Lãi suất huy động quý II/2021 có xu hướng tăng?

Lãi suất huy động quý II/2021 có xu hướng tăng? 09/03/2021 09:10:00 1252

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Lãi suất huy động quý II/2021 có xu hướng tăng?

09/03/2021 09:10:00

Sau thời gian dài điều chỉnh giảm lãi suất, mới đây hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh tăng, thậm chí tăng mạnh đến 0,9%/năm, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hiện nay được ghi nhận đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

M:\9.3.jpg

Xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi ngay từ đầu tháng

Trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, thì những ngày đầu tháng 3/2021, một số ngân hàng thương mại bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động trở lại. Theo đó, đáng chú ý là việc tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn trên bảng niêm yết của Techcombank áp dụng từ ngày 01/3. Lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường tại kỳ hạn 6 tháng tăng mạnh 0,5 - 0,6 điểm phần trăm lên 4,4 - 4,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm lên 5,1 - 5,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng cũng tăng thêm khoảng 0,5 - 0,6 điểm phần trăm. Riêng đối với khách hàng ưu tiên kỳ hạn 12 tháng là 5,2 - 5,5%/năm. Hiện nay, lãi suất cao nhất tại Techcombank áp dụng cho khách hàng thường là 5,8%/năm và khách hàng ưu tiên là 5,9%/năm. VPBank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân từ ngày 02/3 và điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức tăng phổ biến là 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng. Tại ACB, lãi suất huy động dành cho kỳ hạn 2 tháng, 3 tháng cũng được điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm phần trăm.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, nguyên nhân lãi suất tăng là do áp lực lạm phát sẽ tăng khi ngoài xăng dầu tăng giá thì việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 làm cho nhu cầu ở nhóm dịch vụ ăn uống, giải trí và đi lại tăng lên. Bên cạnh đó, yếu tố từ ngoài nước cũng đang gây áp lực lên lạm phát. Hiện nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng. Điển hình là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Hoa Kỳ có thể làm nền kinh tế thế giới bị “quá nhiệt” và tăng lạm phát.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, mặc dù lãi suất huy động có tăng nhẹ, nhưng nhóm 10 ngân hàng thương mại có quy mô tiền gửi tiết kiệm cao nhất hệ thống ít có sự thay đổi biểu lãi suất huy động. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, biểu lãi suất huy động được giữ nguyên so với tháng trước. Trong nhóm ngân hàng nhà nước cổ phần, các ngân hàng như LienVietPostBank, SeABank, TPBank… lãi suất tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp và không thay đổi so với tháng 02/2021. Trong khi đó, một số ngân hàng khác lại điều chỉnh giảm, như tại BacABank, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm và niêm yết ở mức 3,6%/năm; trong khi kỳ hạn 6 - 12 tháng cùng lúc điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm cho mỗi kỳ hạn. Ngân hàng SCB cũng điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống còn 6,8%/năm.

Dự báo lãi suất quý II/2021

Trước động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất đầu vào chỉ mang tính cục bộ tại một vài ngân hàng, không phải xu hướng chung của thị trường. Bởi hiện nay, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Các ngân hàng đang tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng.

Tuy nhiên thực tế, để giảm thêm lãi suất cho vay, thì một trong những yếu tố quan trọng là mặt bằng lãi suất huy động phải giảm sâu hơn. Song lãi suất huy động phải bảo đảm thực dương so với lạm phát mới có thể hấp dẫn được người gửi tiền. Trong khi lạm phát lại đang có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm. Chưa kể, dự báo cầu tín dụng sẽ tăng nhanh trở lại trong năm nay khi kinh tế phục hồi. Do đó, lãi suất cũng sẽ phải đối diện với không ít áp lực. Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, mặc dù vẫn còn, song dư địa để giảm lãi suất không nhiều. Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ đã chạm đáy trong khi lãi suất huy động cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Theo đó, mặt bằng lãi suất có thể sẽ chạm đáy vào nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021.

M:\9.3-.gif

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc giảm thêm lãi suất là rất khó, do kinh tế phục hồi càng mạnh sẽ càng kéo cầu tín dụng tăng, làm cho khả năng giảm lãi suất càng khó. Trong năm 2021, điều hành chính sách tiền tệ phải hết sức khéo léo, nếu chặt quá có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế; nhưng nếu nới quá thì rủi ro tài chính, lạm phát tăng cao. Lãi suất thấp, dòng tiền đã chuyển sang các kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản. Mặc dù chưa có dấu hiệu bong bóng nhưng nếu tiếp tục hạ lãi suất thì rủi ro tài chính là hiện hữu.

Hồng Phấn