ Trung Quốc tăng 5,34%; từ Nhật Bản tăng 12,5%.

Do đồng USD tăng giá nên cơ cấu mặt hàng xuất - nhập khẩu đối với Hoa Kỳ có sự biến động. Những sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước khác cũng đã giảm4; tuy nhiên, đối với những sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguyên liệu đầu vào trong nước lại có xu hướng tăng5. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng chính có xu hướng giảm6.

Nợ công

Đồng USD tang giá còn có thể ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính tại các nước có nợ bằng đồng USD, trong đó có Việt Nam, làm tăng nguy cơ gây ra khủng hoảng nợ, do khi đồng USD lên giá thì nợ ngoại tệ tính bằng VND sẽ tăng cao, kéo theo số trả nợ sẽ cao. Những doanh nghiệp vay ngoại tệ có chi phí vay vốn và trả lãi tính bằng VND sẽ tăng, làm giảm lãi suất hoặc tăng lỗ, khi đó Việt Nam sẽ phải mất nhiều nội tệ hơn để trả nợ, từ đó có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế. Nếu động thái kích thích tài khóa của Hoa Kỳ dẫn đến nợ công của nước này trong dài hạn cao hơn thì sẽ làm cho lãi suất toàn cầu tăng, từ đó ảnh hưởng tới Việt Nam thông qua việc thắt chặt các điều kiện tài chính.

Trong cơ cấu nợ công của Việt Nam năm 2020, nợ công tính bằng đồng USD chiếm 13%. Do đó, đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng đến khoản nợ bằng đồng USD của Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Khi đồng USD tăng giá do FED tăng lãi suất, về lý thuyết nguồn vốn sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển như Việt Nam và chảy ngược về Hoa Kỳ để được hưởng mức lãi suất cao hơn, tuy nhiên mức độ sẽ phụ thuộc vào đặc thù từng thị trường. Nếu trong thời gian tới, đồng USD tăng giá do FED nâng lãi suất sẽ làm giảm dòng vốn vào Việt Nam, đặc biệt dòng vốn của các ngân hàng trung gian và làm cho lãi suất tăng.

3. Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Trước những tác động của việc đồng USD tăng giá, Việt Nam cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng USD có xu hướng tăng giá, rủi ro về lạm phát và bất ổn tài chính có xu hướng tăng cao khi các ngân hàng trung ương trên thế giới thu hồi sớm hơn các biện pháp nới lỏng so với dự kiến, Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động VND đủ hấp dẫn để tăng việc chuyển đổi từ đồng USD sang VND, ổn định tâm lý thị trường, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm trên thị trường ngoại tệ để ngăn chặn đầu cơ. Từ đó góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Quản lý, giám sát chặt chẽ dòng vốn nước ngoài

Cơ chế giám sát hiệu quả nguồn vốn ra (vào) Việt Nam cần được sớm triển khai, đảm bảo khả năng cung ngoại tệ trong trường hợp có sự dịch chuyển vốn. Việc cung ứng ngoại tệ cho các đối tượng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, trong đó nghiên cứu thẩm định kỹ việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đầu tư của các doanh nghiệp; đồng thời, tăng thu hút ngoại tệ từ kiều hối, du lịch, góp phần hạn chế tình trạng đô la hóa quay trở lại khi thị trường ngoại hối quốc tế biến động.

Tăng cường quản lý và giám sát thị trường tài chính nhằm nâng cao hiệu quả và tính ổn định của khu vực tài chính - ngân hàng, nhờ vậy có thể giảm hiện tượng bong bóng đầu cơ.

Tạo thuận lợi thương mại, quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, chống gian lận thương mại

Tiếp tục mở rộng xuất - nhập khẩu thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; tăng cường đàm phán xóa bỏ những rào cản đối với các mặt hàng có lợi thế so sánh với các đối tác mà Việt Nam đang nhập siêu. Đa dạng hóa thị trường hàng hóa xuất khẩu, cũng như thị trường nhập khẩu của Việt Nam để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, đặc biệt như thị trường Hoa Kỳ. Việc đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu từ các nước còn có thể giúp hạn chế ảnh hưởng từ việc FED nâng lãi suất trong thời gian tới.

Các cam kết hội nhập trong lĩnh vực tài chính mà Việt Nam đã đưa ra cần được thực hiện có trách nhiệm; chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nhất quán; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập, kịp thời điều chỉnh hợp lý, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình này.

Ban TCQT&CSHN

 

Tài liệu tham khảo

1. Beata Caranci và James Orlando (2021), Dollars and sense: something’s gotta give.

2. Dimas Bagus Wiranata (2010), Analysis the impacts of exchange rate fluctuation toward the of exports and imports performance in the oic member countries.

3. Kristijan Gavarnic và Dejan Milectics (2016), US Dollar stability and the global currency reserves.

4. National Bank of Canada (2021), Fincal markets.

5. Nikkei Asia (2021), Who’s in troubles, the US dollar or emerging economies?

Bài đăng trên Thông tin Phục vụ lãnh đạo số 17 năm 2021

*1 Chỉ số USD dollar index giảm 10,14%, từ 99,05 điểm trong tháng 3/2020 xuống còn 89,93 điểm trong tháng 12/2020.

*2 Đồng USD tăng 4,9% so với đồng EUR (cao hơn mức tăng 0,6% trong tháng 1); tăng 7,2% so với đồng JPY (cao hơn mức tăng 1,4% trong tháng 1); tăng 6,7% so với AUD (cao hơn mức tăng 0,6% trong tháng 1); tăng 8,1% so với KRW (cao hơn mức tăng 3% trong tháng 1).

*3 Bruno và Shin (2015), IMF (2015) và Abbate (2016).

*4 Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch lớn nhất (chiếm 29,36%) đã giảm từ 1,56 tỷ USD (tháng 01/2021) xuống còn 1,2 tỷ USD (tháng 7/2021); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sau khi tăng từ 0,94 tỷ USD (tháng 01/2021) lên 1,12 tỷ USD (tháng 3/2021), sau đó giảm xuống 0,89 tỷ USD (tháng 6/2021) và 1,01 tỷ USD (tháng 7/2021).

*5 Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng 118,18% (tăng từ 0,11 tỷ USD trong tháng 01/2021 lên 0,24 tỷ USD trong tháng 7/2021); hạt điều tăng 69,23%.

*6 Kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả giảm 24,32%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 17,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 2,8%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng giảm 2,5%.

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%