Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 08 - 12/3/2021

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 08 - 12/3/2021 12/03/2021 16:35:00 327

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 08 - 12/3/2021

12/03/2021 16:35:00

Tổng cung

 

Tăng trưởng

Theo bảng xếp hạng do Quỹ di sản vừa công bố, năm 2021 là lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình”, tăng 2,9 điểm và thăng 15 bậc so với năm 2020 (nhóm hầu như không tự do). Nguyên nhân chỉ số này của nền kinh tế Việt Nam thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Việt Nam đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Quỹ Di sản nhận định thứ bậc xếp hạng của Việt Nam có thể tăng hơn nữa nếu chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.

(Theo TTXVN ngày 06/3)

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong 10 năm tới. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cải thiện các cơ sở hạ tầng. Mặc dù dự báo của Fitch thấp hơn mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7% do nhà nước đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025, Fitch cho biết, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết gần đây sẽ giúp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường ở nước ngoài và giúp Việt Nam tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác thương mại duy nhất.

Một yếu tố tích cực khác là Việt Nam đặt ưu tiên cho việc nhập khẩu máy móc và thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, theo Fitch Solutions, điều này đòi hỏi phải nâng cao cấp độ kỹ năng, vốn là điều chỉ có thể cải thiện một cách tuần tự trong thập niên tới. Các nhà kinh tế của Ngân hàng Bank of America cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, với mức 9,3%, cao hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới.

(Theo TTXVN ngày 11/3)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 02/2021 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trùng với đợt bùng phát dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do đó, tiến độ thực hiện các dự án, công trình bị chậm lại; đồng thời, chủ đầu tư, nhà thầu chủ yếu tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 2 tháng đầu năm 2021 so với kế hoạch đạt không cao, bằng 9%, tuy nhiên vẫn cao hơn 5 năm trở lại đây.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN tháng 02/2021 ước đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm: vốn Trung ương quản lý 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2%; vốn địa phương quản lý 15,2 nghìn tỷ đồng, giảm 3,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, bằng 9% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 7,2% và tăng 17,9%).

Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% kế hoạch năm và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn địa phương quản lý đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, bằng 9,4% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.

(Theo TTXVN ngày 07/3)

Ngân sách
nhà nước

Bộ Tài chính cho biết số thu NSNN 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 286.700 tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, thu nội địa đạt 246,65 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán, tăng 2,8%. Về chi cân đối NSNN 2 tháng đầu của năm 2021 đạt 207.300 tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Chi đầu tư phát triển đạt 23,49 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán, giảm 32,4%.

Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan quản lý thu ngân sách đã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế và thu NSNN, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Theo đó, cơ quan thuế đã thực hiện 3.400 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 16.500 hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 3.400 tỷ đồng, trong đó thu vào NSNN 780 tỷ đồng (đã thu nộp 345 tỷ đồng), giảm lỗ 2.500 tỷ đồng; đã thu hồi được 5.100 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế.

(Theo TTXVN ngày 08/3)

 

Tổng cục Hải quan cho biết, 2 tháng đầu năm 2021 mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như nguồn thu ngân sách, tuy nhiên, với quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan đã triển khai quyết liệt, đồng bộ kế hoạch hành động cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ ngày 04/01/2021 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.

Nhờ đó, qua 2 tháng đầu năm 2021, toàn ngành Hải quan đã thu nộp ngân sách nhà nước đạt 54.760 tỷ đồng, bằng 17,38% dự toán được giao, bằng 16,54% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm trước. Trong toàn Ngành ghi nhận nhiều cục hải quan đạt được kết quả thu ngân sách tăng mạnh. Điển hình như tại Cục Hải quan Lạng Sơn, thu ngân sách nhà nước đạt 931,4 tỷ đồng, bằng 27% so với chỉ tiêu được giao; Cục Hải quan Quảng Trị đã thu ngân sách đạt 180,6 tỷ đồng, tăng hơn 251% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 38% chỉ tiêu pháp lệnh được giao... Đặc biệt, tại 9 Cục Hải quan tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa cũng đã thu đạt 44.549 tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán, bằng 15,93% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 10,61% so với cùng kỳ năm 2020.

(Theo baodauthau.vn ngày 11/3)

Xuất - nhập khẩu

Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam - Vinacas cho thấy, trong 15 năm liền, từ năm 2006 - 2020, kể cả trong những thời điểm khó khăn, ngành điều Việt Nam vẫn luôn giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều và hoàn toàn làm chủ công nghệ và thiết bị chế biến. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam trở thành trung tâm chế biến và xuất nhập khẩu điều số 1 thế giới, chiếm hơn 50% lượng điều thô chế biến.

Năm 2020, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu hạt điều vẫn đạt gần 515 nghìn tấn, trị giá 3,21 tỷ USD, tăng 13% về lượng, nhưng giảm 2,3% về trị giá so với năm 2019. Theo Vinacas, trong 30 năm, từ năm 1990 - 2020, ngành điều đã xuất khẩu trên 4,6 triệu tấn nhân điều, với tổng giá trị ước đạt hơn 31 tỷ USD.

(Theo TTXVN ngày 06/3)

Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UAE đạt 809 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt xấp xỉ 737 triệu USD, tăng gần 60% và nhập khẩu đạt 72 triệu USD, tăng 44%. Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn ở thế xuất siêu với thị trường này. Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này, đạt 551 triệu USD, tăng gần 108% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mặt hàng như giầy dép các loại và hàng dệt may có kim ngạch giảm, lần lượt đạt 14 triệu USD và 11 triệu USD, giảm 23% và 11% tương ứng. Tuy nhiên, các mặt hàng nông thủy sản đều tăng trưởng khả quan. Cụ thể, hạt điều đạt 10,3 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, có thể kể tới hàng thủy sản đạt 10,6 triệu USD, tăng 18%; hàng rau quả đạt 7,5 triệu USD, tăng 12% và hạt tiêu đạt 4,8 triệu USD, tăng 17%. Đây đều là những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị gia tăng cao cũng như bền vững trong xuất khẩu.

(Theo TTXVN ngày 11/3)

Cân đối vĩ mô

 

Lạm phát

Theo nhận định của khối nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC, mặc dù lạm phát của tháng 02/2021 tăng cao nhất trong 8 năm qua nhưng lạm phát trung bình cả năm vẫn sẽ ổn định ở mức 3%. Mặc dù những ảnh hưởng của Tết đóng một vai trò quan trọng, nhưng giá điện tăng mạnh cũng được xem là một động lực chính. Sau khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trợ giá điện một lần vào tháng 01/2021 thì tháng 02/2021 giá điện đã tăng 20% so với tháng trước. Trong khi đó, giá lương thực đang tăng và chi phí vận tải cao hơn cũng góp phần đẩy chỉ số lạm phát lên cao.

Theo HSBC, biến động giá điện có thể chỉ là sự điều chỉnh hành chính diễn ra một lần. Giá thực phẩm và chi phí vận tải mới là những yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ vì có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng chung, với tỷ trọng lần lượt là 34% và 10%. Song đáng chú ý, nếu không tính đến những biến động diễn ra trong dịp Tết, trong hai tháng đầu năm 2021, giá thịt lợn chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao đang gây ra rủi ro tăng giá trong rổ thực phẩm và sản phẩm chế biến phục vụ chăn nuôi. HSBC kỳ vọng giá thực phẩm sẽ giảm đáng kể sau khi năm 2020 đã có mức tăng 10%. Chuyên gia HSBC cũng lo ngại lạm phát sẽ có áp lực tăng từ giá vận tải cao hơn (HSBC dự báo giá dầu thô Brent tăng 34% lên 56 USD một thùng vào năm 2021).

(Theo vietnamplus.vn ngày 11/3)

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Theo HNX, tháng 02/2021, thị trường UPCoM diễn biến theo chiều hướng tăng giá các cổ phiếu. Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng, chỉ số UPCoM-Index đạt 76,64 điểm, tăng 10,7% so với cuối tháng trước và đây cũng là phiên giao dịch có điểm chỉ số cao nhất tháng. Giá trị vốn hóa thị trường UPCoM tại phiên giao dịch cuối tháng 02/2021 đạt hơn 1.030 tỷ đồng, tăng 6,34% so với tháng trước. Về quy mô thị trường, tính đến hết tháng 02/2021, tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM đạt 907 doanh nghiệp với tổng khối lượng đăng ký giao dịch đạt xấp xỉ 37,7 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch đạt 376,8 nghìn tỷ đồng.

So với tháng 01/2021, toàn thị trường UPCoM có hơn 796 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giảm 42,68%, tương ứng giá trị giao dịch 11,6 nghìn tỷ đồng, giảm 41,59%. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 53,1 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 23,58% so với tháng 01/2021. Giá trị giao dịch đạt hơn 771 tỷ đồng/phiên, giảm 22,12% so với tháng 01/2021.

5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng 02/2021 gồm: BSR với 184.834.128 cổ phiếu; PVX với 30.776.084 cổ phiếu; VGT với 28.644.716 cổ phiếu; CC1 với 25.955.302 cổ phiếu và QTP với 25.758.170 cổ phiếu.

(Theo tapchitaichinh.vn ngày 08/3)

Số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 02/2021, nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 40 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu niêm yết HNX. Cụ thể, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HNX đạt 34,8 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 580 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 312 tỷ đồng, giá trị bán ra đạt hơn 272 tỷ đồng. Trong đó, 5 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất tháng 02/2021 gồm: NVB với 8.721.000 cổ phiếu; PVS với 3.952.180 cổ phiếu; SHS với 1.130.800 cổ phiếu; APS với 650.100 cổ phiếu; SHB với 559.700 cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài cũng mạnh một số cổ phiếu, trong đó có 5 cổ phiếu được bán nhiều nhất tháng 02/2021 gồm: PVS với 4.419.561 cổ phiếu; VNC với 1.105.333 cổ phiếu; BVS với 1.012.450 cổ phiếu; ACM với 824.300 cổ phiếu; và HUT với 750.551 cổ phiếu.

(Theo baodauthau.vn ngày 10/3)

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo tổng quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020. Theo báo cáo này, trong năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 182,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường, tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.

Tuy nhiên, những dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cho thấy lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành trong năm 2020 ở lĩnh vực này khá lớn, tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại về rủi ro. Cụ thể, có 35,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành mới không có tài sản đảm bảo, chiếm 19,6% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành. Trong đó, các tổ chức phát hành nhiều nhất là Công ty cổ phần bất động sản HANO-VID; Công ty cổ phần bất động sản Hoa Kỳ…

Tổng lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng.

(Theo baodauthau.vn ngày 07/3)

Bảo hiểm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 02/2021, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; trong đó, có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 19 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Ngoài ra còn có 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản ước đạt 582.385 tỷ đồng, tăng 24,10% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 422.060 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 470.893 tỷ đồng, tăng 22,85% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 24.203 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 345.786 tỷ đồng.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 26.950 tỷ đồng, tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 10.397 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 16.553 tỷ đồng.

(Theo tapchitaichinh.vn ngày 08/3)