Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế 14/06/2021 08:36:00 6615

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế

14/06/2021 08:36:00

TS. Chu Thị Bích Ngọc, Khoa Thống kê - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Tapchitaichinh.vn) Thực tế những năm qua đã minh chứng hoạt động đổi mới sáng tạo có vai trò động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Đặc biệt, việc đối mặt với những thách thức từ đại dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu cho nước ta cần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế Việt Nam, qua đó góp phần hiện thực hóa chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ổn định, bền vững hơn.

Đóng góp của hoạt động đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế Việt Nam

Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.

Trong quá trình thực hiện cải cách từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo đánh giá của Startup Blink (2020), hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới, trong đó nếu tính riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong top 20 - 25 hệ sinh thái hàng đầu.

Đặc biệt, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển.

Theo số liệu của Bộ KH&CN (2020), đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015 là 33,6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020...

Bên cạnh đó, những đóng góp về KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển KT-XH ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế.

Việt Nam tiếp tục đứng đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ ba, sau Singapore và Malaysia.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Việc dành nguồn lực đầu tư đã tạo ra nhiều thay đổi về nền tảng cho nghiên cứu khoa học như cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ; từ đó đã có được những đề tài khoa học và sản phẩm công nghệ có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tăng trưởng kinh tế vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, biến đổi mới sáng tạo thành tài nguyên vô tận cho tăng trưởng bền vững.

Theo thống kê của Bộ KH&CN (2021), Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm DN và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập.

Số lượng Quỹ Đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu có 108 Quỹ đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 23 Quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 Quỹ thuần Việt. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua, thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Chiến lược phát triển KT-XH Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của KH&CN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa. Trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030, các nội dung KH&CN và đổi mới sáng tạo được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và có tính đến bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định rõ vai trò của các trung tâm đổi mới sáng tạo, cũng như khẳng định DN là trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Để cụ thể hóa nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP năm 2020, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và khuyến khích thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương và các DN…

Với các giải pháp cụ thể, Chính phủ yêu cầu phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược.

Các nghị quyết cũng nêu rõ việc thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số…

Khó khăn, thách thức trong hoạt động đổi mới, sáng tạo của Việt Nam

Bên cạnh những thành tựu nổi bật và những nỗ lực tổ chức thực hiện, hiện nay, KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức, cụ thể:

- Các chương trình KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa có sự gắn kết với các chương trình liên quan, phân bổ nguồn kinh phí và nguồn nhân lực cho các mục đích và lĩnh vực cụ thể chưa được liên kết một cách có hệ thống.

- Các chính sách đổi mới KH&CN của Việt Nam tập trung nghiên cứu và phát triển và sáng tạo tri thức mà chưa tập trung cho các DN lựa chọn, ứng dụng. Hiện nay, vẫn thiếu một giải pháp đủ khả thi để khuyến khích các DN và đầu tư tư nhân vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng KH&CN.

- Các DN tư nhân Việt Nam ít sử dụng và cải tiến công nghệ, đổi mới.

Theo Bộ KH&CN (2020), 97% DN Việt Nam là nhỏ và vừa, chưa đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Các chính sách cũng thiếu sự liên kết giữa DN và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa, hoặc thiếu các nghiên cứu ứng dụng, điều này làm hạn chế tiến bộ công nghệ đóng góp vào tăng trưởng năng suất.

- Mặc dù, nguồn lao động của Việt Nam khá dồi dào, song lại thiếu chuyên môn sâu, thiếu trình độ công nghệ cao và các kỹ năng cần thiết. Trong khi đó, yếu tố con người là một trong những điều kiện bắt buộc khi thực hiện đổi mới sáng tạo.

- Năng lực của các tổ chức nghiên cứu và nhà nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Ở cấp độ tổ chức, các viện nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu đối diện với thực trạng thiếu nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực.

Quy mô của các viện nghiên cứu tương đối nhỏ về cả số lượng nhà nghiên cứu và ngân sách để khai thác quy mô kinh tế và triển khai các nghiên cứu liên ngành. Trong khi đó, năng lực của các nhà khoa học còn hạn chế, thiếu những nhà khoa học hàng đầu; số lượng bằng sáng chế và số lượng tác phẩm được công bố trên các tạp chí quốc tế có danh tiếng bị hạn chế...

Khuyến nghị

Với việc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam nên chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam hiện đang đứng trước “cơ hội vàng” để bứt phá và tăng tốc nhờ KH&CN và đổi mới sáng tạo. Để tận dụng được cơ hội này, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới tư duy về thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển KT-XH, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.

Hai là, các chính sách và chương trình KH&CN và đổi mới sáng tạo cần phải phù hợp với các chiến lược phát triển KT-XH, chính sách công nghiệp và chính sách giáo dục, đào tạo đại học.

Ba là, đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo nhất là từ DN, đặc biệt, bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy, tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa đầu tư cho nghiên cứu phát triển, cũng như tài trợ cho đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi sang cách làm mới, cách sống mới. Việc ưu tiên cho đổi mới sáng tạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo; đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc trong hệ thống luật pháp và chính sách để KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển KT-XH, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại...

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy DN làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của DN; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao.

Thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện - trường - DN, thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các DN khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nguồn lực để bứt phá nhanh...

Sáu là, thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.

Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tài liệu tham khảo

1. Huỳnh Thành Đạt (2021), Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận, Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng;

2. Những thách thức lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, https://skhcn.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/asset_ publisher/4roH7oNwBEIm/content/nhung-thach-thuc-lon-trong-linh-vuc-khoa-hoc-cong-nghe-va-oi-moi-sang-tao;

3. Trung tâm Nghiên cứu và Pht triển truyền thông khoa học và công nghệ (2020), Đổi mới sáng tạo toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam;

4. Hoàng Giang (2021), Ba thách thức của Việt Nam trong đổi mới sáng tạo, Báo điện tử Chính phủ;

5. Nguyễn Phạm (2021), Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, Báo Nhân dân điện tử.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021