Tổng cung | |
Tăng trưởng | Theo Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022 - đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế dịch Covid-19. Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng. Công nghiệp dự báo tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 trong tháng 3/2021, mức cao nhất tính từ tháng 1/2019. Khu vực dịch vụ được sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vaccine Covid-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp. Khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng. Đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm 2021 - 2022. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng. Thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tăng 8% trong năm 2021 và 2022. (Theo baochinhphu.vn ngày 28/4) |
Sản xuất công nghiệp | Liên Bộ Công Thuơng - Tài chính vừa công bố giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu từ 15h ngày 27/4/2021. Theo đó, xăng E5RON92 tăng 182 đồng/lít, giá bán tối đa 17.988 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 191 đồng/lít, giá bán lẻ tối đa 19.161 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S tăng 187 đồng/lít, giá bán tối đa 14.328 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 432 đồng/lít, giá tối đa 13.259 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 336 đồng/kg, giá bán tối đa 14.023 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với tất cả các loại xăng dầu. Đồng thời, thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.900 đồng/lít (kỳ trước là 1.800 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 1.050 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít), dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 250 đồng/lít), dầu hỏa chi ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu mazut ở mức 500 đồng/kg (như kỳ trước). Việc Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và chi Quỹ BOG ở mức cao là động thái nhằm hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần bình ổn giá hàng hóa trên thị trường, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. (Theo baochinhphu.vn ngày 27/4) |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 tăng 1,1% so với tháng 3/2021 và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, IIP tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6% (cùng kỳ năm trước giảm 6,5%), đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước giảm 0,3%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,7% (cùng kỳ năm trước giảm 6,8%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm trong mức tăng chung. (Theo vneconomy.vn ngày 29/4) |
Doanh nghiệp | Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4/2021 là 14.866 nghìn doanh nghiệp, tăng 3.695 doanh nghiệp tương đương tăng 33,1% so với tháng 3/2021. Trong đó, tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới đạt 179.873 tỷ đồng; số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4/2021 là 94.617 lao động tăng 30% về số lao động so với tháng 03/2021. Cả nước ghi nhận có 5.745 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1.216 doanh nghiệp so với tháng 3/2021. Bên cạnh đó, số liệu công bố cũng cho thấy, trong tháng 4/2021 đã có 1.541 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm nhẹ so với tháng 3/2021 (1.608 doanh nghiệp); đồng thời, có 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước đạt 44.166 doanh nghiệp, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng cao nhất trong các năm 2017 - 2021 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế; với tổng số vốn đăng ký 627.721 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. (Theo tapchitaichinh.vn ngày 29/4) |
Tổng cầu | |
Đầu tư | Theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/4/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD; vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm 2021, có 451 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 54,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời có 263 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 21,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 2,7 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, còn có 1.151 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 64,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt trên 1 tỷ USD, giảm 57,8% so với cùng kỳ năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 5,2 tỷ USD, chiếm 42,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,1 tỷ USD, chiếm 41,3%. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt đạt 778 triệu USD và 464 triệu USD. (Theo cafef.vn ngày 27/4) |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 545,9 triệu USD, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 142,8 triệu USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ và 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 403,2 triệu USD, tăng 25,5 lần so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu USD, chiếm 27,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... Lũy kế đến ngày 20/4/2021, Việt Nam đã có 1.417 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 21,8 tỷ USD, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng (36%), nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,4%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (23,1%); Campuchia (13%); Nga (12,7%). (Theo baochinhphu.vn ngày 28/4) |
Tính đến ngày 20/4/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 5,2 tỷ USD, chiếm 42,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư gần 5,1 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó, lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đăng ký đạt 778 triệu USD và 464 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác. Theo đối tác đầu tư, có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư. Đáng chú ý là, vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 91,1% và 71,5% tổng vốn đăng ký của hai quốc gia này. Đứng vị trí thứ 3 là Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ… Lũy kế đến nay, cả nước có 33.463 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 394,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 238,36 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. (Theo baochinhphu.vn ngày 29/4) |
Ngân sách
nhà nước | Tính đến hết ngày 31/01/2021, dự toán kinh phí ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020 còn 64,76 nghìn tỷ đồng chưa sử dụng (không kể các khoản đã được chuyển nguồn sang năm 2021 theo quy định). Trong đó, có nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách và xử lý cân đối NSTW năm 2020 là 15,6 nghìn tỷ đồng; tiết kiệm chi của NSTW năm 2020 là 12,1 nghìn tỷ đồng; dự toán chi cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2020 nhưng chưa thực hiện theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội là 14,6 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, dự toán chi NSTW năm 2020 chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết (do đặc thù của năm 2020 yêu cầu triệt để tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, nên có một số nhiệm vụ chậm triển khai hoặc không phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh phí thực hiện thấp hơn dự kiến, dẫn đến dư kinh phí) là 22,46 nghìn tỷ đồng, do không thuộc đối tượng được chuyển nguồn sang năm 2021 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước nên phải hủy bỏ dự toán. (Theo tapchitaichinh.vn ngày 29/4) |
Xuất - nhập khẩu | Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/4/2021, lĩnh vực nông nghiệp có 3 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, giảm 1 nhóm so với cùng kỳ 2020. Nhóm hàng bị sụt giảm kim ngạch là cà phê với kết quả xuất khẩu đạt 508.855 tấn, kim ngạch gần 915 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 đạt 598.338 tấn, kim ngạch 1,006 tỷ USD. Mặc dù tổng kim ngạch và sản lượng đều giảm nhưng do kim ngạch giảm thấp hơn sản lượng nên trị giá bình quân mỗi tấn của năm 2021 cao hơn năm 2020. Cụ thể, những tháng đầu năm 2021 đạt trị giá bình quân 1.798 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ 1.680 USD/tấn. Các thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam tập trung ở khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Hoa Kỳ… Các nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD khác của ngành nông nghiệp là gỗ và sản phẩm với kim ngạch đạt 4,437 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ 2020; thủy sản gần 2,1 tỷ USD, tăng 9,1%; rau quả đạt 1,17 tỷ USD, tăng 9,2%. (Theo haiquanonline.com.vn ngày 27/4) |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau hai năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn rất thấp, chỉ đạt 4%. Theo đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp. Đây là chỉ dấu rất đáng quan ngại, cho thấy khả năng hiện thực hóa các lợi ích xuất khẩu trực tiếp từ Hiệp định này của Việt Nam còn hạn chế. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam đi các thị trường đã phê chuẩn CPTPP chỉ đạt kim ngạch xấp xỉ năm 2019. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP trong năm thứ hai này đã được cải thiện, đạt 4%, song vẫn còn thấp. Nguyên nhân dẫn tới việc chưa tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP của doanh nghiệp là do Hiệp định có nhiều quy định phức tạp. Cùng với đó, quy tắc xuất xứ có nhiều điểm mới và khác biệt so với các hiệp định thương mại tự do khác, đòi hỏi thời gian để tìm hiểu và điều chỉnh sản xuất. (Theo cafef.vn ngày 27/4) |
Tổng cục Thống kê ước tính, tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng 3/2021 và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 25,76 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%. Cả nước có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoa Kỳ vẫn giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,8 tỷ USD, tăng 32,4%; thị trường EU đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,1%; thị trường ASEAN đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3%; Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2021 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 5,1% so với tháng 03/2021 và tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cả nước ước nhập siêu 1,5 tỷ USD trong tháng 4/2020. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu 1,29 tỷ USD. (Theo congthuong.vn ngày 29/4) |
Cân đối vĩ mô | |
Lạm phát | Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng 3/2021, tăng 1,27% so với tháng 12/2020 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào và giá điện, nước sinh hoạt giảm theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4/2021 giảm so với tháng 3/2021. Lạm phát cơ bản tháng 4/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. (Theo nhandan.com.vn ngày 29/4) |
Tín dụng | Triển khai Thông tư số 64/2019/TT-BTC ngày 16/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 314/2016/TT-BTC ngày 28/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước về việc gửi tiền có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi theo phương thức điện tử, Kho bạc Nhà nước đã thiết kế, xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống quản lý ngân quỹ để thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại kể từ ngày 01/12/2020. Tính đến ngày 22/4/2021, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện các đợt chào gửi tiền qua Hệ thống quản lý ngân quỹ với tổng số tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại đạt gần 276.000 nghìn tỷ đồng. Sau 1 thời gian ngắn thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại qua Hệ thống quản lý ngân quỹ, đến thời điểm hiện tại, tổng số đợt chào gửi qua hệ thống là 94 đợt với tổng số tiền gửi đạt gần 276.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng thời gian thực hiện 1 giao dịch là 4 ngày làm việc (rút ngắn 2 ngày so với quy định tại Thông tư số 64/2019/TT-BTC). (Theo baochinhphu.vn ngày 27/4) |
Thị trường tài sản | |
Bất động sản | Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong quý I/2021, giá thuê bất động sản trên khắp cả nước có xu hướng tăng, lập đỉnh ở nhiều nơi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại miền Nam, trong quý I/2021 không phát sinh nguồn cung mới về đất công nghiệp hay nhà xưởng xây sẵn, song giá thuê đất vẫn duy trì đà tăng giá mạnh và đạt đỉnh mới với 11 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn đạt trung bình ở mức 4,5 USD/m2/tháng cho toàn khu vực, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020, do nhu cầu lớn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ mở rộng sản xuất. Tại miền Bắc, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc đạt khoảng 9.500 ha, trong khi nguồn cung nhà xưởng xây sẵn ở mức 1,8 triệu m2 sàn. Bắc Ninh và Hải Phòng là hai thị trường có nguồn cung bất động sản công nghiệp dồi dào nhất ở miền Bắc, nhờ vào vị trí chiến lược, hệ sinh thái khu công nghiệp lâu đời và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Trong khi đó, dữ liệu của Savills Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 88%, Đồng Nai 94%, Bình Dương 99%, Long An 84%, Bà Rịa Vũng Tàu 79%. Theo chuyên gia JLL Việt Nam, nhu cầu bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng nhờ vào làn sóng các công ty công nghệ rót vốn vào thị trường Việt Nam. Để đón đầu vốn đầu tư nước ngoài, các địa phương đã tích cực thúc đẩy việc mở rộng các khu công nghiệp, với khoảng 10.500 ha đất đã được quy hoạch thêm. (Theo tapchitaichinh.vn ngày 26/4) |
Nhận định chuyên gia | Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Đánh giá về triển vọng đối với trái phiếu xanh tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ ra một số ngành có tiềm năng thu hút đầu tư như ngành năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước. Trong đó, với ngành năng lượng tái tạo, số liệu cho thấy các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện chỉ chiếm 2,1% tổng sản lượng điện được sản xuất vào năm 2019. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo lên 7% vào cuối năm 2020 và 10% vào năm 2030, đồng thời giảm sử dụng điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó, theo Báo cáo Cơ hội đầu tư khí hậu của IFC, giai đoạn 2016 - 2030, Việt Nam có thể thu hút được khoảng 753 tỷ USD đầu tư cho khí hậu, trong đó phần lớn (khoảng 571 tỷ USD) là đầu tư cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Đầu tư cho năng lượng tái tạo có thể thu hút được 59 tỷ USD, trong đó hơn một nửa (31 tỷ USD) là vào các dự án năng lượng mặt trời và 19 tỷ USD cho các dự án thủy điện nhỏ. Khoảng 80 tỷ USD sẽ đầu tư vào lĩnh vực công trình xanh. (Theo haiquanonline.com.vn ngày 25/4) |