Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 01 - 05/3/2021

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 01 - 05/3/2021 05/03/2021 16:30:00 317

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tin kinh tế - tài chính trong nước tuần 01 - 05/3/2021

05/03/2021 16:30:00

Tổng cung

 

Sản xuất công nghiệp

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước giảm 21,1% so với tháng 01/2021 và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 18,5% và giảm 23%; ngành chế biến, chế tạo giảm 23,1% và giảm 5,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,8% và giảm 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,7% và tăng 0,1%. Theo Tổng cục Thống kê, IIP tháng 02/2021 giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 02/2021 ít hơn 8 ngày và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương.

(Theo vneconomy.vn ngày 28/02)

Doanh nghiệp

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 02/2021, cả nước có 370 khu công nghiệp (KCN) được thành lập (bao gồm 328 KCN nằm ngoài các khu kinh tế - KKT, 34 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn ha.

Trong số 370 KCN được thành lập, có 284 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 55,9 nghìn ha và 86 KCN đang trong quá trình xây dựng cơ bản.

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt khoảng 43,4 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 57,8%, riêng các KCN đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 71,7%. Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,65 triệu lao động trực tiếp.

Tính đến cuối tháng 02/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,30 tỷ USD và 324,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng 2,34 tỷ USD và 152,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,2% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

(Theo baodauthau.vn ngày 01/3)

Trong tháng 02/2021, cả nước có 8.038 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 179,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20,3% về số doanh nghiệp và tăng 15,9% về vốn đăng ký so với tháng 01/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 22,4 tỷ đồng, tăng 45,5% so với tháng 01/2021 và tăng 111,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 80% so với tháng 01/2021 và giảm 21,3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể giảm 53,5% so với tháng 01/2021 và giảm 32,2% so với cùng kỳ.

Cũng trong tháng 02/2021, cả nước có 4.604 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 29,2% so với tháng 01/2021 và tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2020; 3.593 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 80,1% và giảm 21,3%; 2.606 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 53,5% và giảm 32,2%; 1.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 28,4% và tăng 26,5%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cả nước có 18,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% về vốn đăng ký và tăng 9,7% về số lao động so với cùng kỳ năm 2020.

(Theo bnews.vn ngày 01/3)

Bộ Tài chính cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, đã có 9 đơn vị thực thoái vốn nhà nước với giá trị 241,6 tỷ đồng, thu về 2.104 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn với giá trị 8 tỷ đồng, thu về 23,6 tỷ đồng. Về thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty, có 8 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam với tổng giá trị vốn thoái là 233,5 tỷ đồng, thu về 2.080,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 2 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 86 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 là 40 nghìn tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng về giao dự toán NSNN năm 2021.

(Theo baodauthau.vn ngày 04/3)

Tổng cầu

 

Đầu tư

Tính đến cuối tháng 02/2021, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 99,96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến ngày 23/02/2021, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã gửi báo cáo phân bổ vốn đầu tư kế hoạch năm 2021 tới Bộ Tài chính. Theo đó, tổng số vốn địa phương đã phân bổ là 353.259,434 tỷ đồng, đạt 99,96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Một số địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương ((Hà Giang, Lào Cai, Hải Phòng, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao do tăng từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết. Một số địa phương phân bổ vốn ngân sách trung ương thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (Gia Lai, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Phước, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang) do địa phương mới giao kế hoạch vốn đợt 1 và các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg, dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tính đến ngày 31/12/2020 tiếp tục hoàn thiện, phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025).

(Theo baochinhphu.vn ngày 01/3)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02/2021 ước đạt 439,7 nghìn tỷ đồng, giảm 5,4% so với tháng 01/2021 và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 354,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng 01/2021; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,5%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 915 tỷ đồng, giảm 40,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, giảm 12,6%.

Lý giải về mức giảm trong tháng, Tổng cục Thống kê cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và dịch Covid-19 diễn ra tại một số địa phương trong tháng 02/2021 làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng giảm so với tháng 01/2021. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt 904,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,49% so với cùng kỳ năm 2021, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước đạt 722,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2020. 

(Theo vneconomy.vn ngày 28/02)

Niềm tin tiêu dùng

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 do Brand Finance công bố, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối các nước ASEAN được nâng hạng. Theo đó, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam cũng được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua.

Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu - một công cụ cần thiết để nâng tầm vị thế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc xây dựng thương hiệu ngày càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng.

Đặc biệt, trong những năm qua, uy tín quốc gia của Việt Nam đã tăng lên rất lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, nhất là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam. Minh chứng là rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới. Thêm vào đó, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất - nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019). Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới.

(Theo congthuong.vn ngày 01/3)

Ngân sách
nhà nước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quốc hội đã thông qua tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN kế hoạch năm 2021 là 477.300 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2021 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương là 461.300 tỷ đồng, còn lại chưa giao 16.000 tỷ đồng (vốn chương trình mục tiêu quốc gia).

Tính đến ngày 28/02/2021, nếu không tính kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương phân bổ tăng thêm so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao, số vốn NSNN năm 2021 đã được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ chi tiết là 379.304,381 tỷ đồng, đạt 82% so với số Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, về cơ bản, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 ngay từ đầu năm, cơ bản bố trí theo nguyên tắc, tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, số vốn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ còn khá lớn (81.1995,619 tỷ đồng), bằng 18% kế hoạch Thủ tướng giao. Nguyên nhân chưa phân bổ là do một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch hoàn thiện thủ tục sau ngày 31/12/2020 nên không đủ điều kiện bố trí vốn; một số đơn vị dự kiến phân bổ cho các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí vốn ngân sách trung ương năm 2021.

(Theo baodauthau.vn ngày 03/3)

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết 2 tháng đầu năm 2021, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 246.449 tỷ đồng, bằng 22,1% so với dự toán, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 4.897 tỷ đồng, bằng 21,1% so với dự toán, bằng 46,7% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 241.553 tỷ đồng, bằng 22,1% so với dự toán. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ước đạt 200.392 tỷ đồng, bằng 22,7% so với dự toán. So với dự toán, có 8/18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 20%), 7/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng.

Số thu ngân sách trung ương lũy kế 2 tháng đầu năm năm 2021 ước đạt 109.000 tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, bằng 93,3% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 137.449 tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán, bằng 103,2% so với cùng kỳ.

(Theo baodauthau.vn ngày 04/3)

Xuất - nhập khẩu

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, kim ngạch song phương giữa hai nước có sự bứt phá ngoạn mục vào tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Cụ thể, trong tháng 01/2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84,61% so với tháng 01/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam trong tháng 01/2021 đạt 59,297 triệu USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ; trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, kim loại trừ thép (đạt 467 nghìn USD, tăng 1.462,5%); thuốc trừ sâu và nguyên liệu (đạt 1,042 triệu USD, tăng 505,8%); nguyên, phụ liệu dệt may (đạt 3,084 triệu USD, tăng 131,7%).

Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Vương quốc Anh với mức thặng dư trong tháng 01/2021 đạt 598,053 triệu USD (tăng 113,7% so với cùng kỳ năm 2020).

(Theo www.vietnamplus.vn ngày 28/02)

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, trong tháng 02/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước và giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2020. Về cán cân thương mại hàng hóa tháng 2 ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,48 tỷ USD, tăng 4,4%, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,07 tỷ USD, tăng 30,5%, chiếm 76,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD). Trong đó, khu vực trong nước nhập siêu 4,14 tỷ USD; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,43 tỷ USD.

(Theo TTXVN ngày 02/3)

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2021, tàu ngoại thông qua cảng biển Việt Nam chỉ đạt trung bình hơn 4.900 lượt, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, lượt tàu biển nội địa thông qua đạt hơn 5.300 lượt, tăng 11%. Việc sụt giảm tàu biển quốc tế đến Việt Nam do dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực vào các nền kinh tế. Điều này khiến thị trường vận tải trở nên bất ổn, nhiều hãng tàu buộc phải giãn hoặc giảm chuyến trong hành trình.

Mặc dù tổng lượt tàu ngoại giảm, song, sản lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu (do hãng tàu nước ngoài đảm nhận khoảng 90%) thông qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tương đối tốt. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2021, hàng nhập khẩu qua cảng biển đạt hơn 35,3 triệu tấn, tăng 14%. Hàng xuất khẩu giữ cân bằng sản lượng với cùng kỳ năm 2020 với hơn 26 triệu tấn. Đặc biệt, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong tháng 01/2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020 - mức tăng trưởng cao nhất kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Hàng container cũng có được mức tăng trưởng cao kể từ đầu mùa dịch đến nay với lượng hàng xuất khẩu đạt gần 1,3 triệu Teus, tăng 32% và hàng nhập khẩu đạt gần 1,2 triệu Teus, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.

(Theo baochinhphu.vn ngày 02/3)

Cân đối vĩ mô

 

Lạm phát

Tổng cục Thống kê cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kết thúc chương trình hỗ trợ giá điện, tiền điện cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2021 tăng 1,52% so với tháng 01/2021, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 02/2021 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, CPI tháng 02/2021 chỉ tăng 0,7%, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Bình quân 2 tháng đầu năm 2021, CPI giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%.

Bên cạnh đó, trong mức tăng 1,52% của CPI tháng 02/2021 so với tháng 01/2021, khu vực thành thị tăng 1,45%; khu vực nông thôn tăng 1,59%. Khu vực nông thôn có tốc độ tăng CPI cao hơn khu vực thành thị chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm điện sinh hoạt tăng cao.

(Theo TTXVN ngày 28/02)

Tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Đến ngày 23/02/2021, huy động vốn giảm 0,48%, tín dụng với nền kinh tế tăng 0,26% so với cuối năm 2020. NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. NHNN đã thực hiện điều hành giữ ổn định các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong tháng 02/2021, đã có 11 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,1 - 0,2%/năm các kỳ hạn. Lãi suất liên ngân hàng từ đầu tháng 2 tăng so với tháng 1 do nhu cầu thanh toán đột xuất tăng cao dịp giáp Tết Nguyên đán. Từ đầu năm đến nay, sau khi NHNN ngừng niêm yết tỷ giá mua giao ngay và thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang, tỷ giá liên ngân hàng đã có xu hướng giảm.

(Theo baodauthau.vn ngày 03/3)

Thị trường tài sản

 

Chứng khoán

Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2021 với tổng mức phát hành 350.000 tỷ đồng. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2021, KBNN thông báo kế hoạch đấu thầu TPCP qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội năm 2021 như sau: tổng mức phát hành là 350 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Khối lượng dự kiến: kỳ hạn 5 năm là 20 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 15 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 120 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 135 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm là 30 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 30 nghìn tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện, KBNN có thể điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu cho phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của NSNN.

(Theo baochinhphu.vn ngày 02/3)