ThS. Đỗ Thị Thu - Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng
(Tapchitaichinh.vn) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn với phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, nhiều dự án FDI đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, tác động lan toả tích cực của FDI cũng còn hạn chế. Bằng phương pháp thống kê mô tả dựa trên các dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu này sẽ làm rõ một vài tác động tích cực, cũng như những hạn chế trong thu hút FDI ở Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế trong việc thu hút FDI.
Biến động thu hút FDI ở Việt Nam
Kể từ khi đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang mô hình nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài do ổn định về chính trị, nguồn nhân lực dồi dào với giá lao động rẻ. Năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD, trong đó số vốn FDI thực hiện là 428,5 triệu USD, đạt trên 20% vốn đăng ký.
Lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng dần ngay sau đó. Đáng chú ý là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 đã làm gia tăng mạnh mẽ vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ 21,35 tỷ USD năm 2007 lên đến 71,73 tỷ USD chỉ riêng năm 2008, điều này cho thấy, sự kỳ vọng là rất lớn.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vào năm 2008, sau đó lan ra toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam. Xu hướng sụt giảm này vẫn tiếp tục kéo dài cho đến năm 2012. Từ năm 2013 đến năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam duy trì được tốc độ tăng đều đặn cả về số dự án đăng ký mới, số vốn đăng ký và số vốn thực hiện hàng năm.
Tác động của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam
Tác động đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế có mối tương quan thuận chiều với tốc độ tăng thu hút FDI thực hiện hàng năm ở Việt Nam. Vốn FDI chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Việc gia tăng vốn FDI được giải ngân sẽ làm mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp 20,35% trong giá trị GDP năm 2019).
Có thể thấy, cơ cấu khu vực FDI trong GDP có xu hướng tăng dần từ năm 2005 đến nay. Năm 2005, khu vực FDI đóng góp 15,16% trong tăng trưởng GDP. Con số này có xu hướng tăng đều đến năm 2008, mặc dù có giảm nhẹ vào năm 2009 và năm 2010, nhưng sau đó tiếp tục tăng trở lại và tăng dần đến 20,35% vào năm 2019. Kết quả này cho thấy, khu vực FDI ngày càng có những đóng góp trực tiếp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, FDI cũng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp vào thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Những đóng góp này ngày càng được nâng cao. Giá trị xuất khẩu hàng hoá của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 27% vào năm 1995 và tăng gấp gần 3 lần lên tới 71,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước vào năm 2020.
Mặc dù, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 168,8 tỷ USD, chiếm tới 64,3% kim ngạch nhập khẩu của cả nước nhưng tính chung cho năm 2020, khu vực FDI đã xuất siêu 33 tỷ USD không kể dầu thô, giúp bù đắp 15,6 tỷ USD nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước (Tổng cục Thống kê, 2020), từ đó, đảo ngược cán cân thương mại của Việt Nam về kết quả xuất siêu 19,1 tỷ USD.
Những đóng góp này cho thấy, vai trò quan trọng của FDI trong tăng trưởng của Việt Nam. Tốc độ tăng vốn FDI đăng ký và và thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây được đánh giá là do Việt Nam đang tích cực hội nhập tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do - FTA với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế. Nền kinh tế có thể dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài.
Về tác động của FDI đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, sự tham gia của khu vực FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự tập trung vốn FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành công nghiệp khác, là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và gia tăng năng lực sản xuất các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao trong nền kinh tế. FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu.
Tác động của FDI đến thị trường lao động và vấn đề việc làm
Khu vực FDI góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho người lao động. Theo Tổng cục Thống kê (2019), kết quả Điều tra Lao động - Việc làm quý 1/2019, khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang tạo công ăn việc làm cho 3,8 triệu người lao động, chiếm trên 7% trong tổng lực lượng lao động (trên 54 triệu lao động), chiếm trên 15% trong tổng lao động làm công ăn lương (25,3 triệu người) ở Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI.
Mức lương bình quân của lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn FDI cao hơn so với trong khu vực nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, mức lương trung bình của lao động trong khu vực có vốn FDI là 8,2 triệu đồng/tháng, trong đó đối với lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng và lao động nữ là 7,6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lao động trong khu vực nhà nước có mức lương trung bình là 7,7 triệu đồng/tháng và đối với khu vực ngoài nhà nước là 6,4 triệu đồng/tháng (Tổng cục Thống kê, 2019).
Bên cạnh mức lương cao, khu vực FDI cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp.
Số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xãhội năm 2017 cho thấy, trên 57% doanh nghiệp FDI thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động. Trong đó, tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong doanh nghiệp FDI, tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam thông qua việc dịch chuyển lao động từ khu vực FDI sang các khu vực còn lại.
Tác động của FDI trong cải tiến khoa học - công nghệ
Không thể phủ nhận rằng, khu vực FDI đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ, là kênh quan trọng giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn cả về kinh tế - xã hội với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. FDI được kỳ vọng là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là trong một số ngành như: Điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghệ sinh học...
Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc cải tiến khoa học - công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đến đầu năm 2020, chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp FDI sử dụng các công nghệ tiên tiến của châu Âu và Hoa Kỳ. Ngược lại, có tới 30% đến khoảng 45% doanh nghiệp FDI đang sử dụng các công nghệ của Trung Quốc. Tuổi đời của công nghệ được sử dụng chủ yếu là công nghệ ra đời từ năm 2000 đến năm 2005 và phần lớn những công nghệ này là công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến của khu vực. Các công nghệ này đa phần chưa được cập nhật, do các doanh nghiệp FDI chưa tập trung nhiều nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tác động của FDI đến môi trường
Khu vực FDI đã tích cực tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ xanh, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, xây dựng và nâng cao nhận thức về nền kinh tế xanh cho người lao động và người tiêu dùng. Có thể kể đến lợi thế của FDI đối với việc phát triển bảo vệ môi trường tại Việt Nam như Dự án hệ thống xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Công ty Điện lực Phú Mỹ 3 với việc cài đặt hệ thống phát hiện rò rỉ tự động và trồng 4.000 cây xanh xung quanh công ty…
Bên cạnh những tác động tích cực, nhiều sự cố môi trường xảy ra do hoạt động xả thải của các doanh nghiệp FDI trong những năm qua là những bằng chứng cho thấy tác động tiêu cực của việc thu hút FDI đến môi trường ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chứng minh, ô nhiễm có khả năng “di cư” từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua kênh FDI.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018) tiếp tục ủng hộlýthuyết các nước đang phát triển là“nơi trúẩn ônhiễm” của Ederington vàcộng sự; Rober Hoffmann; Grossman vàKrueger. Xét theo quy mô, doanh nghiệp FDI lớn thường gây ônhiễm môi trường nhiều nhất so với các doanh nghiệp trong những khu vực còn lại.
Hàm ý chính sách
Những phân tích trên cho thấy, trong quá trình thu hút FDI, cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế trong việc thu hút FDI; Cần khuyến khích thu hút các dự án FDI có khả năng tạo tác động lan toả, tạo ngoại ứng tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cần hoàn thiện và áp dụng triệt để hơn nữa các quy định kỹ thuật, điều kiện tiên quyết về khoa học công nghệ hay tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án FDI bên cạnh các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án FDI mang theo những công nghệ xanh, sách, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng hơn tới đánh giá tác động của các dự án FDI đến các hệ sinh thái tự nhiên, sức khoẻ con người và các vấn đề xã hội khác. Đây là những vấn đề chưa được nêu trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam hiện nay.
Cần khẳng định rằng, sự hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế thông qua thu hút FDI không chỉ tạo ra những tác động về kinh tế, môi trường thiên nhiên, mà còn tác động tới môi trường văn hoá ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có và chính sách quản lý phù hợp với các doanh nghiệp FDI để có thể tiếp nhận những văn hoá kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, văn minh và hạn chế những tác động tiêu cực về văn hoá - xã hội đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong nước.
Tài liệu tham khảo
1. Tổng cụ Thống kê (2019), Báo cáo Điều tra Lao động - Việc làm quý I/2019, Hà Nội;
2. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội quý IV/2020 và năm 2020, Hà Nội;
3. Ngân hàng Thế giới (2020), Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019: Việt Nam - Kết nối vì Phát triển và Thịnh vượng chung, Washington DC;
4. Lê Trình (2013), Các kết quả, hạn chế chính của đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kiến nghị tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa các nội dung này trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Hà Nội;
5. Vũ Thị Minh Ngọc và Lê Quang Linh (2020), Tác động của FDI đến môi trường tại các tỉnh khu vực phía Bắc, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Số 119 Tháng 01/2020, Hà Nội;
6. Rakhmatullayeva, D., Kuliyev, I., Beisenbaiyev, Z., & Tabeyev, T. (2020), Assessment of the influence of FDI on the economic growth of the host country: evidence from Kazakhstan, In E3S Web of Conferences (Vol. 159, p. 06007), EDP Sciences.
Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021