Tổng cầu | |
Ngân sách
nhà nước | Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2020 (APCI 2020) cho thấy, đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm thủ tục hành chính thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá ở mức cao nhất, tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Để thực hiện các thủ tục hành chính trong nhóm này, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 3,8 giờ và 11,6 nghìn đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trung gian trọn gói thấp, khoảng 5% với chi phí trung bình 500 nghìn đồng/thủ tục hành chính. Đây là nhóm dẫn đầu với điểm số cao và mức phí tuân thủ thấp. Thái Bình có thực tiễn tốt nhất về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm thủ tục hành chính thuế với trung bình là 0,9 giờ. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có điểm số tốt nhất trong số các vùng kinh tế trọng điểm và thời gian thực hiện ngắn nhất là 1,9 giờ, trong khi vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long có điểm số thấp nhất khi doanh nghiệp trung bình phải bỏ ra 9,5 giờ, tương đương với hơn một ngày làm việc, để hoàn thành một thủ tục hành chính thuế. Sự cải thiện của nhóm thuế là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Thời gian thực hiện thủ tục giảm 19% và chi phí trực tiếp giảm tới 79%, kéo tổng chi phí cho việc thực hiện một thủ tục hành chính giảm 66% so với năm 2019. (Theo TTXVN ngày 17/3) |
Xuất - nhập khẩu | Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 02/2021 đạt 7,91 tỷ USD, tăng 5,3% tương ứng tăng 400 triệu USD so với kỳ 1 của tháng 2. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, riêng doanh nghiệp FDI đạt 37,01 tỷ USD, tăng mạnh 32,1% (tương ứng tăng 8,98 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 75,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Không chỉ thể hiện ưu thế ở các nhóm hàng chủ lực như điện thoại; máy vi tính; máy móc, thiết bị; dệt may; giầy dép… hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang lấn sân mạnh sang lĩnh vực nông nghiệp như cà phê, thủy sản, rau quả, hạt tiêu… Trong đó, xuất khẩu cả phê đạt 162,8 triệu USD; thủy sản 103,7 triệu USD; các nhóm hàng còn lại cũng đạt hàng chục triệu USD. Hết tháng 02/2021, có 6 nhóm hàng của doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch tỷ USD. Trong đó, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất và cũng là nhóm hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Ở nhóm hàng này, doanh nghiệp FDI đạt 9,7 tỷ USD, đóng góp 99% kim ngạch của cả nước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 7,1 tỷ USD, chiếm 98% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Các nhóm hàng tỷ USD khác là dệt may; dệt may; máy móc, thiết bị; gỗ và sản phẩm gỗ. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu cả nước của doanh nghiệp FDI tăng thêm 4,1 điểm phần trăm so với thời điểm kết thúc năm 2020 (từ 71,8% lên 75,9%). Sự tăng trưởng về tốc độ và tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI dựa phần lớn vào sự phục hồi của nhóm hàng điện thoại và máy vi tính. (Theo haiquanonline.com.vn ngày 16/3) |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến nửa đầu tháng 02/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh đạt 3,89 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo trong các tháng tiếp theo, xuất khẩu cá tra sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương hai con số so với cùng kỳ năm 2020. Lý giải việc xuất khẩu cá tra sang Anh có mức tăng ấn tượng, theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký của VASEP, Anh là thị trường xuất khẩu tiềm năng của thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng. Cụ thể, thị trường Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Năm 2020, mặc dù Anh đã ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến hết ngày 31/12/2020. Do đó, khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã giúp giao thương hai quốc gia không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc. (Theo congthuong.vn ngày 16/3) |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 2 năm 2021 ước đạt 210 nghìn tấn với giá trị đạt 81 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 683 nghìn tấn và 256 triệu USD, tăng 56% về khối lượng và tăng 77,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 01/2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 95,4% thị phần, gấp 2,3 lần về khối lượng và gấp 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong các sản phẩm sắn xuất khẩu tháng 01/2021, xuất khẩu sắn lát ước đạt 168.864 tấn, kim ngạch 40,9 triệu USD, giá 242,2 USD/tấn, tăng mạnh 125% về lượng, tăng 280,8% về kim ngạch và tăng 69% về giá so với tháng 12/2020; so với tháng 01/2020 cũng tăng rất mạnh với mức tăng tương ứng 228%, 364% và 41,5%. Thông tin tổng hợp từ Hiệp hội sắn ngày 19/02/2021 cho biết, các nhà máy chế biến sắn đang thiếu nguyên liệu dù vụ sản xuất 2020 - 2021 theo thông lệ hằng năm còn kéo dài vài tháng nữa. Theo nhận định từ các thương nhân, giá sẽ giữ mức cao vì nguồn cung giảm. Nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020 - 2021 của Việt Nam ở mức thấp, trong khi giá tinh bột sắn và giá ngô tăng dẫn đến các nhà máy của Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền. (Theo congthuong.vn ngày 12/3) |
Theo Tổng cục Hải quan cho thấy, 15 ngày đầu tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 13,3 tỷ USD, trong đó có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vươn lên dẫn đầu trong nửa đầu tháng này, vượt qua điện thoại và linh kiện. Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,16 tỷ USD, trong khi điện thoại và linh kiện chỉ đạt hơn 1,9 tỷ USD. 2 nhóm hàng còn lại là máy móc, thiết bị; dệt may với kim ngạch lần lượt là gần 1,6 tỷ USD và gần 1,3 tỷ USD. Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15/3/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 62 tỷ USD, tăng tới hơn 11 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020 tương đương tốc độ tăng trưởng gần 22,7%. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch nửa đầu tháng 3/2021 đạt hơn 13 tỷ USD và lũy kế từ đầu năm đạt gần 60,2 tỷ USD. Với kết quả trên, nước ta vẫn duy trì được thặng dư thương mại lớn với con số xuất siêu gần 2 tỷ USD. (Theo haiquanonline.com.vn ngày 19/3) |
Thị trường tài sản | |
Chứng khoán | Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục có diễn biến sôi động trong tháng 02/2021. Trên thị trường sơ cấp, thông qua 11 đợt đấu thầu được tổ chức tại HNX trong tháng 02/2021, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 3.515 tỷ đồng trái phiếu. So với tháng 01/2021, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm tại kỳ hạn 5 năm với mức giảm 0,04%/năm, tăng tại kỳ hạn 15 năm với mức tăng 0,02%/năm. Trên thị trường giao dịch thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu chính phủ bình quân trong tháng 02/2021 đạt 11.529 tỷ đồng/phiên. Khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 966 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt 106 nghìn tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 603 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 66.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch repos chiếm 38,4% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, giá trị mua đạt hơn 3.500 tỷ đồng, giá trị bán đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Như vậy, tháng 02/2021, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.300 tỷ đồng. (Theo TTXVN ngày 16/3) |
Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2020, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt trên 374 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua là 342 nghìn tỷ đồng, tập trung phần lớn ở những năm mới thành lập. Thời gian gần đây doanh số mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC có xu hướng giảm dần. Năm 2020, Công ty đã thực hiện mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt 14.700 tỷ đồng, trong khi kế hoạch tối đa là 15 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC cũng xử lý các khoản nợ đã mua, phối hợp với tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng đối với các khách hàng có triển vọng, thu giữ, nhận bàn giao tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để xử lý, bán tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ... Bên cạnh đó, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý hơn 290 nghìn tỷ đồng đồng nợ xấu. Thu hồi nợ đạt gần 167 nghìn tỷ đồng. Sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, giá trị nợ thu hồi chiếm 63%. Năm 2020, VAMC phối hợp với TCTD xử lý lượng dư nợ trên 46 nghìn tỷ đồng, thu hồi nợ từ TPĐB trên 14 nghìn tỷ đồng. Đến 31/12/2020, có 21 TCTD thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại VAMC. Năm 2020, có 8 TCTD đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt là Vietinbank, BIDV, MSB, HDBank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank, LienVietPostBank. VAMC còn đang quản lý nợ xấu của 18 TCTD với trên 91.700 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt. (Theo baodauthau.vn ngày 18/3) |
Đàm phán - Ký kết | Tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sàn thương mại điện tử Alibaba.com (thuộc Tập đoàn Alibaba) ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thương mại điện tử. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua môi trường thương mại điện tử đã đóng vai trò ngày càng quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Trước thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn; phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động cụ thể và thực tiễn nhằm đồng hành hiệu quả nhất. Cũng trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết theo hình thức trực tuyến Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sàn Thương mại điện tử Alibaba.com trong việc cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thương mại điện tử. (Theo TTXVN ngày 16/3) |